Sống Mùa Vọng Tỉnh Thức

Nỗi trăn trở

Khi nghe chia sẻ nơi các nhóm, khi nghe những câu hỏi với những thắc mắc, khi chứng kiến những cuộc sống chung quanh, khi nghe giảng giải trên tòa giảng, khi đọc những bài viết tâm tình hoặc những bài gợi ý chia sẻ Tin Mừng soạn sẵn… thường làm cho tôi suy nghĩ và trăn trở. Nhất là những buổi tối, nghe hoặc đọc, là thế nào cũng làm cho tôi khó ngủ vì những điều suy nghĩ và trăn trở đó. Đôi khi bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó mà lương y, y tá vẫn định bệnh là vì tôi lo lắng vất vả với những gánh nặng của tu viện, của giáo xứ, của Cộng Đoàn nhiều quá… nhưng thật ra những chuyện đó, ngược lại, rất thanh thản, bình an lại còn hạnh phúc nữa chứ! nào ai dễ tin ?

            Không muốn sống hình thức với những lý thuyết xa lạ, những kiến thức mông lung, những tư tưởng trừu tượng… rồi điệu bộ ra vẻ đạo đức thánh thiện xa cách… Vì thế, chuyện khó khăn trăn trở đó là làm sao để tôi có được một lòng tin chân thật, một lòng mến sắt son, một lòng cậy trông vững vàng. Rồi từ đó với kinh nghiệm tôi có thể đồng hành và chia sẻ cho người khác, bằng những việc thực hành cụ thể. Bước vào Mùa Vọng năm nay lại nghe lại đọc thấy: Chúng ta phải tỉnh thức, phải chuẩn bị, phải sẵn sàng… Chúa đến thật bất ngờ, thật đột ngột. Ngày cùng tận của vũ trụ, ngày cùng tận của mỗi người… là những đề tài được khai thác triệt để, phong phú và sinh động với những câu chuyện kèm theo. Nhưng chân thành tự hỏi lòng mình là những điều ấy có làm cho tôi thay lòng đổi dạ không? Có phải chỉ là những điệp khúc nhai đi nhắc lại hằng năm mà có dính dáng gì đến đời tôi không? Cũng có thể nhấn thêm một chút về những câu chuyện chết đột xuất, chết tức tưởi, chết không kịp ngáp, chết tan tành xương thịt… làm cho lo sợ khiếp vía nhưng những chuyện “khủng bố” tinh thần đó có giúp cho tôi sốt sắng đạo đức được mấy ngày, bởi công việc trần gian lại cuốn hút tôi vào mê hồn trận? Những lời khuyên là hãy sống tỉnh thức, hãy sống sẵn sàng để đón Chúa đến bất cứ lúc nào (chết) bằng cách sống yêu thương, sống phục vụ, làm tông đồ bác ái… nhưng thật lòng mà nói cái bên trong hồn tôi có được ổn không, có được nâng đỡ không, nếu không được dựa trên cái chân đế là nền tảng đức tin?

          Sống Mùa Vọng Tỉnh Thức, đó là sống đức tin gặp gỡ liên đới với Đức Kitô trong cuộc sống thường ngày. Sống trong trần gian nhưng không bị trần gian lôi cuốn đè bẹp mà luôn nhận ra khuôn mặt thật của Thiên Chúa trong phút giây cuộc đời, trong những công việc nhỏ bé, trong những biến cố lớn lao. Khi sống được như thế thì sẽ chẳng bị giật mình hoảng loạn vì những chuyện bất ngờ đột ngột xảy đến cho dẫu bầu trời có sụp đổ và thân xác có tan tành. Thiên Chúa đã đến rồi, và Ngài vẫn đang đến, qua phong cảnh cây cối chim trời cá biển muông thú rừng hoang… qua những con người chung quanh, gặp gỡ sống động chứ không phải cỗ máy để tôi điều khiển… qua Lời Chúa mỗi ngày thấm vào lòng tôi … qua các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể để tôi tự tình…

            Vậy thì vấn đề không mấy phải lo, phải nhấn mạnh về việc Chúa đến lần thứ hai, bởi Ngài đến như thế nào thì Kinh Thánh đã nói mà chúng ta cũng chẳng cần phải đoán non đoán già và khai thác đề tài một cách chi tiết về cái ngày ấy. Nhưng là ngay hôm nay, Đức Kitô có dính dáng gì đến đời tôi không? Tôi và Ngài đã có một lần gặp gỡ để rồi trở nên thân thiện đằm thắm trong tình bạn chưa ? Tôi và Ngài đã có những chuyện kỷ niệm vui buồn với nhau rồi có thể kể đi kể lại cho người khác nghe mà vẫn cứ hấp dẫn mãi không ? Tôi và Ngài có gắn bó chặt chẽ để tôi có thể sống thanh thản bình an trong mọi tình huống biến cố cuộc đời chăng? Và muốn có được như vậy thì…

Nhờ qua biến cố

Tôi có được lòng tin sống động là nhờ qua biến cố tác động ở bên trong hoặc ở bên ngoài.

* Tác động biến cố bên ngoài ảnh hưởng bên trong và làm thay đổi toàn bộ con người, nhận ra một đường hướng sống. Các bài đọc Cựu Ước nói lên cảnh lưu đày nhọc nhằn ô nhục của dân Ít-ra-en và nỗi khát khao trở về quê hương xứ sở, về đền thờ của mình. Qua đó, lòng dân được thay đổi “để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ… Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liếm nên hái”. Trong Tân Ước, các môn đệ, đặc biệt các tông đồ, bước theo Đức Kitô tưởng là chức quyền danh vọng trong tầm tay nhưng khi chứng kiến Thầy mình chết trần trụi treo trên thập giá thì trước mặt các ông cả một bầu trời sụp đổ trơ trụi thảm hại tan tành mây khói, và khi Đức Giêsu Phục sinh thì cũng chính là lúc Người làm cho các ông “sống lại”. Qua biến cố ngã ngựa của Phaolo đã làm cho ông tỉnh thức. Qua những biến cố tác động thua thiệt mất mát trớ trêu của lịch sử cuộc đời đã sản sinh ra các thánh nhân. Cũng thế, nhiều con người xưa nay đã chứng kiến hoặc đã gặp những biến cố những hoàn cảnh éo le khốc liệt đến nỗi không còn đâu mà bám víu… một đất nước thay đổi rồi khăn gói quả mướp đi học tập, chứng kiến một người thân qua đời, chứng kiến một tan nạn xe cộ máy bay khủng khiếp, chiến tranh loạn lạc gươm giáo súng đạn máu me, bão táp lụt lội nước trôi gió cuốn, núi đồi sụt lở biển gầm sóng vỗ… chứng kiến những cảnh hoang tàn ghê rợn quá sức chịu đựng của con người. Vâng, qua những tác động bên ngoài đó con người sẽ tự cảm thấy thân phận nhỏ nhoi mỏng giòn giới hạn bế tắc của kiếp người (biết mình) không còn dám tự hào cậy vào sức mình, không còn gì để bám víu đảm bảo cho mạng sống, lòng ham muốn tư lợi ích kỷ vun vén thu tích của cải chức quyền địa vị đều nhận rõ ra khuôn mặt thật chỉ toàn là những ảo tưởng, giả dối, ru ngủ, che đậy, đè bẹp, bịp bợp, lừa đảo… Khi thấy rõ sự việc, khi nhận ra sự thật thì tất cả mọi chuyện đều trở nên tương đối trừ một mình Thiên Chúa.

* Tác động của lòng khát khao từ bên trong. Khi không bằng lòng với những nếp sống đạo sáo mòn trống rỗng, những thói quen máy móc, những nghi thức vô hồn xa xôi, những bài thuyết pháp mơ hồ lạc lõng, những lời kinh khô khan lạnh nhạt chẳng dính dáng đến đời mình, những sinh hoạt rầm rộ um oé mau qua, những đấng bậc quan cách trịch thượng luôn được ưu đãi che lấp cả Chúa, những nề nếp giáo dục đào luyện khắt khe triệt buộc… Tôi không thể sống mãi với lối sống đạo “rối” như mớ “bòng bong” đó nên nó đã thúc bách tôi khao khát đi tìm một sự thật. Lòng khát khao cháy bỏng trong tôi đưa dẫn tôi khám phá ra sự thật mà sự thật thì không trông chờ ở nơi người khác nhưng là ở trong chính tôi. Sự thật trong chính tôi là tôi nhận ra con người giới hạn bất toàn hèn kém của mình, nhận ra sự trống rỗng cô đơn khát mong được lấp đầy, nhận ra những ảo tưởng đang tự mãn bao bọc con người tôi. Sự thật nơi chính Chúa là tình thương yêu, thương yêu nhưng-không, thương yêu mà không cần biết tôi có xứng đáng hay không xứng đáng, thương yêu tôi trước khi tôi nhận ra lòng yêu thương của Người. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6)

* Tác động bởi người chung quanh. Với những người sống chung quanh tôi đã thể hiện ra cuộc sống một đời sống đức tin sống động, đã biểu lộ ra hình ảnh Đức Kitô khiêm nhường và hiền lành trong lòng, đã cùng với Đức Kitô đón nhận những khó khăn thua thiệt mất mát về phía mình… Với những tâm tình của bài viết, những lời chia sẻ đầy Thần Khí có tình cách thuyết phục… Tất cả những chuyện đó làm tôi có cảm tình và đã ảnh hưởng vào đời sống của tôi, giúp đỡ tôi thực hành lên đường đi tìm để gặp gỡ một Đấng mà Đấng ấy đến để tôi được sống và sống dồi dào. Người ta vẫn nói gần mực thì đen gần đèn thì rạng mà lị!

Kết

            Sống Mùa Vọng năm nay, tôi sẽ sống nỗi khát vọng sâu xa mà Chúa đã gieo vào lòng tôi để tôi thực hành trong cuộc sống bằng cách nào đó có thể gặp gỡ được Người. Có được như thế mới là một đời sống đức tin sống động, một sự tỉnh thức đúng nghĩa nhất

Mong Manh

Nguồn: sưu tầm

Comments are closed.