Hướng Dẫn Của Giáo Hội Về Việc Chọn Bổn Mạng Giáo Xứ & Tước Hiệu Nhà Thờ

Chọn và tôn kính một vị Thánh làm Bổn mạng cho Giáo xứ, Giáo họ biệt lập, các Hội đoàn, các Giới… là một truyền thống đạo đức đầy ý nghĩa trong đời sống Giáo Hội. Đó cũng là một thực hành quen thuộc rất đáng trân trọng trong Giáo phận chúng ta. Ban Phụng tự Giáo phận chúng con xin được trình bày với Quý Cha về các hướng dẫn của Giáo Hội để giữ cho thực hành này đúng với ý nghĩa thần học và phù hợp với ý muốn của Giáo Hội, nhằm mang lại nhiều hiệu quả thiêng liêng cho dân Chúa.

I. VỀ VIỆC CHỌN THÁNH BỔN MẠNG

1. Theo nghĩa Phụng vụ, Thánh Bổn mạng là vị Thánh được tôn kính như Đấng bảo trợ, Đấng chuyển cầu bên Tòa Chúa[1] cho các Kitô hữu thuộc:

a/ Một địa phương như là một quốc gia, vùng, giáo phận, giáo xứ, thành phố hoặc làng xã…;

b/ Một gia đình dòng tu;

c/ Một pháp nhân, một hiệp hội, tổ chức, các nhóm giáo sĩ hoặc giáo dân[2].

2. Có thể chọn làm bổn mạng Đức Trinh nữ Maria dưới các danh hiệu đã được chuẩn nhận trong Phụng vụ, các Thánh Thiên Thần hoặc các Thánh được mừng kính trong Phụng vụ. Các Á Thánh chỉ được phép chọn khi có phép đặc biệt của Tòa Thánh[3].

Một điều cần lưu ý là không bao giờ được chọn Thiên Chúa Ba Ngôi hay các ngôi vị Thiên Chúa làm Bổn mạng[4] vì Ngài là chính Đấng ban ơn chứ không phải Đấng chuyển cầu: “Không thể chọn Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng Bảo trợ, vì chính Thiên Chúa không tự giới hạn quyền bảo trợ của mình vào một nơi nào, cũng không phải là Đấng Bảo trợ ngang hàng với bất cứ ai khác”[5].

3. Bộ Phụng tự cũng quy định “Chỉ được chọn một thánh Bổn mạng. Được phép chọn hai vị thánh hoặc hơn hai vị làm Bổn mạng, nếu các vị thánh này trong lịch phụng vụ được mừng chung với nhau (Thí dụ: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Các thánh Tử Đạo Việt Nam)[6].

Tuy nhiên, khi có lý do đặc biệt, cũng được chọn thêm một thánh Bổn mạng khác như là Bổn mạng thứ hai. Trong tương lai, thông thường sẽ chỉ có một thánh Bổn mạng duy nhất[7].

II. VỀ TƯỚC HIỆU NHÀ THỜ HOẶC DÒNG TU…

1. Tước hiệu là danh hiệu, tên gọi dành cho một nhà thờ, một dòng tu, một hiệp hội, một nhóm. Tước hiệu khác với Thánh Bổn mạng, cho dù trong nhiều trường hợp Thánh Bổn mạng của Giáo xứ cũng được chọn làm Tước hiệu của Nhà thờ [8].

2. Tước hiệu được đặt khi nhà thờ được làm phép hay cung hiến[9].

Khác với việc chọn Thánh Bổn mạng, Tước hiệu có thể là “Thiên Chúa Ba Ngôi, hoặc Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo danh cầu của một mầu nhiệm trong cuộc đời Người hoặc một danh xưng đã được sử dụng trong phụng vụ, hoặc là Chúa Thánh Thần”.

Nhưng cũng giống với việc chọn Thánh Bổn mạng, có thể chọn tước hiệu “là Đức Trinh Nữ Maria theo một danh hiệu nào đó đã được chuẩn nhận trong phụng vụ; hoặc là các Thánh Thiên Thần, hoặc sau cùng là một vị Thánh đã được chính thức ghi vào trong sổ bộ các Thánh Tử Đạo Rôma hoặc trong phần phụ lục của sách ấy; nhưng không được là một vị Chân phước, mà không có phép chuẩn của Toà Thánh”[10].

Mặt khác, “chỉ được phép có một tước hiệu nhà thờ mà thôi, trừ khi là những vị Thánh này trong lịch phụng vụ được mừng chung với nhau (như thánh Phêrô và Phaolô…)”[11].

Giáo luật cũng minh định: “Mỗi nhà thờ phải có tước hiệu riêng và một khi đã được cung hiến thì không được thay đổi tước hiệu này nữa”[12].

3. Như vậy, cần phân biệt rõ “Tước hiệu” và “Bổn mạng”:

Tước hiệu có thể chọn Thiên Chúa Ba Ngôi hoặc từng Ngôi vị Thiên Chúa, nhưng Bổn mạng thì không được chọn Thiên Chúa Ba Ngôi.

– Chúng ta thấy có “Bổn mạng” của giáo xứ, giáo họ, dòng tu, các hội đoàn…, chứ không có bổn mạng của nhà thờ. Và không được chọn Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu hay các Ngôi Vị Thiên Chúa làm bổn mạng.

– Ngược lại, chúng ta thấy có “Tước hiệu” của một nhà thờ, của một Dòng tu, một cộng đoàn. Và có thể chọn làm “Tước hiệu” Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu hay từng Ngôi Vị Thiên Chúa, Đức Trinh Maria, v.v…

Thí dụ: “Chúa Cứu Thế” là tước hiệu của một Hội Dòng, nhưng “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” là bổn mạng của Hội Dòng này…

Như vậy, về phương diện phụng vụ, một giáo xứ thường có ba ngày lễ trọng riêng là: lễ Bổn mạng Giáo xứ, lễ Tước hiệu Nhà thờ và lễ Kỷ niệm ngày Cung hiến Nhà thờ hằng năm.

Tuy nhiên, với lễ kính Chúa Giêsu, liên kết với Đức Maria và Thánh Giuse trong mầu nhiệm cứu độ như “Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse” (Santae Familiae Iesu, Mariae et Ioseph), thường được chọn làm bổn mạng của các gia đình hoặc một cộng đoàn. Trong trường hợp này, gia đình hoặc cộng đoàn không chọn Chúa, mà chọn Đức Maria và Thánh Giuse như người bầu cử và gương mẫu của họ.

Chúng con hy vọng những điều trình bày trên sẽ giúp Quý Cha trong việc chọn lựa thánh Bổn mạng cho giáo xứ, giáo họ, hội đoàn, các nhóm… cũng như chọn Tước hiệu cho nhà thờ đúng với ý nghĩa thần học và phù hợp với hướng dẫn của Giáo Hội.

Long Khánh, ngày 24/9/2015

Ban Phụng Tự

—————-
[1] Cf. Thánh Bộ Phụng Tự  (nay là Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích [1988]), Qui tắc Patronus về việc đặt tên thánh Bổn mạng 19/3/1973, số 1 trong EV 4/2341.
[2] Ibid. số 3 trong EV 4/2343.
[3] Cf. GL 1278.                                                                                                          
[4] Cf. Thánh Bộ Phụng Tự, “Huấn thi Lịch riêng”, 24/6/1970, số 28 trong EV 3/2606; Cf. Thánh Bộ Phụng Tự, Qui tắc Patronus về việc đặt tên thánh Bổn mạng 19/3/1973, số 4 trong EV 4/2344.
[5] Le Gall Dom Robert, Tự điển Phụng Vụ (Dictionaire de Liturgie), C.L.D., 1982, tr. 42-43.
[6] Thánh Bộ Phụng Tự, Qui tắc Patronus về việc đặt tên thánh Bổn mạng 19/3/1973, số 5 trong EV 4/2345.
[7] Cf. Ibid. số 5 trong EV 4/2345.
[8] Ibid. số 2 trong EV 2/2342.
[9] Cf. Thánh Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Ordo dedicationis ecclesiae et altaris, 29/5/1977, Praenotanda, số 4, trong EV 6/201.
[10] Cf. Thánh Bộ Phụng Tự, số 4, trong EV 6/201; Cf. Huấn thị Lịch riêng, số 34, trong EV/2610.
[11] Thánh Bộ Phụng Tự,Caeremoniale Episcoporum, 14/9/1984, “Về việc cung hiến Nhà thờ”: Những điều cần biết trước, số 865.
[12] GL đ. 1218.

Comments are closed.