Hành Trình Ơn Gọi lớp Phanxicô Xaviê ĐCV Xuân Lộc

 Khẽ giật mình ngó lại

 Nghe tiếng thời gian qua

Nếu có ai để lại trong quá khứ những điểm nhấn thời gian, thì chắc hẳn nơi họ đã có những khoảnh khắc kỷ niệm đong đầy ý nghĩa. Có thể đó là thời điểm mà người ta đánh dấu về sự thành công, về những giây phút vinh quang hay về những khoảng lặng nào đó trong cuộc sống. Cũng có thể đó là thời điểm người ta tạo nên những bước ngoặc quan trọng của lịch sử đời người.

Và trong những bước ngoặc đó có chúng tôi.

1. Những bước đường đầu tiên

9h00 sáng ngày 26/08/2002, có lẽ đây là cột mốc thời gian khó có thể phai mờ trong ký ức, bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi được tập trung về Chủng viện để học, khởi đầu cho một chuyến hành trình dài của ơn gọi dâng hiến.

Buổi sáng hôm ấy, trời Long Khánh chào đón chúng tôi bằng một cơn mưa rất nhẹ. Phải chăng cơn mưa như giúp chúng tôi thanh tẩy những vẩn bụi của một đoạn đường sương gió. Một cơn mưa đã khiến chúng tôi bỏ lại đằng sau, bỏ ra bên ngoài lối sống cũ, não trạng cũ và cả con người cũ để đón nhận nơi mình một trạng thái mới.

Bốn mươi khuôn mặt thật rạng rỡ pha chút tinh nghịch của một thời sinh viên còn đọng lại, cũng như phảng phất đâu đó nét tinh tế về những điều đã gặt hái được trong cuộc sống. Chúng tôi tìm thấy ở nơi nhau một sức sống mãnh liệt. Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, môi trường sống và ngành nghề khác nhau, nhưng giờ đây tất cả đều hòa chung một hào khí, một ước mơ với một lý tưởng cao đẹp. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn được liên kết với nhau bằng một tên gọi chung : Lớp Phanxicô Xaviê. 

Kể từ đó, lối sống riêng lẻ đã không còn, nhưng là “Anh em sum họp một nhà. Bao là tốt đẹp bao là mừng vui” (Tv 133, 1). Những lời kinh, tiếng hát hay các giờ cầu nguyện, cử hành phụng vụ không còn đơn điệu như những nốt nhạc rời rạc nhưng tạo thành một bản hoà ca trầm hùng vang khúc hân hoan. Chúng tôi sống những ngày tháng thật vui bên nhau qua các giờ học, nơi mỗi việc làm, trong giờ chơi và cả bàn ăn.

Câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên” đã được học từ thời ấu thơ càng ngày chúng tôi càng cảm nhận được ý nghĩa của nó. Bởi lẽ, trong những bước đi đầu tiên của đời tu chúng tôi được bao bọc, chở che, bởi bàn tay yêu thương của nhiều người, trong đó có sự hướng dẫn dạy dỗ tận tụy của quý thầy đi trước và quý cha trong Ban Giám Đốc. Các ngài là những người Thầy, người Anh luôn đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc sống thường nhật. Nhờ vậy, sức sống mới nơi chúng tôi ngày một tăng trưởng.

Thời gian ngắn ngủi của khóa học cũng dần khép lại, như để góp thêm sức sống cho những mầm non đang lớn. Những người trẻ chúng tôi đã có những chuyến đi chơi thật xa nhưng cũng thật gần, gần với thiên nhiên và con người. Đi để học cách sống, để mở rộng tầm nhìn, mở rộng tâm hồn và trải lòng ra với những người mình gặp gỡ, cũng như để ghi khắc những kỷ niệm nơi những vùng đất mà chúng tôi may mắn được đặt chân đến.

Thế rồi khoá học đầu tiên cũng khép lại. Sau ít ngày nghỉ bên gia đình, ngày 02/12/2002 chúng tôi tiếp tục học khóa thứ hai. Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Ánh mắt tìm nhau nơi phòng lớp, nơi nhà nguyện, những chỗ sinh hoạt chung đâu đó đã có chỗ trống. Nỗi buồn đã xen lẫn vào giữa những nụ cười. Điều gì đã khiến trái tim nồng nàn hơi ấm ấy không còn cùng chúng tôi bước đi tiếp trên con đường đầy sương khói phủ mờ? Có lẽ chúng tôi cũng có câu trả lời, nhưng câu trả lời rõ nhất và hay nhất vẫn thuộc về Chúa.

Mùa xuân đến, cũng là lúc khoá học kết thúc. Chúng tôi được trở về với gia đình với bạn bè, với những gì thân yêu đã gắn kết chúng tôi với bao kỷ niệm. Mùa xuân tự nó luôn mang đến cho con người sức sống, niềm vui và hạnh phúc. Hình như đây là món quà quý giá Thượng đế ban tặng cho con người để giúp họ quên đi những ưu tư, lo lắng và những nỗi vất vả mà họ đã gánh chịu suốt một năm lao động và học tập.

Tận hưởng những ngày xuân thi vị và ý nghĩa, chia tay với nó, chúng tôi lại được tập trung về chủng viện ngày 23/02/2003. Tạm gác lại những niềm vui của mùa xuân, chúng tôi tiếp tục với việc tu luyện của mình. Đời sống đạo đức, tri thức và nhân bản đã dần khai hoang những mảng âm u của ích kỷ và ganh ghét trong chúng tôi, để từ đó le lói lên ánh sáng của lòng vị tha và khiêm tốn. Ngọn tháp tri thức cũng được chúng tôi xây đắp cách thận trọng ngày càng vươn cao, bên cạnh chiều sâu của những tâm hồn đang nỗ lực tìm kiếm Chúa.

Kết thúc khoá học thứ ba, chúng tôi tạm chia tay, hẹn gặp lại nhau trong một ngày gần nhất.

Nếu như trước kia khoảng ngày nghỉ giữa hai khóa học xem ra thật ngắn, thì lần này, nỗi chờ mong ngày tập trung cho khóa học tiếp theo vẫn cứ là điều gì đó khiến lòng thêm băn khoăn, khắc khoải. Gặp nhau nơi phố thị, nơi những nẻo đường xuôi ngược của cuộc đời, câu hỏi đầu tiên chúng tôi tiếp chuyện với nhau là “có biết khi nào về lại không ?”. Rất nhiều lần câu hỏi ấy được đặt ra, nhưng câu trả lời chúng tôi chờ đợi chỉ vẫn cứ là ẩn số. Biết rằng lần chờ đợi này sẽ lâu. Một tháng, hai tháng hay một năm hai năm chúng tôi không biết, chỉ biết rằng giờ đây sẽ phải đối diện với thực tại : bước tiếp trên con đường mà mình đang đi. Nhưng bước thế nào? Câu trả lời không còn mang mẫu số chung nữa, bởi mỗi người sẽ phải chọn lựa cho mình một cách thế riêng. Thế là chúng tôi mỗi người mỗi ngả, người ở nhà xứ, người thì lại quay trở về với môi trường đại học khi xưa để trao dồi thêm kiến thức cho mình bằng cách học thêm một bằng cấp hay một ngành nghề nào đó. Cũng có những người tìm cho mình một việc làm coi như đó là cơ hội để tiếp xúc và sống giữa đời.

Sự chờ đợi bao giờ cũng chứa đựng yếu tố bất ngờ. Có những cuộc chờ đợi như để thử thách lòng trung thành của tình yêu. Và trong thử thách đó, đôi khi người ta đánh mất lòng trung thành, và rồi họ đã không chờ nữa. Thỉnh thoảng nhận được tin người này về, người khác thôi, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy hụt hẫng, buồn, tiếc nuối, thêm vào một cảm giác bồi hồi và lo lắng vì biết đâu:

Nếu một mai Ngài chẳng còn thương con nữa

Nửa bước con đi Ngài đổi ý rồi.

Thử hỏi tâm trạng lúc này là gì nếu không phải là một tâm tình phó thác. Bất cứ cuộc đợi chờ nào trong kiên tâm và phó thác cũng sẽ được đền đáp.

Đang mải mê gầy dựng cho mình lẽ sống, ngày 12/06/2005 chúng tôi được Cha giám đốc triệu tập về chủng viện. Làm sao có thể diễn tả hết nỗi vui mừng rạng rỡ trên khuôn mặt chúng tôi lúc này.

Phút chờ mong đã đến !

2. Trên bước đường chủng sinh

Năm 2005, Giáo phận Xuân lộc có nhiều biến cố quan trọng và vui mừng. Hiệp thông và chia sẻ cùng Giáo phận, tất cả chủng sinh, cách riêng lớp Phanxicô Xaviê được hưởng nhờ rất nhiều từ những hồng ân Chúa ban cho Giáo phận. Trong bối cảnh đó, sau hơn hai năm gián đoạn, chúng tôi háo hức và sung sướng được trở về Chủng viện. Một điều đặc biệt, cùng với lớp MICAE, chúng tôi về Chủng viện tu học trên danh nghĩa “Lớp Bồi Dưỡng Thần Học” : lớp dành cho những chủng sinh được xem như đã tốt nghiệp chương trình của Chủng viện. Bất ngờ pha lẫn chút tự hào. Chúng tôi thấy vui, hình như mình đã lớn.

Tiến trình phát triển của con người luôn có những giai đoạn chuyển tiếp của lứa tuổi. Người ta thường bỏ lại quá khứ ngây thơ bồng bột để vươn tới sự trưởng thành. Sự trưởng thành luôn được định lượng bằng những mốc thời gian. Đời tu cũng có sự tăng trưởng.

Ước mơ được khoác trên mình tấm áo dòng thấm đẫm màu đen của đất vẫn luôn là điều ước bình dị và chân thành của chúng tôi. Trải qua hơn ba năm từ ngày đầu tiên chính thức về nhập học, chúng tôi háo hức chờ mong ngày được lãnh nhận tu phục vì đó như thời điểm chính thức đánh dấu chúng tôi đáp trả lời mời gọi bước theo Đức Giêsu – Linh Mục Thượng phẩm – một cách dứt khoát và quyết tâm hơn. Thế nhưng điều ước ấy phải có thời gian để đạt tới sự chín mùi và ngày ấy không còn xa nữa.

Rồi ngày đó cũng đến! Ngày 23/09/2005, Đức cha Đaminh dâng thánh lễ tạ ơn và trao ban tu phục cho chúng tôi.

Xúng xính trong chiếc áo dòng, chúng tôi ngây ngất hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được rằng, cuộc sống nơi mình từ nay sẽ phải thay đổi, thay đổi cho phù hợp với tư thế mới, tư thế của một chủng sinh.

Tuy “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng nó cần thiết cho bậc sống tu trì. Bởi ta không thể phủ nhận giá trị của dấu chỉ khi nó diễn tả ý nghĩa của thực tại. Chiếc áo soutan màu đen – màu tang tóc, nói lên ý nghĩa của sự từ bỏ, sự chết đi cho “cái tôi” để sống cho Chúa và cho tha nhân. Chúng tôi ý thức rằng từ nay chúng tôi phải luôn sẵn sàng chết đi cho con người thế tục để sống cho tình yêu và lý tưởng. Có mạnh dạn bỏ lại phía sau mới có thể tiến lên phía trước được.

Thời gian lại chuyên chở chúng tôi đi tiếp trên chuyến hành trình của mình.

ĐÓN NHẬN MỘT SỐ THÀNH VIÊN MỚI

Niềm vui được nối tiếp khi lớp Phanxicô tiếp nhận thêm những thành viên mới: một số anh em từ lớp Phaolô. Tuy thuộc hai lớp khác nhau, nhưng chúng tôi đã có nhiều ngày tháng cùng tu học với nhau, nên rất dễ dàng hòa hợp để trở nên một khối thống nhất gồm 40 thành viên.

HỒNG ÂN NỐI TIẾP HỒNG ÂN

Ngày 05/12/2005, Giáo phận Bà Rịa chính thức được thiết lập, trước đó thuộc giáo phận Xuân Lộc. Từ nay, lớp Phanxixô gồm các thành viên thuộc hai giáo phận trong đó có tám anh em thuộc Giáo phận mới.

Ngày 14/12/2005, sau bao năm tháng chờ mong với biết bao công sức và hy sinh, ĐẠI CHỦNG VIỆN XUÂN LỘC CHÍNH THỨC  ĐƯỢC THÀNH LẬP.

CHIA LY!

Ít lâu sau ngày tách giáo phận, lớp Phanxixô cũng có sự chia cắt: theo đường hướng đào tạo riêng của giáo phận Bà Rịa, tám anh em thuộc giáo phận mới không tiếp tục đồng hành với lớp chúng tôi nữa. Tất cả chúng tôi “ngậm ngùi” chia tay nhau. Dù không sát cánh bên nhau trong cùng một lớp nữa, nhưng chúng tôi vẫn mãi là những người bạn thân của nhau và luôn nâng đỡ nhau trong tinh thần hiệp thông và cầu nguyện (sau này các anh em đó được gia nhập vào Khóa IX).

Ngày 11/05/2007 là ngày đáng nhớ. Đó là ngày chúng tôi kết thúc một học kỳ để bước vào kỳ hè với những tháng ngày được sai đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ. Đặc biệt, nó đáng nhớ bởi chúng tôi biết rằng khi trở lại Chủng viện, chúng tôi sẽ không còn được nhìn thấy mái trường Chủng viện cũ nữa. Thay vào đó sẽ là một cơ sở mới, đồ sộ, hoành tráng đáp ứng nhu cầu đào tạo linh mục của bốn Giáo phận: Bà Rịa, Đà lạt, Phan Thiết và Xuân Lộc.

Dấu ấn trong những ngày được đào luyện tại Đại Chủng viện Thánh Giuse cơ sở II

Ngày 27/02/2008 anh em chủng sinh bốn giáo phận: Phan Thiết, Đà Lạt, Bà Rịa, Xuân Lộc hân hoan tựu trường tại Đại Chủng viện Thánh Giuse cơ sở II sau những tháng ngày đợi chờ. Trong số hơn hai trăm chủng sinh có ba mươi anh em lớp Phanxicô Xaviê, còn lại là anh em thuộc Khóa IX, Khóa I, Khóa II,.

Làm sao tả hết được niềm hạnh phúc của chúng tôi khi được bước chân vào một Đại Chủng Viện liên giáo phận, tuy mới được thành lập, có qui mô và tầm vóc đáng nể không những về cơ sở mà cả về những tiềm năng để phục vụ cho việc đào tạo linh mục của Giáo hội Việt Nam. Niềm vui sướng xen lẫn một chút kiêu hãnh và tự hào trào dâng trong lòng những người con của Giáo phận.

Quả thật, chúng tôi nghiệm thấy rằng “Hồng ân Chúa như mưa, như mưa” đến độ lòng tưởng như“không dám mơ và chẳng dám ngờ”. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực hết mình để tận dụng và cộng tác với ơn Chúa. Đồng thời, chúng tôi phải luôn quảng đại mở lòng ra với Chúa để từng ngày được biến đổi nên giống Đức Kitô hơn.

Một điểm son đáng quý là dù trong hoàn cảnh nào, dù gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng anh em chúng tôi vẫn giữ được tinh thần lạc quan, tin tưởng và phó dâng ơn gọi trong sự quan phòng của Chúa qua Đức Cha và quí Bề trên. Thật vậy, chúng tôi vui sướng và an tâm hơn khi cảm nhận được sự yêu mến và tận tâm lo lắng, dạy dỗ của Đức Cha cũng như Ban Giám Đốc và quí Cha Giáo. Các Ngài đã hy sinh và ra công gắng sức để tạo mọi điều kiện thuận lợi, cũng như nhiệt tình truyền đạt cho chúng tôi tất cả những kiến thức về nhân bản, tu đức, tri thức và mục vụ. Hơn nữa, qua các giờ huấn đức và tĩnh tâm, các ngài còn gieo vào trong tâm hồn chúng tôi bầu nhiệt huyết tông đồ cũng như những thao thức của người mục tử. Đồng thời, các ngài cũng luôn tìm cơ hội để chúng tôi được tham dự những khóa thường huấn về các chuyên đề, để chúng tôi được hấp thụ những kinh nghiệm mục vụ và đường hướng tu đức, ngõ hầu đào sâu sự hiểu biết về căn tính người linh mục theo gương vị Mục Tử Nhân Lành.

Niềm vui tuy nhiều nhưng cũng không thiếu những nỗi buồn xen lẫn trong hành trình ơn gọi của chúng tôi : buồn vì phải chia tay với một số anh em vì hoàn cảnh và  ốm đau đã phải rời bỏ mái trường chủng viện; buồn vì vẫn có những biểu hiện không xứng hợp còn tồn tại nơi anh em chúng tôi. Thế nhưng, với ơn Chúa nâng đỡ, chúng tôi đã cùng nhau cố gắng vượt thắng những nỗi băn khoăn trăn trở cũng như từng bước vượt qua khó khăn. Có được như vậy là nhờ tinh thần cầu nguyện và sự phó thác, tinh thần đoàn kết và hiệp thông. Đây chính là những phương thuốc quí giá giúp chúng tôi khắc phục những thiếu sót, sửa chữa những khuyết điểm, nhờ đó chúng tôi luôn bằng an và tin tưởng để tiếp tục theo Chúa trong ơn gọi.

Ngày 14/02/2009, trong giờ chầu Thánh Thể, Đức Cha Đaminh đã trao ban TÁC VỤ ĐỌC SÁCH cho 50 anh em khóa IX và 24 anh em lớp Phanxicô. Vậy là chúng tôi đã tiến thêm một bước nữa trong ơn gọi. Chúng tôi lãnh nhận hồng ân Chúa trong tâm tình “Sám hối và Tạ ơn. Sám hối vì chúng tôi ý thức mình bất xứng trước tình thương bao la của Chúa, và cũng vì lẽ đó cần phải cảm tạ tri ân bằng một đời sống hoán cải để được Chúa biến đổi từng ngày.

Có thể nói, mỗi một giai đoạn trong đời tu của anh em chúng tôi là một hồng ân. Hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng tôi không phải vì công trạng của chúng tôi, nhưng là do tình thương cách nhưng không của Thiên Chúa. Chúng tôi nhận thấy mình thật bất xứng trước ân ban lớn lao của Thiên Chúa. Dù chúng tôi yếu đuối và nhiều lầm lỗi, thế nhưng Chúa vẫn luôn thương nâng đỡ, Ngài không loại bỏ nhưng vẫn tin tưởng và kêu mời chúng tôi tiếp tục đi vào con đường tình yêu, con đường dâng hiến mà Ngài đã vạch sẵn cho chúng tôi. Càng dấn thân hơn trên con đường này, chúng tôi càng cảm thấy hạnh phúc vì đã vâng theo ý Chúa và vì nhận thức sâu xa hơn về ý nghĩa cuộc đời.

Trước những hồng ân lớn lao mà Chúa đã ban cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết cảm tạ Chúa, vì Ngài đã thương chọn gọi. Tri ân Giáo hội đã đón nhận chúng tôi và cho chúng tôi được chia sẻ sứ mệnh rao giảng Tin mừng. Cám ơn các vị Bề trên mà Chúa đã trao phó trách nhiệm đào luyện và hướng dẫn chúng tôi nên như ngày hôm nay. Xin ghi nhớ công ơn của quý thân nhân, ân nhân đã góp công góp sức cho chúng tôi có được những điều kiện tốt nhất để tu luyện.

Trước những nhu cầu hiện tại trong Giáo phận cũng như những thao thức của Dân Chúa hôm nay mong muốn nơi người Linh mục và từ kinh nghiệm của những bậc cha anh đi trước, chúng tôi xác tín rằng:phải trở nên những chủng sinh thánh, những mục tử như lòng Chúa mong muốn. Đó là luôn biết áp dụng những kiến thức đã học vào hoàn cảnh cụ thể, luôn kết hiệp mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện để từ đó luôn gắn bó với đoàn chiên mà Chúa trao phó. Đó mới thực là lời tạ ơn đẹp nhất dâng lên Chúa và tri ân mọi người.

LỂ MÃN TRƯỜNG CỦA LỚP PHANXICÔ XAVIÊ

Thời khắc đáng chờ mong và quan trọng nhất của một quá trình đào tạo đã đến: ngày  “con tằm ăn rỗi đến lúc phải nhả tơ”, ngày “Tốt Nghiệp Đại Chủng Viện” của chúng tôi. Không chỉ chúng tôi mới háo hức chờ mong ngày này, mà chính Đức Cha, Ban Giám đốc Đại Chủng viện, Quý Cha giáo cũng như tất cả thân nhân của chúng tôi đều hướng đến ngày này: 08/06/2009.

3. “Lạy Chúa, xin sai con đi!” (Is 6,8)

Cánh đồng lúa chín nơi Giáo phận Xuân Lộc đang chờ đón chúng tôi dấn thân để góp phần đem về một mùa gặt bội thu. Còn lúc nào sẵn sàng hăng hái để được sai đi hơn lúc này, vì nhiệt huyết tông đồ và lửa mến phục vụ đang rực nóng nơi mỗi anh em chúng tôi. Dẫu biết rằng dù thời gian sẽ làm hao mòn tuổi xuân và sức khỏe; dù bão tố cuộc đời có thể sẽ dập vùi hoài bão và nghị lực; dù tình người sẽ lắm lúc đổi thay bẽ bàng… nhưng chỉ mong sao không gì có thể làm phai mờ Lý tưởng và Tình yêu Đức Kitô luôn thắm màu nơi chúng tôi. Chắc hẳn với tình yêu kiên trung, chúng tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi trên mọi bước đường tông đồ, để như thánh Phanxicô Xaviê, dù đến chết vẫn thưa lên rằng: “Lạy Chúa, còn nữa!”.

Lớp Phanxicô Xaviê đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc

Comments are closed.