Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót – Đề tài 11

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

với việc Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống xã hội

Đề tài 11. Lòng Thương Xót trong sứ mạng của Hội Thánh
1. Chứng từ của Lòng Thương Xót

Đức Giáo hoàng Phanxicô sau khi cử hành Thánh lễ mừng Ngày cử hành Năm thánh cho các Giáo lý viên 25/9 vừa qua, đã nhắc đến cha Engelmar Unzeitig (1911-1945), CMM (Dòng các nhà thừa sai Marianhill), linh mục bị sát hại tại trại tập trung Quốc xã Dachau, được tuyên phong chân phước ngày thứ Bảy hôm trước tại nước Đức. Cha đã được sai đến Dachau để bảo vệ những người Do Thái, tại trại tập trung cha phục vụ các tù nhân và được mệnh danh là “vị Thiên sứ của Dachau”. Đức Giáo hoàng nói cha đã bị giết hại vì đức tin và hận thù tôn giáo, và “cha đã đối đáp lại sự thù ghét bằng tình yêu, sự tàn ác bằng dịu hiền”. Chứng từ của ngài giúp chúng ta sống làm chứng “cho tình bác ái và hy vọng, ngay cả giữa những thử thách đau khổ”.

Cũng trong dịp này, nhắc đến dân tộc Mexico, qua cuộc tuần hành của hàng trăm ngàn người biểu lộ sự bảo vệ hôn nhân truyền thống và chống đạo luật mới cho phép hôn nhân đồng tính, cùng chứng từ của hai linh mục bị sát hại thứ hai tuần trước (19/6) tại địa phận Papantla, Đức Giáo hoàng thôi thúc các giáo sĩ, giáo dân dấn thân tại Papantla “tiếp tục hăng hái thực thi sứ mạng của Hội thánh bất chấp mọi trở ngại, theo gương Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành”.

Dung mạo Lòng Thương Xót của Đức Giêsu Kitô chịu Chết và Phục sinh ngày nay tiếp tục tỏ hiện một cách mầu nhiệm qua sứ mạng của Hội thánh, ở mọi nơi và mọi thời.

2. Lòng Thương Xót tiếp tục “cắm lều” giữa lòng xã hội thế tục hóa

“Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Hội thánh đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ, Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. Giữa lòng nhân loại và trong thế giới ấy, Hội thánh chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, và bởi thế, Hội thánh là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất, khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng và dấn thân của con người nhằm giải phóng và thăng tiến con người. Hội thánh hiện diện giữa nhân loại, tựa như túp lều hội ngộ của Thiên Chúa, tựa như “nơi Thiên Chúa ở với con người” (x. Kh 21,3), để con người không cô đơn, lạc lõng hay khiếp sợ trong lúc thi hành nhiệm vụ làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn; nhờ đó, con người tìm được sự hỗ trợ nơi tình thương cứu chuộc của Đức Kitô. Là thừa tác viên của ơn cứu độ, Hội thánh không sống trong trừu tượng hay thuần tuý thiêng liêng, mà ở trong chính bối cảnh của lịch sử và thế giới mà con người đang sống. Chính tại nơi đây, con người gặp được tình thương Thiên Chúa và được mời gọi cộng tác vào kế hoạch của Ngài. Chúng ta biết ơn những đóng góp của khoa học kỹ thuật để cải tiến điều kiện sống của con người, nhưng ngày nay những người nắm giữ kiến thức kỹ thuật và nhất là quyền lực kinh tế để khai thác nó dùng kỹ thuật để thống trị thế giới và nhân loại. Chủ trương thống trị bằng kỹ thuật đưa tới phá hủy thiên nhiên và khai thác bóc lột con người và các dân tộc yếu thế hơn, hướng tới thống trị kinh tế và chính trị”.[1]

3. Niềm Vui Tin Mừng thôi thúc đi ra vùng ngoại biên

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Giáo năm 2014, diễn tả: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ”[2]. Nhân loại rất cần ơn cứu độ do Đức Kitô đem đến. Các môn đệ Ngài là những người để cho mình được xâm chiếm bởi tình yêu của Chúa Giêsu và được đóng dấu bởi ngọn lửa say mê Nước Thiên Chúa và nhiệt tình rao giảng niềm vui của Tin Mừng. Tất cả các môn đệ của Chúa được mời gọi nuôi dưỡng niềm vui rao giảng Tin Mừng. Là những người chịu trách nhiệm chính về việc rao giảng này, các giám mục có nhiệm vụ cổ vũ sự hợp nhất của Giáo hội địa phương trong nỗ lực truyền giáo của mình. Họ được mời gọi nhìn nhận rằng niềm vui của việc thông truyền Đức Giêsu Kitô được biểu hiện trong mối quan tâm loan báo về Ngài tại những vùng đất xa xôi nhất, cũng như không ngừng vươn ra những vùng ngoại vi của giáo phận mình, ở đó có biết bao người nghèo đang mong đợi sứ điệp này.[3]

Đặc biệt, trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô ngỏ lời với chúng ta: “Năm Thánh Lòng Thương Xót mà Hội Thánh đang cử hành chiếu rọi vào Ngày Chúa nhật Thế giới Truyền giáo một ánh sáng chói ngời: nó mời gọi chúng ta nhìn việc truyền giáo cho muôn dân (missio ad gentes) như là một công trình bao la, vĩ đại của lòng thương xót, cả thiêng liêng và vật chất. Trong ngày Chúa nhật Thế giới Truyền giáo này, tất cả chúng ta được mời gọi “đi ra” như những môn đệ truyền giáo, mỗi người quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại. Do mệnh lệnh truyền giáo, Hội Thánh chăm lo cho tất cả những người không biết đến Tin Mừng, vì Hội Thánh muốn mọi người được cứu rỗi và trải nghiệm tình thương của Chúa. Hội Thánh được sai đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang đập của Tin Mừng”[4] và công bố lòng thương xót tại mọi góc cùng của thế giới, đến với hết mọi người, người già cũng như người trẻ”[5].

Kết thúc lời nhắn nhủ, Đức Giáo hoàng nói: lệnh truyền của Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20), lệnh truyền này chưa dừng lại; đúng hơn, nó thúc đẩy tất cả chúng ta, trong bối cảnh của thế giới đầy thách thức ngày nay, phải lắng nghe tiếng gọi canh tân “động lực” truyền giáo, như tôi đã lưu ý trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng”[6].

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

Anh chị hãy kể lại một vài chứng từ truyền giáo qua Lòng thương xót hiện diện xung quanh mình hoặc ngay trong cộng đoàn mình.
Phúc-Âm-hóa xã hội và truyền giáo ad gentes liên hệ với nhau như thế nào trong cuộc sống của Hội Thánh địa phương của anh chị?
Niềm vui Tin Mừng đối với anh chị có thể kín múc từ đâu?
–––––––––––––––––––––––––––––––––

[1] HTXHCG 60.

[2] Evangelii Gaudium, 2.

[3] Cf. ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Truyền giáo thế giới 2014.

[4] Misericordiae Vultus, 12.

[5] Cf. ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Truyền giáo thế giới 2016.

[6] Cf. Ibid.; Evangelii Gaudium, 20.

Văn phòng HĐGMVN

Comments are closed.