Khi đọc Kinh thánh Tân ước, chúng ta thấy các Thánh sử chọn lọc ghi lại rất ít chứng tích về Đức Maria. Nhưng để ý, chúng ta thấy Đức Maria hiện diện trong ba thời điểm chính yếu của công cuộc Cứu Thế : Mầu nhiệm Nhập thể – khi Con Thiên Chúa làm người và ở cùng nhân loại; Mầu nhiệm Vượt qua – lúc Đấng Cứu Thế hoàn thành công trình cứu chuộc, Ngài phá hủy tội lỗi bằng cái chết và canh tân sự sống bằng sự phục sinh ; và Lễ ngũ tuần – khi Chúa Thánh Thần Đấng làm cho ơn cứu độ được thể hiện trên Giáo hội trong hiện tại và luôn sinh hiệu lực trong dòng thời gian.
Dù âm thầm lặng lẽ, Đức Maria vẫn thể hiện niềm tin của mình theo ý định của Thiên Chúa trong Thánh Thần, đến độ có thể nói rằng: Đức Maria là tín thư của Thiên Chúa gửi cho nhân loại, tín thư này không viết bằng mực nhưng viết bằng thần khí, bằng ngón tay của Thiên Chúa hằng sống; không phải ghi trên bia đá như trong luật cũ mà được tạc trên tấm thân là trái tim đầy lòng tin. Thiết nghĩ, tín thư này ai cũng có thể đọc và hiểu được nội dung, dù họ thông thái hay không biết chữ… Chúng ta cùng nhau đọc lại bức thư sống động ấy với những biến cố gắn liền trong cuộc đời của Chúa Giêsu khi ở trần gian.
I. Tìm hiểu một số từ ngữ
1.Tin là gì ?
Để hiểu thế nào là tin ? Chúng ta cùng mở một số từ điển để truy tầm nghĩa.
Trước hết, theo Từ diển của Viện ngôn ngữ học (Nxb Đà Nẵng, 1998) thì tin có nghĩa đúng sự thật (chẳng hạn như câu nói : Có nhìn thấy tận mắt mới tin) hay tin vào một lời hứa. Tin cũng có nghĩa là đặt hoàn toàn vào người hay vật gì đó (ví dụ như tin ở bạn bè, tin ở sức mình…). Tin còn có nghĩa là đạt đến độ chính xác cao …
Kế đến theo Từ điển Công giáo phổ thông của Jonh A. Hardon, S.J., đức tin là nhân đức thần học được thiên phú để nhờ đó một người có thể tin rằng những gì Thiên Chúa mặc khải đều đúng, không phải vì thấy được chân lý bên trong nhờ lý trí nhưng vì thế giá của Chúa. Còn hành vi đức tin là sự chấp nhận của tâm trí đối với những gì Chúa mặc khải. Muốn có hành vi đức tin phải có ơn Chúa thánh hoá, muốn tin phải có ý chí can thiệp. Như vậy, khi đức tin bị thử thách thì hành vi đức tin chính là người bạn đồng hành nhắc nhở và củng cố làm cho đức tin của chúng ta kiên vững.
Sau cùng, theo Từ điển Đức Mẹ do An-phông Bốt-sa, S.M.M chủ biên (Bossard Alphonse) được Mat-thi-a M. Ngọc Đính C.M.C dịch, XB 1998, thì chữ tin trong tiếng Do thái được diễn tả bằng hai từ Aman, hàm ý một sự vững chắc và Batah, nhấn mạnh đến sự tín thác và sự soi sáng. Vì thế đức tin không phải là một trạng thái cứng ngắc hay một hành vi thực hiện chỉ một lần là xong. Đức tin là sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, sẵn sàng chấp nhận những gì bất ngờ đến từ Người. Và Thiên Chúa không ngừng kích động và soi sáng cho đức tin để nó liên tục vươn mãi.
2. Tin và lý trí
Tại sao lại có mối quan hệ biện chứng giữa tin và lý trí, tức mối quan hệ giữa việc con người đáp lại mặc khải của Thiên Chúa và việc con người sử dụng trí khôn của mình.
Theo Từ điển công giáo phổ thông, muốn chứng minh một mầu nhiệm đức tin có thể tin được phải trải qua ba giai đoạn. Trước hết lý trí có thể đặt câu hỏi thuần tuy cho đức tin bằng cách chứng minh Thiên Chúa hiện hữu, Đấng uy quyền, bằng cách cho thấy Thiên Chúa đã mặc khải và xác nhận điều đó nơi Con Một yêu quý của Người là Đức Ciiêsu Kitô. Và lý trí do Thiên Chúa phú ban có thể suy tư sâu xa về những điều Thiên Chúa mặc khải, nhờ đó chúng ta càng biết nhiều hơn về Thiên Chúa, mà đã là Thiên Chúa hoàn hảo thì Người phải là Đấng cho chúng ta đáng tin. Rồi lý trí giúp chúng ta nhận ra những mầu nhiệm của đức tin ăn khớp với những chân lý tự nhiên mà chúng ta biết được một cách minh nhiên.
Do đó, lý trí do thiên phú sẽ giúp cho niềm tin thêm xác tín, có cơ sở chứ không tin mù quáng hay sai lầm. Và đến lượt đức tin gịúp cho lý trí suy tư đạt đến Chân lý. Để rồi, đức tin và lý trí cùng tiến triển trong hiểu biết của chúng ta về một Đấng là Chân-Thiện-Mỹ.
II. Đức tin của Mẹ Maria
Đức Maria đơn thuần cũng chỉ là một nữ nhi thường tình như bao thiếu nữ khác trong thôn làng Na-da-rét, chẳng có gì nổi bật hơn bà con họ hàng, làng xóm. Có lẽ cũng đơn giản và hẳn là cũng dễ thương, nếu không muôn nói là khiêm tốn… Do đó, niềm tin của Đức Maria cũng như Ap-ra-ham, cũng mù mờ, mò mẫm bước đi trong niềm tin như thường thấy trong cuộc đời bao tín hữu khác: cũng chịu nhiều thử thách khi sinh ra cho đến lúc lìa đời; hơn thế nữa, từ lúc lãnh sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa đến khi tế lễ Con yêu trên bàn hiến tế Can-vê và khai sinh Giáo hội.
1. Này tôi là tôi tá Chúa
Điều đã xảy ra tại Na-da-rét sau lời chào của sứ thần, đó là việc Đức Maria đã tin thể hiện qua lời đáp của người: Này Tôi là tôi tá Chúa, xin cứ làm cho Tôi như lời sứ thần nói (Lc 1, 38).
Thoạt nhìn, chúng ta thấy lòng tin của Đức Maria có vẻ là một hành vi dễ dàng, vì ai cũng có thể thưa xin vâng được. Được trở nên Mẹ Vua Trời, làm Mẹ Đấng Cứu Thê thử hỏi ai mà không thích. Đây không phải là ước mơ của bao thiếu nữ Do thái sao? Thế nhưng, đó là lối song luận theo kiểu con người, mong mỏi quyền cao chức trọng mà quên đi tầm quan trọng của sự đáp trả của lòng tin. Bởi đức tin thực sự không bao giờ là quyền lợi, là một vinh dự nhưng là đòi buộc đón nhận, phải hy sinh, dám quên mình, chấp nhận thử thách đau thương…
Từ đó chúng ta thấy hành vi đức tin của Đức Maria thật đẹp, lời xin vâng (Fiat) của Đức Maria không phải là một hành vi nhân linh đơn thuần của con người mà là hành vi nhân linh đã được Chúa Thánh Thần khơi dệt nơi sâu thẳm trong tâm hồn Đức Maria. Lời xin vâng của Đức Maria phát xuất từ cảm nhận tình thương Thiên Chúa, từ sự tự do của lòng mến, một hành vi tự do dù được Thiên Chúa khơi dậy.
Do đó, tiếng Fiat của Đức Maria luôn là lời xin vâng trọn vẹn và vô điều kiện, vì Đức Maria là người đầu tiên trong số những kẻ đã tin dù chưa thấy, Đức Maria đã tin mình sẽ thụ thai một con trai do quyền năng Chúa Thánh Thần và con mình sinh ra sẽ là người cưú ít-ra-en mà muôn dân đang mong đợi. Vâng, chính nhờ Đức Maria đã tin mà Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta (Ga l, 14).
Có thể nói, tiếng Fiat của Đức Maria luôn là lời xin vâng của nhân loại trước lời mời gọi cộng tác vào công trinh cứu chuộc của Thiên Chúa. Phải chăng đây là ý nghĩa của cặp song đôi E-và và Đức Maria? E-và khi xưa đã tin lời con rắn đưa đến sự bất tuân và dẫn con người đến chỗ diệt vong thì nay Đức Maria nhận lời Thiên sứ trong niềm tin, đã xin vâng để mang lại sự sống cho con người. Những gì E-và đã buộc lại do cứng lòng, thì nay Đức Maria đã tháo cởi bằng lòng tin của người; tội lỗi của tổ mẫu mà cửa Thiên đàng đóng lại thì nay nhờ Mẹ, Thiên Chúa lại mở rộng cửa Trời đón nhận hết thảy mọi người. Vâng, chữ E-Va Mẹ đã đảo vần, thành A-ve gửi bình an cho đời (Thánh thi Kinh chiều Lễ Đức Maria).
Như vậy, sự tràn đầy của lòng tin nơi Đức Maria trong biến cô” truyền tin tương ứng với ân sủng đầy tràn do Thiên Chúa, Fide plena tương ứng với Gratia plena. Và qua lời xin vâng (Fiat), Đức Maria đã chấm dứt vai trò của Cựu ước để mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn Tân ước.
2. Mẹ của niềm hy vọng
Niềm hy vọng của Đức Maria vào mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu từ sự chết đến sự sống mở đường cho chúng ta, những kẻ tin, cũng được thông phần vinh dự với Con Chiên chịu sát tế. Đức Maria đã sống mầu nhiệm Vượt qua của sự chết và sự phục sinh nhờ lòng tín thác để nhận ra ý định thâm sâu của Thiên Chúa.
Hẳn các bạn còn nhớ trong Tin mừng thứ ba, thánh sử Lu-ca đã ghi lại truyền thống của gia đình Na-da-rét: Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng Lễ Vượt qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền… (x. Lc. 2, 41); thì Tin mừng thứ tư cũng cho chúng ta hình ảnh Đức Maria cùng đi với con lên Giê-ru-sa-lem để cử hành Lễ Vượt qua. Nhưng Lễ Vượt qua lần này, Ngài sẽ không bao giờ trở về nhà nữa. Năm xưa Đức Maria đã trách yêu : Sao con nỡ để cha mẹ cực lòng (x. Lc 2,48) sau ba ngày lạc mất Đức Giêsu, thì giờ đây đứng lặng im bên bàn hy tế trong đau đớn khổ cực với tấm lòng của một người mẹ hết lòng ưng thuận để thông chia cùng một đau khổ với con; Đức Maria đã chịu khổ đau trong tâm hồn những điều mà con phải chịu nơi thân xác. Xét trên bình diện con người, thử hỏi lúc này đây, với trái tim của một người mẹ, Đức Maria có còn tin, có đủ sức để tin rằng con mình là Đấng giải thoát ít- ra-en và mình là kẻ được chọn giữa muôn người, là người diễm phúc trong giới phụ nữ nữa hay không?
Chắc hẳn, khi một người con hấp hối trong hoàn cảnh như thế, bị mọi người ruồng bỏ, đang tìm ánh mắt của mẹ để nương ẩn, tìm trái tim đồng cảm của một người đã sinh ra mình, biết và hiểu mình hoàn toàn vô tội hơn ai hết… Có người mẹ nào không khỏi đau xót và muốn chịu cực hình thay cho con, có người mẹ nào lại bỏ rơi con mình trong những lúc như thế? Vâng, trong giây phút cùng cực ấy, Đức Maria đã cùng con chia sẻ nỗi đau trong tình thân ái gia đình, giữa mẹ và con, giữa những người gắn bó với nhau bằng mối dây ruột thịt. Thế nhưng, xét trên bình diện ân sủng, Đức Maria chịu đựng được tất cả trong Đấng ban sức mạnh (x. P1 4,13) và lòng tin.
Như vậy, chúng ta có thể loại suy: tiếng Xin Vâng của Đức Maria đã khơi mào cho lời Fiat của Đức Ciiêsu trên thập giá; lời Xin Vâng của Đức Giêsu phát xuất bởi hành vi nhân linh của Một vị Thiên Chúa : Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha (xMt 11, 26). Hay nói một cách khác là chính tiếng Fiat thể hiện lòng tin và sự vâng phục của Đức Maria đã vén mở cho người thấy binh minh của thập giá. Chính niềm hy vọng và tín thác, Mẹ đã biết Con Mẹ sẽ phục sinh sớm hơn nhiều so với các phụ nữ khác. Nên có lẽ Mẹ đã chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh khi mới tiềm tàng trong giờ tử nạn.
Niềm hy vọng đã cho Mẹ hiểu diễn biến bên kia của thập giá, thập giá là thời điểm chuyển từ Giao ước cũ sang Giao ước mới, từ lời các tiên tri sang thực tại. Đó là lúc mọi sự đã hoàn tất (x. Ga 19, 30), đó là sự vâng phục trong lòng mến của Chúa Con, cùng với lời hứa được tôn vinh của Chúa Cha (x. Pl 2, 9). Và thập giá cũng là đỉnh cao của hành vi tin của Đức Maria.
3. Mẹ các tín hữu
Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi mọi người cộng tác với Người trong việc trao ban sự sống tự nhiên thì hẳn Người cũng kêu gọi mọi người, đặc biệt là Đức Maria, cộng tác trong việc trao ban sự sống siêu nhiên, trở thành dụng cụ của ân sủng.
Dù được kêu mời như thế, nhưng Đức Maria cũng không là gì trước mắt Thiên Chúa mà tất cả những gì Đức Maria có được đều là hổng ân nhưng không Thiên Chúa ban tặng. Nhờ ân sủng Đức Maria cũng trở thành tiên tri, vị ngôn sứ và thậm chí xét ở mức độ nào đó, Đức Maria cũng là một dụng cụ mặc khải, là một lời hằng hữu, một lời bằng hành động của Thiên Chúa. Chúng ta có cơ sở để nói như vậy khi dựa vào nhận định của Thánh Gregorio cả : Thiên Chúa dạy chúng ta khi thì bằng lời khi thì bằng hành động qua các công trrình của Người. Mạnh dạn hơn, dựa vào thư gửi các tín hữu ở Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: Anh em được xây dựng trên nền móng là các và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu (x. Ep 2, 20), có thể nói chúng ta không chỉ được xây dựng trên nền móng các tông đồ và ngôn sứ mà còn được xây nền trên Đức Maria. Bởi các tông đồ chỉ là những người đầu tiên truyền lại cho chúng ta Lời sự sống, trong khi Đức Maria truyền lại cho chúng ta chính tác giả của Lời sự sống đó. Như vậy, chẳng lẽ chúng ta được xây nền trên các tông đồ và ngôn sứ, còn Đức Maria, chúng ta không thể nói như thế và còn hơn như thế nữa sao?
Do đó, chứng ta có quyền chọn Đức Maria làm mẫu gương để noi gương thực hành và đón nhận người như những gì quý giá nhất theo lời khuyên của Luther, người khởi xướng Tin lành : Sau Chúa Kitô Giêsu, Mẹ Maria là châu báu quý giá nhất trong tất cả Kitô giáo, không bao giờ ngợi ca cho đủ. Nên việc lãnh nhận Đức Maria về nhà mình để cùng cầu nguyện, dùng bữa… giúp chúng ta có thêm niềm vui, xác tín hơn vào ơn cứu độ. Theo linh đạo Monfort về niềm tín thác vào Đức Maria thì hãy để mọi hành động trong cuộc sống của chúng ta đều nhờ Đức Maria, với Đức Maria và trong Đức Maria để mọi sự trở nên hoàn hảo hơn nhờ Đức Giêsu, với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu.
Thiết nghĩ, việc đón Đức Maria về nhà mình như bạn đồng hành, như người cố vấn và năng hỏi ý kiến, lắng nghe người trong mọi sự ắt hẳn người sẽ không bao giờ chối bỏ mà không nhận chúng ta làm con và dạy chúng ta biết ý muốn của Thiên Chúa. Theo chủ quan của người viết, Đức Maria rất muốn lấy tình mẫu tử hướng dẫn chúng ta, những người tín hữu đã trở nên em của Anh Hai Giêsu qua Bí tích Thanh tẩy, nhưng vẫn không cướp mất quyền hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Tạm kết
Đức Maria, E-và mới đã mang đến cho thế giới hôm qua, hôm nay và mãi mãi Lời trọn vẹn, Lời thành xác phàm trong khiêm hạ, đầy lòng tin. Chính điểm này đã làm cho Đức Maria trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho những ai muốn họa lại dung mạo Đức Kitô trong cuộc sông. Sự đơn thành và tín thác của Đức Maria khiến Luther không ngần ngại cất lời khen ngợi : Một tinh thần như thế biểu lộ rất con người Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Giữa hao ân phúc Đức Maria không dính bén hay tìm sự thích thú nơi những điều đó, người vẫn giữ cho tâm trí mình tinh tuyền trong lòng mến đầy tin tưởng, trong lời ngợi ca lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Và dưới chân thập giá, Đức Maria trở thành mẹ những kẻ tin, mẹ các tín hữu qua môn đệ Gio-an. Bằng những hành động của niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, Mẹ dạy chúng ta bài học : Thực thi ân sủng đà lãnh nhận nhờ công nghiệp Đức Giêsu và trung thành theo Ngài đến cùng. Qua mẫu gương người tín hữu tiên khởi, chúng ta cũng được mời gọi trở nên mẹ và là người anh em của Đức Giêsu khi lắng nghe và thực thi lời Ngài giáo huấn trong niềm tín thác. Hãy để Đức Maria hướng dẫn chúng ta đến trường học là Đức Giêsu.
Lê Tiến
Nguồn: Nội san Chia Sẻ (số 25; 2/2000), trang 62-71.
Tài Liệu tham khảo
1. Từ Điển Đức Mẹ do Bossa Alphonse C.M.C chủ biên, Ngọc Đích dịch, XB 1998
2. Đức Maria Mẫu Gương Giáo Hội.