Chiều Kích Đức Tin Của Mẹ Maria

Trên đồi Golgotha năm xưa, chiều sâu của đức tin nơi Mẹ Maria tương phản với sự thiếu lòng tin của những kẻ qua người lại, và sự thiếu tin đó càng tỏ rõ hơn trong thế giới ngày nay. Nếu chúng ta hy vọng bước theo Chúa Kitô trọng vẹn chúng ta phải có đức tin giống đức tin của Mẹ Maria. Chúng ta phải vừa là con Thiên Chúa vừa là con của Mẹ Maria. Xin Mẹ Thiên Chúa đoái thương làm thầy dạy chúng ta trên đường đức tin.

        1. Sự ưu việt của kế hoạch Thiên Chúa

Đức tin của Mẹ Maria là hoa trái tuyệt hảo nhất của đức tin nơi dân Israel. Thiếu nữ thành Nazareth đó đã được nuôi dưỡng bằng Lời Thiên Chúa. Lời quyền năng linh nghiệm của Thiên Chúa phán ra qua miệng các tiên tri được suy ngắm trong phụng vụ ở Hội đường cũng như ở tư gia. Chính Lời phát ra từ miệng Thiên Chúa đó đang hoàn tất mục tiêu của mình trong lịch sử. Như tiên tri Isaia nói:

“Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng tưới nhuần đất đai làm cho nó nên phì nhiêu, cho người gieo có hạt giống và người ta có cơm bánh ăn, cũng vậy Lời phát xuất từ miệng Ta sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó sẽ hoàn thành mục tiêu mà Ta đã đề ra, đem lợi nhuận cho mọi công việc Ta sai phái” (Is 55, 10-11).

Mẹ Maria ngày càng đi sâu vào việc tôn kính Lời Chúa, một bài học Mẹ đã học được nơi tổ tiên. Nhưng cô học trò Maria đã vượt xa trên các bậc thầy mình biết bao! Mẹ không để rơi rớt một lời nào của Thiên Chúa. Hơn bất cứ ai khác, Mẹ hiểu rằng Thiên Chúa đã nói và Ngài đã nói trước hết: Lời Ngài, ý muốn Ngài và kế hoạch Ngài có tính ưu việt. Chúng ta có thể đáp lời Ngài chỉ vì Ngài đã nói trước Lời linh nghiệm; đức tin của chúng ta phụ thuộc vào việc Thiên Chúa quyết định mạc khải dạy dỗ ban ân sủng; chúng ta có thể tán dương Ngài chỉ vì Ngài đã ban cho chúng ta khả năng tin vào Ngài. Đời sống của Mẹ Maria đã báo trước điều mà phụng vụ của Giáo Hội sau này sẽ nói: “Việc chúng con muốn tạ ơn Chúa, lại là ân ban của Chúa” (Kinh tiền tụng IV các ngày trong tuần).

Trong đời Đức Maria rõ ràng Thiên Chúa đã nói trước hết. Lời sau đây có thể đem áp dụng rất đúng về Mẹ: “Trước khi tạo hình ngươi trong dạ mẹ Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã hiến thánh ngươi” (Gr 1,5). Thiên Chúa đã nói trước tiên và đã tạo nên trong Mẹ Maria một quả tim vô tội, tinh tuyền, trọn vẹn, một quả tim hoàn toàn hợp với Lời Chúa và với đường lối Ngài. Lời Chúa đã tạo nên trong Mẹ một Trái tim vô tội có khả năng tiếp nhận “sự hiểu biết mầu nhiệm” “kế hoạch mà Ngài vui lòng ban ra trong Đức Kitô”. Mẹ Maria dạy chúng ta biết phải trông đợi Ngôi Lời thế nào để Lời tiếp tục lôi kéo chúng ta vào quỹ đạo sự sống và tình yêu thần linh.

        2. Lắng nghe Lời Thiên Chúa

Ảnh hưởng sau cùng và trực tiếp của Lời Thiên Chúa là làm phát sinh nơi Mẹ một trái tim thực sự biết lắng nghe Lời. Không chỉ là Lời đã được phán ra; nó đã được Trái tim vô tội của Mẹ lắng nghe và đón nhận. Đó là lý do tại sao các Giáo phụ của Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi nói rằng Mẹ Maria đã cưu mang Lời trong tâm hồn trước khi hoài thai Lời trong trinh dạ. Như thánh Augustino đã nói:

“Tư cách làm Mẹ nhân ái của Đức Maria đã đem lại rất ít lợi ích nếu trước hết Mẹ đã không cưu mang Chúa Kitô trong trái tim Mẹ và chỉ sau đó Mẹ mới cưu mang Ngài trong trinh dạ”.

Ngay cả trước khi Mẹ cưu mang Ngôi Lời vĩnh cửu của Cha trong trinh dạ thì cũng không có gì sai khi coi Mẹ như “Cung thánh của Chúa Thánh Thần”.

Chỉ ai nhờ ơn Chúa Thánh Thần sẽ xác tín sâu xa rằng Thiên Chúa thực sự đã từng nói Cor ad Cor mới biết lắng nghe. Mẹ Maria đã thâm tín chắc chắn không chỉ về sự thật của Lời được mặc khải nhưng cũng còn cả quyền năng biến đổi và sáng tạo của Lời nữa. Lắng nghe Lời Ngài không chỉ đơn giản là nhận được một thông tin mới hoặc ngay cả những xác tín mới, nhưng còn là được biến đổi từ thành công này đến thành công khác. Đối với ai đã thâm tín về quyền phép và sự chân thật của Lời Thiên Cháu thì cầu nguyện trước tiên và trên hết có nghĩa là lắng nghe tiếng Chúa. Đức Maria đã có thái độ cầu nguyện như thế bằng cả khối óc, con tim và toàn thể hữu thể thốt lên: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Trái tim Mẹ là một bình chứa toàn sự thinh lặng, ở đó tiếng nói của Thiên Chúa không bị nhiễu sóng bởi hàng ngàn tiếng nói đua chen, tiếng nào cũng đòi hỏi chú ý. Mẹ đã chờ đợi Lời Chúa và khi Lời đến Mẹ đã hoàn toàn hiến thân cho Lời.

        3.  Tiếp nhận Lời Thiên Chúa

Chiều kích thứ ba của đức tin nơi Mẹ Maria là việc Mẹ tiếp nhận Lời Thiên Chúa nổi bật rõ ràng trong câu Mẹ trả lời sứ thần: “Hãy thực hiện cho tôi theo Lời Ngài”. Nhờ lắng nghe mà có được sự chấp nhận bằng tất cả tâm hồn. Đức Thánh Cha đã nhiều lần đề cập đến việc Mẹ chấp nhận Lời Thiên Chúa. Ở đây tôi đặc biệt để ý đến điều Ngài nói tại Mexico năm 1979. Ngài nói đến việc Mẹ Maria chấp nhận những kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa như một mẫu mực về cách thức mà chúng ta cũng nên chấp nhận chúng:

Việc chấp nhận là khoảnh khắc con người bỏ mình đi trước mầu nhiệm, không phải một cách cam chịu của người đầu hàng trước một điều khó hiểu hoặc phi lý, nhưng đúng hơn một cách sẵn sàng đáp ứng của người đang mở lòng ra cho một cái gì đó hoặc một Đấng nào đó vĩ đại hơn chính lòng mình ngự vào.

Mẹ Maria chấp nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa với thái độ dứt khoát biết bao! Chúng ta hãy thận trọng suy nghĩ về điểm này; chúng ta cũng hãy tự hỏi việc chấp nhân jất có ý nghĩa gì đối với Mẹ.

Hai nét đặc trung của cuộc đời Mẹ Maria làm tăng thêm sự sẵn ứng của Mẹ đối với Thiên Chúa. Nét thứ nhất là tính đơn sơ của đức khó nghèo nơi Mẹ. Mẹ đã sống một cuộc đời mai ẩn trong một thôn làng tăm tối xa cách nơi các nhân vật quan trọng đang biểu dương quyền hành. Mẹ sống giữa những người nam nữ bình thường trong làng và có lẽ không bao giờ được những người hay xét đoán theo vẻ bên ngoài mà không nhìn đến chiều sâu tâm hồn đế ý tới. Đức khó nghèo của Mẹ không chỉ là một tình trạng xã hội không thể tránh nhưng là một cơ hội quý báu để làm cho Lời Thiên Chúa trở thành kho báu trường cửu thực sự của Mẹ, đáng giá hơn cả vàng bạc. Mẹ Maria không bao giờ bị xếp vào số những người quá bận tâm đến chuyện riêng tư và chỉ tìm kiếm tư lợi. Mẹ không sở hữu nhiều của cải nhưng chỉ Một Của độc nhất. Và khi đứng gần Thập Giá Mẹ đã ban tặng Của ấy cho chúng ta! Nhờ đức nghèo của Mẹ chúng ta được nên giàu có.

Nét đặc trưng thứ hai của đời sống Mẹ Maria làm cho mẹ nên sẵn ứng với Thiên Chúa, đó là đức khiết trinh. Đức Trinh khiết biểu hiện mạnh mẽ nơi việc Mẹ thánh hiến mình cho Thiên Chúa. Với con tim thuần khiết vĩ đại không vương pha chút tì ố nào thúc đẩy, Mẹ đã chấp nhận kế hoạch Thiên Chúa dành cho Mẹ và cho thế giới. Mẹ đã thánh hiến cho duy mình Thiên Chúa; thái độ của Mẹ được tóm gọn trong câu nói đơn sơ này: “Lạy Chúa đáng mến, chỉ Thánh ý Ngài – không hơn không kém không khác! Mục đích của Mẹ là hoàn toàn phụng sự Chúa trong tâm hồn và thân xác, hiến mình như của lễ toàn thiêu sống động để tán dương”. Như vậy sự Trinh khiết tâm hồn và thể xác của Mẹ là bí quyết đưa tới sự phong nhiêu của Mẹ. Thái độ sẵn ứng và sự chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa là bí quyết đưa tới mẫu tính tinh thần và thể chất của Mẹ. Mẹ có phúc giữa các phụ nữ! Mẹ là Virgo, nhờ đó Mẹ là môn đệ tận tâm tuyệt đối, một chứng nhân độc nhất của Vương quốc Thiên Chúa. Mẹ là Mater, nhờ đó Mẹ toàn hiến cho hoa trái của lòng Mẹ! Nhờ hai chức phận Virgo và Mater, Mẹ đã nhận được toàn thể tặng ân của ân sủng và vinh quang.

Thái độ sẵn ứng của Mẹ đối với kế hoạch của Ngài nổi bật dưới chân Thập Giá. Stabat Mater! Mẹ đứng hiện diện bên người Con Nhập Thể của Mẹ khi Ngài hoàn tất kế hoạch của Chúa Cha. Mẹ hiện diện mặc dù khổ đau và nhục nhã bao vây tứ phía. Sự hiện diện của Mẹ bên cạnh Đấng bị đóng đinh đã hoàn tất việc thánh hiến của Mẹ.

        4. Đức tin ngoan cường

Chiều kích sau cùng của đức tin nới Mẹ Maria là tính chất ngoan cường. Đức tin của Mẹ là một đức tin có một vẻ đẹp tinh vi, một mô hình phức tạp những cũng đầy tính chất dũng cảm bất khuất ngoan cường. Đối với Mẹ Maria biết bao cái được ban cho Mẹ, biết bao điều được trông mong nơi Mẹ! Mẹ đã chịu đựng sự ngờ vực phải xảy ra chung quanh việc Mẹ thụ thai trinh khiết Chúa Kitô, cuộc hành trình đến Belem, sự thô hèn của hang đá; những nỗi đau khổ của cuộc đào vong sang Ai Cập; nỗi kinh sợ của lời tiên tri Simeon. Thậm chí khi Mẹ đã lãnh nhận Ngôi Lời với biết bao vui mừng và đã hiểu sứ mạng tuyệt vời của Ngài là Đấng Messiah và là Đức Chúa, thì Mẹ cũng hiểu rằng Mẹ phải trao cho Ngài, trước là cho các Tông Đồ rồi đến đám quần chúng và cuối cùng là Thập Giá. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng Mẹ Maria đã lặp lại suốt đời câu Mẹ đã hỏi sứ thần hồi ở Nazareth: “Việc đó xảy ra thế nào được?”.  Đức tin của Mẹ chưa bao giờ chao đảo. Người nữ tì dịu dàng đã chứng tỏ mình là người phụ nữ dũng cảm – người nữ có đức tin không thể tan vỡ, người nữ can đảm khôn lường. Tôi xin nhắc lại tư tưởng của Đức Thánh Cha Pio IX – Mẹ Maria đứng kề Thánh Giá thật là “tháp ngà Đavit”!

 

Đức tin của chúng ta cũng giống như đức tin của Mẹ, chỉ có thể được hoàn hảo trong cầu nguyện, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu, trong đức khó nghèo và trong đức tuân phục Giáo Hội. Với Mẹ Maria chúng ta hãy cầu nguyện mỗi ngày:

Lạy Chúa, Con tin!

Nhưng hãy thêm cho lòng tin mạnh mẽ.

Con hy vọng!

Nhưng hãy ban thêm lòng cậy mênh mang.

Con yêu mến!

Xin cho con tình mến nồng nàn.

Con buồn khổ!

Chúa cứ để nỗi buồn thêm sâu nữa.

Con dâng Chúa

Dòng suy tư không úa

Tiếng nói con

Ước là tiếng Chúa ngân vang

Ý muốn con

Mong sao đẹp lòng Chúa thiên đàng

Và vì Chúa

Đôi vai gầy trĩu nặng

(Trích lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Clemente XI).

Ôi lạy Mẹ, Mẹ Maria rất thánh

Xin cho con được thánh thiện vững bền

Và chiếm được tình mến Chúa thêm lên.

(Lời cầu của Thánh Anphong).

Đức Hồng Y James Hickey

(Trích trong Đức Maria dưới chân thập giá. Bài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo triều)

Comments are closed.