Chúa Nhật Tuần 29 Thường Niên – Ngày 18/10/2020

Lời Chúa: Mt 22, 15-21

Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

 


Suy niệm

TẤT CẢ ĐỀU THUỘC VỀ THIÊN CHÚA

Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”. (Mt 22,22)

Với việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, nhưng đồng thời, chúng ta vẫn đang sống trong thế giới trần thế, được điều hành bởi chính quyền dân sự. Vì thế, chúng ta cần trân trọng quyền bính dân sự. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng tất cả mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và thuộc về Ngài. Hôm nay, bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta một nguyên tắc căn bản và điều quan trọng nhất là tìm kiếm Thiên Chúa mà thôi.

Tin Mừng diễn tả những người Pharisêu đã liên minh với nhóm Hêrôđê, để gài bẫy Chúa Giêsu. Bình thường, nhóm người Pharisêu và nhóm Hêrôđê chống đối nhau, bởi vì thời đó, người Rôma đang đô hộ và ban hành nhiều khoản thuế trên người Do Thái. Người Pharisêu thì ra sức bảo vệ sự tự do tôn giáo trước chính quyền Rôma. Còn người phe Hêrôđê thì ủng hộ Rôma, bởi vì Đế quốc nâng đỡ các tiểu vương xuất thân từ gia đình Hêrôđê Cả. Hôm nay, họ cùng nhau đến gặp Đức Giêsu và tìm phương thế ám hại Người. Họ chào Người là “Thầy”; họ đề cao sự chân thành, khả năng, tính chí công vô tư của Người. Từ đó, họ xin Chúa ban giáo huấn về một vấn đề phức tạp, để nhằm gài bẫy Người, khi hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?”. Nếu Chúa Giêsu trả lời “có”, nghĩa là mặc nhiên khẳng định sự có mặt của Người trong công cuộc cứu độ này là vô nghĩa và chấp nhận quyền thống trị của đế quốc Rôma trên đất người Do Thái. Còn nếu Người trả lời “không”, thì Người đang chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ đóng thuế, đồng thời chối bỏ sự hiện diện của Hêrôđê và đế quốc Rôma. Từ cái bẫy này, Chúa Giêsu đã sử dụng chính đồng tiền nộp thuế, để trả lời cho họ thấy một điều quan trọng nhất, đó là “trả về Thiên Chúa”, điều thuộc về Người. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã không ngừng nói đến kể từ khi ra đi rao giảng Tin Mừng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Như vậy, Chúa Giêsu khẳng định mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới có quyền tối thượng để thông ban cho con người mọi quyền hành trên thế trần; do đó, trước tiên và trên hết, con người phải tìm kiếm, yêu mến và tuân phục Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Cho nên, qua câu trả lời “cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”, Chúa Giêsu muốn đặt lại mọi sự đúng vào vị trí của nó trong bậc thang giá trị mà thôi, khi Người khẳng định mạnh mẽ quyền của Thiên Chúa và cho thấy đó mới là điều quan trọng nhất. Nhưng đồng thời, Người cũng không chối bỏ việc chu toàn những bổn phận và nghĩa vụ của các kitô hữu, với tư cách là công dân trần thế và công dân Nước Trời. Thật vậy, các kitô hữu phải tìm cách xây dựng Nước Trời ngay khi còn ở trần thế này bằng cách thăng tiến đời sống con người về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Cùng với đó, các kitô hữu phải làm thăng hoa những giá trị Tin Mừng trong đời sống của mình: là bổn phận, là trách nhiệm, là tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với Thiên Chúa, để làm cho nơi chúng ta đang sống thấm nhuần sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thế giới chúng ta đang sống không ngừng phát triển về khoa học kỹ thuật, đồng nghĩa với đời sống được nâng cao, nhưng bên cạnh đó, con người cũng tạo ra nhiều cái bẫy để chà đạp nhân phẩm của nhau. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn nâng đỡ, để giúp chúng ta vượt thắng mọi cám dỗ của tiền bạc và danh vọng; ngõ hầu, chúng ta biết chu toàn bổn phận của kitô hữu: là bác ái, yêu thương và phục vụ lẫn nhau.


Comments are closed.