Chúng Tôi Phải Làm Gì? (Lc 3,14) – Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C

Đám đông người đến qui tụ chung quanh Gioan Tẩy giả để sám hối và chịu phép Rửa. Họ gồm những người từ lâu sống rất xa đức tin truyền thống, và thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, đôi khi đối nghịch nhau. Họ không hỏi Gioan Tẩy giả: “Chúng tôi phải tin gì?”, nhưng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”.

Để trả lời, Gioan Tẩy giả hối thúc họ chuẩn bị cho Đấng Messia đến bằng cách thực hiện những việc làm có ý nghĩa và cụ thể nhất. Ngài không đưa ra một giáo huấn trừu tượng sâu xa nhưng không đánh động ai và chẳng mang lại điều gì thiết thực cả. Ngài cũng không bảo họ phải noi gương Ngài sống đời khắc khổ trong hoang địa. Ngài chỉ đơn giản mời gọi họ tiếp tục sống, nhưng sống tốt trong hoàn cảnh riêng của mình, và quảng đại chia sẻ những gì mình đang có: “Ai có hai áo, hãy chia cho người không có. Và nếu có gì ăn, cũng hãy làm như vậy”.

Cuộc hoán cải ấy không thể thực hiện được bằng sức riêng con người. Nhưng sự kiện Gioan Tẩy giả yêu cầu những người vốn bị coi là không thể hoán cải được phải thay đổi cuộc sống cho chúng ta hiểu rằng với Thiên Chúa tất cả đều có thể được. Nếu chúng ta thực sự muốn, Chúa luôn ở với chúng ta để dẫn dắt chúng ta. Chính Người đã chỉ đường cho chúng ta: “Ta là đường, là sự thật và là sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ta” (Ga 14,6).

Chúng tôi phải làm gì?”. Đó là một câu hỏi vô cùng quan trọng mà đám đông đặt ra cho Gioan Tẩy giả ở bờ sông Giođan. Câu hỏi ấy chúng ta gặp nhiều lần trong Tân ước. Sau nầy, Chúa Giê-su sẽ dạy: “Không phải những người nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu nhưng là những người thực hiện ý muốn của Cha Ta” (Mt 7,21). Sau lễ Hiện xuống, đám đông cũng đặt câu hỏi ấy cho ông Phê-rô: “Chúng tôi phải làm gì?”. Đó cũng là một cách nhắc lại rằng đức tin phải thực tiễn và sống động, vì nhờ đó, chúng ta mới có thể tiếp nhận ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Tình yêu ấy của Thiên Chúa đã trở thành một nguồn suối tuôn tràn sự bình an và ơn cứu độ.

Cũng như đám đông xưa kia, giờ đây cũng thế, chúng ta phải đặt ra cho mình câu hỏi ấy: chúng tôi phải làm gì bây giờ ? Gioan Tẩy giả không đòi những điều kì diệu, nhưng rất đơn giản và thực tế. Sự hoán cải đích thực bắt đầu từ việc chia sẻ, hoàn thành có ý thức bổn phận hằng ngày của mình, nhất là tôn trọng người khác, đặc biệt những người nghèo khổ nhất.

Thật vậy, chúng ta chỉ có thể ở trong niềm vui của Đức Kitô khi chúng ta chia sẻ niềm vui ấy cho người khác, đặc biệt những người bị thử thách bởi sự nghèo túng, bệnh tật và cô đơn. Chính bằng cách đó mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa con đường trong cuộc sống, trong giáo xứ và thế giới chúng ta.

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.