Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên – Ngày 13/11/2022

Lời Chúa: Lc 21,5-19

Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo : “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người : “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước ?”

Đức Giê-su đáp : “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : ‘Chính ta đây’, và : ‘Thời kỳ đã đến gần’ ; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp : “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém ; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

 


Suy niệm

TƯƠNG ĐỐI VÀ TUYỆT ĐỐI

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nằm trong phần Bài giảng về sự sụp đổ của thành Giêrusalem. Đền thờ được Chúa Giêsu nói đến ở đây là đền thờ thứ hai được xây dựng lại khoảng năm 550 tCN và được vua Hêrôđê Cả trùng tu vào năm 19 tCN (x. Ga 2,20), nên thời Đức Giêsu vẫn còn mới. Có lẽ mọi người ở thời của Chúa Giêsu đều tin rằng đền thờ nguy nga tráng lệ sẽ trường cửu với thời gian làm bảo chứng giao ước của họ với Thiên Chúa. Thực tế là đền thờ ấy đã không vững bền mãi mãi. Năm 70, đền thờ đã trở thành bình địa do tướng Titus của Rôma phóng hỏa. Nhìn đến xã hội thời chúng ta, sau khi nhà bác học Albert Einstein công bố thuyết tương đối hẹp năm 1905 và thuyết tương đối rộng vào cuối năm 1915 và đầu năm 1916, không chỉ lĩnh vực vật lý thay đổi nhưng còn kéo theo rất nhiều thay đổi khác. Từ một thuyết vật lý, thuyết tương đối với sức ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ của nó đã bị con người đưa vào hầu hết mọi mặt của cuộc sống. Mọi thứ đều bị tương đối hóa, ngay cả trong lĩnh vực tình cảm và thiêng liêng, con người không còn thấy điều gì là tuyệt đối hay vĩnh cửu nữa.

Nhìn vào suốt dọc dài lịch sử, niềm tin của con người dường như loay hoay giữa tương đối và tuyệt đối. Họ đặt niềm tin vào điều này điều kia và trong khoảnh khắc tin rằng đó là tuyệt đối, là vĩnh cửu mà họ có thể cậy dựa để bảo đảm đời sống. Khi có vẻ như mọi thứ tan vỡ, sụp đổ và qua đi xảy ra trước mắt, con người lại huyễn hoặc mình rằng tất cả đều chỉ là tương đối và rồi sẽ ra vô nghĩa nên không cần phải cố gắng, không cần biết ngày mai hay sau này. Vậy, sự thật là gì, phải tin vào điều gì, tương đối hay tuyệt đối? Con người còn có thể có điểm tựa nào chăng?

Thật ra, tương đối hay tuyệt đối vẫn luôn tồn tại, nhưng con người thường hay lầm lẫn trong việc áp dụng nguyên lý của bình diện này cho một bình diện hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, chúng ta cần nhớ lại lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt” (Lc 21,8). Động từ lừa gạt ở đây còn có thể dịch là quyến rũ hay mê hoặc. Như thế, Chúa muốn nhắc nhở ta đừng để bị mê hoặc bởi nhiều phương diện bao gồm cả những lý thuyết tưởng như rất xuôi tai, hợp lý. Ta cần ý thức rằng của cải vật chất là những thứ có thể mang lại sự bảo đảm cho ta trong một thời khắc nhưng nó không tồn tại vĩnh cửu và chắc chắn rằng nó không đảm bảo cho hạnh phúc đời đời. Vật chất là cái tương đối, cái sẽ qua đi, nên ta không được đánh đồng nó với những giá trị vĩnh cửu như sự hy sinh, tình yêu và trên hết là Thiên Chúa vĩnh hằng. Ta hãy sử dụng những cái tương đối như phương tiện giúp ta đạt tới cứu cánh là Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối.

Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn Thánh Thần giúp chúng con nhận ra điều gì chỉ là tương đối, chóng qua và điều gì mới thực sự tồn tại mãi. Xin cho chúng con biết nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối mà đặt niềm tin tưởng, phó thác nơi Ngài. Amen.


Comments are closed.