CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA LỄ HIỂN LINH, 08-01-2023 ֎ BELEM, KINH THÀNH ÁNH SÁNG…

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

LỄ HIỂN LINH, 08-01-2023

֎

BELEM, KINH THÀNH ÁNH SÁNG

Đối với tiên tri Isaia, Giêrusalem xứng đáng với danh hiệu kinh thành ánh sáng: nhờ sự hiện diện của Chúa và vì nó được tiền định cho việc tập hợp các quốc gia và các vua chúa. Nhưng đối với Matthêu, Belem khiêm tốn tỏa sáng vì sự ra đời của Chúa Giêsu, ngôi sao đích thực hướng dẫn các đạo sĩ.

Bài đọc I : Is 60, 1-6

Sấm ngôn này mô tả một lễ hội đích thực về ánh sáng mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho Giêrusalem, mà còn cho các ‘quốc gia’ và các ‘vua’, những người sẽ sớm bước đi hướng tới [ánh sáng] của Giêrusalem và sự sáng sủa của bình minh của Giêrusalem. Đó là lễ mừng tại Thành Thánh bởi vì “con trai, con gái của thành” đang trở về từ nơi lưu đày ở Babylon. Các trò vui lễ hội bùng nổ ở mọi phía và từ nay trở đi, thành không còn chỉ là đổ nát và hoang tàn, vì được làm cho thỏa lòng bởi các quốc gia đổ dồn về. Những kẻ thù truyền kiếp là dân Mađian và dân Epha dâng tặng cho cư dân Giêrusalem một đội quân lạc đà đặc biệt. Về phần mình, những người từ Saba xa xôi mang theo ‘vàng và nhũ hương’, như thế làm mới lại bước chân trước đây của nữ hoàng, người đã đến Giêrusalem để thấy sự huy hoàng của triều đại Solomon và để hỏi về sự khôn ngoan huyền thoại của ông.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 71 (72)

Tựa đề của thánh vịnh này trong tiếng Híp-ri được dịch là “[của/vì/trong] vinh quang của… Sa-lô-môn”. Chính vị vua này, vị vua có vương quốc mở rộng “từ biển (Địa Trung Hải) đến biển (Euphrates)”, và là người duy nhất đã đón tiếp nữ hoàng “Saba”. Thánh vịnh này mang dáng vẻ một nghi lễ hoàng gia : hôn lễ Đức Vua hoặc tôn vương. Nó có những sắc thái thiên sai mạnh mẽ : không giống như một số vị vua của Israel và Giu-đa đã thất bại trong nhiệm vụ này, vị vua mà người ta tôn vinh ở đây là một vị vua lý tưởng. Theo truyền thống Do Thái giáo và Kitô giáo giải thích, sứ mệnh của vị vua này có tính thiên sai đúng nghĩa. Người dấn thân phục vụ người nghèo, người bất hạnh và người yếu thế, như nhiều lời tiên tri đã nói, trong đó có tiên tri Isaia (Is 61, 1-3).

Bài đọc II : Ep 3, 2-5a. 5-6

Bức thư gửi tín hữu Êphêsô thuộc về giai đoạn cuối đời của Phaolô. Vị Tông đồ không quan tâm đến những chỉ dẫn về cuộc sống của cộng đoàn. Thay vào đó, ngài phác thảo bằng những nét chính, các giai đoạn của việc truyền bá Tin Mừng, nhờ “các thánh Tông đồ [và các] tiên tri”. Phaolô sử dụng một từ vựng quen thuộc đối với ông : ý định của Thiên Chúa (oikonomia), ban tặng ân sủng, sự hiểu biết và mặc khải (apokalypsis) về mầu nhiệm “trong Thánh Thần”. Phaolô nhấn mạnh sự mới mẻ lớn lao của sự mặc khải mầu nhiệm này, vẫn bị che giấu đối với ‘các thế hệ trước’: trong Đức Kitô, “mọi quốc gia đều được cho tham dự vào cùng một gia sản, vào cùng một thân thể, vào cùng chia sẻ một lời hứa.

Tin Mừng : Mt 2, 1-12

“Các đạo sĩ đến từ phương Đông” chỉ có những tặng vật hoàng gia được họ mang theo, và lý do duy nhất khiến họ đến Bêlem là để tỏ lòng tôn kính với “vị vua mới sinh của người Do Thái”: Đức Giêsu. Những đạo sĩ đó, những người ngoại quốc, “những người dân ngoại” trong mắt người Do Thái, đã tỏ ra khôn ngoan hơn “tất cả các thượng tế và luật sĩ của dân chúng”. Các thượng tế và luật sĩ đều biết lời tiên tri của Mi-kê-a nhưng không biết giải thích nó như thế nào: vô tư và mù quáng, họ không đến thăm hài nhi mới sinh. Chỉ những đạo sĩ, được hướng dẫn bởi một “ngôi sao”, đã phủ phục trước Hài Nhi, vui mừng dâng cho Ngài “vàng, nhũ hương và mộc dược”. Như thế, họ tôn vinh Chúa Giêsu Vua, dâng cho Chúa thứ hương người ta thường dâng lên thần thánh, và dâng mộc dược, là điềm báo về sự mai táng Chúa Giêsu.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.