CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXXII-TN_A, 12-11-2023
֎
CANH THỨC, CANH THỨC LUÔN, CANH THỨC MÃI
Đức tin được sống hàng ngày và được nuôi dưỡng bởi lòng khao khát Thiên Chúa và niềm vui được gặp Ngài. Đối với người chờ đợi và hy vọng Chúa Kitô trở lại, thách đố vẫn là giữ cho ngọn lửa khát khao và niềm vui luôn cháy sáng, cùng luôn tỉnh thức.
Bài đọc I : Kn 6, 12-16
Phải chăng khôn ngoan là dành riêng cho giới tinh hoa và chỉ có thể đạt được sau khi luyện tập chăm chỉ ? Đó không phải là suy nghĩ của tác giả cuốn sách có tựa đề chính đáng là “Về Khôn Ngoan” và được đặt dưới sự bảo trợ của Solomon. Tác giả tin chắc rằng khôn ngoan “dễ dàng để cho mình được chiêm ngưỡng bởi những ai yêu thích khôn ngoan” và “để mình được gặp bởi những ai tìm kiếm khôn ngoan”. Khôn ngoan soi sáng cuộc đời của những người tìm kiếm khôn ngoan và khôn ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Khôn ngoan không phải là nghệ thuật đạt hạnh phúc sao ? Và nếu nghĩ đến Khôn Ngoan với chữ in hoa, người ta thấy ở đây ý tưởng về một Thiên Chúa gần gũi, ân cần, yêu thương và thậm chí còn “mỉm cười”!
Thánh vịnh đáp ca : Tv 63 (62)
Thánh vịnh “khao khát” Thiên Chúa này diễn tả một kinh nghiệm rất giống với kinh nghiệm được trình bày trong bài đọc I. Khôn ngoan là khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa. Đó là chiêm ngưỡng quyền năng và vinh quang của các công trình của Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh tự cho là mình được no thoả sự hiện diện của Chúa: “Ân tình Ngài quý hơn mạng sống…” Ông thổ lộ tâm tình bằng những lời chúc tụng, bởi vì ông “được thoả thuê như khách vừa dự tiệc”. Tác giả Thánh vịnh như thể được dẫn vào một thời được chúc phúc, nơi ông có thể tưởng nhớ đến Thiên Chúa của mình và tiếp tục đối thoại với Ngài, ngay cả trong đêm tối.
Bài đọc II : 1 Tx 4, 13-18
Ở đây Thánh Phaolô bày tỏ một quan điểm mà ngài sẽ phải làm sáng tỏ – thậm chí chỉnh sửa – một chút sau này, đặc biệt là trong lá thư thứ hai ngài gửi cho giáo đoàn Thê-sa-lô-ni-ca. Trong lúc này, Phaolô tin chắc rằng sự trở lại của Chúa sẽ sớm xảy ra. Phaolô tin rằng lúc ngài còn sống, ngài sẽ thấy Chúa Kitô từ trời ngự đến và đưa dân của Chúa đi cùng với Chúa lên “trên mây trời”. Có thể hiểu được rằng Phaolô và thính giả của ông đã cảm nhận được ước muốn này và ấp ủ niềm hy vọng như vậy. Nhưng Chúa Giêsu đã không hề hứa như vậy. Ngược lại, Chúa còn nói rõ rằng không ai có thể biết ngày Chúa trở lại. Phaolô và các tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca sẽ phải chỉnh lại điểm nhắm và kéo dài hy vọng của mình, đồng thời thường xuyên phải canh thức.
Tin Mừng : Mt 25, 1-13
Dụ ngôn “mười trinh nữ” chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu. Dụ ngôn đề cập đến vấn đề thời điểm “chàng rể” đến, nghĩa là sự trở lại vinh quang của Chúa Kitô. Hai nhóm trinh nữ – năm cô “biết tiên liệu”, còn năm cô “vô tâm, vô tư” – biểu thị hai thái độ trái ngược nhau về việc mong đợi sự trở lại của Chúa Kitô. Tuy nhiên, vấn đề cần phải được hiểu đúng, vì những chỉ dẫn của Đức Kitô rất rõ ràng: “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Nếu mối nguy hiểm của sự vô tâm, vô tư đã xuất hiện vào thời Chúa Giêsu và vào thời kỳ đầu của Kitô giáo, thì làm sao chúng ta có thể nói rằng nó không còn tồn tại nữa, sau hai nghìn năm ? Ngọn lửa hy vọng Chúa Kitô tái lâm có còn cháy trong lòng chúng ta không ?
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.