CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXVIII-TN_B, 10-10-2021
KHO TÀNG QUÝ BÁU NHẤT
Bốn bài đọc đều nói về chủ đề Khôn Ngoan. Chủ đề này vừa là sự tìm kiếm hạnh phúc, vừa là một yêu cầu phân định trước những trải nghiệm gắn liền với thân phận phải chết của con người. Chúa Giêsu đề nghị một sự Khôn Ngoan nghịch lý thể hiện qua lòng quảng đại đối với người nghèo.
Bài đọc I : Kn 7, 7-11
Chín thế kỷ sau triều đại của Sa-lô-môn, một người Do Thái ở Alexandria đã viết bằng tiếng Hy Lạp một cuốn sách có tựa đề Khôn Ngoan hay còn gọi là Khôn Ngoan của người giả-danh-Sa-lô-môn. Trong các chương từ 7 đến 9, tác giả đưa ra một khảo luận đáng chú ý về Sự Khôn ngoan và gán cho Sa-lô-môn một niềm đam mê và yêu thích tìm kiếm Khôn ngoan. Tác giả đặc biệt giải thích lại các bản văn của sách Các Vua, nhất là giấc mơ nổi tiếng ở Gabaon (1 V 3, 4-13), mà kết quả là việc Chúa ban ơn khôn ngoan đặc biệt, biểu thị cách dồi dào qua đại từ “TA”, cho vị vua vĩ đại. Trong trích đoạn này, sáng kiến không đến từ một giấc mơ hay thậm chí từ Thiên Chúa một cách rõ ràng, nhưng từ một lời cầu nguyện khát khao của nhà vua, và từ một sự phân định sáng suốt về một sự khôn ngoan vượt quá những thiện hảo mà người ta có thể mong muốn có.
Thánh vịnh 89 (90)
Thánh vịnh 89 (90), đáp lại bài đọc đầu tiên, chắc chắn là một lựa chọn tốt trong số các thánh vịnh khôn ngoan (Tv 33; 36; 118). Tuy nhiên, ở đây là cả một cộng đoàn, sau khi đã phơi bày khoảng cách vô tận giữa sự vĩnh cửu của Thiên Chúa và tính chất phù du của cuộc sống con người, đã cầu xin Thiên Chúa dạy cho biết “đếm tháng ngày mình sống” và để “tâm trí được khôn ngoan”. Nếu thánh vịnh tiếng Do-thái có trước Sách Khôn ngoan, thì nó cũng loan báo sự khao khát và lòng kính trọng sự Khôn ngoan được so với nó với ý khen ngợi. Thực tế, tác giả thánh vịnh tìm kiếm “tình yêu của Thiên Chúa”, “sự vui mừng”, sự ngưỡng mộ các công trình của Thiên Chúa, “lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng ta”, và sự củng cố “công việc tay chúng ta làm”.
Bài đọc II : Dt 4, 12-13
Tác giả, người có danh tính còn bị tranh cãi, vẫn được nhìn nhận là người gốc Alexandria. Ông có những hoán đổi bằng lời nói quan trọng: trong trích đoạn ngắn gọn này, cụm từ “lời Thiên Chúa” có thể dễ dàng được thay thế bằng kiểu nói “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Tất cả những gì được nói đều phù hợp hoàn toàn với những đặc tính của sự Khôn ngoan : “sống động”, “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ”, “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”. Mở đầu bức thư của mình, tác giả gọi Khôn ngoan là “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1, 3; x. Kn 7, 25-26). Tin Mừng của Đức Kitô là sự Khôn ngoan tột đỉnh và là một kho tàng cần được trau dồi.
Tin Mừng : Mc 10, 17-30
Người đàn ông giàu có, và sở hữu một vốn liếng phong phú kinh nghiệm về sự Khôn ngoan, – có thể nói như vậy -, vì anh ta xưng hô với Chúa Giêsu như với “Vị Thầy Nhân Lành”, và đã hỏi Chúa một câu hỏi thích đáng nhất. Anh ta cũng nói rằng anh đã chuyên chú vào sự Khôn ngoan do Mô-sê công bố tại núi Sinai. Cái nhìn của Chúa Giêsu (“Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”) là một lời khen không hề nhỏ. Chúa Giêsu đề nghị với anh ta một sự Khôn ngoan siêu việt và nghịch lý, đó là “đi bán những gì anh có mà cho người nghèo”. Thật là một đòi hỏi quá lớn đối với người đàn ông này, và chính các môn đệ cũng cảm thấy sững sờ. Chúa Giêsu yêu cầu họ điều gần như là không thể, nhưng Ngài bảo đảm với họ rằng những sự từ bỏ và những cuộc bắt bớ “vì [Ngài] và vì Phúc Âm” sẽ mang lại cho họ gấp trăm và sự sống mai sau.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ