CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXV-TN_A, 24-9-2023 ֎ THIÊN CHÚA MUỐN NÊN GẦN GŨI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXV-TN_A, 24-9-2023

֎

THIÊN CHÚA MUỐN NÊN GẦN GŨI

Thiên Chúa để cho mình được tìm gặp bởi những người cầu khẩn Ngài. Hơn nữa, chính Chúa thường là người đi những bước đầu tiên, tìm kiếm những người thợ làm việc trong vườn nho của mình. Tiền công mà Thiên Chúa hứa cho tất cả mọi người sẽ là công bằng, nhưng là một công bằng được chi phối bởi lòng tốt của Ngài.

Bài đọc I : Is 55, 6-9

Isaia chắc chắn là nhân chứng vĩ đại nhất trong Cựu Ước về một Thiên Chúa uy nghi: Đấng Tối Cao, Đấng Ba lần Thánh, Chúa của vũ trụ. Nhưng sự nghiệp lâu dài của nhà tiên tri ở thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên đã cho phép ông khám phá những khía cạnh khác của Vị Thiên Chúa vinh hiển này. Trong phần đầu của sấm ngôn, Isaia thúc giục những người đương thời của ông hãy nắm lấy cơ hội về một Thiên Chúa “để cho người ta tìm thấy mình”, và là Đấng mà người ta luôn có thể quay trở lại với Ngài, bởi vì Ngài “giàu lòng tha thứ”. Nhưng, thật nghịch lý, càng đến gần Thiên Chúa, người ta càng nhận ra sự cao cả trong mầu nhiệm của Ngài. Thiên Chúa còn lên tiếng trong phần thứ hai của sấm ngôn để nhắc cho biết rằng tư tưởng và đường lối của Ngài vượt quá mọi sự hiểu biết.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 144 (145)

Không một chút nghi ngờ, Thánh vịnh 144 (145) mở rộng những lời của Isaia, theo đó Isaia trình bày những mối quan hệ mạnh mẽ về mặt từ vựng và thần học. Một mặt, tác giả thánh vịnh chia sẻ một tầm nhìn chung về sự vĩ đại và sự uy nghiêm vô hạn của Thiên Chúa. Mặt khác, tác giả cũng biến mình thành người ca ngợi một vị Thiên Chúa tốt lành, dịu dàng và thương xót “đối với mọi người” và “đối với mọi công trình của Ngài”. Tác giả thánh vịnh thậm chí còn đi xa hơn, so với tiên tri Isaia, về vấn đề sự gần gũi của Thiên Chúa. Trong khi tiên tri Isaia bày tỏ cảm giác cấp bách, thì ở đây tác giả thánh vịnh bày tỏ sự tin tưởng thầm lặng và bền vững : Thiên Chúa “ở gần những kẻ kêu cầu Ngài”.

Bài đọc II : Pl 1, 20c-24.27a

Thánh Phaolô viết những dòng này khi đang bị giam cầm vì đã dám loan báo Tin Mừng. Trong một bức thư thấm đẫm sự thanh thản, thánh nhân cảm ơn các tín hữu Philípphê đã chia sẻ những thử thách của ngài cũng như chia sẻ ân sủng được ban cho ngài để theo Chúa Kitô. Thành thật mà nói, thánh nhân làm cho họ dự phần vào tình thế khó xử đang dằn vặt ngài : ngài nên sống để tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng, hay chết “để ở với Chúa Kitô”? Ngài không hề sợ chết và bất chấp những thử thách mà ngài đang trải qua, ngài kiên quyết chọn cuộc sống “trong thế gian này”, cuộc sống mà ngài muốn dâng hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và cho việc phục vụ các cộng đoàn của ngài.

Tin Mừng: Mt 20, 1-16

Dụ ngôn của Chúa Giêsu lấy lại một cách độc đáo ý tưởng chủ đạo của bài đọc thứ nhất và của thánh vịnh, đó là Thiên Chúa ở gần con người. Nhân vật trung tâm – chủ một cơ nghiệp và một vườn nho – rõ ràng là hình ảnh về Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhân vật này lại tăng số lần “đi ra”, từ sáng đến chiều, để gặp gỡ những người mà ông muốn thuê vào làm vườn nho cho ông. Không ai trong số những người lao động phải cầu xin ông chủ: chính ông chủ đi tìm họ và triệu tập họ. Thiên Chúa giữ lời của Ngài về tiền lương đã thỏa thuận, đồng thời giữ quyền ban phát, chỉ vì lòng tốt, đối với những người vào làm cuối cùng cũng như đối với những người vào làm trước nhất.

.

Lm. Gb.Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

Comments are closed.