CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XII-TN_B, 20-6-2021 CHÚA TỂ BIỂN CẢ VÀ BÃO TỐ

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XII-TN_B, 20-6-2021

CHÚA TỂ BIỂN CẢ VÀ BÃO TỐ

          Ông Gióp đã chứng kiến ​​một cơn bão khủng khiếp đe dọa mạng sống, (cơn bão) mà chỉ Thiên Chúa mới có thể dẹp yên. Chính Vị Thiên Chúa này đã giải cứu Môi-sê và người Do Thái khỏi cơn cuồng loạn của nước. Cuối cùng, Chúa Giêsu dẹp yên cơn bão trên mặt nước Biển Hồ Ga-li-lê và gợi lên câu hỏi của các môn đệ về căn tính thật của Chúa.

Bài đọc I: G 38, 1. 8-11

          Mọi điều đã được ông Gióp và những người bạn của ông nói ra, những người này đã trở thành những người tố cáo ông Gióp, và ông Gióp đã rất mạnh mẽ trách móc Thiên Chúa không những đã bỏ rơi ông, mà còn giữ im lặng trước những đau khổ bắt ông phải chịu, điều đó có vẻ bất công đối với ông. Ông Gióp tuyên bố mình vô tội, và ông đã liên tục đáp trả những người lên mặt dạy đời. Những người này tự cho mình có thể nói về Chúa. Nhưng ông Gióp là người duy nhất nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa và yêu cầu Chúa giải thích cho ông. Cuối cùng “Ở giữa cơn bão tố,” Thiên Chúa đã trả lời ông Gióp, bằng một bài nói chuyện kéo dài năm chương. Đáng ngạc nhiên là Thiên Chúa không hề nói đến sự đau khổ, như thể Ngài muốn đưa ông Gióp ra khỏi sự đau khổ và sự giam hãm ông đang phải chịu, để cho ông thấy tất cả vẻ đẹp của thế giới. Thiên Chúa tạo ra thế giới và kiểm soát biển cũng như những con sóng của nó, thì Ngài dư khả năng chữa lành cho ông Gióp.

Thánh vịnh 106

          Thánh vịnh dài này ca ngợi vẻ đẹp và sự vĩ đại của Công cuộc Sáng Tạo, vốn bày tỏ sự tốt lành của Chúa và tình yêu bền vững của Ngài. Giống như tác giả sách Gióp, thánh vịnh gia cũng tin vào quyền uy của Thiên Chúa trên “các đại dương” và (tin vào) việc Thiên Chúa làm chủ “gió khiến biển nổi sóng”. Cần biết rằng Israel trong Kinh Thánh không bao giờ là một dân tộc giỏi nghề biển. Khổ thơ thứ ba gợi lên nỗi “thống khổ” của những người “kêu lên cùng Chúa” giữa cơn giông tố trên biển. Lời cầu nguyện của những thủy thủ này được Thiên Chúa lắng nghe, Đấng dẫn họ đến bến bình yên, và biến nỗi thống khổ của họ thành niềm vui mừng và cảm tạ vì những điều kỳ diệu được tình yêu của Chúa thực hiện cho loài người.

Bài đọc II: 2 Cr 5, 14-17

          Bài đọc thứ hai khác với ba bài kia, vì không đề cập đến quyền năng của Thiên Chúa trên biển cả và bão tố. Chúng ta không coi thường bài đọc này, vì nó dạy chúng ta một bài học kép về cuộc sống. Nhờ Đức Kitô, “chết thay cho mọi người”, chúng ta phải tập trung cuộc sống của chúng ta vào Ngài, chứ không phải vào chúng ta, để trở thành “một tạo vật mới”. Chúng ta cũng cần thay đổi cái nhìn của chúng ta về người khác “một cách thuần nhân bản”. Chúng ta phải nhìn họ như là Đức Kitô, không phải như là người xa lạ, nhưng là con cái của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, lắng nghe và cứu độ.

Tin Mừng: Mc 4, 35-41

          Hai bài đọc đầu tiên đã được lựa chọn một cách đúng đắn dựa trên câu chuyện “dẹp yên bão biển”. Sau khi trình bày những dụ ngôn đầu tiên cho một đám đông nhiều người trên bờ Hồ Ga-li-lê, Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ đi qua bờ bên kia. Họ chấp hành, “và có những chiếc thuyền khác cùng đi với họ”. Một cơn “cuồng phong” nổi lên: Chúa Giêsu đang ngủ trong thuyền; các môn đệ hốt hoảng đánh thức Chúa dậy và tỏ ra không hài lòng về sự không hành động của Chúa. Chúa Giêsu đe dọa gió và áp đặt sự im lặng trên “biển”; ngay lập tức sự yên tĩnh trở lại. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì các môn đệ cảm thấy hoảng sợ, như thể họ chưa tin vào quyền năng của Ngài. Những nghi ngờ vẫn tồn tại, nhưng lần này là (nghi ngờ) về căn tính của Chúa Giêsu, Đấng mà “gió và biển […] cũng phải tuân theo”!

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.