CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V-TN_C, 06-02-2022 SỰ KHIÊM TỐN CỦA NHỮNG VĨ NHÂN

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT V-TN_C, 06-02-2022

֎

SỰ KHIÊM TỐN CỦA NHỮNG VĨ NHÂN

Isaia chắc chắn là tiên tri và là nhà thơ vĩ đại nhất của Cựu ước, và trong các Tông đồ, Phaolô là đệ nhất vĩ nhân loan báo Tin Mừng. Nhưng cả Isaia và Phaolô đều nhìn nhận giới hạn của mình và để cho mình được hướng dẫn bởi ân sủng của Thiên Chúa.

Bài đọc I : Is 6, 1-2a. 3-8

Khác với Giêrêmia và nhiều tiên tri khác, câu chuyện về ơn gọi của Isaia không được nói tới ngay từ đầu cuốn sách của ông, mà chỉ được nêu ra ở chương 6. Tuy nhiên, đây là chìa khóa quan trọng để đọc, vốn đã xác định sự vĩ đại và thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng hiện ra với Isaia. Đối mặt với sự cao cả tuyệt đối, Isaia nhìn nhận mình là “người có môi miệng ô uế ở giữa một dân tộc có môi miệng ô uế”. Nhưng một thần sốt mến (Seraphim) đã dùng than hồng thanh tẩy môi miệng của Isaia. Đang khi Thiên Chúa băn khoăn không biết nên sai ai đi làm sứ giả cho mình, thì Isaia tuyên bố ông sẵn sàng và quyết tâm nhận lãnh sứ điệp của Thiên Chúa : “Dạ, con đây: xin sai con đi”. Ngay lập tức Isaia vấp phải sự trì độn và không hiểu biết của dân chúng, nhưng Isaia luôn can đảm khuyến khích dân tin tưởng và hy vọng.

Thánh vịnh 137 (138)

Thánh vịnh 137 (138) này rõ ràng là thánh vịnh tạ ơn (câu 1, 2 và 4). Hơn nữa, những lời lẽ của tác giả thánh vịnh ăn khớp với một số yếu tố trong trình thuật về ơn gọi của Isaia : sự hiện diện của các thiên thần, việc đề cập đến “đền thánh”, và sự vĩ đại của “vinh quang của Chúa”. Cũng phải nói rằng tác giả thánh vịnh đi đến cùng vào việc tạ ơn, và giống như tiên tri Isaia, tác giả biểu lộ một sự kính trọng thanh khiết và nhiệt thành đối với danh Thiên Chúa, là “tình yêu và sự thật”, và đối với lời của Thiên Chúa, lời được đề cao trên tất cả mọi sự (so sánh với Is 55, 8-11).

Bài đọc II : 1 Cr 15, 1-11

  Thư thứ nhất của Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô chứa đựng một phần quan trọng những lời khuyên về đạo đức (những hành vi lệch lạc về tình dục, những cuộc cãi vã giữa anh em, những đòi hỏi trong hôn nhân). Nhưng lá thư này cũng để lại cho chúng ta những tóm tắt thần học có giá trị rất lớn : về bữa ăn Thánh Thể (1 Cr 11), tính ưu việt của tình yêu, các hồng ân của Chúa Thánh Thần (1 Cr 13 – 14) và ở đây là một nhắc nhở về “Tin Mừng” mà Phaolô đã loan báo cho các tín hữu Côrintô. Có thể nói là, Phaolô đã trao cho chúng ta tín điều mà ông đã nhận được: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, (…) Ngài hiện ra [sống động) với Phêrô, rồi với Nhóm Mười Hai […). Và cuối cùng (…) với đứa con sinh non” là Phaolô như Phaolô nhìn nhận là thế. Tuy nhiên, Phaolô nhìn nhận mình đã được biến đổi hoàn toàn “bởi ân huệ của Thiên Chúa”.

Tin Mừng : Lc 5, 1-11

Tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi ba môn đệ đầu tiên thật khác hẳn với tường thuật của Marcô, Matthêu và Gioan. Chúa Giêsu xuống thuyền của Simon và giảng dạy cho đám đông đang ở trên bờ. Nhưng không có gì được ghi lại về nội dung của giáo huấn này. Chúa Giêsu biết ông Simon vì đã chữa lành cho mẹ vợ ông ở Capharmaum. Ngài gọi hỏi Simon và yêu cầu Simon tiến ra chỗ nước sâu và thả lưới. Simon nghi ngờ, vì việc đánh cá đêm đã vô ích. Nhưng Simon tin vào lời Chúa Giêsu, nên ông và những người bạn của ông đã phải vất vả kéo lưới vì bắt được quá nhiều cá, và phải nhờ đến những người bạn trên chiếc thuyền thứ hai đến giúp. Phêrô nhận ra mình là tội nhân, nhưng được Chúa Giêsu trấn an, ông đã “bỏ lại mọi sự”, để cùng với các bạn Giacôbê và Gioan, đi theo Chúa Giêsu và trở thành những kẻ chài lưới người.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ  

Comments are closed.