CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ_C, 10-4-2022: ĐƯỜNG THẬP GIÁ, ĐƯỜNG VINH QUANG

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT LỄ LÁ_C, 10-4-2022

֎

ĐƯỜNG THẬP GIÁ, ĐƯỜNG VINH QUANG

Chúa Giêsu vào Giêrusalem, ý thức về những đau khổ và những điều sỉ nhục đang chờ đợi mình. Đám đông và một số môn đệ tung hô Chúa, nhưng chẳng mấy chốc họ sẽ bỏ rơi Ngài. Người Tôi Tớ tuyệt hảo vâng theo ý muốn của Chúa Cha với tâm tình yêu mến, để băng bó thương tích của chúng ta và đem đến cho chúng ta ơn cứu độ dứt khoát.

Bài đọc I : Is 50, 4-7

Bốn câu này tạo thành bài thứ ba trong bốn bài ca của Isaia về Người Tôi Tớ Đau Khổ. Chính danh hiệu “Người Tôi Tớ” không xuất hiện trong bài đọc này, nhưng được gợi lên như vậy. Thật vậy, kẻ “nói năng như một người môn đệ”, đã lắng nghe Thiên Chúa của mình vào buổi sáng, và lo lắng “nâng đỡ ai rã rời kiệt sức”. Tuy nhiên, ơn gọi của người môn đệ đã đem lại cho ông những đau khổ và “sỉ nhục” nặng nề : ông đã không trốn tránh những cú đánh người ta giáng vào ông và những đờm rãi người ta khạc nhổ vào mặt ông. Người môn đệ này vẫn kiên vững và thanh thản, bởi vì ông biết rằng Thiên Chúa của ông “phù trợ” ông.

Thánh Vịnh 21 (22)

Câu hỏi rất nổi tiếng và gây hoang mang rất nhiều do tác giả thánh vịnh đặt ra, ở đây được dùng như một điệp khúc, đã đặt lại vấn đề về sự tin tưởng của người môn đệ được diễn tả trong bài đọc I. Câu hỏi kín đáo cho thấy hai điều : tại sao có quá nhiều đau khổ xảy ra cho một người công chính, “bạn hữu” của Thiên Chúa ? Và điều thứ hai, còn nghiêm trọng hơn : tại sao Thiên Chúa ruồng bỏ thế này ? Những kẻ thù của bạn hữu của Chúa ra sức làm khổ anh ta: chúng “vây quanh anh ta [như] những con chó” và “đâm anh ta thủng cả chân tay”. Quả là rất nghiêm trọng, nhưng đau khổ lớn nhất đối với tác giả thánh vịnh là sự Thiên Chúa im lặng và bỏ rơi mình. Đó không phải do Thiên Chúa tức giận : cuối cùng Thiên Chúa đã trả lời và lại trở nên gần cận bạn hữu của mình hơn.

Bài đọc II : Pl 2, 6-11

Sự nhập thể của “Đức Kitô Giêsu, vốn dĩ là Thiên Chúa” vẫn là một mầu nhiệm khôn lường và là một giải pháp thực sự trong suy nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa và Đấng Mêsia (Thiên Sai) của Ngài. Điều không thể tưởng tượng đã trở thành hiện thực: Thiên Chúa, Đấng bất tử, Đấng hằng hữu, Đấng toàn năng, “đã trở nên người phàm […] và cư ngụ giữa chúng ta”, như thánh Gioan viết trong Tin Mừng (Ga 1, 14). Phaolô đã đi rất xa khi khai triển sơ đồ về “sự hạ mình, thậm chí sự hủy mình (“kenosis”, theo tiếng Hy Lạp) của Đức Kitô qua sự “vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”, (về) sự tôn vinh Đức Kitô bởi Thiên Chúa là Đấng đã ban cho Đức Kitô một “Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”. Ở đây không nói về thái độ đắc thắng, nhưng nói về sự công bố quyền chúa tể của Đức Kitô để “Thiên Chúa Cha được tôn vinh”.

Tin Mừng: Lc 22, 14 – 23, 56

Giống như Gioan sau này, Luca nhấn mạnh tầm quan trọng của Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu với cụm từ “Khi đến giờ” và quy chiếu đến “ao ước lớn lao của Chúa Giêsu muốn ăn Lễ Vượt Qua” với các môn đệ của mình. Bất xét bữa ăn long trọng và đạo đức này, các môn đệ vẫn tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong họ. Chúa Giêsu nhắc cho họ nhớ rằng họ phải trở thành đầy tớ và họ sẽ có một phần lớn trong Vương quốc của Ngài. Trong cơn hấp hối, Chúa Giêsu quyết định làm theo ý muốn của Cha ngài. Thật là ngược đời, những kẻ tố cáo Chúa khơi gợi lên, mà không tin, các danh hiệu của Chúa : “Đức Kitô, Vua”, còn Philatô thì chống lại Chúa, dù “xét thấy Chúa không có tội gì đáng chết”. Bị khinh miệt và thù hận, Chúa Giêsu vẫn tha thứ cho những kẻ hành hạ mình, lại còn hứa ban thiên đàng cho một trong hai kẻ ác cùng bị đóng đinh với Ngài. Chúa chết, đang khi phó linh hồn trong “tay” Chúa Cha.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.