CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV-TN_B 31-01-2021 CHÚA VẪN KHƠI DẬY CÁC TIÊN TRI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV-TN_B

31-01-2021

CHÚA VẪN KHƠI DẬY CÁC TIÊN TRI

          Môisê là tiên tri vĩ đại nhất trong Cựu ước, nhưng cũng có những người rất vĩ đại: Êlia, Êlisê, Isaia, Giêrêmia và nhiều người khác. Thiên Chúa không ngừng khơi dậy các tiên tri, trong đó có Chúa Giêsu, Môisê mới. Nhưng, như tác giả Thánh vịnh nói: “Hôm nay, các bạn có nghe lời Người không?”

Bài đọc I: Đnl 18, 15-20 

          Môisê là tiếng nói của Thiên Chúa không chỉ ở Sinai mà còn trong suốt thời gian dân chúng du hành trong sa mạc, tức là trong bốn mươi năm. Đức Chúa cam kết một ngày kia sẽ khơi dậy một “vị tiên tri như [Môisê]” mà dân chúng phải nghe theo. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là Thiên Chúa chiều theo yêu cầu của những người không còn muốn có một cuộc biểu lộ hùng vĩ và đáng sợ như trường hợp ở núi Sinai. Lời tiên tri sẽ ít như sấm vang hơn, nhưng không kém phần đanh thép và thích đáng. Nhưng khốn cho tiên tri nào dám mạo hiểm nói một lời không thốt ra từ miệng Thiên Chúa!

Thánh vịnh 94

          Hai khổ thơ đầu bắt đầu bằng một mệnh lệnh ở ngôi thứ hai số nhiều: “Hãy đến”, “Hãy vào”. Vì vậy, có một người lãnh đạo chủ trì việc cầu nguyện và một hội đồng được mời đến để vui mừng, tung hô và cảm tạ. Lời cầu nguyện đi kèm với sự cúi mình, phủ phục và tôn thờ Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và hướng dẫn dân tộc của Ngài. Thật là một phụng vụ đẹp! Ngoại trừ việc người lãnh đạo hỏi một câu thiết yếu: “Hôm nay anh em nghe lời Thiên Chúa chứ?”, chúng ta được thuận lợi sống một phụng vụ được tổ chức khéo léo, nhưng phụng vụ này sẽ chỉ có giá trị trước mắt Thiên Chúa, nếu nó được hỗ trợ bởi việc thực hành lời của Chúa và những đòi hỏi trong giao ước của Ngài.

Bài đọc II: 1 Cr 7, 32-35

          Những nhận xét của Phaolô về lợi thế của đời sống độc thân và trinh tiết so với hôn nhân, xét về “mối quan tâm đến các vấn đề của thế giới này”, mang một số sắc thái. Thật vậy, bản thân Phaolô sử dụng một ngôn ngữ khác ở nơi khác. Một đàng, thánh Phaolô cho rằng hôn nhân có giá trị biểu tượng cao, trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “mầu nhiệm [hôn nhân] này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5, 32). Đàng khác, Kinh Thánh trình bày những cặp vợ chồng mẫu mực: Abraham và Sara, Giacop và Rachel, Elqana và Anna, Tobit và vợ, Giacaria và Êlisabét, Giuse và Maria, và nhiều người khác. Và phải nói gì về lịch sử của các quốc gia theo Kitô giáo và của các cặp vợ chồng đã cùng nhau vươn tới mức độ cao của thần bí hay thánh thiện? Sự phân chia được nói tới ở phần đầu thật ra chẳng liên quan.

Tin Mừng: Mc 1, 21-28

          Marcô không kể lại nội dung giảng dạy của Chúa Giêsu, khiến người nghe không khỏi ngạc nhiên về tính mới mẻ và thẩm quyền của giáo huấn của Chúa Giêsu so với giáo huấn của các thầy thông giáo. Phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu là việc chữa lành một người bị ám bởi một “thần ô uế” hung bạo và đáng sợ. Bị sự hiện diện của Chúa Giêsu làm cho rối loạn, chính thần ô uế này đã nói ra căn tính thực sự của Chúa: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu không chỉ ra lệnh cho thần ô uế phải im lặng, mà còn buộc nó xuất khỏi người bị nó ám. Người nghe sửng sốt, kinh ngạc xác nhận tính mới mẻ của lời giảng dạy của Chúa Giêsu và (nhìn nhận) tính chất đặc biệt của quyền lực của Chúa trên các thần ô uế. Chúa Giêsu không chỉ chữa những bệnh tật thể xác, mà còn chữa bệnh tật của những linh hồn bị giam hãm trong thần xấu.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.