CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV-MÙA VỌNG_C, 19-12-2021 ĐẤNG THIÊN SAI CỦA NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV-MÙA VỌNG_C, 19-12-2021

֎

ĐẤNG THIÊN SAI CỦA NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG

       Đôi mắt của chúng ta hướng về Belem, một ngôi làng khiêm tốn của những người chăn chiên cừu, những người sẽ là những nhân chứng đầu tiên về sự ra đời của Chúa Giêsu. Và trái tim chúng ta xúc động trước cuộc gặp gỡ vui mừng của bà Elisabeth và Mẹ Maria, hai người phụ nữ được tràn đầy Chúa Thánh Thần và là những người khởi xướng đức tin nơi Chúa Giêsu.

Bài đọc I : Mk 5, 1-4a

       Mi-kê-a, một tiên tri cùng thời với Isaia, đã nói ra lời tố cáo những người giàu có, những người lãnh đạo dân chúng, và một số tiên tri giả và vô trách nhiệm. Giống như Isaia, người cũng đã loan báo sự xuất hiện của Đấng Emmanuel, ở đây, Mi-kê-a đưa ra cho chúng ta một trong những lời hứa thiên sai đáng kinh ngạc nhất của Thiên Chúa, liên quan đến nguồn gốc và sứ mệnh của “Đấng sẽ cai trị Israel”. Lời hứa thật gây kinh ngạc, vì “Đấng Thiên Sai” sắp đến này sẽ được sinh ra ở “Belem Ephrata, thị tộc nhỏ nhất trong các thị tộc của Giuđa”. Lời hứa cũng thật mầu nhiệm, xét về thời điểm của cuộc sinh ra này: “vào ngày mà […] người nữ phải sinh sẽ sinh con”. Mặt khác, việc nhắc đến Belem rất mang tính biểu tượng: đó là nơi sinh của Đavit, người chuyên nghề chăn chiên cừu và là người thống nhất Israel.

Thánh vịnh 79 (80)

       Thánh vịnh nổi tiếng 22 (23) sử dụng hình ảnh Người chăn chiên như là người bảo vệ và là chủ của các tín hữu. Đó là một trong những thánh vịnh đẹp nhất về sự tin cậy. Thánh vịnh 79 (80) sử dụng cùng một hình ảnh nhưng lần này theo nghĩa tập thể : Thiên Chúa được cầu khẩn là “Mục Tử Nhà Israel”. Dân chúng đã rời xa Thiên Chúa, nhưng chính từ Thiên Chúa này, họ đang chờ đợi ân sủng sám hối và ơn trở về từ nơi lưu đày. Tác giả Thánh vịnh không thiếu sự táo bạo, khi ông cầu xin “Thiên Chúa của vũ trụ” cũng trở lại, để “thăm viếng” và “bảo vệ” “vườn nho” của Chúa, tức là dân Israel (x. Is 5, 7). Khổ thơ cuối cùng dẫn chúng ta tới những viễn tượng thiên sai (Mêsia) trong bài đọc đầu tiên: “Xin bàn tay của Ngài nâng đỡ kẻ được Ngài bảo vệ”.

Bài đọc II : Dt 10, 5-10

       Điểm độc đáo của đoạn thư gửi tín hữu Do Thái này là trích dẫn phần lớn thánh vịnh 39 (40). Nếu tác giả chỉ đưa ra lời bình luận cá nhân của mình ở phần cuối, thì ông chia phần trích dẫn thánh vịnh thành ba đoạn riêng biệt: “Đức Kitô nói”; “Do đó, Đức Kitô bắt đầu bằng việc nói”; “Kế đến Ngài tuyên bố”. Thánh vịnh trở thành một cuộc đối thoại của Đức Kitô với Cha của Ngài và cho thấy sự hy sinh của Đức Kitô là tự nguyện (“Này Con đây”) và hoàn toàn thuận theo “ý muốn” của Chúa Cha đến mức độ nào. Ba phần trích thánh vịnh này cho thấy rõ những khác biệt giữa tế phẩm và lễ vật do Luật pháp quy định và của lễ của Đức Kitô. Tác giả nhìn thấy một “sự tình” mới, một sự tình khác, khiến chúng ta được thánh hóa.

       Tin Mừng : Lc 1, 39-45

       Thật là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa Mẹ Maria và bà Elisabeth ! Mẹ Maria là trinh nữ trẻ trung, còn bà Elisabeth thì già nua và vô sinh. Nhưng Thiên Chúa đã thay đổi số phận của hai vị : bà Elisabeth đã mang thai được sáu tháng ; còn Mẹ Maria vừa được thiên thần Gabriel báo cho biết Mẹ sẽ “thụ thai và sinh ra một con trai mà Mẹ sẽ gọi là Giêsu”. Hai người phụ nữ được tràn đầy “Chúa Thánh Thần”, và mỗi người theo cách riêng của mình, đã khai mở đức tin nơi Chúa Giêsu. Elisabeth nói ra lời chúc phúc cho Mẹ Maria, người “được chúc phúc giữa các phụ nữ”, và một lời chúc mừng Mẹ đã tin rằng “mọi lời Chúa nói cùngMẹ sẽ được thực hiện”. Cuộc gặp gỡ này cũng là cuộc gặp gỡ của Gioan Tẩy Giả, người đã “hân hoan nhảy mừng” trong lòng mẹ mình, như để chào đón Đấng vĩ đại hơn mình.

 Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.