CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 29-TN_A, 22-10-2023 ֎ ĐẤNG THIÊN SAI KHÔNG ĐƯỢC MONG ĐỢI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 29-TN_A, 22-10-2023

֎

ĐẤNG THIÊN SAI KHÔNG ĐƯỢC MONG ĐỢI

Hết lần này đến lần khác, Thiên Chúa đã hứa ban một Đấng Thiên Sai cho dân của Ngài. Nhưng Đấng ấy sẽ là ai ? Khi nào Đấng ấy sẽ đến và Đấng ấy sẽ làm gì ? Có nhất thiết Đấng ấy phải là một vị vua, và nếu vậy, là con cháu của Đavít ?

Bài đọc I: Is 45, 1.4-6

Ở Israel, người ta thường tưởng tượng Đấng Thiên Sai là một thủ lĩnh chính trị, cách lý tưởng, là một vị vua thuộc dòng dõi David, hoặc là một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn tầm cỡ như Môsê hoặc thậm chí là một tư tế thuộc phái Sa-đốc. Vậy mà bây giờ Thiên Chúa lại tuyên bố, vào khoảng năm 538 trước Công nguyên, rằng Ngài đã chọn Cy-rô, vua Ba Tư! Ông này chính là người đã cho phép những người Do Thái lưu đầy trở về Giêrusalem. Thiên Chúa nhấn mạnh : Ngài đã “nắm tay” và “gọi đích danh” người ấy, và không ngần ngại giới thiệu người ấy là “Đấng Thiên Sai của mình”! Sự tự do tột đỉnh của một Thiên Chúa làm chủ lịch sử, Đấng “từ đông sang tây”, có thể gọi ai Ngài muốn làm Đấng Thiên Sai và làm Đấng cứu độ dân tộc của mình. Thiên Chúa vẫn chưa hết làm chúng ta ngạc nhiên !

Thánh vịnh đáp ca : Tv 96 (95)

Sự ngạc nhiên nảy sinh từ bài đọc I liên quan nhiều hơn đến ý tưởng chúng ta thường có về Cựu Ước và những viễn tượng của nó, là những điều vẫn được chúng ta tin là hoàn toàn mang tính chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, các thánh vịnh phản ánh một loạt cảm xúc và trải nghiệm của con người, và Thánh vịnh 96 (95), cùng với nhiều thánh vịnh khác, mang sắc thái đại kết rõ rệt. Tác giả Thánh Vịnh kêu gọi “toàn thể trái đất”, “tất cả các dân tộc” và “các gia tộc” đến hân hoan và nhiệt thành ca mừng vương quyền phổ quát của Chúa và những điều kỳ diệu mà Ngài thực hiện cho tất cả mọi người.

Bài đọc II : 1 Tx 1, 1-5b

Bức thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalonica, mà những dòng đầu tiên đang được chúng ta đọc ở đây, được các chuyên gia coi là bản văn cổ nhất trong Tân Ước. Khoảnh khắc thật ấn tượng và trang trọng: nó mang dấu ấn không chỉ của Phaolô mà còn của hai cộng tác viên thân thiết của ngài, là Silvanô và Timothê. Tuy nhiên, không vì thế mà “chúng tôi” giữ một vị trí đặc biệt ở đây, lại đẩy cộng đoàn xuống vị trí thứ hai. Ngược lại, những người đồng ký tên vào bản văn đã tạ ơn Thiên Chúa vì sự tiếp đón mà tín hữu Thessalonica dành cho việc họ “rao giảng Tin Mừng” và cho lòng nhiệt thành dấn thân của họ.

Tin Mừng : Mt 22, 15-21

Kể từ khi Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, các nhà chức trách tôn giáo đã tìm cách giết Ngài. Những người Pharisiêu là thành phần trong số họ: khi hiểu rằng một số dụ ngôn nhắm vào mình, họ liều lĩnh tìm cách bắt lỗi Chúa Giêsu. Cùng với những người thuộc phe Hêrôđê, những người kiêu hãnh ủng hộ sự chiếm đóng của La Mã, họ hy vọng sẽ khiến Chúa bối rối trong vấn đề thuế má. Câu hỏi có vẻ đơn giản: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” Chúa Giêsu trả lời rõ ràng và khẳng định. Nhưng Chúa nhắc nhở những người soi mói Ngài rằng còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm: trả lại cho Thiên Chúa “những gì của Thiên Chúa”.

.

  Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.