Cảm nghiệm mục vụ: Những người Thầy!
Phêrô Dương Đình Như – LớpThần học IV, Khóa – XI
Gặp gỡ…
Chúng tôi, những chủng sinh, trong tiến trình đào tạo để trở thành linh mục đã được rất nhiều giáo sư dạy từ tri thức, nhân bản, thiêng liêng cho đến mục vụ. Đây là tiến trình mà chúng tôi phải học hỏi không ngừng nhiều thứ. Trong nhiều người thầy dạy chúng tôi có những vị là tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng cũng có những người thầy là giáo dân bình dị, người đau yếu, bệnh tật,…Chẳng hạn, chúng tôi được học từ cảnh đời của một người mẹ chăm đứa con tâm thần đã 25 năm, một người vợ chăm chồng nằm liệt giường từ rất lâu, một người cha ung thư đã cố gắng lo đám cưới cho người con gái trước khi mình qua đời. Còn rất nhiều cảnh đời khác nhưng đây có thể là những cảnh đời tiêu biểu, đại diện cho rất nhiều “vị thầy” khác mang đến cho chúng tôi cảm nghiệm thật bổ ích về tình yêu Thiên Chúa.
Lắng nghe…
Trong chương trình đi học hỏi kinh nghiệm mục vụ Chúa nhật, chúng tôi thường ghé thăm những có hoàn cảnh khó khăn, có đạo cũng như người ngoại. Khi đến đó, chúng tôi đã lắng nghe và hiểu thêm từ những lời tâm sự của họ. Chúng tôi đến với họ chẳng có quà, thuốc thang hay bất cứ vật chất gì. Cái chúng tôi mang đến chỉ là một con tim biết lắng nghe. Và, họ – những “người thầy” – đã dạy chúng tôi bằng những câu chuyện của cuộc đời, của niềm tin, của sự hy vọng và tình yêu Thiên Chúa. Những câu chuyện đó có thể bị ngắt quãng bởi những dòng nước mắt, những bồi hồi xúc động hay những ngôn ngữ địa phương bình dị mà chúng tôi cố gắng lắm mới hiểu. Nhưng điều đó tạo nên những bài học thật bổ ích.
Phân định…
Chúng tôi tự hỏi điều gì khiến những con người đó có sức mạnh chiến đấu với gian lao khốn khổ. Và rồi, như một tia sáng bỗng chiếu vào tâm trí, chúng tôi hiểu rằng điều làm cho họ tiếp tục chiến đấu với nghịch cảnh được diễn đạt chủ yếu qua hai điều: tình yêu và niềm tin. Một người mẹ mang tình yêu vĩ đại đã chăm sóc người con tâm thần suốt 25 năm. Một ngày nọ, bỗng người mẹ phải nằm bệnh viện chữa bệnh thì người con ở nhà trở bệnh nặng hơn bình thường. Khi người mẹ đó về nhà thì người con bị tâm thần vùi mình vào cánh tay mẹ mà ngủ một cách ngon lành nhiều giờ liền dù rằng bình thường cậu chẳng bao giờ chịu nằm yên. Qua lời kể của người mẹ thì chúng tôi có thể cảm nhận được tình yêu thiêng liêng là động lực và sức mạnh để họ trao cho nhau và vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Cũng giống như người mẹ này, một người cha nọ biết mình mang bệnh ung thư không qua khỏi. Ông không lo chạy chữa gì cho mình mà chuẩn bị làm đám cưới cho con gái trong vội vã. Đây là tình yêu cuối cùng mà ông muốn dành cho con gái một cách trọn vẹn trước khi về với Chúa. Cuối cùng, chúng tôi học được niềm tin vào Thiên Chúa từ hoàn cảnh của một người vợ chăm chồng bị tai nạn nằm liệt giường đã mấy chục năm. Nơi căn nhà nhỏ lụp xụp ấy, chúng tôi được chiêm ngắm một niềm tin mãnh liệt của người vợ với mái tóc pha sương. Chồng bà không may bị tai nạn bất ngờ khiến ông phải nằm liệt mấy chục năm nay. Bà luôn cố gắng chăm sóc ông một cách chu đáo dù vừa phải chăn nuôi, vừa bán hàng. Bà trong cơn xúc động đã nói rằng: “Các thầy biết không? Con luôn tin những điều mà Chúa đã sắp đặt và làm cho con. Con nghĩ nếu không có Chúa thì con chắc không vượt qua nổi. Cho nên, con thường cảm tạ Chúa nhiều lắm”.
Trên đây là những bài học giá trị mà chúng tôi đã tiếp thu được cho mình. Để rồi, chúng là những hành trang quý giá cho hành trình tương lai của bản thân. Niềm tin và tình yêu là những ân sủng cao quý mà chính Chúa đã ban tặng cho mỗi con người. Cuộc sống vốn dĩ chẳng bao giờ yên ả. Những sóng gió cứ như một điều tất yếu trong thân phận con người. Nhưng chính trong những nghịch cảnh ấy, Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu là lòng thương xót của Ngài cho con người, “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).