Bài Cảm Nhận Mục Vụ Tháng 12 – Lớp Thần III: Ra Đi Với Người Lạc Lõng

ĐI RA VỚI NGƯỜI LẠC LÕNG

Gioan Trần Bá Quyền

Cảm giác của bạn sẽ thế nào khi ở giữa những người hay hoàn cảnh xa lạ?” Đó chính là lạc lõng, một cảm giác bơ vơ lẻ loi. Câu hỏi của chính người tân tòng đặt ra vừa gợi lên cho tôi những khó khăn mà chính họ đang gặp phải trong những ngày đầu vào đạo; vừa đánh động tôi về trách nhiệm liên đới trong việc trợ giúp họ sống đạo, nhất là trong cương vị người mục tử tương lai.

Tân tòng chính là “những đứa trẻ” chập chững bước vào đời sống Giáo Hội với biết bao khó khăn. Thực tế, tân tòng có một khoảng thời gian đào tạo giáo lý kéo dài khoảng 3-6 tháng hoặc hơn thế. Đôi lúc vì mục vụ, thời gian đó có thể ít hơn rất nhiều. Đa số sự chuẩn bị đều tập trung về mặt giáo lý và đời sống luân lý căn bản. Họ ít được quan tâm về mặt đời sống phụng vụ hay đạo đức bình dân – là những môi trường nuôi dưỡng và làm lớn mạnh đời sống đức tin. Bước vào nhà thờ, họ thường cảm thấy lạc lõng giữa cộng đoàn. Có những người trở nên hiệp thông với cộng đoàn hơn nhờ sự quan tâm của anh chị em. Song cũng có những người lâu dần xa rời, không giữ đạo vì không tìm được sự nâng đỡ cần thiết. Như những đứa trẻ trong quá trình lớn lên từng ngày, họ cũng cần được hướng dẫn và quan tâm nhiều hơn. Chúng ta không thể hy vọng “những đứa trẻ tân tòng” trở nên tốt hơn trong khi chúng ta không trợ giúp.

Giáo Hội là Mẹ hằng yêu thương và nâng đỡ con cái mình[1]. Cách đặc biệt, Giáo Hội quan tâm đến những người tân tòng. Thật thế, kể từ khi tại vị, Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên mời gọi các tín hữu “đi ra” để đến với mọi người. Cách thế rõ ràng mới đây nhất, “Tân Chỉ Nam Huấn Giáo Của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Thăng Tiến Việc Tân Phúc Âm Hoá” ra đời ngày 23/03/2020, cũng đã lưu tâm đến các giai đoạn đào tạo người dự tòng, nhất là sau khi họ được Rửa Tội – trở thành tân tòng. Song biến những quan tâm đó thành hành động cụ thể phải chăng là xa vời ? Bởi lẽ “những đứa trẻ tân tòng” không chỉ cần nội dung đức tin nhưng còn cả sự lớn lên của đức tin. Đức tin này được nuôi dưỡng và lớn lên trong đời sống cộng đoàn. Vì lẽ đó, trước tiên, chính các mục tử như người cha cần quan tâm đến những đứa con bé bỏng này. Thứ đến, các ngài cũng nên mời gọi một số tín hữu tốt lành chung chia sự săn sóc đặc biệt đến họ. Đồng thời, ngài cũng nên tạo điều kiện để họ gia nhập vào các hội đoàn, nơi họ có thể hiểu mình là thành phần của Giáo Hội và không còn cảm thấy bị bỏ rơi. Nhìn ở khía cạnh khác, đa số tân tòng vào đạo vì lý do cưới hỏi. Vì thế, gia đình và các tín hữu xung quanh cũng cần ý thức quan tâm và nhắc nhở, nâng đỡ và nhất là trở nên gương sáng để người tân tòng dần dần trưởng thành hơn trong đời sống đức tin.

Giáo Hội “kiên trì đồng hành với các con cái mình và tôn trọng tốc độ tăng trưởng của họ, chứng tỏ mình là một người mẹ chu đáo[2]. Chính sự quan tâm đó sẽ xoá đi sự lạc lõng mà các tân tòng đang gặp phải. Chúng ta không thể không quan tâm đến họ, bởi đó là căn tính của chúng ta. Chính chúng ta là anh chị em với nhau, tất cả là con cái của Cha trên trời.

 

[1] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Lumen Gentium, số 6.

[2] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG, Tân Chỉ Nam Huấn Giáo Về Thăng Tiến Việc Tân Phúc Âm Hoásố 65.

Comments are closed.