Trong tháng 10 năm 2014 là tháng Mân Côi cũng là tháng truyền giáo, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho Ngày quốc tế truyền giáo đánh thức nơi mỗi kitô hữu sự đam mê và nhiệt huyết cần thiết để đem Tin Mừng cho toàn thế giới.
Kể từ khi được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội công giáo hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng khích lệ mọi thành phần Dân Chúa ra khỏi chính mình, ra khỏi các cơ cấu giáo xứ, giáo phận, dòng tu, phong trào và hiệp hội của mình để đến với các anh chị em sống trong ”các vùng ngoại biên”. Ngoại biên ở đây không chỉ có ý nghĩa địa lý, mà là mọi thứ ngoạị biên trong cuộc sống con người: ra khỏi chính mình để đem Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng cứu độ đến cho con người ngày nay.
Là những người đã được lắng nghe rao giảng và hưởng nếm Lời Cửu Độ của Chúa, mỗi tín hữu Kitô phải trở thành người loan báo Lời Cứu Độ của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu Kitô cho các anh chị em chưa biết Người, cho các anh chị em đã biết Người nhưng đã đánh mất niềm tin nơi Người, hay đã chối bỏ hoặc xa rời Người.
Nhưng để được như vậy, từng kitô hữu phải thật sự xác tín về niềm tin ấy và sống nó mỗi ngày. Việc loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài đòi buộc kitô hữu để cho mình được lôi cuốn bởi biến cố của Chúa Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể chịu khổ hình tử nạn trên Thập Giá, chết và sống lại. Lắng nghe, đọc, chiêm ngắm, suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày là điều kiện nòng cốt để có thể chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho tha nhân, bởi vì không ai có thể cho điều mình không có.
Trong Tông huấn “Niềm Vui Phúc Âm”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng với các việc làm và cử chỉ của mình cộng đoàn rao giảng Tin Mừng cần bước vào cuộc sống thường ngày của người khác, thu ngắn các khoảng cách, hạ mình xuống cho tới chỗ bị nhục nhã nếu cần, và nhận lấy cuộc sống con người, bằng cách đụng chạm tới thịt xác khổ đau của Chúa Kitô nơi dân chúng. Như thế các người rao giảng Tin Mừng có được ”mùi của chiên”, và chiên lắng nghe tiếng họ. Tiếp đến, cộng đoàn rao giảng Tin Mừng sẵn sàng đồng hành với nhân loại trong mọi tiến trình của nó, dù chúng có vất vả và kéo dài tới đâu đi nữa. Cần phải biết chờ đợi lâu la và kiên nhẫn. Việc rao giảng Tin Mừng cần nhiều kiên nhẫn và tránh không để ý tới các hạn hẹp. Nó cũng luôn luôn chú ý tới các hoa trái, vì Chúa sẽ khiến cho nó được phong phú.
Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng tượng ra một sự lựa chọn truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các kiểu sống, thời giờ, ngôn ngữ và mọi cơ cấu của Giáo Hội trở thành một con kênh thích hợp cho việc rao truyền Tin Mừng cho thế giới ngày nay, hơn là để tự duy trì chính mình.
Việc cải tổ các cơ cấu đòi buộc sự hoán cải mục vụ, chỉ có thể hiểu được trong nghĩa này: làm thế nào để tất cả các cơ cấu trở thành truyền giáo hơn, để cho mục vụ bình thường trong mọi hoàn cảnh được lây lan và rộng mở hơn, để nó khiến cho các nhân viên mục vụ có thái độ thường hằng ”đi ra”, và như thế tạo thuận tiện cho câu trả lời tích cực cho tất cả những người được Chúa Giêsu cống hiến tình bạn cho. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói với các Giám Mục Đại Dương Châu: ”Mọi canh tân trong Giáo Hội phải có mục đích truyền giáo, để đừng rơi vào nguy cơ của một Giáo Hội tập trung nơi chính mình (s. 25).
Trong công tác rao truyền Tin Mừng cơ cấu giáo xứ không phải là một cơ cấu lỗi thời. Chính vì tính cách rất linh động của nó, cơ cấu giáo xứ có thể mang các hình thái rất khác nhau đòi hỏi sự ngoan ngoãn và tính sáng tạo truyền giáo của vị chủ chăn và của cộng đoàn. Cả khi cơ cấu giáo xứ không phải là một cơ chế rao truyền Tin Mừng duy nhất, nếu nó có khả năng cải cách và thích ứng liên tục, nó sẽ tiếp tục là ”chính Giáo Hội sống giữa nhà cửa của con cái mình” (s. 26). Điều này giả thiết giáo xứ luôn tiếp xúc với các gia đình và với cuộc sống của dân chúng, và không trở thành một cấu trúc tách rời khỏi dân chúng, hay một nhóm những người được tuyển chọn ngắm ngía chính mình. Giáo xứ là sự hiện diện của Giáo Hội tại địa phương, là nơi lắng nghe Lời Chúa, là nơi cuộc sống kitô lớn lên, là nơi của đối thoại, của việc loan báo lòng bác ái quảng đại, của việc thờ lậy và cử hành” (s. 27). Qua tất cả các sinh hoạt của mình giáo xứ khích lệ và đào tạo các thành phần của mình để họ trở thành các tác nhân của việc rao truyền Tin Mừng. Nó là cộng đoàn của các cộng đoàn, đền thánh, nơi các người khát đến uống để tiếp tục tiến bước, và là trung tâm của việc liên tục gửi các thừa sai ra đi. Nhưng chúng ta cũng phải công nhận rằng lời mời gọi duyệt xét và canh tân các giáo xứ đã chưa đem lại các hoa trái đủ để các giáo xứ gần gũi hơn với con người, để các giáo xứ là các nơi chốn của sự hiệp thông sống động và sự chia sẻ, và để chúng hoàn toàn hướng về việc rao truyền Tin Mừng.
Với các tâm tình trên đây, trong tháng 10 tới này hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta cùng tha thiết cầu xin cho Ngày quốc tế truyền giáo đánh thức nơi mỗi kitô hữu sự đam mê và nhiệt huyết cần thiết để đem Tin Mừng cho toàn thế giới.
Nguồn Linh Tiến Khải
Vietvatican.net