Thương được thì cứ thương
hú xe ôm ế khách ngồi bên góc đường khua tay ra hiệu, khi thấy nó đang cong người dắt xe với lốp sau đã xì sát mặt đường nóng ran của giấc trưa tháng 9. Nó thấy trời hôm nay càng nóng hơn khi đi bộ qua mấy cửa hiệu mở máy lạnh được phong kín trong lớp kính sáng loá. Trơ trọi giữa nhiều những hiện đại tiện nghi, là thau chậu, đồ nghề đơn sơ, chờ đợi hứng chịu xui xẻo của khách bộ hành. Cuộc đời là thế, đôi khi sự khó khăn của người này là niềm vui của người kia. Sự tiếp đón của một bác gái tóc hoa râm, cặm cụi, nhẩn nha, hồi hộp đến sốt ruột khiến ai rơi vào tình cảm này xem ra cũng dễ bề khó chịu… Nó cũng vậy, nhưng chắc là hôm khác, còn từ hôm nay, nó sẽ khác nhiều rồi. Khác bởi, nó nhớ lại buổi sáng nay đã thấy, đã nghe, đã hiểu được những gì. Chắc có lẽ, nó sẽ không cho phép mình quên bài học từ cuộc đời của chú bán vé số bại liệt.
Năm thần học III, cho nó và mấy anh em đi cùng có nhiều cơ hội hơn để gặp gỡ những người di dân và dự tòng. Có mặt tại một dãy nhà trọ đông người nhưng chật hẹp, nó được biết “người nó cần gặp” vẫn chưa về. Chắc bởi, nhưng người cần gặp để mua hết vé số của “người nó cần gặp” vẫn chưa tới. Sau khi đi thăm hỏi một vài câu chuyện đời di dân khác, nó đã trở lại khu phòng trọ và được gặp chú. Trong căn phòng trọ ẩm thấp với nhiều những món đồ “độc lạ” để hỗ trợ cho nếp sống đặc biệt, chú ngồi trên chiếc xe điện, đôi chân ngày một nhỏ dần lại do “lâu ngày không sử dụng” được đặt ngay ngắn trên bệ đỡ của chiếc xe. Gương mặt chất chứa nhiều nỗi niềm bắt đầu gợi lại sự kiện 2 năm về trước. Từng gửi tuổi thơ của mình trong Cô nhi viện ở Huế, khi trưởng thành và bắt đầu tự lập bên ngoài, chú cũng như bao người, phải chạy ngược xuôi để lo cho bản thân, cũng như cho người đã kết hẹn sống đời với mình. Ấy thế mà, cú ngã xe do hai cô gái vô trách nhiệm và sự bất cẩn của một vài người sơ cứu tại hiện trường đã đẩy chú vào tình thế bây giờ. Nghịch cảnh chưa chấm dứt “sự đời nước mắt soi gương, còn thương phải nói không thương tỏ lời.” Người bạn đời của chú cũng vì thế mà âm thầm rời đi không lời từ biệt, cuộc đời chú lại thêm một lần bị bỏ rơi. Dẫu cay đắng vì bị bỏ rơi, nhưng chú không buông xuôi bỏ cuộc. Bán, vay, xin là những điều chú bắt buộc phải làm một mình để giành lấy sự sống của chính mình. Trở về hiện tại của cuộc sống vẫn chưa thể ổn định, chú chọn cách tập làm quen với mọi sự bấp bênh. Để trang trải cho cuộc sống hằng ngày, chú chọn nghề “bán may mắn” cho người khác. Như sáng nay, chú đã trở về sau khi bán hết 120 vé số, nhận được 120.000đ, số tiền chả thấm đủ vào đâu. Nghe chú kể, nó nép mình vào một góc giường của chú, lặng thinh, không dám nói, vì chẳng biết nói gì. Mọi lời khuyên nhủ giáo điều sặc mùi lý thuyết lúc này thật vô duyên vô nghĩa, nó chỉ biết cầm đôi tay đang thật lạnh, thầm cầu nguyện cho chú. phần còn lại để Chúa, qua ông bà chủ trọ tốt bụng không lấy tiền nhà. Để Chúa, qua bà con chòm xóm ân cần tới lui chăm sóc ủi an chú. Để thấy để biết rằng, mũi mình còn thở, trái tim mình còn đập, còn thương được thì hãy cứ thương.
Vừa ngồi đợi vá xe, vừa “ôn lại bài cũ” – bài học đã học được từ cuộc đời chú bán vé số, bỗng nó nghe thấy tiếng cười rúc rích của đám trẻ nhỏ cháu bác vá xe ngồi dưới đất quanh mâm cơm, nó thấy sao bình an quá, nó thấy nụ cười của bác vá xe sau khi nhận nhiều hơn thù lao bình thường sao dễ thương quá. Nó thấy Chúa, thấy Chúa cũng mỉm cười trong lòng nó và nó thêm xác tín hơn còn được sống, còn thương được thì cứ thương, ở đâu có tình thương ở đó có Chúa. Có Chúa, mọi thắc mắc về đau khổ trong cuộc đời sẽ có câu trả lời thoả đáng.
Giuse Lê Tiến Đạt – Thần học III