LECTIO DIVINA
Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí
Thứ Năm Tuần I-TN, 14-01-2021
Mc 1, 40-45
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài đụng chạm vào người cùi”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”
Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay (Mc 1,40-45), tác giả Tin Mừng Marcô mô tả một trong những bức tranh đẹp nhất về lòng thương xót của Kitô giáo. Phá vỡ các rào cản về vệ sinh và sự thanh sạch theo nghi thức, Chúa Giêsu đã làm điều không thể tưởng tượng được. Lấy lòng từ bi đáp lại lời cầu xin tin tưởng của người phong hủi, “nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi nên sạch”, Chúa Giêsu giơ tay ra và chạm vào anh ấy, mà nói “Tôi muốn. Anh sạch đi”. Rồi Chúa dùng bàn tay chữa lành của Chúa để chạm vào người ‘không được phép chạm vào’. Chúa an ủi người bị ruồng bỏ bằng một lời đầy thẩm quyền có sức làm sạch, mang lại sự nguyên tuyền. Thật vậy, trong các trình thuật Tin Mừng, việc chữa lành những người phong cùi là một dấu hiệu thời thiên sai cho biết Nước Thiên Chúa đã đến.
Một trong những đòi hỏi của đời sống Kitô hữu là mang thừa tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu đến với người phong hủi ngày nay, đặc biệt là hàng triệu nạn nhân của bệnh cùi trên khắp thế giới, những người, hơn bất cứ ai khác, phù hợp với mô tả là “những người nghèo nhất trong những người nghèo”. Mẹ Têrêsa Calcutta đã dành riêng sứ vụ bác ái của mình cách đặc biệt cho những người phong cùi này. Mẹ được thúc đẩy bởi khẩu hiệu ghi lại một điều cấm kỵ cổ xưa: “Hãy lấy lòng thương xót chạm vào một người phong hủi”. Hơn nữa, Mẹ Têrêsa đã nói về “bệnh phong cùi của thế giới phương Tây”, đó là, bệnh phong cùi của sự cô đơn. Trong sứ vụ của mình cho những người cô đơn, những người không ai mong muốn, những người bị gạt ra bên lề, bị từ chối, những nạn nhân AIDS, v.v., Mẹ đã làm chứng rằng với tình yêu của Chúa Kitô, có sự chữa lành cho bệnh phong cùi trong thời hiện đại của chúng ta. Thật vậy, Mẹ Têrêsa Calcutta, cùng với Thánh Phanxicô Assisi, Chân phước Damien của Molokai, và nhiều môn đệ khác của Đức Kitô, đã cho thấy rằng có thể đáp ứng mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu: “Hãy chữa lành người bệnh…thanh tẩy người phong cùi” và rằng cần phải làm lại cử chỉ chữa lành của Chúa Kitô: “Hãy lấy lòng thương xót chạm vào một người phong hủi”.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Một cái chạm có thể là một cử chỉ đẹp của sự khích lệ, hòa giải và tình yêu. Một cú chạm có thể chữa lành tinh thần đau khổ của một người. Lần cuối cùng bạn thể hiện tình yêu và sự quan tâm của mình bằng một cái chạm nhẹ nhàng, chữa lành là khi nào?
– Tôi làm gì khi hoàn toàn đau khổ và bất lực? Tôi có hướng lên Thiên Chúa và để cho Chúa củng cố tôi không? Tôi có nhận ra và trân trọng các kiểu cách khác nhau của sự hiện diện của Thiên Chúa trong và xung quanh tôi không?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Thiên Chúa yêu thương, Chúa vĩ đại và nhân hậu biết bao! Xin đổ đầy chúng con những cảm xúc dịu dàng dành cho những con cái bị thương tổn của Chúa, cho một xã hội cần được chữa lành và cho “mầu nhiệm thánh thiêng của tạo vật” bị bao vây bởi những mối đe dọa hủy diệt vũ trụ. Xin cho mọi điều chúng con làm và nói trong tình yêu và sự chữa lành dành cho những người phong cùi ngày nay trở thành dấu hiệu về sự chiến thắng vượt qua của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết, và (dấu hiệu về) vẻ đẹp của thế giới được phục sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Bằng những lời nói tử tế và những hành động bác ái của bạn, hãy khích lệ những người có đức tin ngày càng yếu đi, và những người đang mất hy vọng vì những thử thách khác nhau.
– Hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại trong thế giới ngày nay. Bằng những lời cầu nguyện của bạn, những công việc từ thiện cụ thể và hành động nhân đạo được phối hợp, hãy làm cho họ có thể trải nghiệm món quà của sự sống còn, tự do và hòa bình.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.