LTS: “Phúc cho những ai không thấy mà vẫn tin” (Ga 20,29). Bởi lẽ “Đức tin là phương cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là đường lối nhận thức những thực tại ta không thấy” (Dt 11,1). Thực thế, “Nếu đã xem thấy điều mình hy vọng sẽ được, thì không còn phải là hy vọng nữa; vì điều đã thấy được, nào ai còn hy vọng làm chi nữa!” (Rm 8,24). “Đấng khơi nguồn… đức tin” (Dt 12,2) là Đức Giêsu Kitô; Ngài cũng chính là nền tảng của đức tin.
Vậy nếu khoa học loài người thấy được trọn, hiểu được hết con người – Con Người Chúa – nơi Ngài, thì đâu còn cần đến niềm tin vào một Đức Giêsu Kitô! Cốt tủy cuộc đời Đức Giêsu là mầu nhiệm: mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể Làm Người. Đức tin Kitô dựa trên một nền tảng khác, khác với những gì là kiên cố nhất trong các khoa học vững chãi, trong các sự kiện lịch sử chắc chắn nhất của loài người. Đức tin Kitô vượt lên trên tất cả những hoa xinh quả đẹp của trí tuệ loài người. Chúng ta không biết đến cũng như không tin vào một con người Giêsu đơn thuần lịch sử. Chúng ta tin vào Con Người Thiên Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Con Một của Thiên Chúa Hằng sống. Chúng ta yêu mến Ngài, và ước muốn tìm biết cho thật rõ, cho thật chính xác về Ngài, về Con Người mình kính thương, ngay cả đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong chuỗi ngày Ngài làm người sống trên dương thế, ở giữa dòng lịch sử này của loài người. Đây là điểm mà các khoa học của trí tuệ con người – đặc biệt là các ngành sử học, khảo cổ, chú giải theo phương pháp phê bình lịch sử… – có thể giúp chúng ta: giúp bổ túc những gì chúng ta hiểu biết cho chắc chắn, cho đích xác về các chi tiết liên quan đến con người lịch sử của Đức Giêsu. Tuy nhiên, nếu chưa biết rõ và chắc hết được các chi tiết ấy, thì không phải vì thế mà lòng tin thiếu đi nền móng! Cũng thiếu chi kẻ biết nhiều, biết chắc mà lại không tin. Và cũng rất có thể là việc biết thêm cho rõ ràng, cho chắc chắn và đầy đủ sẽ giúp cho lòng tin được sáng suốt, mạnh mẽ, linh động và có sức truyền cảm hơn.
Có nhiều giả thiết được đề xuất trong các lãnh vực này làm cho nhiều người Kitô không yên lòng. Dù giả thuyết hay là chính thuyết hoặc là những phát hiện chắc chắn một trăm phần trăm xem ra đi ngược với lề lối tin yêu của người Kitô, thì cũng không có gì là phải sợ cả. Dựa vào Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội không bao giờ sợ chân lý – chân lý đích thực; ngược lại, Giáo Hội xác tín về lời dạy của Thầy mình: “Chân lý sẽ giải thoát các con” (Ga 8,32), và Lời của Thiên Chúa dạy phải biết “vâng phục sự thật” (1Pr 1,22) và “bước đi trong sự thật” (3Ga 4). Giáo Hội và người Kitô – không những không sợ, mà còn – tha thiết yêu mến sự thật nữa, vì Đức Giêsu Kitô chính là sự thật (xem Ga 14,6), và Ngài “đã đến trong thế gian … để làm chứng cho sự thật. Phàm ai thuộc về sự thật, thì nghe tiếng..”. (Ga 18,37; x. Ep 4,21) của Ngài. Đi tìm và nhận ra sự thật là một cách nào đó, khoa học đi tìm và nhận ra chính Đức Giêsu Kitô. Vì lẽ đó, Giáo Hội và người Kitô không những không sợ, mà còn yêu thích và đẩy mạnh khoa học nữa.
Chúng tôi thầm nghĩ: những thiển kiến trên đây cũng là tâm tư, cũng là những gì đã mạnh mẽ thôi thúc tác giả nghiên cứu và đưa ra cống hiến độc giả bài viết sau đây.
LÝ LỊCH ĐỨC GIÊSU KITÔ
Đức Giêsu là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong dòng lịch sử nhân loại, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống tâm linh và văn hóa của hàng tỷ người [1]. Vì thế, làm sao biết rõ được “lý lịch” của Ngài: đó là một trong những khát vọng sâu xa của nhiều người qua nhiều thời đại khác nhau. Trong ngành thần học Kinh Thánh, các nhà chuyên môn đã và đang nỗ lực tìm cho ra “bộ mặt thật” của Ngài, nói một cách khác, họ cố gắng tìm về một “Đức Giêsu nguyên thủy” (Original Jesus).
Đức Giêsu Kitô – bản Tuyên tín ngắn gọn nhất của Giáo Hội sơ khai: Đức Giêsu là Đấng Kitô; rồi sau này đã trở thành tên kép của Ngài. Tên này xuất hiện rất sớm, nhưng thuở ban đầu thường được viết ngược lại là (Đấng) Kitô Giêsu [2] – đã bị đầu óc khoa học tách làm đôi: một đàng là “con người” Giêsu, và một đàng là “Đấng” Kitô. Con người Giêsu thuộc lịch sử. Đấng Kitô thuộc thần học. Người ta cho rằng, biến cố phục sinh như một vực thẳm sâu hun hút, không thể bắc cầu nối nhịp giữa hai bờ xa cách nổi: mặt “phải” và mặt “trái” của cùng một nhân vật. “Mặt trái” Giêsu và “mặt phải” Kitô. “Giữa Đức Giêsu tiền phục sinh và hoàn cảnh hậu phục sinh là một nấm mồ” (R. Bultmann). “Nhân vật Giêsu” đã được đức tin và tín lý của Giáo Hội sơ khai cắt xén và tô điểm khá nhiều, để “dựng đứng” nên một “Đấng Kitô”. Đấng Kitô ấy đã được “phong thần”, nên không còn trung thực là một Giêsu như trước nữa. Do đó, muốn tìm về một “Giêsu nguyên thủy”, thì cần phải lo cạo cho sạch “lớp sơn” tín lý đã phủ bên ngoài đó đi. Rất may, khuynh hướng tách biệt “Đức Giêsu lịch sử” với “Đức Kitô đức tin” đã dần dần mất đất đứng trong nền thần học hiện nay.
Khuynh hướng này thực ra là đứa con của trào lưu “Thời đại ánh sáng” (Aufklaerung/siècle des lumières) tại Âu Châu. Trào lưu này phát triển mạnh trong thế kỷ 18, và có ảnh hưởng cả tới ngành nghiên cứu Kinh Thánh; điển hình nhất phải kể đến việc khai sinh ra phương pháp phê bình lịch sử trong ngành này. Theo phương pháp này, tất cả những gì trước đó được coi là chân lý đều phải đem ra đặt vấn đề và xét lại dưới ánh sáng của lịch sử. theo tiêu chuẩn xác thực của sử học, sau đó nếu cần, thì sẽ “sửa sai” những gì được coi là chân lý. Thêm vào đó, người ta còn áp dụng các phương pháp khác, như phê bình văn chương, phê bình tài liệu, lịch sử hình thành và soạn thảo các văn bản…, cũng như dựa vào các khám phá của ngành khảo cổ, để soi sáng vấn đề.
Ban đầu, vấn đề nguồn gốc của Giáo Hội được đem ra đặt lại. Người ta tự hỏi: Đức Giêsu có thực sự muốn thiết lập Giáo Hội và có đứng ra thiết lập Giáo Hội một cách trực tiếp không (như Mt 16,18 cho biết), hay Giáo Hội chỉ là “một tiến trình” lịch sử của con người xã hội (A. Voegtle)? Người ta cho rằng: Kitô giáo chỉ mới khai sinh từ thời Giáo Hội xuất hiện, chứ không phải từ thời Đức Giêsu (W. G. Kuemmel), lý do rất đơn giản là vì chính Đức Giêsu cũng chưa phải là một Kitô hữu mà vẫn còn là một tín đồ trung thành của Do Thái giáo (R. Bultmann). [3] Nhưng sau đó, vấn đề này lại đẻ ra thêm nhiều vấn đề khác: Trước khi thắc mắc về Giáo Hội, thì tất phải thắc mắc về chính Vị sáng lập Giáo Hội: Ngài là ai, sinh năm nào, chết năm nào và hoạt động tại đâu, được bao lâu?
Những người đầu tiên đã khơi ra vấn nạn này là H. S. Reimarus (1694-1768), G. E. Lessing (1729-1781) rồi đến D. F. Strauss (1808-1874) và J. Weiss (1863-1914). Cuộc tranh luận đã đạt đến cao điểm vào thế kỷ 19; nhưng đến đầu thế kỷ 20, thì AT Schweitzer (xem: Geschichte der Leben-Jesu- Forschung, xuất bản lần đầu năm 1909) đã mường tượng được sự thất bại của nỗ lực này. Còn đối với R. Bultmann (Jesus,1926), thì dường như ông muốn “bỏ cuộc” và không còn tha thiết bàn luận gì về Đức Giêsu lịch sử nữa. Ông cho rằng không thể tìm về một Đức Giêsu đích thực trong một quá khứ quá xa xôi như thế được.Vì thế, hay nhất là nên chấm dứt việc nghiên cứu về đề tài này luôn cho gọn. G. Bomkamm trong cuốn sách xuất bản vào năm 1956 (Jesus von Nazareth), cũng cho rằng hiện nay không ai còn có khả năng viết lại lý lịch Đức Giêsu được nữa. Những gì đã viết ra – theo ông – chỉ là sản phẩm của các nhà thần học dệt thơ, hay là sản phẩm của các nhà thơ cố nặn cho ra thần học. Thế nhưng, M. Dibelius (Jesus,1939) vẫn hăng say tiếp tục lần bước trên con đường nghiên cứu của người xưa. Và sau này, còn có thêm E. Stauffer (1957) là người có lẽ nhiệt thành nhất trong việc này. Hiện nay, vẫn còn H. Conzelmann, G. Ebeling, E. Fuchs, E. Kaesemann, J. Blank và W. Trilling tiếp tục nghiên cứu theo chiều hướng ấy; rồi mới đây J. Gnilka, đã cho xuất bản tập khảo luận công phu về Đức Giêsu, dày 331 trang (xem: phần tài liệu tham khảo dưới đây). Mới nhất còn có một bài khảo cứu của J. Kremer, “Wer war Jesus wirklich. Orientierungshilfe eines Bibelwissenschaft-lers,” trong tạp chí Stimmen der Zeit số tháng 9/1991, tr. 579-596.
Hiện nay, số lượng sách báo bàn về vấn đề nói trên đã gia tăng khủng khiếp. Nhất là sau khi khoa khảo cổ khám phá ra hai “thư viện” tại Nag’ Hammadi (cạnh sông Nil) vào năm 1945/46 và Qumran [4] vào năm 1947, người ta lại đua nhau viết tiếp và đã từng có dịp nuôi ảo vọng cắt nghĩa được hết những vấn nạn chung quanh con người Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài. Ngay cả các nhà thần học Do Thái cũng bắt đầu lưu tâm tới Đức Giêsu. Ben-Chorin gọi Ngài là “người anh em” (Bruder Jesus. Der Nazarener in juedischer Sicht. Muenchen (1.) 1967). Rồi những người cộng sản hoặc vô thần cũng lao đầu vào nghiên cứu, để khám phá thêm “sự thật” về nhân vật Giêsu. Các nhà văn, nhà báo bị cuốn hút và “lạc lối” vào trong lãnh vực này, cũng đã viết nên những thiên tiểu thuyết tràng giang đại hải, chọn Giêsu làm vai chính. Thí dụ, K. F. Bahrdt đã xuất bản vào những năm 1784 – 1792, bộ “lý lịch Đức Giêsu” dày 3.000 trang. K. H. Venturini đã xuất bản vào những năm 1800 -1802, một bộ tương tự với 2.700 trang. Trong bộ “kiếm hiệp” này, Venturini đã tiểu thuyết hóa mối quan hệ thầy trò thành “mối tình” giữa Đức Giêsu và Maria thành Magdala. Cuốn phim “Cơn cám dỗ cuối cùng” (The last temptation of Christ) cũng chỉ là trò nhái lại chuyện cũ của người xưa. Hiện nay, những sách báo và phim ảnh thuộc loại này vẫn còn nhan nhản trên các thị trường thương mại. Còn về sách báo, thì tờ Le Monde, số ra ngày 13.4.1990, trong phần điểm sách năm qua, đã gọi năm 1989 là “Năm Giêsu” (année Jésus). Phần lớn các tác phẩm thuộc loại này thường dựa theo những cái gọi là “khám phá” mới trong ngành nghiên cứu (mà phần lớn chỉ đơn thuần là những giả thuyết!) rồi phóng đại, tô màu cho thêm ăn khách. Trên thực tế, chúng ăn khách thật – nhiều cuốn bán chạy như tôm tươi (Bestseller) và mang về những “món lợi” khổng lồ cho kẻ viết – vì đã sẵn bị đầu độc, nhân tâm ngày càng tỏ ra đa nghi hơn đối với các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về Đức Giêsu. Trong kỷ nguyên điện tử này, Đức Giêsu không còn bị đóng đinh trên thập giá nữa, mà bị đóng đinh ở trong các sách vở và phim ảnh đang tràn ngập thị trường. Thực ra, các độc giả này muốn lột bỏ cái mà họ gọi là huyền thoại (mythos) về Đức Giêsu, nhưng lại vô tình dấn bước đi tìm một Giêsu chỉ có ở trong tưởng tượng. Phần lớn những loại sách báo và phim ảnh này không có giá trị gì nhiều về phương diện khoa học: chúng chỉ là những đứa con đẻ của mộng mơ mang thánh hiệu Giêsu. Ở đây, chúng ta không chủ ý lưu tâm tới những “sản phẩm” loại này, mà chỉ muốn dồn cả chú tâm vào những “kết quả” của hơn 200 năm “nghiên cứu đứng đắn” vừa qua, dựa trên nền tảng khoa học lịch sử. Theo H. Schlier (Tin lành sau trở lại Công giáo), thì các nỗ lực nghiên cứu này nhằm tới mục tiêu viết lên cuốn “Phúc Âm thứ 5” sau 4 Phúc Âm chính thức của Giáo Hội. Còn A. Schweitzer thì cho đó là những kết quả công đầu mà nền thần học tại Đức, đã cống hiến cho các nỗ lực nghiên cứu đứng đắn ấy.
Trong bài này, nếu đôi khi có nêu lên một vài giả thuyết “khác lạ” đối với niềm tin và những hiểu biết thông thường về giáo lý, thì cũng chỉ là nhằm mở rộng biên cương của vấn đề theo nhu cầu của trí tuệ mà thôi, chứ không có nghĩa là tất yếu chúng phản ánh niềm tin của người viết, hoặc là nhất thiết bó buộc người đọc phải nhận. Vả lại, đã gọi là “giả thuyết”, thì bao lâu chưa chứng minh được là “thật”, thì bấy lâu vẫn còn phải được coi là “giả”. Lần lộn giữa “giả” và “thực” là điều nguy hại: nguy hại cho chính mình trước khi gây thiệt hại cho người khác. Vụ E. Drewermann hiện nay trong ngành thần học tại Đức, là một điển hình cho nhiều trường hợp đã từng thấy xảy ra trong những thời xưa.
Với hơn hai thế kỷ nỗ lực nghiên cứu, dù chưa (hoặc không bao giờ) đạt đến mức độ chắc chắn trăm phần trăm, công trình tìm hiểu nói trên không hẳn là vô giá trị, vì nó đã cống hiến cho chúng ta một số kết quả tương đối chính xác về “lý lịch” của Đức Giêsu, như sau:
ĐỨC GIÊSU LÀ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ HAY CHỈ LÀ HUYỀN THOẠI ?
Vào thế kỷ 19, đã xảy ra một cuộc tranh luận sôi nổi do việc đặt lại vấn đề với câu hỏi này: Đức Giêsu có thực sự sống trên trái đất này không (nhân vật lịch sử) hay chỉ là hình ảnh thêu dệt của người xưa (nhân vật huyền thoại)? (xem: B. Bauer, Christus und die Caesaren. Tuebingen 1877).
Để biết về Đức Giêsu, thì cần phải căn cứ vào tất cả các nguồn tài liệu nói về Ngài hoặc có chút ít liên quan tới Ngài. Rất tiếc, như hầu hết các nhà sáng lập tôn giáo thời bấy giờ, Ngài không viết gì để lưu truyền lại cho hậu thế chúng ta. Phúc Âm Thánh Gioan cho biết: chỉ có một lần Đức Giêsu đã viết, nhưng lần đó, Ngài lại viết trên đất (8,6.8), và chúng ta không biết chắc Ngài đã viết những gì!
Nguồn tài liệu chính thức về Chúa Giêsu là các Phúc Âm và các Thánh Thư trong Tân ước. Nhưng các nguồn tài liệu này lại được ghi lại sau khi Đức Giêsu đã lìa khỏi đời này hàng mấy chục năm. Thánh Phaolô là người đầu tiên (thư gửi giáo đoàn Thêxalônica viết vào năm 50; thư 1Corinto viết vào khoảng năm 56) đã viết về Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, nhưng chúng ta không biết chắc Phaolô có quen biết với con người Giêsu bằng xương bằng thịt hay không; đồng thời, trong các nguồn tài liệu do ngài cung cấp, ngài không hề lưu ý tới “Đức Giêsu lịch sử”, mà chỉ lưu ý tới “Đức Kitô” đã chịu tử nạn và sống lại hiển vinh. Còn về các Phúc Âm, dù là người đầu tiên đã khởi công viết Phúc Âm, thì Máccô (không phải là Matthêu như người xưa thường lầm tưởng), thì Máccô cũng đã bắt đầu công việc ấy khá trễ, tức là vào những năm 60-70. Hơn nữa, ngài không phải là môn đệ trực tiếp của Đức Giêsu, mà chỉ là môn đệ của Thánh Phêrô. Các Phúc Âm khác còn được viết trễ hơn: Phúc Âm Thánh Matthêu được viết khoảng năm 80. Phúc Âm Thánh Luca (môn đệ của Phaolô) được viết vào khoảng năm 70-80. Phúc Âm Thánh Gioan được viết vào những năm cuối thế kỷ I. Thêm vào đó, – thiết tưởng cũng nên biết, – các Phúc Âm không phải là những tác phẩm đã được viết “một mạch” từ lúc khởi sự cho tới khi xong, nhưng là kết quả của một tiến trình “sưu tầm” qua nhiều giai đoạn và thế hệ khác nhau: lúc đầu Phúc Âm chỉ là những văn bản được dùng trong Phụng Vụ, những bài Giáo Lý, những bài Giảng Thuyết… của Giáo Hội sơ khai. Phần nổi bật, cổ kính nhất và được viết một cách khá liên tục có lẽ là bài tường thuật về cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Tuy nhiên, khi soạn lại như thế, các Thánh Sử đã không đặt nặng các chi tiết lịch sử. Chủ ý của các vị không nhằm ghi lại rành mạch lý lịch Đức Giêsu cho bằng ghi lại những hoạt động và giáo huấn của Ngài. Các bài tường thuật đó không phải là những tờ biên bản của cảnh sát, nhưng là những tập chứng chỉ của lòng tin: lòng tin của các ngài và của Giáo Hội sơ khai. Các vị không phải chỉ muốn truyền bá điều chính mình đã thấy và đã nghe, nhưng còn muốn làm chứng cho thấy đó là những điều xác thực. Truyền bá, mà không cần làm chứng gì thì tương đối dễ. Người ta có thể truyền bá dễ dàng một triết thuyết, một ý thức hệ, một nhân sinh quan, một vũ trụ quan…, nếu không cần phải làm chứng về tính chất xác thực của chúng. Nhưng trái lại, là một điều rất rất khó, khi cần phải làm chứng, nhất là khi phải lấy mạng sống, tức là chính cái chết của mình ra mà làm chứng: chết để ký tên và đóng dấu xác nhận cho những điều mình nói. Và khi làm chứng như thế, các ngài cũng đã không quan tâm đến việc làm chứng về các chi tiết lịch sử, cho bằng làm chứng về các chân lý cứu độ. Nhưng dù các ngài có chú trọng tới các chi tiết lịch sử đó chăng nữa, thì cũng nên biết thêm rằng, quan niệm về “lịch sử” cũng như về cách thức trình bày của người xưa không thể hội đủ những điều kiện “khoa học” để được gọi là chính xác đúng theo những gì kỹ thuật ngày nay đòi hỏi, khi viết sử. Lấy tiêu chuẩn thời nay mà phê bình người xưa có phải là khe khắt quá hay không [5]?
Vì những lý do trên đây, nên khi đọc Phúc Âm, chúng ta thường thấy nhan nhản những cách chỉ định khá mơ hồ về không gian và thời gian, như: “lúc ấy”, “khi đó”, “khi”, “và khi các Ngài đi tiếp”, “khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng trên bờ hồ”, “sau đó Ngài lại đi tiếp”, hoặc những lối diễn tả tương tự. Nếu xét theo tiêu chuẩn của sử học tân tiến ngày nay, người ta có thể nói được rằng: không có một tháng năm nào ghi lại trong Tân Ước, đáng được kể – về mặt sử học – là chắc chắn 100 % (W. Trilling). W. G. Kuemmel (Einfuehrung in das NT) còn cho rằng ngay cả thánh Máccô, vị thánh sử đầu tiên, cũng không có một khái niệm gì rõ ràng về địa hình, địa vật của vùng Palestina thời Đức Giêsu.
Dầu thế, cũng không được phép kết luận cho rằng Tân Ước chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, không gói ghém một giá trị lịch sử nào. Thực ra, nếu để ý khi đọc, thì sẽ nhận ra được ngay những nét đại cương về một bối cảnh lịch sử của một thời tuy xa xưa nhưng vẫn còn rất sinh động ở trong đó: những nhân vật lịch sử như vua Hêrôđê cả và con của ông là Hêrôđê Antipas, quan tổng trấn Philatô… thay phiên nhau xuất hiện trên chính trường. Trong xã hội ấy, cũng có những phe phái tôn giáo hoặc đảng phái chính trị phức tạp như Sađuxê, Pharisêu, nhóm Cuồng Nhiệt (Zelotai), nhóm tay chân Hêrôđê (Mc 3,6; 12,13t)… Ngoài ra, còn có cả Hội đồng tối cao của Do thái giáo có đền thờ và việc phượng tự; có sự khác biệt về não trạng giữa người dân miền Galilê (miền Bắc) và Giuđêa (miền Nam); có thuế đền thờ và thuế cho người Rôma… Những chi tiết ấy tuy nhỏ nhặt, nhưng cũng đủ vẽ nên những nét chấm phá khá chân thực về miền Palestina, dưới quyền bảo hộ của đế quốc Rôma thời đó. Bối cảnh ấy rất phức tạp, có một không gian và một thời gian nhất định, không thể là sản phẩm của tưởng tượng được, nhưng là dấu vết lịch sử rất xác thực còn lưu lại trong đó.
Huấn thị của ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh phổ biến ngày 21.4.1964, cũng đã lưu ý nhấn mạnh đến giá trị lịch sử của Phúc Âm như sau: “Để minh định một cách thích đáng về tính chất xác thực vững chắc của những gì các Phúc Âm trình thuật lại, thì nhà chú giải cần phải cẩn trọng lưu tâm tới 3 giai đoạn lưu truyền (tria tempora traditionis) đã từng chuyển đạt giáo huấn và cuộc đời Đức Giêsu đến tận chúng ta” (II, đ. 1). Ba giai đoạn đó là: (1) giáo huấn và các sinh hoạt chung giữa Đức Giêsu với các môn đệ Ngài, (2) giáo huấn và những mẩu chuyện đó được lưu truyền và thành hình dần dần trong Giáo Hội sơ khai, và sau này (3) mới được các thánh sử lo xếp đặt và ghi lại.
Ngoài ra, khoa khảo cổ cũng đã góp công không nhỏ trong việc chứng minh cho tính chất xác thực của Phúc Âm. Xin đan cử một thí dụ: J. Jeremias (xem: Die Wiederentdeckung von Bethesda. Johannes 5,2. Goettingen 1949) cho rằng cái hồ nước được nhắc tới trong Ga 5,2 là hoàn toàn giống vời hồ Bethesđa mà khoa khảo cổ đã phát hiện trước đó; sự kiện này giúp xác định được nơi chốn của phép lạ Đức Giêsu đã làm ngày xưa. Đó là một trong những đóng góp không thể bỏ qua của ngành này.
Thêm vào đó, người ta còn lưu ý tới cả những nguồn tài liệu ngoài Phúc Âm. Thí dụ, J. Jeremias (xem: Die unbekannte Jesu Worte. Guetersloh (4.) 1965) đã sưu tầm những lời tương truyền của Đức Giêsu không thấy ghi lại trong Tân Ước, nhưng được đọc thấy ở trong các nền văn hóa cổ xưa khác, rồi đem ra phân tích rất tỉ mỉ, giúp người đọc hiểu thêm về con người và giáo huấn của Ngài.
Ngoài ra, trong sử sách và văn chương Do thái cũng như Rôma thời đó, người ta cũng thấy – dù không nhiều như chúng ta mong ước – những “dấu chân” lịch sử của Đức Giêsu.
Trong một bản tường trình về việc thành Rôma bị thiêu hủy dưới thời Nêrô, sau khi cho biết về mối thù mà bạo chúa Nêrô ghi lòng đối với các tín hữu Rôma, Taxitus – một viên chức cao cấp và là nghị viên vào năm 97 sau CN – còn viết thêm những dòng này (khoảng năm 116/11): “Auctor nominis eius Christus Tiberio imperiante per procuratorem Pontium Pilatum supplicio affectus erat” (Danh xưng này [= Kitô hữu] bắt nguồn từ ông Kitô, là người đã bị quan tổng trấn Pônxiô Philatô xử tử hình, dưới thời hoàng đế Tibêriô) (Ann. 15-44). Những dòng ngắn ngủi này được coi là lời chứng tích khách quan nhất, chắc chắn nhất cũng như hùng hồn nhất về con người lịch sử Đức Giêsu do sử sách người đời để lại.
Thêm vào đó, người ta cũng ưa nhắc tới đoạn văn của sử gia Suêtôniô trong cuốn tiểu sử của hoàng đế Clauđio Vita Claudii (25,4) như sau: “(Claudius) Judaeos impulsore Chresto assidue tumultuantes Rôma expulit” (Claudiô đã trục xuất những người Do thái khỏi Rôma, vì bị ông Kitô khích động, họ thường xuyên sống trong tình trạng náo loạn). Tuy nhiên, đoạn văn này không có giá trị nhiều cho đề tài của chúng ta, vì rất có thể ông Kitô được nhắc đến ở đây, chưa hẳn là Đức Giêsu Kitô, mà chỉ là một ông Kitô nào đó. Có điều chi tiết này hợp với cuộc nổi loạn được ghi lại trong Tông đồ Công vụ 18,2.
Trong Antiquitates Judaeorum 20,20, sử gia Do thái Josephus Flavius cũng cho biết rằng Thầy cả Thượng phẩm Annanos (Anna II) đã xử tử hình Thánh Giacôbê, là “anh em của ông Giêsu, được gọi là Kitô” vào năm 62. Chỗ khác (Ant.18,3,3), ông còn cho biết thêm: “Ông Giêsu sống vào thời này, nếu coi ông là người thì là một người thông thái. Ông là người đã làm nhiều phép lạ, là thầy dạy những ai vui nhận chân lý. Ông đã lôi cuốn được nhiều người Do thái và người Hy hóa (Helléniste) theo mình. Rồi khi ông bị Philatô phạt đóng đinh vào thập giá vì những lời tố cáo của các vị đứng đầu trong chúng ta, thì những người lúc trước đã yêu mến ông vẫn không bỏ cuộc. Vì sau ba ngày ông lại hiện ra với họ như người còn sống, theo lời những tiên tri của Chúa đã nói về điều này. Ngoài ra còn có hàng ngàn những điều lạ lùng khác về ông nữa. Cho tới nay, dòng giống những người được gọi là Kitô hữu đã tin theo ông, vẫn không giảm sút”. Đây là một đoạn văn hết sức minh bạch. Nhưng cũng vì quá minh bạch nên có nhiều người lại nghi ngờ về giá trị lịch sử của nó. Họ cho rằng, một là Giáo Hội sơ khai đã thêm cả đoạn văn này vào bộ sử, hai là ít nhất Giáo Hội sơ khai cũng đã thêm thắt ít nhiều vào đoạn văn nguyên thủy của nhà sử gia tên tuổi nói trên.
Các bản văn tư tế trong bộ Talmud cũng nhắc tới Đức Giêsu, và cho biết Ngài thường công kích việc giữ luật và hay làm phép lạ. Có chỗ mang nặng tính chất bài Kitô giáo, như khi cho rằng Đức Giêsu là con ngoại hôn, là hạng phù thủy, hoặc mang tính chất phò Do thái giáo, khi cho rằng việc Đức Giêsu bị tử hình là điều hoàn toàn hợp pháp… Sau này, còn có Toledot Jesu (Truyện ông Giêsu) gồm những truyện hoàn toàn có tính cách bài Kitô giáo.
Tất cả những tài liệu trên đây – hoặc tích cực hoặc tiêu cực – cũng đủ để chứng minh Đức Giêsu là một nhân vật có thực. Ngài là người Do thái, sống và hoạt động tại vùng Palestina 20 thế kỷ trước chúng ta. Các ngành nghiên cứu khoa học trong thời nay cũng đồng thanh công nhận là những giáo huấn xưa nay của Giáo Hội về Đức Giêsu đều có nền tảng vững chắc, bắt nguồn từ cuộc đời và hoạt động của Đức Giêsu trên trần thế, chứ không phải là chuyện huyền thoại. Thực ra, nếu Giáo Hội sơ khai đã huyền thoại hóa nhân vật Giêsu cũng như giáo huấn của Ngài, thì Giáo Hội đó đã không để sót lại những chi tiết tiêu cực hiện đọc thấy trong Tân Ước, như việc Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa, quê hương của Ngài sẽ không phải là Nadarét, Giuđa cũng không thể nộp Ngài… Nhất là Giáo Hội đó đã không để cho Ngài chết tất tưởi trên thập giá, nhưng phải tìm cho Ngài một hình thức “kết cục êm đẹp” (Happy-End) nào đó, mà lý trí con người có thể tạm chấp nhận được; cũng như không thể để Ngài đi vào cõi mây xanh quá “trừu tượng, mơ hồ như sự việc thăng thiên đã kể lại. Đó là những chi tiết hoàn toàn “thất lợi” cho việc truyền giáo ngay từ ban đầu.
Để châm biếm những ai còn nghi ngờ không biết Đức Giêsu có phải là một nhân vật lịch sử hay không, người ta thường kể lại giai thoại sau đây: Khi Napôlêôn hỏi nhỏ C. M. Wieland cho biết về sự việc Đức Giêsu có sống thực hay không, Wieland đã tâu lại với vua rằng: “Thưa hoàng thượng, hạ thần biết có những kẻ điên khùng vẫn thường hồ nghi như thế. Nhưng theo hạ thần, hồ nghi như thế thì cũng chẳng khác nào hồ nghi liệu Giuliô Xêdar có sống thực hay không, hay là hồ nghi liệu chính hoàng thượng đây có đang sống thực hay không. Ai còn hồ nghi như thế, thì đúng là hạng dốt nát!”
Hiện nay, không ai còn đặt lại vấn đề ngây thơ kia nữa. Đức Giêsu được công nhận là một nhân vật đã sống thực trong dòng lịch sử nhân loại.
(Còn tiếp)
—————-
Joses Vũ Xuân Huyên
[1] Người ta ước lượng từ buổi thành hình Giáo Hội với 120 người trong ngày Hiện Xuống (Cv 1,15) cho tới nay, đã có hơn 5 tỷ tín hữu và 5 triệu giáo sĩ.
[2] Kitô là một tước hiệu. Giêsu là tên. Tước đi trước tên.
[3] Ngày nay, không thể chỉ căn cứ vào Mt 16,18 để chứng minh rằng Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội, vì hầu hết các tác giả Công giáo cũng như Tin lành tên tuổi trong khoa thần học Tân Ước cũng như thần học cơ bản đều cho rằng câu này đã được Giáo Hội sơ khai sửa đổi hoặc thêm vào. Số tác giả chủ trương Đức Giêsu không hề muốn thiết lập Giáo Hội không phải là ít. Do đó, những người chống đối Giáo Hội lại càng có thế để ăn nói. Riêng về phần Giáo Hội, trong mấy chục năm qua cũng cho thấy sự thay đổi đáng lưu ý trong cách thức trình bày vấn đề khúc mắc này qua các văn kiện chính thức. Người viết hy vọng, khi thời giờ cho phép, sẽ cố gắng trình bày thêm về cuộc tranh luận này và mạn phép đề nghị một giải pháp cho vấn đề trong một bài khác.
[4] Mới đây M. Baigent và R. Leigh tung ra một cuốn sách tố cáo Vaticanô đã “cản mũi kỳ đà” trong công cuộc nghiên cứu các cuộn văn tìm thấy ở Qumran, vì theo họ, Vaticanô sợ tài liệu cổ kính này có thể tiết lộ những chi tiết thất lợi cho Kitô giáo (và cả Do thái giáo nữa). Đó là một lập luận vu khống vô căn cứ, vì: (1) Vaticanô không độc quyền hoặc có ảnh hưởng lớn trong việc nghiên cứu này. Ngay từ ban đầu, ủy ban nghiên cứu đã gồm các thành viên quốc tế và thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau. (2) 80 % tài liệu đã được phổ biến, không phải là các bản văn Kinh Thánh, số còn lại là vì rách nát nên chưa chắp nối lại được, và vì thế cũng chưa đọc được. (3) Các tài liệu đã phổ biến không tiết lộ gì đích danh nói về Đức Giêsu. Chỉ có 1 chỗ (dài 5 giòng) nói tới Đấng Mêsia phải chịu đau khổ, mà người ta cũng không thể xác định nổi đoạn văn này có ý tiên báo việc Đấng Mêsia sẽ chịu đau khổ (thì tương lai) hay là chỉ có ý tường thuật việc Ngài đã chịu đau khổ (thì quá khứ) mà thôi; đó là chưa nói chi đến việc cần phải xác định xem đoạn văn này có ý nói về Đức Giêsu hay là chỉ nói về một vị Mêsia nào đó thôi! Cũng nên lưu ý là trước đó, vào năm 1984, M. Baigent và R. Leigh đã tung ra một cuốn sách khác “tiết lộ” rằng Đức Giêsu không sống độc thân, nhưng đã lập gia đình. Hiền thê của Ngài là Maria Magdalena!
[5] Cũng nên nhắc lại rằng không có một cuốn sách cổ thời nào đáng tin cậy – về phương diện xác thực lịch sử – và được hoàn tất nhanh chóng cho bằng cuốn Kinh Thánh Tân Ước cả. Chỉ xin nêu ra đây vài thí dụ: Ilias và Ôđyxê của Homer được hoàn tất lần đầu tiên vào thế kỷ 11 sau công nguyên (=CN), cho dù Homer đã sống vào thế kỷ 8 trước CN. Như thế, giữa tác giả và tác phẩm có một khoảng cách 1.800 năm! Các tác phẩm của Platon được viết vào những năm 427-357 trước CN, thế nhưng toàn bộ tác phẩm của ông mà chúng ta có hiện nay, lại chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 895 sau CN. Như thế, tác giả và tác phẩm cách nhau cả 1.300 năm! Tác phẩm của Horaxiô cũng mới hoàn tất vào thế kỷ thứ 8. Tác phẩm của Xêsar (Caesar) cũng mới hoàn tất vào thế kỷ thứ 10, nghĩa là sau đó 1.000 năm!?