Lời Chúa Chúa Nhật XXIV-TN, 13-9-2020: “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Thiên Chúa tha thứ” (Mt 18, 21-35)

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Chúa Nhật XXIV-TN, 13-9-2020

Mt 18, 21-35

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Thiên Chúa tha thứ”

1.   LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”

Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước (Mt 18, 15-20) trình bày bổn phận sửa lỗi cần được người Kitô hữu thi hành, Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mt 18, 21-35) khai triển bổn phận tha thứ của người Kitô hữu. Học giả Kinh thánh, Daniel Harrington nhận xét: “Sau khi giải quyết trường hợp cực kỳ của một thành viên hoàn toàn không thể sửa được và hình phạt cực độ là vạ tuyệt thông, bài diễn từ (của Chúa) hướng đến kinh nghiệm thông thường hơn, về sự tha thứ và hòa giải trong cộng đoàn. Một người như vậy nên được tha thứ bao nhiêu lần ? Một lần nữa Phêrô đóng vai trò là người phát ngôn của nhóm và đưa ra những gì Phêrô nghĩ là một câu trả lời rất quảng đại cho câu hỏi của chính mình. Bảy lần (câu 21). Chúa Giêsu sửa sai cho Phêrô và trả lời câu hỏi đó. Bảy mươi bảy lần. Con số mới (77) không được hiểu theo nghĩa đen. Vấn đề là Kitô hữu không có quyền đặt ra bất kỳ giới hạn nào cho sự tha thứ. Lý do các KTH không được đặt giới hạn cho sự tha thứ được minh họa bằng dụ ngôn về người quản gia tàn nhẫn (câu 23-25). Dụ ngôn này đưa vào hình thức câu chuyện lời “cầu xin với chủ từ chúng con” ở vế thứ hai của kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12). Nói cách khác, sự Thiên Chúa sẵn lòng tha thứ cho chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta có sẵn lòng tha thứ cho người khác không (x. Mt 6, 14-15)… Câu chuyện cảnh báo chúng ta rằng việc Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta sẽ bị rút lại, trừ khi chúng ta sẵn lòng tha thứ cho người khác (v . 35). Sự không khoan nhượng bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa. Ai hành động để nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, phải bày tỏ lòng thương xót đối với người khác”.

Khả năng tha thứ cho người khác là kết quả của phản ứng cá nhân của chúng ta và sự hết lòng tiếp nhận tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa. Eugene Maly giải thích: “Chúa bảo chúng ta phải tha thứ. Lý do của  thái độ này là vì bản chất của Thiên Chúa là tha thứ, và bất cứ ai thuộc về Thiên Chúa đều phải bắt chước thái độ của Ngài… Đúng là chúng ta thấy Kinh Thánh có đề cập đến sự Thiên Chúa tức giận và quyết tâm tiêu diệt. Nhưng trong tất cả những trường hợp này, người ta nói đến những người, cho đến cùng, vẫn từ chối sự tha thứ của Thiên Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa bắt nguồn từ một tình yêu sáng tạo và không được đền đáp, và một kết quả sáng tạo mới. Nếu tình yêu sáng tạo đó bị từ chối, thì rõ ràng là sự hỗn loạn của tội lỗi vẫn còn. Sự trừng phạt là kết quả cần thiết. Nhưng chừng nào sự sống chưa chấm dứt, bàn tay tha thứ của Thiên Chúa vẫn dang rộng ra cho tất cả mọi người. Sự báo thù chỉ là cuối cùng khi tình yêu tha thứ vẫn bị từ chối cho đến cùng. Làm sao chúng ta biết được chúng ta đã chấp nhận tình yêu tha thứ của Thiên Chúa ? Thưa, chỉ khi chúng ta biết tha thứ cho người khác”.

Dụ ngôn về người quản gia không biết tha thứ tiếp tục thách thức chúng ta ngày nay. Mỗi người chúng ta đã đón nhận và tiếp tục đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã trả món nợ tội lỗi không trả được của chúng ta. Cách cư xử của chúng ta đối với những anh chị em đã xúc phạm đến chúng ta phải tuân theo lập trường yêu thương của Thiên Chúa tha thứ của chúng ta. Hành động khác đi là tự làm cho mình phải chịu sự kết án của Thiên Chúa. Chúng ta phải tha thứ từ trong lòng mình để bắt chước Thiên Chúa, Đấng không bằng lòng đón nhận sự phục vụ ngoài môi miệng từ một đoàn dân có tấm lòng khác xa Ngài.

2.   MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)

–        Tôi có nhận ra rằng phẫn nộ và tức giận là những điều đáng ghét và có tác dụng ngược không ? Tôi có tha thứ cho sự bất công người anh em làm cho tôi, để tôi có thể hoàn toàn đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa không ?

–        Nghĩa vụ tha thứ “bảy mươi lần bảy” ảnh hưởng đến tôi một cách cá nhân như thế nào ? Tôi có sẵn sàng thực hiện tần suất, cường độ và chất lượng sự tha thứ người KTH cần có không ?

–        Tôi có hoàn toàn thuộc về Chúa giàu lòng thương xót, Đấng đã tha thứ mọi tội lỗi cho tôi không ? Tôi có cố gắng thông truyền tình yêu tha thứ của Ngài cho những người đã làm điều sai trái hại tôi không ?

3.   ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Cha nhân từ và tốt lành. Cha yêu thương và tha thứ biết bao ! Xin đừng để cơn giận và sự thịnh nộ kìm hãm trái tim chúng con. Xin đừng để oán hận và báo thù đẩy chúng con đến cái chết và sự hủy diệt. Xin ban cho chúng con sự tha thứ của Cha vì chúng con thực sự hối lỗi về tội lỗi của chúng con. Xin chữa lành những vết thương do tội lỗi và bạo lực gây ra. Xin giúp chúng con đảm nhận bổn phận tha thứ “bảy mươi lần bảy” do Chúa Giêsu truyền dạy. Xin dạy chúng con nhìn ngắm Người Con yêu dấu của Cha, Đấng vì tình yêu hy sinh đã khiến Ngài chịu khổ nạn và chết trên thập giá. Ngài đã sống lại và được tôn vinh là Chúa của kẻ chết và người sống. Chúng con thuộc về Ngài. Chúng con là những người đã nhận lãnh tình yêu cứu độ của Ngài, chúng con cũng phải là dụng cụ của sự tha thứ của Ngài trong một thế giới bị chia cắt đang cần tình yêu chữa lành của Cha. Xin Cha cho bình an ngự trị trong chúng con và cho chúng con can đảm biết luôn tha thứ. Chúng con tôn thờ và ngợi khen Cha ; chúng con yêu mến và phục vụ Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.   CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”

5.   ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–        Cầu xin Chúa tha thứ cho ta ; và xin ơn biết tha thứ như Chúa.

–        Cố gắng tha thứ từ trái tim, cho người đã cư xử bất công với ta.

–        Để ta có thể hoàn toàn đón nhận sự tha thứ của Chúa và nhận được từ Chúa ân sủng để tha thứ, hãy cố gắng dành những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện trước Thánh Thể.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.