Cuộc Đổi Đời Của Anh Batimê – Cuộc Đổi Đời Của Tôi

CUỘC ĐỔI ĐỜI CỦA ANH BATIMÊ

CUỘC ĐỔI ĐỜI CỦA TÔI

(Mc 10, 46-52)

 

Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền

ĐCV thánh Giuse Xuân Lộc

Trong đời sống Kitô hữu và đặc biệt là đời sống người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta xác tín rằng chiều sâu của đức tin chính là cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa; và theo nghĩa Kinh Thánh, những ai gặp Chúa đều nhận được ơn biến đổi. Chắc chắn, Thiên Chúa luôn ở với chúng ta bởi chính Chúa Giêsu hứa, “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Khi ở với mỗi người, Chúa muốn chạm tay chữa lành và chạm lòng biến đổi chúng ta thành “con người mới-người môn đệ truyền giáo.” Nói cụ thể hơn, Chúa muốn đổi form của mỗi người từ một thanh niên của gia đình thành hình một chân dung của người ứng sinh linh mục với trái tim hạnh phúc trong ơn gọi và hăng say trong sứ mạng phục vụ Giáo hội[1]. Cảm nghiệm từ câu chuyện anh mù Bartimê được ơn biến đổi trong Tin Mừng theo thánh Marcô, tôi muốn chia sẻ với ứng sinh linh mục những suy tư riêng của mình và mời gọi ứng sinh đi sâu vào tương quan cá vị với Chúa Giêsu để biết giá trị đời mình ngang qua câu chuyện này.

“Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệmột đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10, 46-52)

 

1. Giêsu-gia nghiệp đời anh Batimê

Chúng ta bắt đầu từ câu cuối của bài Tin Mừng, “Anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10, 52). Anh Batimê đã đổi đời khi quyết định chọn cho mình một lối đi mới: đi theo Giêsu trên chính con đường của Giêsu chứ không còn an phận theo con đường của anh từ nhà đến vệ đường mà anh đã gắn chặt nhiều năm để làm kế sinh nhai. Anh đổi đời mình theo đời Giêsu. Anh buông bỏ những bám víu của riêng mình: bỏ vệ đường, bỏ áo choàng, bỏ lại sự bám víu vào lòng trắc ẩn của người qua kẻ lại… để bám chặt Giêsu và cho Giêsu siết chặt đời anh. Anh Batimê đã thể hiện lối sống hiệp hành cách năng động và thiết thực. Anh chọn đi ‘cùng đường’ với Giêsu đồng nghĩa từ nay anh không sợ mình bị rơi vào ‘đường cùng’ của kiếp người mong manh nữa. Động lực đời anh hôm nay không còn là xin được nhiều tiền nhưng là vui bước bên Giêsu. 

Anh Batimê chọn theo đường Giêsu xuất phát từ cuộc gặp gỡ diện đối diện, tâm hồn chạm tâm hồn, trái tim anh cảm nhận tiếng nói chứa sâu lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu, “Anh muốn tôi làm gì cho anh” (Mc 10, 51). Chia sẻ cảm nghiệm đức tin cho người con Timôthê, thánh Phaolô nói như sau, “Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người…16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1 Tm 1, 14-16).

Bạn và tôi, những môn đệ truyền giáo, ở góc nhìn hiện tại cũng đã và đang đi cùng một Con Người, trên cùng con đường. Con Người ấy là Giêsu, nẻo đường ấy là ơn gọi tự hiến với Giêsu cho phần rỗi của tôi và vì phần rỗi anh chị em tôi. Đây là một chọn lựa hoàn toàn tự nguyện, phát xuất từ ý muốn và sự tự do của mỗi người. Nói bằng ngôn ngữ nhà tu, nẻo đường tự hiến của bạn và tôi chỉ thành toàn nếu đó là đường Giêsu, “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Anh Bartimê đã đi theo Giêsu trên con đường Người đi. Nghĩa là Giêsu đi đường nào, Bartimê đi đường đó. Giêsu đến chỗ nào, Bartimê đến nơi đó. Giêsu trú ngụ ở đâu, Bartimê định cư ở đó. Bartimê quyết định theo Chúa vì anh đã nhận ra đời anh thuộc về Chúa; Chúa là gia nghiệp đời anh, anh là của Chúa nên anh không thể sống thiếu Giêsu. Đâu là động lực thay đổi đường đời anh Bartimê? Chúng ta cùng rảo qua tiến trình này gồm 4 bước.

 

2. Tiến trình đổi đời của anh Batimê: gồm 4 bước

2.1. Biết rõ thân phận và lịch sử đời mình.

Thánh Macô kể anh là “một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Batimê, con ông Timê” (Mc 10, 46). Anh Batimê biết mình có một gia đình, cha tên Timê- anh là con nên gọi là Ba-timê. Anh hiểu rõ thân phận của mình-chàng trai mù. 

Về thể lý: anh biết mình có một đôi mắt như bao người nhưng lại hoàn toàn khác người: đôi mắt mù. Sự mù lòa cản trở anh nhiều thứ. Anh có thể không tự tin để bước đi, có thể tự ti với bạn bè, và tự thấy đời mình không có tương lai…

Về tâm lý: anh có thể bị mặc cảm tội lỗi đè nặng vì quan niệm văn hóa tôn giáo Do thái. Gia đình anh cũng cảm thấy xấu hổ vì có con bị tật nguyền, bị mọi người kết luận có ai đó trong gia đình tội lỗi. Gioan cho chúng ta hiểu rõ quan niệm sống này, “các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2). 

Anh Batimê biết mình không có đôi mắt sáng nhưng không vì vậy mà co mình trong góc xó, sợ chê cười không dám tiếp xúc với ai. Anh phải sống đó là lẽ tự nhiên của mỗi người. Anh là thanh niên nên cần nghề nuôi thân và có thể còn phụ giúp cha mẹ lo cho gia đình. Thế nên, anh Batimê vượt lên số phận, vượt qua dư luận người đời để cố tìm cho mình một nghề và anh chọn nghề ‘ăn xin-ngồi vệ đường.’ Dẫu nghề này chẳng ai thèm làm, người đời coi thường vì van xin lòng thương xót của người qua kẻ lại, nhưng nghề này hợp với hoàn cảnh cuộc đời anh. Anh chọn và chấp nhận sự chọn lựa ấy như một lẽ sống.

Biết rõ về lịch sử đời mình là một việc cần làm và phải làm nếu muốn đi vào tiến trình thay đổi. Nhận biết bản thân và chấp nhận lịch sử đời mình là bước khởi đầu cho một hành trình mới. Tâm lý tự nhiên, chúng ta muốn chôn vùi lịch sử hoặc cố nuốt để mong nó mau qua. Đừng làm thế vì Chúa đồng hành và biến đổi ta ngang qua chính lịch sử riêng mỗi người. ĐTC Phanxicô nói, “Chúng ta dễ bị cám dỗ lật sang trang mới khi cho rằng những điều đó đã xảy ra lâu rồi và chúng ta phải hướng đến tương lai. Vì Chúa, xin đừng làm vậy! không thể tiến bước nếu không nhớ lại quá khứ, không thể tiến bộ nếu không nhớ lại cách đầy đủ và rõ ràng.[2]

2.2. Kiên nhẫn trong đời cầu nguyện

Batimê khao khát thẳm sâu từ tâm hồn là được gặp Giêsu Nazareth. Cho nên, “Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên” (Mc 10, 47). Ở điểm này, một nét đẹp rất cao quí của anh Batimê. Anh có đôi mắt thể lý mù nhưng đôi mắt tâm hồn lại rực sáng: sáng niềm tin vào Giêsu, sáng hy vọng sẽ được gặp Giêsu, và sáng tình yêu được biến đổi trong Giêsu. Anh Batimê đã có một khao khát và nuôi dưỡng khát khao gặp gỡ Giêsu lâu ngày trong tâm hồn. Nói cách khác, Chúa Giêsu là động lực và đích tới của đời anh. Dẫu ngồi bên vệ đường, lòng của Batimê luôn hướng về Giêsu. Đức TGM Giuse Nguyễn Năng trong bài giảng lễ khấn của Hội Dòng MTG Gò Vấp khuyên Quí Dì, “Nhìn lên Chúa mà đi, sự an toàn tuyệt đối. Nếu nhìn xuống, nhìn chung quanh sẽ ngã ngay…” Cho nên, vừa nghe tên Giêsu, anh Batimê giật nảy mình sung sướng. Chỉ có lòng khao khát gặp gỡ và sự chờ đợi lâu ngày mới cảm nhận niềm vui rộn lên dường nào. Anh đã thốt lên với Chúa lời chân thành từ trong tâm hồn, “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 48). Đây là lời cầu nguyện đẹp, đáng giá cho chúng ta học. Henri Nouwen khẳng định, “Cầu nguyện cốt lõi chính là sống với Thiên Chúa ở đây và lúc này…[3] 

Chúng ta học rất nhiều từ tu đức về cầu nguyện. Tất cả những điều học hiểu đó chẳng giúp gì cho đời sống thiêng liêng nếu không được nội tâm hóa. Nói cách khác, học từ anh Batimê, lời cầu nguyện cần khởi đi từ tâm hồn khát khao Chúa cách sâu thẳm và mãnh liệt. Nếu là vậy, lời cầu nguyện ấy sẽ trở thành động lực cho đời cầu nguyện là làm nên con đường thay cách sống, đổi cuộc đời. 

2.3. Vượt qua rào cản cá nhân và cộng đoàn

Nơi anh Batimê, khát vọng gặp được Giêsu là trung tâm và chi phối mọi điều khác. Chính khát vọng này giúp anh vượt lên thân phận hẩm hiu của mình và vượt qua rào cản của đám đông. Anh Batime có một gia đình, ở trong một xóm làng, và giữa một cộng đoàn. Giữa một cộng đoàn như thế, chắc chắn có người thương và cũng có người chưa thương, có người bố thí lương thực, tiền để anh sống, nhưng cũng có người chê bai, hắt hủi đời anh và có thường gia đình anh… Đó là lẽ tự nhiên trong đời sống cộng đoàn. Quyết định sống giữa và sống trong cộng đoàn, anh Batimê hiểu và học cách chấp nhận qui luật đó. Học cách chấp nhận là đạt được một nửa vượt thắng số phận và khó khăn.

Điều làm tôi tâm đắc nơi anh Batimê là không tập trung vào mặc cảm, khiếm khuyết bản thân để than thân trách phận nhưng luôn ý thức tìm Chúa Giêsu, nuôi mộng gặp Giêsu, Người mà anh tin rằng luôn chấp nhận lịch sử đời anh, yêu thương anh, và làm điều mà không ai làm được cho đời anh- chữa lành đôi mắt mù lòa. Tôi mời bạn nhìn vào cộng đoàn: cảm xúc lẫn lộn và thay đổi…

Chưa nghe tiếng Chúa: khi anh ngỏ lời với Chúa Giêsu, đám đông (những người đang theo Chúa) ngăn cản anh: quát nạt, bảo anh im đi. Thì ra, đám đông đi theo Chúa Giêsu nhưng họ không thuộc về Giêsu. Họ đi cùng đường với Giêsu nhưng không hiệp hành nên cũng không mang cùng tâm thức với Giêsu. Họ theo Chúa Giêsu với thái độ như thế chỉ làm cản trở người khác không thể đến bên Giêsu. Điều này rất thấm thía cho đời sống cộng đoàn nhà tu của Chủng viện, Hội Dòng, hay Tu Viện… Không chừng, chúng ta có thể rơi vào tâm thức này, đi theo Giêsu mà không thực sự hiệp hành, nghĩa là không mang được tâm thức, cảm nghĩ với Giêsu. Kết quả của đời sống chung của cộng đoàn thường gặp rất nhiều trắc trở, ghen ghét, dè chừng, cô đơn…Thánh Phaolô tha thiết xin chúng ta, “Giữa anh chị em với nhau, anh chị em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2, 5).

Anh Batimê phản ứng thái độ này như thế nào? Nếu anh để khát vọng ghen ghét chi phối, bực tức căm giận làm chủ tâm hồn, anh sẽ đầu tư cách nào để phản công, soi mói và kết án… Anh sẽ tập trung vào đối đầu với những người đang cản trở ước mơ lớn đời anh-gặp Chúa Giêsu. Anh sẽ phải mất nhiều giờ để nóng giận, bực bội, bất mãn… anh sẽ mất nhiều ngày để nghĩ cách trả thù. Lúc đó, anh còn giờ đâu mà tìm đường gặp Chúa; anh còn tâm trí nào để nghĩ đến Giêsu, tâm hồn nào để khát khao Giêsu. Không, anh không quan tâm đến điều nhỏ nhoi ích kỷ, những trái ý, ngược chiều của đám đông. Anh không bận lòng với những khát vọng hơn thua tầm thường… Anh không bị sự xúi giục của ma quỉ lôi kéo anh xa đường đến với Chúa vì rào cản của đám đông-cộng đoàn. Trái lại, anh càng tập trung vào mục đích đời mình: gặp Giêsu; mục tiêu anh đặt ra: gọi tên Giêsu. Anh càng kêu lớn hơn: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!

Nghe tiếng Chúa Giêsu: Sau khi nghe Giêsu ngỏ với họ, “Gọi anh lại đây.” đám đông trùng lòng, đổi thái độ cư xử với anh, mềm mại, ngọt ngào, “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Điều khác biệt rất lớn giữa việc cùng không nghe tiếng Chúa và cùng nhau nghe tiếng Chúa. Chỉ khi tất cả đồng lòng nghe tiếng Chúa, họ mới nói được ngôn ngữ của Chúa, diễn tả được tâm tình của Chúa, và cư xử với nhau theo cách của Chúa. Lúc này, đám đông mới thực sự hiệp hành trên đường Giêsu và mở ra đón anh Batimê cùng đi với họ. Cha Henri Nouwen chia sẻ đời sống có Đức Kitô trong cộng đoàn như sau, “Nhờ bước vào tình thân hữu với Chúa Giêsu, Đấng đã chút đổ mình, trở nên giống hệt như ta và đã hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá, nên ta cũng được bước vào trong một mối tương quan mới với nhau. Không thể tách mối tương quan mới với Đức Kitô ra khỏi mối tương quan mới với nhau được. Bảo rằng mối tương quan mới với Đức Kitô thường đưa dẫn tới mối tương quan mới với nhau vẫn chưa đủ. Chúng ta phải nói rằng ý định của Đức Kitô chính là qui tụ ta lại trong cộng đoàn, đời sống của ta trong cộng đoàn chính là sự thể hiện ý định của Đức Kitô.”[4]

Chúng ta cần xác tín sâu xa và chắc chắn rằng: tôi sống trong cộng đoàn cho ơn gọi dâng hiến, nhưng tôi thuộc về Đức Kitô. Gia nghiệp đời tôi là Chúa chứ không phải cộng đoàn. Cho nên, tôi không vì những xung khắc nhỏ của cộng đoàn mà bỏ rơi Đức Kitô; không vì những ước muốn chưa đồng thuận mà đời sống Giêsu bị biến dạng. Tôi không cần mất nhiều giờ để nhai đi nhai lại thương tích từ cộng đoàn nhưng cần dành nhiều thời gian để vun đắp và bổ khuyết những gì cộng đoàn đang thiếu. Thánh Phaolô dạy chúng ta tâm nguyện này, “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).

Đời sống cộng đoàn giúp nhau chữa lành thương tích và động viên nhau lớn lên. Yếu tố cần thiết để xây dựng là học cách tha thứ trong tình yêu. Bởi lẽ, cộng đoàn chúng ta được thành hình từ những thành viên hoàn toàn khác nhau về nhiều mặt. Xung khắc là chuyện dễ hiểu, va chạm là điều phải có bởi đó là thước đo của phát triển nhân đức. Các xung đột và va chạm đó cần được đưa ra giải quyết trong yêu thương và tôn trọng. ĐTC Phanxicô viết, “Khi các xung đột không được giải quyết mà chỉ che đậy hay vùi chôn vào quá khứ, lúc đó sự im lặng có thể coi là đồng lõa với những sai trái và tội lỗi trầm trọng. Còn việc hòa giải đích thực thì không lẩn tránh xung đột, nhưng đạt được trong chính xung đột, vượt qua xung đột nhờ đối thoại và thương lượng cách kiên trì, chân thành và cởi mở.[5] Khi nói về sự tha thứ, ĐTC giải thích, “Tha thứ không có nghĩa là quên đi… chúng ta ta vẫn có thể tha thứ khi có điều gì đó không được phép quên đi. Tha thứ cách tự do và chân thành là một hành vi cao quý, phản ánh lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Nếu tha thứ có tính nhưng không, thì chúng ta có thể tha thứ cả cho những ai không hề hối lỗi và không có khả năng xin tha thứ.”[6]

2.4. Đổi đời sau khi gặp Giêsu

Anh Batimê đã gặp gỡ Giêsu. Có thể nói, đây là cuộc gặp gỡ tuyệt đẹp và đáng giá vì làm thay đổi tận căn cuộc đời anh. Gặp gỡ Chúa đích thực mà chúng ta hay gọi tên bằng ‘cầu nguyện’ sẽ mở ra một cánh cửa cho lối đi mới, suy nghĩ mới và hành động mới. Nói đến cầu nguyện, trước tiên chúng ta “phải nói đến ý nghĩa của việc đi ra khỏi chỗ ta cho là an toàn, bình an để đi vào nhà của Thiên Chúa.”[7] Thế nên, cầu nguyện không chỉ lệ thuộc vào một lời để nói, không giới hạn vào một khoảng thời gian hay một không gian quy định để gặp gỡ. Cầu nguyện chính là cuộc sống. Cầu nguyện chính là ăn và uống, hoạt động và nghỉ ngơi, giảng dạy và học tập, vui chơi và làm việc. Cầu nguyện thấm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống ta. Đó là không ngừng nhận ra rằng ta ở đâu thì Thiên Chúa cũng ở đó, và bao giờ Ngài cũng mời ta đến gần hơn và cử hành ơn Thiên Chúa cho ta được sống.”[8]

 

Như một ước nguyện: anh Batimê có nhiều khát vọng, nhưng một khát vọng trung tâm và chủ đạo chi phối đời anh là gặp Chúa Giêsu. Đời sống của chúng ta cũng vậy, “khát vọng Thiên Chúa của ta phải là khát vọng hướng dẫn mọi khát vọng khác. Nếu không, thân xác, tâm trí, tâm hồn và linh hồn ta sẽ trở thành kẻ thù của nhau và đời sống nội tâm của ta trở nên hồn độn, đưa ta tới chỗ thất vọng và tự hủy diệt.[9]

Chắc chắn, nếu ta chúng ta nuôi dưỡng khát vọng gặp Chúa Giêsu, thì khao khát đó sẽ được chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi lẽ, Chúa luôn khát khao cho mỗi chúng ta thuộc về Chúa, “Con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 19). Xin hãy mạnh dạn đặt khát khao nhỏ bé của mình vào trong khát vọng vô biên của Chúa để cuộc đời của mỗi người được biến đổi đạt mức tròn đầy. Tôi xin mượn lời cầu nguyện của linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu như một kết thúc:

 

XIN CHO CON ĐƯỢC THẤY

Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng con, xin lắng nghe lời con nguyện cầu:

Như người  ngồi bên vệ đường, xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, những giả hình và che đậy.

Xin cho con được thấy Chúa hiện diện bên con, cả những khi con không cảm nghiệm được. 

Xin cho con thực sự muốn thấy, thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa chiếu sâu vào bóng tối của tâm hồn con.

Và lạy Chúa, Thiên Chúa của lòng con, 

Xin cho con thấy anh chị em con, những người đang hoang mang, hoảng loạn, đói khổ, bơ vơ vì mất người thân.  

Xin cho con được thấy những gia đình đang đau khổ bất hòa vì chia rẽ, ghen ghét, đố kỵ và ích kỷ.

Xin cho con trở thành sứ giả tình thương của Chúa để can đảm gieo rắc bình an, niềm vui và hy vọng.

Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Amen.

 

 

[1] Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo luôn định hướng linh mục và chủng sinh theo tâm điểm này.

[2] ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, 2021 số 249

[3] Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, NXB Phương Đông, 2009, tr. 42

 

[4] Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, NXB Phương Đông, 2009, tr. 157-158

[5] ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, 2021 số 244

[6] ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, 2021 số 250

[7] Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, NXB Phương Đông, 2009,

[8] Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, NXB Phương Đông, 2009, tr. 42

[9] Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, NXB Phương Đông, 2009, tr. 26

Comments are closed.