Vài Suy Nghĩ Về Giáo Dục Đức Tin Toàn Diện Trong Tầm Nhìn Sứ Mạng

 “Biết thì tốt, sống thì tốt hơn, làm người là tốt nhất”. Khẩu hiệu được đề ra cách nay gần một thế kỷ ấy của M. Alfassa, Mẹ bề trên Thiền Viện Sri Aurobindo bên Ấn Độ, nêu rõ một định hướng rất đặc trưng Đông phương mà ngày nay người ta luôn nói đến trong hầu như mọi cảnh vực. Đó là định hướng toàn diện. Hẳn vì chúng ta nhận ra mình đã phải trả giá đắt kiểu “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” khi xem nhẹ hay hoàn toàn không quan tâm đến tính toàn diện. Chẳng hạn, sự phát triển ngoạn mục về khoa học kỹ thuật và kinh tế đã dẫn đến những tàn phá thê thảm môi trường; hay  những cuộc cách mạng lật đổ một thế lực phi nhân chỉ để rồi nhìn thấy một thế lực phi nhân khác ngoi lên, có khi còn khốc liệt hơn.

Trong lãnh vực sứ mạng và linh đạo Kitô giáo, người ta rất quen thuộc những cụm từ như giải phóng toàn diện, chuyển hoá toàn diện, phát triển toàn diện, loan báo Tin Mừng toàn diện, linh đạo toàn diện… Trong công cuộc giáo dục và đào tạo cũng thế, mọi sự bất cập hay thiên lệch đều chắc chắn gây ra những hậu quả bi đát cho con người, cá nhân cũng như cộng đồng. Chính với ý thức này, Thư Chung 2007 “Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội Và Giáo Hội Ngày Mai” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dành 7 số (từ 32 đến 38) để quảng diễn tính toàn diện của giáo dục Kitô giáo. Bài này muốn chia sẻ một vài cảm nghiệm về sự khẩn thiết của một nền giáo dục toàn diện trong Giáo Hội ờ đất nước này hôm nay, đặt trong bối cảnh bản chất sứ mạng của Giáo Hội.

Một Lát Cắt

Cách đây ít năm, vào một dịp lễ ra trường tại học viện thần học nọ ờ Manila, một linh mục (tốt nghiệp tiến sĩ thần học) đại diện cho tất cả các khoá sinh tốt nghiệp bày tỏ tâm tình biết ơn đối với học viện, cách riêng đối với vị giám đốc là một linh mục người Tây Ban Nha tuổi gần thất tuần. Trong lời cám ơn người đại diện khoá sinh ấy nói rằng “Cha Giám Đốc đã không duy chỉ dạy chúng con các môn học kiến thúc mà nhất là còn dạy chúng con ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’ nữa” Cụm từ “học ăn, học nói, học gói, học mở” được nhắc đến vài lần bằng chính tiếng Việt và được dịch sang tiếng Anh. Nhiều sinh viên (Việt Nam và nhiều quốc tịch khác) có mặt tại buổi lễ đã lộ dấu khó chịu, nghĩ rằng nói như vậy là ‘khiêm hạ quá mức’. Sự khó chịu này dễ được biện minh, vì thực tế là rất nhiều sinh viên của học viện đều là nhũng linh tu sĩ nam nữ không còn quá trẻ; thậm chí trong đó có những người là giáo sư đại chủng viện (tuổi cũng ngoài sáu mươi) hay cựu bề trên Giám Tỉnh đến đây để được đào tạo chuyên môn. Họ không còn quá ấu trĩ để phải nhờ ông Cha Giám Đốc kia dạy cho họ “học ăn, học nói, học gói, học mở’. Bằng chứng là – chẳng hạn – trong khi mỗi ngày Cha Giám Đốc tiến lên rước lễ với tư thế ‘chắp tay sau đít’ (kiểu Tây Ban Nha? ) thì không mấy ai trong họ nhắm mắt làm theo cái tư thế quá chướng ấy đối với người Á Đông cũng không mấy ai bắt chước ông vào nhà thờ tham dự phụng vụ với chiếc áo may ô phong phanh trên người. Nói rằng học với ông chuyện “học ăn, học nói, học gói, học mở” quả là không thực tế lắm.

Tuy nhiên trong những năm ấy, có ít nhất một vấn đề xảy ra tại chính học viện này làm cho sự “khiêm hạ quá mức” của người đại diện khóa sinh tốt nghiệp kia trở thành không những xem ra có lý mà thậm chí còn cần thiết nữa.

Đó là một vấn đề liên quan đến thi cử. Số là nhiều bài thi tại lớp đã được một số sinh viên làm không mấy nghiêm túc. Có tình trạng quay cóp, trao đổi, đôi khi rất ồn ào. Cao điểm của xì căng đan này là bữa nọ cả ba phân khoa của học viện cùng làm bài thi môn Linh Đạo Môi Trường; phòng thi gồm hơn 100 sinh viên đã thực sự biến thành một cái ‘chợ’ náo nhiệt, hoàn toàn vuột khỏi tầm kiềm soát của vị giáo sư – và sự việc đã được lập biên bản báo cáo cho văn phòng. Điều đáng ghi nhận là tai tiếng không được chia đều cho mọi quốc tịch mà chỉ đổ dồn vào các linh mục và tu sĩ nam nữ thuộc hai nhóm Việt Nam và Trung Quốc. Có những tiếng xầm xì giữa các sinh viên Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ… rằng “Vietnamese and Chinese students are not honest; they cheat at exams.” Họ chỉ nói chung chung như vậy. Còn những kẻ ở trong tấm ‘chăn’ Việt Nam, chẳng hạn, thì biết thêm điều này nữa: các con ‘rận’ phần lớn thuộc số những linh mục tu sĩ trẻ tuổi hơn. Xem thế, ai bảo làm linh mục hay tu sĩ rồi thì không còn cần phải “học ăn, học nói, học gói, học mở,” tức học những bài học sơ đẳng để sống? Câu chuyện có thật 100% trên đây như một lát cắt cho thấy một lỗ thủng thật to trong nền giáo dục của chúng ta. Lỗ thủng ấy, như các phương tiện truyền thông không ngừng phản ảnh, đã khoét sâu trong hệ thống giáo dục của xã hội suốt mấy thập niên, và cũng đã thâm nhập vào các môi trường huấn luyện của Giáo Hội nữa. Có linh mục tâm sự rằng “mình thật buồn và lo khi nghe các em thiếu nhi thường xuyên xưng tội ‘quay cóp bài khi thi cử’, song ngẫm nghĩ lại mình cũng thấy mừng.” Buồn lo vì thấy sự gian lận, dối trá ngày càng được bình thường hoá, ngay cả trong khung cảnh học đường; và mừng vì sự việc các em xưng tội quay cóp cho thấy rằng các em vẫn chưa hoàn toàn nghĩ chuyện đó là bình thường.

Không biết bao nhiêu bút mực đã báo động rằng nền giáo dục của chúng ta quá thiên về việc nhồi nhét kiến thức trong khi quá ít quan tâm đến chuyện dạy và học sống, mà hậu quả là bao nhiêu bất cập đã và đang phô ra hầu như khắp nơi và ở mọi mức độ.

Bất Cập

Hai tiếng “bất cập” đã và đang được sử dụng quá thường xuyên đến trở thành lạm dụng trong ngôn ngữ báo cáo. Nhiều trường hợp, hai tiếng ấy không còn trao cho người ta môt ý niệm gì về điều đã xảy ra. Sai lầm to như con voi hay nhỏ như con chuột nhắt đều có thế được ghi nhận là do “bất cập.” Nhưng có lẽ khó tìm từ ngữ nào phù hợp hơn để nói vê tình trạng giáo dục của chúng ta cho tới nay, cả trong xã hội và trong Giáo Hội.

Dưới đề mục “Những Mối Quan Ngại,” Thư Chung 2007 của các giám mục Việt Nam dành 4 số (các số 11,12,13, 14) để điểm qua những bất cập trong lãnh vục giáo dục xã hội nhân văn, và dành 1 số (số 15) để nói một cách khái quát vê những bất cập trong lãnh vục giáo dục đúc tin. Thiển nghĩ tỉ lệ này cũng hơi bất cập. Một đàng những căn bệnh trong nền giáo dục của xã hội nhà đời là điều mà người ta vốn đã nghe nói đến xuyên qua các phương tiện truyền thông, còn điều ít nghe đến hơn chính là những vấn đề trong nền giáo dục của “nhà đạo” mình. Đàng khác trong thực tế như chính thư chung nhìn nhận ở số 19 – thì giáo hội xét như một tổ chức tôn giáo, chưa có mấy cơ hội để góp phần cải thiện chuyện dạy và học ở nhà đời, nhưng thiết tưởng giáo hội có thể làm rất nhiều việc để chấn chỉnh chuyện dạy và học trong lĩnh vực đức tin, là lãnh vực chuyên biệt của mình.

Có thể thấy ba cấp độ bất cập trong lãnh vực giáo dục đức tin – và mọi cố gắng chấn chỉnh phải “ phủ sóng” cả ba cấp độ này, nếu không muốn trình làng những sản phẩm méo mó. Bất cập ở bất cứ mặt nào, thì tình trạng chung cũng là một lỗ thủng. Ba cấp độ bất cập đó là: (1) Thiếu một nền đào tạo nhân bản. (2) Thiếu một nền kiến thức đức tin. (3) Đời sống thiếu chất đức tin.

Một Nền Đào Tạo Nhân Bản

Đào tạo nhân bản là nền móng cho tất cả, kể cả cho đức tin (chí ít bởi vì đức tin ki tô giáo luôn có sứ mạng thừa sai, chứ không bao giờ duy chỉ một con người) nhân bản là giá trị chung. người có nền nhân bản là người tử tế, người có lương tri. Đó là người biết ăn, nói, gói, mở, người biết tôn trọng công bằng, tôn trọng sự thật. Trên tất cả người có nhân bản là người biết tôn trọng con người (chính mình và người khác), biết lấy con người làm gốc. Người ấy không làm cho người khác bất cứ gì mình không muốn người khác làm cho mình (giáo huấn của Sách Tôbia trong cựu Ước và của Đức Khổng Tử) và đi bước trước để đối xử với người ta theo cách mà mình muốn người ta được đối xử (giáo huấn của Chúa Giêsu). Kẻ ít học mà cư xử (chẳng hạn, xả rác bừa bãi, tiểu tiện ngoài đường) dù sao cũng dễ được cảm thông hơn người có học mà thiếu lòng tự trọng (chẳng hạn, hút thuốc vô tội vạ ở bất cứ nơi nào, sử dụng điện thoại khi đang dự lễ hay đang ngồi trên máy bay, chen lấn khi xếp hàng, quay cóp khi làm bài…)

Nhân bản không chỉ là chuyện của cá nhân; các cộng đồng cũng bộc lộ nhân bản của mình nữa. Đêm Noel vừa qua, nhà thờ chánh tòa ở trung tâm thành phố cứ hành lễ đêm ngoài trời, sáng hôm sau quang cảnh nhà thờ thật hãi hùng: rác thải đủ mọi thứ ngổn ngộn vung vãi khắp nơi. Có anh bạn nước ngoài cười nói “dân chúng ở đây thật thoải mái nhỉ”. Quả thật trong nhiều câu chuyện, người ta có thể khái quát hóa cấp độ “dân”- ví dụ, ít ai phủ nhận rằng so với dân ta thì dân Mỹ đúng giờ hơn, dân Singapore thì giữ vệ sinh công cộng tốt hơn, dân Philippin có cảm thức xếp hàng nhạy hơn. Một câu hỏi tự vấn: cộng đồng công giáo trong dân ta thế nào, mình có những tiếng tốt nào thật rõ về mặt nhân bản khả dĩ cho thấy vai trò ngôn sứ của mình giữa những anh chị em khác?

Đây có lẽ là bước chấn chỉnh thứ nhất phải được thực hiện, trước khi nói đến chuyện khác như huấn giáo, hành giáo hay “truyền giáo”.

 Kiến Thức về Đạo

Cấp độ thứ hai là kiến thức đức tin và những hiểu biết cơ bản về đời sống của cộng đoàn đức tin, tức Giáo Hội. Hễ vô tri thì bất mộ. Hơn nữa, ‘đạo’ không chỉ là chuyện yêu mến Chúa mà còn thiết yếu bao hàm việc trả lời cho người khác về nỉềm hy vọng của mình nữa (x. 1 Pr 3,15). Dĩ nhiên không thể đòi mọi tín hữu đều phải am tường giáo lý và thần học như giới giáo sĩ, tu sĩ, nhưng nói chung thì một nền kiến thức sơ đẳng về đạo là điều kỳ vọng đối với mọi người tin. Có thể đưa ra một ‘chuẩn’ như sau: Anh là Kitô hữu, anh được kỳ vọng có sự hiểu biết về đạo tương thích với trình độ văn hóa của anh. Thật vậy, nếu ta dễ chấp nhận một người thất học, mù chữ và mù mờ luôn cả giáo lý thì trái lại thật khó cho là bình thường việc một bác sĩ, kỹ sư hay giáo viên Công Giáo đạo dòng không biết ít nhất một cách khái quát về lịch sử cứu độ, về Thánh Kinh, về câu chuyện Chúa Giêsu Kitô, về Giáo Hội… Dịp ngày nhà giáo 20.11 vừa qua, hàng trăm giáo viên Công Giáo tại giáo hạt thành phố nọ được qui tụ lại cho một ngày sinh hoạt; sau phần nghe thuyết trình và thảo luận nhóm, hầu như tất cả đại diện của các nhóm đều đề cập trong báo cáo của mình: “Nhiều anh chị em giáo viên Công Giáo chúng con không hiểu biết giáo lý cách tương đáng, và đã kinh nghiệm nhiều khó khăn do sự bất cập này. Xin các cha giúp đỡ chúng con, chẳng hạn bằng cách tổ chức những khoá bồi dưỡng giáo lý cấp giáo hạt hoặc giáo phận.” Một đề nghị thật cảm động! Nhưng một linh mục hiện diện, theo kinh nghiệm của mình, đã nói trong lời đáp từ: anh chị em nêu nguyện vọng như vậy, nhưng rồi nếu chúng tôi tổ chức các khoá học thì cũng chẳng mấy ai tham dự. Thế rồi trái banh đá qua, lại được đá lại. Hơi tiếc! … Ở số 15 của Thư Chung, nói về “Những Môi Quan Ngại,” các giám mục Việt Nam đã xác nhận rằng ‘trái banh’ trách nhiệm ấy có phần nơi cà các tín hữu giáo dân lẫn các linh mục:

Trong lãnh vục giáo dục đức tin, nhiều bậc phụ huynh Công Giáo, kể cả các vị mục tử, vẫn còn lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thông truyền đức tin cho con cái, không tổ chức hoặc không lo lắng cho con em tham dự những lớp giáo lý tại giáo xứ.

Đàng khác, chuyện huấn giáo không phải là vấn đề ‘có làm’ hay ‘không làm’ mà thôi; vấn đề còn là ‘Làm như thế nào’ nữa. Cũng trong số 15 nói trên, các giám mục viết:

Một số nơi, giáo lý vẫn còn bị xem là những bài lý thuyêt cần phải thuộc lòng đề được lãnh bí tích. Việc giảng dạy chưa thực sự có phương pháp sư phạm phù hợp và chưa đi với chứng từ sống động của người rao truyền.

“Nói đến chứng từ sống động” là các giám muc đã xác nhận cái kích thước đời sống của việc dạy và học giáo lý.

Đời Sống Đức Tin

Xem thế, các lớp giáo lý không bao giờ chỉ là những lớp học kiến thức thuần túy, dù kiến thức có cần đến mấy đi nữa. Việc huấn giáo phải được định hướng dẫn đến đời sống và chính nó phải là một phần của đời sống đức tin. Chính trong ý nghĩa này mà Đức Gioan Phaolô II trong tông huấn về việc dạy giáo lý (1979) đã nhấn mạnh đặc tính quy kitô và yếu tố cầu nguyện của công việc này. Đề cập đến sự cần thiết phải có “chứng từ sống động của người rao truyền”, các Giám Mục Việt Nam khuyến dụ trước hết các giảng viên giáo lý phải có một đời sống đức tin đích thực. Thật vậy, không có các chứng tá thì lấy gì dệt nên những chứng từ?

Trong lãnh vực giáo dục đức tin nói riêng và trong sứ mạng thừa sai của Giáo Hội nói chung, thiếu sót về chứng tá – tức thiếu một đời sống thực sự đậm chất đức tin – là thiếu sót gây phá sản nhất. “Trăm nghe không bằng một thấy” hay “lời nói bay đi, gương bày lôi kéo” là kinh nghiệm phổ quát vẫn còn được chứng thực hoài. Đức Phaolô VI, nói chuyện với một nhóm giáo dân hồi năm 1974, đã ghi nhận: “Con người thời nay nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy thì đấy bởi vì các thầy dạy ấy là những chứng nhân.” Một nhận xét tuyệt vời. Câu nói này đã được chính vị giáo hoàng dẫn lại trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (1975), rồi được Đức Gioan Phaolô II tiếp tục trích dẫn trong Thông Điệp Sứ Mạng Đấng Cứu Thế (1990) và trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu (1999). Hưởng ứng định hướng giáo dục toàn diện, các giám mục Việt Nam đã phản ảnh chính cái nhìn này khi tham chiếu Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo của Công Đồng Vatican II và nhất là khi dẫn lại câu tuyên bô thời danh trong Thư Giacôbê:

Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công Giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sông đức tin ây trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gc 2,17). Các tín hữu, nhờ được huấn luyện, sẽ trở thành men, muối và ánh sáng cho trần gian.

Sống Đức Tin Xét Như Phương Thức Sứ Mạng

Mấy chữ “đức tin chết” của Thánh Giacôbê có nghĩa rằng đức tin mà không được đưa vào đời sống thì không còn là đức tin nữa. Kiến thúc đức tin không phải là đức tin. Đọc kinh cầu nguyện và cử hành phụng vụ bí tích, dù rất quan trọng, cũng không phải là tất cả đức tin. Đức tin như men, như muối ngấm vào và lan toả hết kích thước cuộc sống, làm cho cuộc sống của người tin trở thành men, muối ngấm vào và lan toả nơi môi trường mà mình hiện diện và trong các mối tương quan của mình. Nếu có 7 ký men hoà vào 93 ký bột hay 7 ký muối hoà vào 93 lít nước, thì lượng men và muối ấy sẽ làm được việc đáng kể. Và đó là tỉ lệ tín hữu Công Giáo trên tổng dân số Việt Nam hiện nay. Vấn đề là có bao nhiêu gờ ram men thật hay muối thật trong tổng số 7.000 gờ ram ấy? Trong một giảng khoá Thần Học Đối Thoại Tôn Giáo, Đức Cha Teodoro Bacani cũng đã dùng các con số đế nói chuyện như sau: Đồng ý rằng Giáo Hội Công Giáo nắm giữ 100 phần trăm phương tiện ơn cứu độ, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như chỉ 1 hay 2 phần trăm phương tiện ấy được tôi sử dụng, trong khi Phật Giáo của anh bạn tôi chi năm giữ – chẳng hạn – có 5 phần trăm phương tiện ơn cứu độ, và anh bạn ấy biết tận dụng 100 phần trăm của con số 5 phần trăm ít ỏi mà anh có? Rõ ràng là nếu tôi không sống đức tin thi ngay khả năng được cứu độ của tôi cũng có thể thấp hơn nhiều anh em lương dân, nói gì đến chuyện tôi cứu họ! Anthony de Mello thì nói: Thế giới này đầy khổ đau không phải vì thiếu tôn giáo, nhưng vì thiếu ‘lửa’, thiếu tình yêu.

Sau ba thập niên đào sâu các khía cạnh giải phóng người nghèo, hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo xét như những nẻo đường sứ mạng của giáo hội tại lục địa này, các Giám Mục Á Châu đã dứt khoát tổng hợp các khía cạnh ấy thành “Chứng tá đời sống”. Tại Hội Nghị Toàn Thể FABC lần thứ 7 (Samphram, 2000), các giám mục tái khẳng định điều các ngài đã đưa ra và đã được Đức Gioan Phaolô II xác nhận trong Tông Huấn Ecclesia In Asia được công bố vài tháng trước đó:

Phương thế hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng và để phục vụ nhân danh Đức Kitô vẫn luôn luôn là chứng tá đời sống. Sự chuyển hóa đức tin của chúng ta thành tình yêu thương và chia sẻ sẽ hổ trợ cho lời rao giảng của chúng ta. Sống chứng ta đã trở thành các sống tin mừng cho các cá nhân, các đoàn nhóm và cho toàn thể cộng đoàn giáo hội. Người Á Châu sẽ nhận ra Tin Mừng mà ta công bố khi họ nhìn thấy đời sống ta phản ánh trung thực sứ điệp của Chúa Giêsu”.

Sống chứng tá – tức sống Tin Mừng, sống các giá trị của Nước Trời – chính là sống đạo. Và khi sống như vậy, như muối như men, là chúng ta đang truyền đạo, thư đạo mà chính Đức Giêsu Nadarét đã sống và rao giảng. Là nhà thừa sai đến từ Chúa Cha, Đức Giêsu đã thi hành sứ mạng truyền đạo đúng hơn là truyền giáo. Có thể nói, truyền đạo khác với truyền giáo nếu như hiểu truyền giáo chỉ là làm cho người ta gia nhập tổ chức tôn giáo của mình. Chuyện gia nhập Giáo Hội hữu hình là hệ quả (dù là hệ quả không tách rời) của việc theo đạo. Giáo Hội là phương tiện để sống đạo chứ không phải là cứu cánh. Người ta có thể ‘theo’ Giáo Hội mà trong thực tế không thực sự theo đạo. Đạo không bao gồm chỉ những chuyện diễn ra trong nhà thờ, mà là bao gồm tất cả đời sông. Đạo là chất lượng Nước Trời thấm vào và chuyển hoá đời sống. Theo đó, rất có thể chúng ta phải xét lại quan điểm của mình về thế nào là một người có lòng đạo sâu sắc hay nghèo nàn. Nó tuỳ thuộc trước hết ở tình yêu và thái độ phục vụ mà anh ta thể hiện, không phải trước hết ở số kinh anh ta đọc mỗi ngày. Cũng theo đó, một cộng đoàn hay giáo xứ mạnh trước hết không ở chỗ dân số đông đảo, cơ sở bề thế, tổ chức cồng kềnh. Một cộng đoàn hay giáo xứ mạnh trước hết ở chỗ các thành viên yêu thương, chia sẻ và liên đới với nhau, đồng thời mở ra để luôn ân cần đón nhận mọi người. Ta không bao giờ quên rằng các cộng đoàn tín hữu sơ khai là những nhóm rất nhỏ, mọi chuyện về cơ sơ hay về tồ chức của họ đều tối thiểu, song họ lại hiệp thông, yêu thương, liên đới và chia sẻ ở mức tối đa. Và đó là những cộng đoàn mạnh nhất, những cộng đoàn của những con người sống đức tin! Đó cũng là những cộng đoàn thấm đẫm bầu khí nhiệt tình sứ mạng.

Kết Luận

Để tìm lại bầu khí thấm đẫm nhiệt tình sứ mạng của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, nền giáo dục đức tin nói chung và công cuộc dạy và học giáo lý nói riêng phải được chấn chỉnh theo định hướng toàn diện. Chúng ta đặt móng bằng một nền nhân bản xây lên các cây cột kiến thức đức tin, và hoàn thành công trình bằng đời sống đức tin trong đó đạo tràn khắp đời và đời ngát toả đạo, chứ không dừng lại ở chỗ phân hai “tốt đạo, đẹp đời.” Thực ra, công trình này chỉ có thể được hoàn thành trên bản vẽ (tức trong việc định hướng nó), còn trong đời sống thì nó phải được tiếp tục thi công’ hoài — vì nó chính là đời sống!

Đọc số 19 của Thư Chung, ta dễ mủi lòng với các giám mục của chúng ta, vì thấy mình “đành phải dứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt Nam và, vì không có quyền nhập cuộc, đành phải đóng vai một quan sát viên bất đắc dĩ.” Nhưng đó là nói về “sự nghiệp giáo dục của xã hội.” Còn trong lĩnh vực giáo dục đức tin với môi trường giáo dục là gia đình, giáo xứ, sinh hoạt huấn giáo… thì hiện nay không có ai bắt chúng ta phải làm một “quan sát viên bất đắc dĩ” cả.

 

Lm. Lê Công Đức

Comments are closed.