Tro, Biểu Tượng Của Mùa Chay

Nicolas Senèze

Lts: Mùa Chay khởi đầu với Thứ Tư Lễ Tro. Chúng ta quá quen với việc xức tro nhưng có lẽ chưa hiểu hết ý nghĩa của tro. Câu hỏi đặt ra: tro có ý nghĩa gì? Tro biểu trưng cho điều gì? Việc xức tro có từ khi nào? Tro được lấy từ đâu? Nicolas Senèze cho chúng ta lời giải đáp.

Mùa Chay năm nay bắt đầu vào thứ tư ngày 10 tháng 02 với việc cử hành xức tro. Một nghi thức mang tính biểu trưng Kinh Thánh mạnh mẽ được áp dụng vào phụng vụ muộn sau này.

Tro biểu trưng điều gì?Trong Kinh Thánh, tro là dấu chỉ biểu lộ sự đau buồn của con người trước nỗi bất hạnh. “Tôi đây như tro bụi”, ông Gióp đã thốt lên sau khi đã mất tất cả (G 30,19); trong khi Tama, con gái của vua Đa-vít, “rắc tro trên đầu” sau khi bị làm nhục (2Sm 13,19). Do đó, thật hợp lý khi việc rắc tro, thậm chí lăn trên tro, cũng trở thành biểu tượng của tang tóc: “ Ôi thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi! Hãy than khóc” như lời ngôn sứ Giêrêmia nói với Giêrusalem (Gr 6,26).

Một cách sâu sắc hơn, tro không tách biệt với bụi – các dịch giả Kinh Thánh Hy Lạp thường sử dụng hai từ thay thế cho nhau – ám chỉ đến bụi đất từ đó mà con người được kéo ra trước khi Thiên Chúa thổi sự sống cho nó. “Ngài lấy sinh khí lại, chúng tắt thở ngay và trở về cát bụi”, tác giả thánh vịnh ca lên như vậy (Tv 103,29) trong khi Thiên Chúa cảnh giác Adam: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3,19).

Vì thế, tro biểu trưng cho sự hư vô của con người trước sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng mạc khải cho Môsê qua bụi gai cháy rực mà không tàn. Do đó, thật hợp lý tro là tình trạng mà tội nhân trở về khi quay mặt với Thiên Chúa. Chính vì thế, thần tượng “đẫm mình trong tro bụi” (Is 44,20) và “tim nó chỉ là tro bụi” (Kn 15,10). Cũng chính tro mà các ngôn sứ hứa với các tội nhân: “ta biến ngươi thành tro bụi trên mặt đất”, ngôn sứ Ê-dê-ki-en tiên báo (Ed 28,18); “những kẻ gian ác (…) sẽ như tro bụi dưới bàn chân các ngươi”, ngôn sứ Malakhi loan báo (Ml 3,21). Một cách tương tự, chính việc phủ tro trên đầu mà các tội nhân thú nhận tình trạng của họ và trở nên những con người sám hối: vua Ninivê sau bài giảng của Giô-na đã “khoác áo vải thô và ngồi trên tro” (Gn 3,6).

Tuy nhiên, đối với Kinh Thánh, cử chỉ thống hối này cũng cho thấy trước chiến thắng của những người phó thác tin tưởng vào Thiên Chúa. Đó là trường hợp của bà Giuđitha, người “xức tro trên đầu và chỉ mặc trên mình một chiếc áo vải thô” (Gdt 4,11) để cầu xin Thiên Chúa trước khi đánh bại tướng Hô-lô-phéc-nê của Babylon. Ngoài ra, đối với Israel, Đấng Messia sẽ biểu lộ khi đến “an ủi tất cả những ai đang than khóc” và “đặt vương miện trên đầu thay vì tro bụi” (Is 61,3).

Thứ Tư Lễ Tro đến từ đâu?

Trong Hội Thánh, biểu tượng Kinh Thánh của tro được áp dụng rất sớm cho những người sám hối, những người, từ thời cổ đại, mặc áo sợi canh và xức tro trên đầu. Tuy nhiên, việc bày tỏ sự sám hối công khai này chưa mang nghĩa biểu trưng trong phụng vụ, nó chỉ mang nghĩa biểu trưng về sau này.

Vào đầu thế kỷ thứ VI, khi Mùa Chay dần được hình thành, Giáo Hội muốn rằng thời gian chuẩn bị cho lễ Phục Sinh kéo dài 40 ngày. Vì các Chúa Nhật – đánh dấu niềm vui Phục Sinh – không thể được tính trong thời gian sám hối, nên đã quyết định đầu Mùa Chay sẽ được dời tới thứ tư trước Chúa Nhật đầu tiên. Tại Roma, vào thế kỷ thứ VIII, thánh lễ đầu tiên của Mùa Chay được cử hành bởi Đức Giáo Hoàng tại vương cung thánh đường Saint-Sabine, sau cuộc rước trên đồi Aventin, truyền thống vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Vào thời Sơ Kỳ Trung Cổ[i], trong cuộc rước đầu Mùa Chay, người ta hát bài thánh ca Immutemur habitu in cinere et cilicio (Changeons de conduite, sous la cendre et le cilice  – hãy thay đổi lối sống, dưới tro và vải thô). “Ở những xứ vùng sông Ranh (les pays des rhénans), vào thế kỷ thứ X, người ta muốn tạo một sự biểu lộ nhạy cảm cho bản văn phụng vụ, bản văn mà tại Roma đã mang một ý nghĩa thiêng liêng, bằng việc thiết lập nghi thức xức tro”, P. Pierre Jounel viết (1). Thứ Tư Lễ Tro được khai sinh như thế. Việc áp dụng này tại vùng sông Ranh lan tỏa nhanh chóng tới phần còn lại của Châu Âu. Năm 1091, Công Đồng Bénévant (miền nam Italia) tuyên bố :“thứ tư lễ tro, tất cả mọi giáo sĩ và giáo dân, nam cũng như nữ phải xức tro”. Vào thế kỷ XII, nghi lễ này được chứng nhận tại Roma nhưng chỉ tới thế kỷ sau Đức Giáo Hoàng mới theo hình thức sám hối này.

Tro lấy từ đâu?

Theo truyền thống, tro được sử dụng vào thứ tư mở đầu Mùa Chay lấy từ việc đốt những nhánh cây đã được làm phép trong lễ Lá của năm trước. Đây là một biểu tượng mạnh mẽ đối với cha Sébastien Antoni, nhà phụng vụ và biên tập viên của trang Croire.com, người đặt mối liên hệ giữa việc rước lá và cuộc rước của những người sám hối, những người sẽ nhận tro. “Năm trước, vào lúc kết thúc Mùa Chay, tất cả chúng ta tập trung để mừng lễ Lá và nói với Đức Kitô rằng chúng ta sẵn sàng theo Ngài tới thập giá, cha nhắc lại. Và rồi những cành lá mà chúng ta mang về nhà khô héo đi, như sự biến chuyển tốt đẹp của chúng ta… Chúng sẽ được đốt và dùng để ghi trên trán chúng ta sự khởi đầu trong thời gian sám hối của Mùa Chay. Ngoài ra, cuộc rước đó còn nhấn mạnh rằng đó không phải là một cử hành mang tính cá nhân nhưng mang tính cộng đồng: chính cùng với mọi người mà chúng ta bước theo Đấng Chịu Đóng Đinh”.

Tuy nhiên, đó không phải là việc chúng ta cảm thấy mặc cảm tội lỗi nhưng là “một lần nữa, đón nhận khả năng để khởi đầu lại hành trình bước theo Đức Kitô”, cha Antoni giải thích. Đó là toàn bộ ý nghĩa của một trong hai công thức mà linh mục được mời gọi đọc lên khi xức tro: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (hoặc câu: “hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi”).

Về phần mình, Xavier Accart (2) nhấn mạnh : “Sự tự hạ không phải là sự tự hủy, nhưng là sự ý thức về giá trị đúng đắn của thực tại. Việc xức tro trên trán là một sự chúc lành. Nhờ đó, Thánh Thần mở mắt nội tâm chúng ta vốn là đèn của thân thể, theo cách nói của Đức Kitô (Mt 6,22). Khi nhìn rõ ràng, chúng ta nhận ra đằng sau những vẻ ngoài lôi cuốn của sự hư ảo của con người là “thế giới tro bụi”, và do đó thành tâm trở về với vương quốc vĩnh cửu đã ở giữa chúng ta”.

 Phêrô Nguyễn Minh Nguyên chuyển ngữ | ĐCV Xuân Lộc


(1)   Pierre Jounel, “L’Année”, in L’Église en prière, d’Aimé-Georges Martimort (dir.), tome IV (La liturgie et le temps), éd. Desclée, 1983

(2)   Xavier Accart, Comprendre et vivre la liturgie : Signes et symboles expliqués à tous, Presses de la Renaissance, 306 p.
[i]Thời Trung Cổ chia làm ba giai đoạn: Sơ kỳ Trung Cổ (haut Moyen Âge tk VI-X), Trung kỳ Trung Cổ (Moyen Âge central tk XI-XIII) và Hậu kỳ Trung Cổ (Moyen Âge tardif tk XIV-XV). Chú thích của người dịch.

Comments are closed.