Tình Trìu Mến Của Thiên Chúa

        Người dân Athen vào thời Périclès được xem là những người khôn ngoan nhất loài người. Họ nhốt vợ mình vào những công việc trong nhà, và với chính sách đó, họ hẳn nghĩ rằng lời ca ngợi tốt đẹp nhất đối với một phụ nữ là không bao giờ được nghe nhắc đến.

        Họ nghĩ rằng vai trò chủ yếu của người nữ là đảm bảo cho người nam một dòng dõi khả kính và phục vụ người nam trong những nhu cầu vật chất, cùng với sự trợ giúp của các nô lệ mà người vợ sai bảo. Đời sống riêng tư của người nữ chẳng có gì đáng nói.

        Người ta ngạc nhiên trước một sự bất công nặng nề như thế. Phải chăng là để đền bù mà những đồng bào của Socrate dựng đền thờ cho các nữ thần đồng trinh là Athéna và Artémis, bằng cách tung hô trên trời cái phần tài năng người nữ mà họ làm ngơ dưới đất ?

        Một dân tộc thật nhạy cảm với cái đẹp như thế thì ít ra cũng phải linh cảm về ơn gọi thiêng liêng của người nữ; mà Kitô giáo sau này sẽ bộc lộ cho thế giới thấy nét cao cả của họ, trong Đấng mà bao thế hệ đã ngợi khen dưới danh hiệu là Đức Bà.

        Sự lật ngược mới ngoạn mục làm sao và cuộc trả đũa mới cao sang làm sao !

        Nếu người nữ ở đúng chỗ mình, thì người nam cũng sẽ tìm được chỗ đứng.

        Làm sao nói cho hết nỗi mừng vui của một thiếu niên, khi một ngày nào đó, trong tâm tình sốt sắng, cậu gặp được tình trìu mến sáng ngời của Đức Mẹ Maria ? Một hình ảnh người nữ đã in sâu vào lòng cậu mà không gì có thể xóa nhòa. Cậu nhận ra Mẹ trong sự sang trọng trổi vượt, trong cái rực rỡ lặng thinh của một sự tinh tuyền cứu độ. Cậu hiểu được, bên ngoài lời nói, rằng người nữ cùng là thần khí như người nam, rằng vinh quang của Mẹ là ở bên trong và cần phải hiệp thông với tâm hồn Mẹ mới hiểu được mầu nhiệm của Người.

        Quả thật, không gì có vẻ đơn giản hơn là sự hòa hợp giữa các danh hiệu dường như loại trừ lẫn nhau: Đức Nữ Trinh và Đức Mẹ.

        Thiên chức làm mẹ được đưa vào nội tâm. Thay vì thể hiện như một chức năng hoàn toàn do bản năng, mà người nữ chỉ là phương tiện thể lý, thiên chức ấy cho thấy cái tương quan chủ yếu giữa thiên chức làm mẹ và ơn gọi thần thiêng làm con, qua một sự cưu mang hoàn toàn nhờ Thần Khí.

        Một thế giới mới hiện ra trong ánh mắt của cậu thiếu niên, một thế giới thật trật tự, thật sáng và thật đẹp.

        Nay mai, cậu hẳn sẽ chạm trán với cái thực tế phũ phàng, bị ném vào trong một thế giới căng thẳng vì tham lam và phục tùng quyền lực của xác thịt. Cậu sẽ nhìn thấy cách mà con người sử dụng quyền năng sáng tạo mà Chúa ban cho họ: đến mức độ mà họ không còn chấp nhận sự sống ngay trong cái hành vi tác tạo sự sống. Cậu sẽ quan sát những tác hại của đam mê, khiến cho con người phải trả giá bằng uy tín của chủng loại, mà họ có nhiệm vụ duy trì trong một thời gian ngắn.

        Cậu cũng dễ dàng hiểu rằng con người không thể cưỡng lại sự chóng mặt trước một mầu nhiệm mà họ đặt trong thân thể, nhưng thực ra nó tọa lạc chủ yếu trong tinh thần.

        Thật vậy, làm sao giải thích lối hành xử của bản năng, những mộng mơ, những lời hứa, những chóa mắt, những ảo ảnh, mà không chấp nhận rằng có một giá trị vô biên thúc giục cuộc săn đuổi này, mà không nghe thấy, nơi tâm hồn của đứa bé con đang mơ hồ hiện diện nơi hành động sinh ra nó, lời kêu gọi của đời sống vĩnh cửu, nghĩa là điều sẽ làm cho nó sinh ra trong Thiên Chúa.

        Quả thật, mọi sự được sáng tỏ trong cuộc gặp gỡ này, nơi mà tình yêu tỏa rạng thành cái đòi hỏi phải có một trái tim bé thơ, một đòi hỏi của Thiên Chúa, nơi mà hôn nhân thể hiện như là sự kết hiệp bất khả phân ly của hai tâm hồn; theo lời rất hay của Thánh Thomas, khi ngài nói về chính cuộc hôn nhân của Đức Mẹ.

        Phần còn lại là sống sự khám phá ấy, là ghi khắc vào xác thịt mình, là làm cho nó sáng lên trong ánh mắt của mình. Mọi tiềm năng của một tâm hồn ngoan ngoãn đối với sự Hiện Diện Thiên Chúa sẽ giúp thực hiện trọn vẹn mục tiêu này.

        Ít ra, ta biết rằng mình không chiến đấu chống lại sự sống, nhưng vì sự sống; biết rằng đức trong sạch chinh là tôn trọng sự sống, như sự ô uế là từ khước và xem thường sự sống. Con người giờ đây thể hiện đúng bản chất của họ, họ được thoát khỏi cái uy tín vẩn đục của mình, được trả về với cái bí ẩn của đời sống nội tâm, được phục trang bằng chính tâm hồn mình.

        Ngôn ngữ được sáng tạo trở lại và tiếng nói có được một sự trong suốt thiên thượng, khi Kinh Truyền Tin đánh thức trên môi chúng ta lời ca ngợi dâng ỉên Mẹ Chúa Cứu Thế lúc Mẹ đến nhà bà Êlisabét.

“Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ

Và Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ”

        Cái điều mà lý ra chỉ là một lời gọi tầm thường của khoái lạc thì, đối với người Kitô hữu biết lắng nghe, điều ấy trở nên một đòi hỏi cao độ nhất để nên thánh: trong ánh sáng của Đức Mẹ, Đấng ban cho thế gian Con Trẻ mà lòng Mẹ ưng thuận cưu mang:

Con Trẻ sinh bởi Thánh Thần.

        Chúng tôi chỉ nêu lên quan điểm này mà thôi, một quan điểm mà nếu đào sâu ta sẽ thấy rõ hơn rằng đức khiết tịnh gắn liền mật thiết biết bao với lòng tôn sùng Đức Mẹ: vì sống đức khiết tịnh có nghĩa là tích cực thừa nhận tính chất thiêng liêng của sự sống tiềm ẩn trong hành vi tác tạo kia, là ý thức rõ ràng phẩm giá con người nơi đứa con; mà con cái vốn là một cứu cánh nên không thể bị đối xử như là một phương tiện.

        Kitô hữu hoàn toàn ý thức rằng việc sùng kính của mình hướng đến Chúa Kitô. Họ tôn thờ người Con trong Mẹ hơn là tôn thờ chính bản thân Mẹ. Họ rất quí chuộng đức khiết tịnh của Mẹ, chính vì đức khiết tịnh ấy cho thấy rằng Mẹ đả dâng hiến trọn vẹn con người của mình cho Chúa Con ngay khi Mẹ ý thức được tâm hồn mình. Thiên chức làm Mẹ hoàn toàn hướng về Con, trong một thái độ từ bỏ chính mình một cách hoàn hảo, trong một tinh thần nghèo khó tột đỉnh khiến toàn bộ con người Mẹ trở thành một tương giao sống động với Con mình.

        Mọi tín điều trong Giáo Hội chỉ nhằm làm rỏ điều này, và không có gì cảm động hơn là thấy những định nghĩa khác nhau hay những tín lý đang chín mùi đã khẳng định và không ngừng tiếp tục khẳng định trong Mẹ vị trí ưu tiên của Chúa Kitô; từ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đấng đã để tâm hồn mình hoàn toàn lệ thuộc, ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu, vào ân sủng của Đấng Cứu Thế, cho đến Đức Bà Mông Triệu, Đấng đã để hình hài mình lệ thuộc đời đời vào vinh quang của Chúa.

        Như vậy, Người Mẹ luôn là giá hào quang chứa đựng Con Mình, cũng như các thánh đường lớn, được mệnh danh Nhà Thờ Đức Bà, là nhà tạm cho Mình Thánh, bởi vì rõ ràng không có đối tượng tôn sùng nào khác ngoài một mình Thiên Chúa.

        Cũng vì thế mà các tôi tớ hăng say của Đức Mẹ luôn luôn là những tông đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu. Họ đương nhiên hiểu rằng Chúa ban Mẹ cho họ như là một dấu chỉ nhiệm mầu của lòng Nhân Hậu Chúa. Họ tự nhủ một cách đúng đắn rằng tất cả những gì là trìu mến trong lòng các bà mẹ đều xuất phát từ Tinh Yêu tiên khởi, và Thiên Chúa – Đấng đã thông truyền cho các bà mẹ một khả năng yêu thương mãnh liệt đến như thế – phải là một Người Mẹ, hơn cả chính các bà mẹ, vâng, vô cùng hơn ngay cả Đức Mẹ.

        Nếu chúng ta phải xác tín về chân lý ấy, thì còn dấu hiệu nào thích hợp với bản chất chúng ta hơn là Người Nữ Được Chúc Phúc, Mẹ của Người Con Một ?

        Giáo Hội không bao giờ hoài nghi về điều này, nên luôn khuyến khích việc tôn sùng Đức Mẹ để tín hữu có được chỗ dựa chắc chắn nhất cho niềm cậy trông vào Thiên Chúa. Biết bao tâm hồn đã khắc khoải thay vì phó thác; biết bao người lo âu cho những kẻ mình yêu thương, còn ở trần thế hay đã qua đời, mà quên rằng Thiên Chúa còn vô cùng quan tâm hơn họ đối với hạnh phúc của những người mà Ngài đã trao phó cho họ. Cuối cùng, biết bao người than khóc vì tội lỗi mình thay vì phó thác vào Tình Yêu, bởi lẽ Tình Yêu, từ thâm sâu của hữu thể, chính là ơn Tha Thứ, là Sự Sống và là Niềm Vui.

        Mặc cho Thiên Chúa gương mặt của một người Mẹ, thì không phải là hạ nhục Người, ấy chỉ là chấp nhận một cách trọn vẹn cái mạc khải sống động, và mạc khải ấy chính là Đức Mẹ: vì Mẹ là dấu chỉ bí tích của tình trìu mến mẫu tử của Thiên Chúa.

        Tiếng kêu ‘Má’ của một trẻ thơ cũng có thể là lời kinh của con người. Tiếng ấy chứa đựng mọi hy vọng và tình yêu của chúng ta; nhiều người không còn có thể kêu lên tiếng ấy trên trần thế này. Nhưng Thiên Chúa nghe được trong thinh lặng của tâm hồn họ, khi trong gian truân hay trong vui mừng họ chạy đến với trái tim của người mẹ.

        Và vì sao hôm nay lại không phải là ngày vui mừng, vì hôm nay là ngày mà, trong mầu nhiệm Đức Mẹ đoàn tụ với Con mình, chúng ta nhận được tình trìu mến khôn tả của Thiên Chúa là Mẹ?

        Pascal đã viết trong đêm mà ông nhận ra sự Hiện Diện của Chúa Giêsu:

“Vui mừng, vui mừng, những giọt lệ vui mừng.”

 

Maurice Zundel

Comments are closed.