VATICAN. Thứ bẩy 10-10-2015, Thượng HĐGM đã dành hai phiên khoáng đại thứ 6 và thứ 7, sáng và chiều để lắng nghe các nghị phụ phát biểu ý kiến về phần hai của Tài liệu làm việc.
Phần này mang tựa đề ”Sự phân định ơn gọi gia đình”, và đề cập tới những khía cạnh như: Chúa Giêsu và gia đình: đặc tính bất khả phân ly như hồng ân và nghĩa vụ; gia đình hình ảnh Chúa Ba Ngôi, chiều kích truyền giáo của gia đình; đặc tính bất khả phân ly của hôn phối va niềm vui sống chung, lòng từ bi thương xót đối với các gia đình bị thương: sứ mạng của Giáo Hội, v.v.
Sau hai phiên khoáng đại thứ bẩy hôm qua, chúa nhật hôm nay, 11-10, các nghị phụ được nghỉ, và trong hai ngày thứ hai và thứ ba này, các vị lại nhóm trong các nhóm nhỏ để thảo luận về phần 2 của Tài liệu làm việc.
Phúc trình của 13 nhóm
Sáng thứ sáu vừa qua, 9-10, các đại diện 13 nhóm nghị phụ đã trình bày kết quả các cuộc thảo luận nhóm về khía cạnh lắng nghe các thách đố về gia đình, tức là phần đầu của Tài liệu làm việc và đã đưa ra hơn 200 đề nghị sửa chữa phần đầu của Tài liệu này, cũng như những điểm mới cần nhấn mạnh.
– Qua phúc trình của các nhóm, người ta thấy một số nhận xét nổi bật như: phần trình bày của tài liệu làm việc nhấn mạnh nhiều quá tới những khía cạnh tiêu cực mà các gia đình ngày nay đang gặp phải, và nhiều nghị phụ đề nghị làm nổi bật hơn vẻ đẹp và sức sinh động của gia đình, bớt nói về các cuộc khủng hoảng, nhưng nói nhiều hơn về hy vọng.
– Một nhận xét nổi bật thứ hai liên quan đến việc mục vụ gia đình: sở dĩ gia đình ngày nay bị khủng hoảng, có lẽ vì trong Giáo Hội đã có những thiếu sót trong việc giáo dục về đức tin. Theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia đình ngày nay, vì đã có những tư tưởng hầu như ”như thời trung cổ” đối với gia đình, không phù hợp với thực tại, quá nhấn mạnh về luật lệ, qui tắc, và thiếu một cái nhìn toàn diện.
– Có vài nhóm nghị phụ nhận xét rằng lối đề cập vấn đề như trong phần I của tài liệu làm việc có tính chất quy hướng về Âu Châu, đặt nặng quá nhiều các khía cạnh tây phương, lối trình bày như thế ít thu hút và cũng có phần lộn xộn, nhất là trong việc xác định mình muốn nói với ai. Vì thế, các nghị phụ ấy muốn văn kiện chung kết của Thượng HĐGM có tính chất ”tươi mát”, rõ ràng, đơn sơ hơn, không có tính chất chuyên môn, nhưng dễ hiểu đối với tất cả mọi người”.
– Một số nhóm yêu cầu đào sâu phần trình bày lý thuyết về giống (gender Theory), đang được các thế lực quốc tế cổ võ hoặc áp đặt trong các hệ thống giáo dục tại các nước, và lý thuyết này đe dọa tương lai của hôn nhân và gia đình, vì cho rằng sự khác biệt nam nữ chỉ là kết quả của văn hóa, phong tục và giáo dục, chứ không có nền tảng sinh lý tự nhiên nào.
Nhiều nghị phụ kêu gọi tăng cường việc mục vụ cho người di dân và tị nạn, với những hệ lụy đối với đời sống gia đình của họ. Cũng vậy, cần quan tâm hơn tới những người già cả và tàn tật, các trẻ em bị cưỡng bách lao động hoặc xung vào quân ngũ.
– Nhóm tiếng Pháp thứ hai, do ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, điều hợp, đề nghị có sự can thiệp của Huấn quyền Hội Thánh để làm cho vấn đề gia đình sáng tỏ hơn về mặt thần học và giáo luật.
Nhóm thứ hai tiếng Anh, đề nghị làm sao để mỗi Giáo Hội địa phương tìm cách xác định những hoàn cảnh của những gia đình ở ngoài lề xã hội và đáp ứng về mục vụ. Nhóm nghị phụ tiếng Đức cũng nêu bật điều này là làm sao trong văn kiện chung kết của Thượng HĐGM có sự tôn trọng những đặc tù và khác biệt về văn hóa giữa lòng Giáo Hội vì cần có một phân tích và phán đoán khác nhau.
Có một số nhóm nhận xét rằng 3 tuần lễ Thượng HĐGM là thời gian quá ngắn, không đủ để cứu xét tất cả các vấn đề được nêu lên. Ngoài ra, có những nghị phụ đặt câu hỏi: không biết những cuộc thảo luận hoặc những đề nghị của mỗi nhóm, có được Ủy ban soạn văn kiện chung kết để ý tới hay không. Hoặc như Đức Cha Jean-Paul Vesco OP, người Pháp, GM giáo phận Oran bên Algérie, vốn ủng hộ việc cho các cặp ly dị tái hôn rước lễ, kêu gọi cần làm sao để Công nghị GM thế giới này không rơi vào tình trạng ”trái núi đẻ ra con chuột”! (SD 9-10-2015)
Nguồn| G. Trần Đức Anh OP, Vietvatican