Tháng Hoa Hồng

“Một năm hai tháng Đức Bà

Một là Hoa Phượng hai là Mân Côi.”[1]

Tháng Hoa Phượng hay còn được gọi tắt là tháng hoa, diễn ra vào tháng 5 Tây lịch. Gọi là tháng hoa vì tại thời điểm này, các xứ đạo trở nên sầm uất với các sinh hoạt: khai hoa, dâng hoa, giã hoa, hội hoa…[2] Tháng kính Đức Mẹ thứ hai là Tháng Mân Côi, nhằm vào tháng 10 hàng năm. Chữ Mân/Văn trong từ Mân Côi/ Văn Côi là một từ gốc Hán, do người ta đọc nhầm từ chữ Môi mà ra. Môi Côi nghĩa là bông hồng (rosa)[3]. Vì thế, Tháng Mân Côi, nguyên ngữ Môi Côi, nghĩa là Tháng Hoa Hồng. Và như vậy, mỗi năm sẽ có hai tháng hoa kính Đức Mẹ: Tháng Hoa Phượng và Tháng Hoa Hồng. Lời kinh Mân Côi, tâm điểm của tháng hoa thứ hai, chính là những bông hồng được đoàn con cái dâng lên Mẹ và cùng Mẹ ca khen tình yêu Thiên Chúa.

  1. Mân Côi – Lời kinh hướng về Ba Ngôi Thiên Chúa

Có lẽ một số người nhầm tưởng rằng đọc kinh Mân Côi chỉ nhằm mục đích tôn kính Mẹ Maria. Sự thật không phải thế. Lời kinh Mân Côi tuy ngắn gọn, đơn sơ nhưng hàm chứa ý hướng tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Con cái Mẹ khi tôn kính, ngợi khen người Mẹ hiền qua lời kinh Mân Côi cũng chính là cùng Mẹ cất lên bài Magnificat – Ngợi khen dâng lên Thiên Chúa vì hồng ân cao trọng Ngài đã ban cho Mẹ. Các mầu nhiệm phép lần hạt Mân Côi thực sự hướng về Thiên Chúa: ca ngợi Thiên Chúa trung tín và giàu lòng thương xót trong mầu nhiệm Nhập Thể (năm sự Vui); suy gẫm những biến cố quan trọng trên hành trình truyền giáo của Chúa Giêsu (năm sự Sáng); tạ ơn Ba Ngôi trong mầu nhiệm Trao Nộp (năm sự Thương); cùng hân hoan hát vang Alleluia trong mầu nhiệm Phục Sinh và Hiện Xuống (năm sự Mừng). Trong mỗi mầu nhiệm, bài suy gẫm luôn được khởi đầu với kinh Lạy Cha và kết thúc với lời tung hô vinh danh Ba Ngôi, Đấng hằng có từ muôn thủa đến muôn đời. Với kinh Mân Côi, bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, chúng ta tôn kính Mẹ là thụ tạo toàn bích. Đồng thời, chúng ta cùng Mẹ suy gẫm và ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng là chính Tình Yêu.

  1. Mân Côi – Lời kinh của Một Hội Thánh ba chiều kích

Kinh Mân Côi là lời kinh bình dân, hiểu theo nghĩa bất cứ ai cũng có thể đọc ở mọi nơi và trong mọi lúc. Người tín hữu có thể đọc kinh Mân Côi trong một cộng đoàn hay đọc cách cá nhân. Dù đọc riêng một mình, người tín hữu đều thân thưa với Thiên Chúa, với Mẹ Maria bằng đại từ “chúng con”: lạy Cha chúng con, cầu cho chúng con. Quả thật, lời kinh Mân Côi mang tính phổ quát của Một Hội Thánh Công Giáo (từ Một viết hoa được dùng theo nghĩa Duy nhất). Chúng ta có thể tin rằng bất cứ phút giây nào trên thế giới này, luôn có ít nhất một ai đó đang thầm thĩ lời kinh Ave Maria-chúng con kính chào Mẹ. Hơn nữa, theo cách đọc kinh Mân Côi đầy đủ, người ta còn đọc thêm kinh Tin Kính như lời tuyên xưng về Hội Thánh tông truyền. Lời kinh Mân Côi là lời kinh của Hội Thánh lữ hành đang được Mẹ dìu dắt trên đường tiến về Nhà Cha. Chiều kích Hội Thánh hy vọng (thanh luyện) cũng được trở nên rõ ràng trong kinh Mân Côi. Sau từng mầu nhiệm, người tín hữu luôn nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn. Hoặc kinh Mân Côi được đọc với ý chỉ cầu nguyện cách riêng cho các ngài, đặc biệt trong tháng các Linh hồn. Ngoài ra, khi con cái Mẹ tại thế cất lời Ave Maria, ắt hẳn nơi Hội Thánh khải hoàn, sứ thần Gáprien cùng toàn thể thiên thần và các Thánh nam nữ cũng đồng thanh reo vang lời chào kính Đấng-đầy-ơn-phúc và vinh danh Thiên Chúa.

            Kinh Mân Côi là lời kinh phổ thông và bình dân. Lời kinh này đã nâng đỡ đức tin cho biết bao tín hữu, đặc biệt trong thời bách hại cũng như trong chính hôm nay. Đồng thời, càng suy gẫm các mầu nhiệm kinh Mân Côi, người tín hữu càng khám phá ra ý nghĩa phong phú và mối hiệp thông của Dân Thiên Chúa. Kinh Mân Côi làm no thoả bao linh hồn muốn hướng về Tuyệt Đối, dù đó là một bà cụ bình dân hay một nhà bác học lừng danh. Lời kinh tuy đơn sơ nhưng là phương cách tuyệt vời thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ. Ai yêu Đức Mẹ thực sự sẽ thêm lòng tin yêu Chúa. Lòng mến ấy thúc đẩy người tín hữu siêng năng lắng nghe, suy gẫm Lời Chúa và cố gắng bắt chước nhân đức anh hùng của Mẹ.

Lời kinh Ave Maria chúng ta đọc hôm nay chính là những bông hồng kết thành vòng hoa dệt nên tháng Hoa Hồng dâng kính Mẹ.

[1] Lm PX Đào Trung Hiệu, OP, HÀNH TRÌNH ÂN PHÚC, 2013, trang 121.

[2] x. Sđd, trang 121.

[3] Lm Stepanô Huỳnh Trụ, TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, 2012, trang 7.

Vint. Đinh Nguyễn – Khóa IX ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.