Chuỗi Hạt Cuộc Đời

Sao em không lần chuỗi ?
Những lúc trời gió mưa,
Khi đêm về tăm tối,
Khi lá rụng vườn trưa.

Sao em không lần chuỗi?
Khi trời mới rạng đông,
Khi sương mai ngọt bùi,
Tỏa ngát trên ruộng đồng.

(Xuân Ly Băng)

Tháng Mười là khoảng thời gian giữa Thu. Trời thu mênh mông bát ngát, gió thu êm ái, dịu dàng, nắng thu hiền hòa, ấm áp làm lòng người như muốn hòa mình vào cõi không gian thơ mộng của đất trời. Những ngày Thu tháng Mười, nhìn những chiếc lá vàng rơi, ngắm những cơn mưa cuối mùa làm lòng ta cảm thấy bình yên, muốn trút đi mọi gánh nặng, lo toan của cuộc sống để tìm về một cõi riêng mình, để nhớ về những kỷ niệm thân thương, muốn sống thật chậm để “lắng nghe tiếng thời gian trôi”.

Trong không gian mênh mông của đất trời, trong sự dịu dàng, nhung nhớ của những ngày giữa Thu, tháng mười trong phụng vụ Giáo Hội gợi lên trong tâm hồn người tín hữu một tình cảm rất đặc biệt: tháng Mân Côi, tháng kính Đức Mẹ. Riêng tôi, tôi thích gọi tháng mười với một tên gọi đơn sơ, giản dị và gần gũi hơn: tháng của Mẹ.

Một điều hiển nhiên nhưng ít ai trong chúng ta để ý tới đó là trong cuộc sống chúng ta có thể có rất nhiều thứ, nhưng ta chỉ có duy nhất một người mẹ. Vì mẹ là duy nhất và là tài sản quý giá nhất mà ta có được ngay từ khi mới sinh ra, nên ta sẽ thấy mình thật hạnh phúc khi là kitô hữu, vì ta có thêm một người mẹ nữa: Mẹ Maria. Tháng mười về như nhắc nhở cho mỗi người kitô hữu về niềm hạnh phúc đó.

Tháng của Mẹ trước hết nhắc nhở cho ta rằng ngoài người mẹ trần gian ta còn có một người Mẹ trên trời, một người luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ và cầu nguyện cho ta trên cuộc lữ hành dưới thế. Cuộc sống con người sẽ thật đau buồn và thiếu vắng tình thương khi không có mẹ. Mẹ là điểm tựa vững chắc cho ta trong những lúc khó khăn của cuộc sống. Cũng vậy, trên bước đường thiêng liêng ta cũng sẽ dễ dàng gục ngã khi không có một nguồn an ủi, cậy trông và nâng đỡ cho đời ta khi ta cảm thấy cần một vòng tay yêu thương, một giọng nói vỗ về của Mẹ.

Cách đặc biệt, tháng của Mẹ nhắc nhớ tôi về kinh Mân Côi, lời kinh của Mẹ. Lời kinh tuy đơn sơ nhưng hiệu quả thật tuyệt diệu. Lời kinh đã trở thành phương thế cầu nguyện và nâng đỡ đức tin của bao người qua bao thế hệ.

Kinh Mân Côi có một lịch sử lâu đời trong Giáo Hội. Tương truyền rằng kinh Mân Côi là kinh do Đức Mẹ truyền dạy cho loài người qua thánh Đaminh. Vào năm 1206, bè rối Albigeois nổi lên đe doạ Giáo Hội tại Pháp. Mọi nỗ lực ngăn chặn bè rối đều trở nên vô hiệu. Dù đã cố gắng hết sức nhưng bè rối vẫn ngày một lan rộng thêm. Thánh Đaminh đã cầu cứu Đức Mẹ và Mẹ đã nhận lời thánh nhân. Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nhân, dạy ngài đọc và truyền bá Kinh Mân Côi như một phương thuốc linh nghiệm ngăn ngừa tội lỗi và sự lầm lạc. Nhờ vậy, Giáo Hội Pháp thời đó đã vượt qua hiểm hoạ do lạc giáo Albigeois gây nên. Cũng chính Kinh Mân Côi đã giúp Giáo Hội chiến thắng đạo quân Hồi Giáo tại vịnh Lépante vào ngày 7 tháng 10 năm 1571.

Trong nhịp sống thời hiện đại, con người ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy của các hoạt động xã hội. Để theo kịp nhịp độ phát triển, người ta dành nhiều thời gian cho việc học tập, làm việc, cho các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nghiên cứu. Thời gian còn lại được dành cho việc du lịch, thư giãn và các hoạt động vui chơi giải trí. Trong quỹ thời gian của mỗi người hầu như không còn chỗ cho việc đọc kinh Mân Côi. Việc đọc kinh lần chuỗi, theo suy nghĩ của thế hệ thời @, chỉ dành cho các ông già bà cả, những người nhàn rỗi. Ít ai còn nhận ra giá trị của kinh Mân Côi. Tuy tràng chuỗi Mân Côi được trang trí, bày bán ở nhiều nơi, thậm chí còn được dùng như món trang sức cho nhiều người, nhưng không phải tất cả những ai đeo chuỗi mân côi đều đọc kinh, lần chuỗi. Chuỗi Mân Côi tuy thật gần gũi nhưng cũng thật xa lạ, vì chuỗi Mân Côi không gắn liền với lời kinh Mân Côi.

Ngắm nhìn tràng chuỗi Mân Côi khiến tôi liên tưởng đến cuộc đời mỗi người. Cuộc đời mỗi người một cách nào đó cũng giống với tràng chuỗi Mân Côi. Chuỗi Mân Côi gồm nhiều hạt được liên kết, nối liền với nhau. Mỗi hạt gắn liền với một mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu. Chuỗi Mân Côi không phải là một đường thẳng không xác định, nhưng có một điểm khởi đầu và kết thúc. Các hạt rời rạc nhưng được liên kết lại và cùng gặp nhau tại một điểm duy nhất. Điểm khởi đầu và kết thúc của chuỗi Mân Côi là chính Chúa Giêsu.

Như chuỗi Mân Côi, cuộc sống con người cũng được dệt nên bởi những chuỗi ngày sống liên tiếp nhau. Mỗi phút giây của từng ngày sống cũng gắn liền với những biến cố mang tính mầu nhiệm của đời sống con người. Với đôi mắt đức tin, ta thấy đời sống con người không phải là những chuỗi ngày rời rạc, tách biệt, vô nghĩa. Những biến cố xảy ra trong cuộc sống không phải là những sự kiện mang tính ngẫu nhiên nhưng có một sự gắn kết, quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi biến cố trong cuộc sống đều có một ý nghĩa cần được khám phá, cần được hiểu để thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Và đời sống con người cũng không phải là những chuỗi ngày không có khởi đầu và kết thúc nhưng khởi đi từ Thiên Chúa và quy hướng về Ngài. Trong cái nhìn này, ta thấy đời ta thật sự là một chuỗi hạt – chuỗi hạt cuộc đời.

Khi lần chuỗi Mân Côi, suy ngẫm về các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng của cuộc sống Chúa Giêsu và đối chiếu với các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng của đời ta, ta thấy chuỗi Mân Côi và chuỗi hạt đời ta như hai vòng tròn đan quyện vào nhau. Các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu giúp soi sáng các mầu nhiệm của đời ta. Các biến cố đời ta được đưa ra ánh sáng và mang ý nghĩa khi quy chiếu về cuộc đời Chúa. Và điều này làm ta thật sự hạnh phúc vì ta thấy đời ta không vô vị, vô nghĩa, vô dụng nhưng có một ý nghĩa lớn lao. Cũng như trong tình yêu, ta sẽ chẳng hiểu được tình yêu là gì, sức mạnh của tình yêu ra sao, sự lôi cuốn, hấp dẫn và vị ngọt ngào của tình yêu thế nào một khi ta chưa yêu. Cũng vậy, lời kinh Mân Côi sẽ chẳng có ý nghĩa gì với ta, chẳng có liên hệ gì với ta nếu ta không có một kinh nghiệm, một sự cảm nghiệm và nếu ta không thấy có sự sự gắn kết nào giữa chuỗi hạt mân côi và chuỗi hạt cuộc đời.

Có lẽ sẽ hơi vội vàng khi cho rằng việc đọc kinh lần chuỗi là chuyện của các ông già bà cả, của những người nhàn rỗi hay của những người tu trì. Thực tế cho thấy nhiều người trẻ, nhiều người trí thức, nhiều nhà khoa học hay những người có địa vị cao trong xã hội vẫn gắn bó với chuỗi Mân Côi. Có bao giờ ta lắng lòng tự hỏi tại sao chuỗi Mân Côi lại lôi cuốn họ đến như vậy? Phải chăng chuỗi Mân Côi có một sức mạnh, một điều kỳ diệu mà ta chưa khám phá ra?

Người ta thường so sánh đời người giống như một bản nhạc với đủ cung bậc cảm xúc.  Một bản nhạc được tạo nên bởi nhiều nốt nhạc, và mỗi nốt nhạc góp phần tạo nên âm hưởng, sắc thái cho bài hát. Trong bản nhạc có nốt trầm – nốt bổng, nốt dài – nốt ngắn, nốt ngân – nốt lặng. Mỗi nốt tuy khác nhau nhưng đều cần thiết để kiến tạo nên bản nhạc. Đời người cũng giống như một bản nhạc với những cung trưởng – thứ, vui – buồn khác nhau. Có lúc vui tươi, cao trào có lúc lắng dịu, êm đềm. Có lúc ngân vang, da diết có lúc êm ái, nhẹ nhàng. Và có cả những lúc lặng, thật lặng để lặng nhìn cuộc sống, để lắng nghe nhịp sống. Những nốt lặng đôi khi tưởng chừng như vô nghĩa, vô dụng nhưng lại thật hay để tạo nên bản nhạc cuộc đời.

Tháng mười, tháng của Mẹ như một “nốt lặng” gợi nhớ ta về Mẹ Maria, về chuỗi Mân Côi và chuỗi hạt cuộc đời của mỗi người. Mỗi khi tháng mười về, tôi thích nghe lại bản nhạc “Sao em không lần chuỗi” của nhạc sĩ Thông Vi Vu. Lời nhạc như mời gọi đắm hồn vào cõi suy tư của lời kinh Mân Côi để cảm nhận sâu sa hơn về chuỗi hạt cuộc đời của mỗi người.

….

Sao em không lần chuỗi?
Mái tóc thề chấm vai,
Bâng khâng ngày dong duổi
Nhung nhớ bóng hình ai.

Sao em không lần chuỗi?
Khi lặng ngắm chiều buông,
Trong cô đơn ngậm ngùi,
Lệ đắng chảy vào hồn.

….

Minh Nguyên – Khóa VI ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.