Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chủ Ðiểm Thần Học Của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC)
Sự Hiểu Biết Ðổi Mới Về Truyền Giáo
1. Sự Hiểu biết đổi mới về Truyền Giáo
Truyền giáo và việc rao giảng Tin Mừng vốn gắn liền với mọi Kitô hữu, đó là một điều đã ấn định, chứ không phải là một điểm tranh cãi. Kết luận cho tuyên ngôn của thiết chế thứ 1 của các Giám Mục về Tông Ðồ Với Truyền Giáo, các Giám Mục đã nói như sau: “chúng tôi về nhà và ý thức sâu xa hơn về bổn phận cấp bách phải truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu, và được phấn chấn hơn trong công tác hàng đầu này của chúng tôi do sự nâng đỡ mà chúng tôi nhận được nơi nhau. Hoàn toàn xác tín vào sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội khi chúng tôi thực hiện sứ mạng Thiên Chúa trao phó là “hãy trở thành môn đệ của khắp muôn dân (Mt 28,19); và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa duy nhất và chân thật và Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Người sai xuống trần gian”. Cả khi một quan điểm như vậy, có vẻ giống với thần học cổ truyền chính thống về truyền giáo; thực ra có sự khác biệt đáng kể là quan niệm truyền giáo và rao giảng được hiểu như thế nào trong hoàn cảnh Á Châu. Ðặc biệt lệnh truyền “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” và “làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa duy nhất và thật, và Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Người sai xuống trần gian” có lập trường hoàn toàn khác biệt. Về điểm này tuyên ngôn của Bandung cống hiến một tổng hợp rất ích lợi của sự hiểu biết đổi mới về vấn đề truyền giáo.
Ðổi mới ý thức của chúng ta về truyền giáo tiên vàn có nghĩa là canh tân niềm tin của chúng ta là “Thiên Chúa quá yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con của Người làm Ðấng cứu độ trần gian”. Nhờ Người con này mà mọi sự được dựng nên (Ga 3,16-17 ; Dt 1,2), Người Con này đã trở nên giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó và cứu chữa những ai bị ma quỷ kiềm chế (Cv 10,38). Ðược tràn đầy Thánh Thần, Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và truyền cho môn đệ Người cũng làm như thế. Khi được nâng cao lên khỏi mặt đất, Người lôi kéo mọi người lên với Người qua Giáo Hội và qua nhiều cách khác mà chúng ta không thấy được. Người là ánh sáng soi dẫn con người. Người đang tỏ mình ra cho thế giới tồn tại trong Người và trong hạt giống Lời Người được tìm thấy trong các nền văn hoá và tôn giáo khác. Thánh Thần mà Chúa Cha và Chúa Con sai đến, hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội, trong thế giới và trong tâm hồn con người, dẫn đưa mọi người đến sự hiệp nhất và sung mãn.
Các Giám Mục khi thảo luận tỉ mỉ tuyên ngôn này mà có lẽ được coi như tuyên ngôn truyền giáo của Liên Hội Ðồng Giám Mục A Châu (FABC) đã nhấn mạnh rằng sự canh tân nhận thức về truyền giáo này bao gồm “hiện diện với dân chúng, đáp ứng nhu cầu của họ, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các nền văn hoá và tôn giáo khác, và làm chứng tá cho những giá trị của Nước Trời qua sự hiện diện, hợp nhất, chia sẻ và lời nói.” Tuyên ngôn truyền giáo này cũng ngụ ý rằng truyền giáo là một mệnh lệnh: “Chúng tôi rao giảng Tin Mừng bởi vì chúng tôi được sai vào thế giới và làm cho mọi người trở thành môn đệ”. Ngoài ra, còn có một lý do cần thiết hơn cho việc Phúc Âm hoá đó là “Tin Mừng là men dậy lên sự giải phóng và biến đổi xã hội”; khi nhìn thấy nỗi đau đớn và than khóc của các dân tộc Á Châu, đặc biệt trong những hoàn cảnh đau khổ, thì Tin Mừng thực sự là men rất cần thiết: “Thế giới Á Châu của chúng ta cần những giá trị nước trời để tạo ra sự phát riển con người, công lý, hoà bình và gắn bó với Thiên Chúa, với các dân tộc và với vũ trụ mà các dân tộc Á Châu mong đợi. Cùng mang tâm trạng này, thần học gia Ấn Ðộ Felix Wilfred nói rằng: “Ðức Giêsu rất gắn bó với Á Châu không phải vì phần lớn dân của Á Châu không phải là Kitô hữu nhưng là vì dân tộc Á Châu rất nghèo”.
Ngoài ra, có một điều rất quan trọng trong tuyên ngôn Bandung đó là không có một vấn đề nêu ra nào của the Missio ad Gentes bị coi nhẹ cả. Ngược lại, các Giám Mục Á Châu khẳng định rằng Thiên Chúa muốn lôi kéo hết mọi người đến với Người không chỉ qua Giáo Hội nhưng bằng nhiều cách khác nữa mà chúng ta không biết. Từ nhận định này, truyền giáo và Phúc Âm hoá có một mục đích hoàn toàn khác với lối suy nghĩ xưa nay, chẳng hạn như sự cứu rỗi linh hồn và việc xây dựng nhà thờ. Quan điểm canh tân việc truyền giáo này là điều mà cơ quan công tác liên tôn thứ ba của các Giám Mục gọi là một “viễn cảnh phong phú hơn: “Giáo Hội trên khắp Á Châu đang được Chúa Thánh Thần kêu gọi để hiểu biết sâu xa hơn về truyền giáo và hình thức đổi mới về việc làm chứng nhân, phục vụ và đối thoại.” (BIRA IV/3, art.17). Ðây là sự hiểu biết về truyền giáo trong đó Kitô hữu cùng với anh em của tôn giáo khác cùng nhau xây dựng nước Thiên Chúa hiện diện hữu hình hơn, một triều đại tự do, công chính, tình yêu và an bình.
2. Nước Thiên Chúa: Mục Ðích của việc Rao Giảng Tin Mừng.
Cái gì là mục đích của việc truyền giáo và Phúc Âm hoá? Như đã được chứng minh trong bài thảo luận trước, đặc biệt là những chỉ thị FABC đưa ra tại các hội nghị toàn thể, một ý thức canh tân về công cuộc truyền giáo luôn lấy những thực tại của Á Châu làm điểm khởi đầu. Hội Nghị toàn thể lần thứ 4 nhắc nhở rằng: “Chúng ta cần phải đối phó với những thực tại đen tối ngay trong Á Châu, không phải để rên rỉ than khóc trong thất vọng, nhưng là để chúng ta đối phó với tầm mức của công việc, và như vậy chúng ta sẽ đặt niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa, Ðấng mãi mãi là người thợ tuyệt hảo của nước Trời.
Bình luận về các tuyên ngôn của FABC, đặc biệt là tuyên ngôn Bandung, Felix Wilfred nói rằng: “Trong khi nỗ lực để đương đầu với những thách đố của hoàn cảnh Á Châu, trong tâm tưởng của các Giám Mục thì Nước Trời là trọng tâm. Nó đưa ra một cơ cấu rất thích hợp mang lại ý nghĩa cho 2 công việc chính yếu của các Giám Mục cũng là 2 mối quan tâm chính của các ngài: Ða tôn giáo và văn hoá tại Á Châu và sự lan tràn của đói khổ. Một ý thức canh tân truyền giáo như vậy luôn nhắm tới việc làm thế nào để cho các thực tại Á Châu được Giáo Hội lưu ý nhất. Ðây không phải là viễn tượng truyền giáo ưu tiên nhưng là một viễn tượng được nảy sinh từ hoàn cảnh Á Châu. Như Wilfred đã nói: “Nước Trời” là sự đáp ứng những thực tại Á Châu của các Giám Mục. Cũng cái nhìn này, Hội Nghị toàn thể Á Châu về công cuộc Phúc Âm hoá năm 1981 của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) khẳng định rằng “mục đích tối hậu của việc Phúc Âm hoá là sự đưa vào và thiết lập Nước Trời, gọi là luật Chúa trong tâm trí của con người.
Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) hiểu một cách chính xác Nước Trời là gì? Bản tuyên ngôn của Hội Ðồng Cố Vấn thần học do văn phòng truyền bá Phúc Âm của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) tổ chức đưa ra một số gợi ý: “bất cứ ở đâu mà con người nhận thức được mầu nhiệm thánh thiêng cao vời tác động khiến họ đi ra khỏi chính con người của họ trong tình yêu và phục vụ tha nhân thì ở đó Nước Thiên Chúa đang hoạt động. Tuyên ngôn rõ ràng xác định rằng triều đại nước Thiên Chúa là mối bận tâm không những của người Kitô hữu mà còn là của tất cả những ai quan tâm đến mối tương quan của họ với Thiên Chúa và với đồng loại. Nước Thiên Chúa vì thế là một “thực tại vũ trụ, vượt xa ngoài biên giới Giáo Hội. Nó không phải chỉ là khoa hùng biện nhưng là một sức mạnh biến đổi thế giới, được biểu tượng bằng sự hiện diện của Thiên Chúa uy quyền nhưng đầy lòng trắc ẩn, Ðấng mang ơn cứu độ cho toàn thể vũ trụ. Ðó là vương quốc đối phó với những sức mạnh của bất công, bạo lực và đàn áp, biểu hiện của cơ cấu tội lỗi. Ðó cũng là một vương quốc hỗ trợ, đứng về phía người nghèo vì họ là nạn nhân của những cơ cấu này. Tóm lại, kết đoàn với người nghèo đó là sự đáp trả với Tin Mừng Nước Trời.
FABC Papers No. 106
30 Năm Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu
Lịch Sử, Nền Tảng, Bối Cảnh, Thần Học – Số 3.2.1
Edmund Chia, FCS
Trích : http://www.fabc.org/asian_mission_congress/amcTheme.html
Bản Dịch Việt ngữ của Michel Therese – Ðàlạt