“Phá Đền Thờ Nầy Đi, Nội Trong Ba Ngày Ta Sẽ Xây Dựng Lại” – Chúa Nhật 3 Mùa Chay – Năm B

Đoạn Tin mừng nầy thường được gọi là câu chuyện Chúa Giêsu đuổi “những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ”, và gọi cơn phẫn nộ của Chúa Giêsu là “cơn giận thánh”.

Nhưng bài Tin mừng nầy còn đi xa hơn: điều mà Chúa Giêsu bác bỏ không phải là việc mua bán, mà là tấn công vào một tệ nạn trầm trọng hơn nhiều. Sự hiện diện của những người buôn bán là điều thiết yếu để cho việc phụng tự có thể tiến hành, vì nhờ đó, những người hành hương có thể tìm thấy tại chỗ tất cả những thứ mà họ cần để dâng hi tế. Đối với họ, điều đó rất thuận tiện.

Thật ra, cơn giận của Chúa Giêsu không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quày buôn bán, Ngài lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẩn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng đền thờ Giêrusalem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Trong suốt 46 năm trời, họ đã làm hết sức mình để xây dựng lại từ đống hoang tàn phế tích. Và vừa xong thì Chúa Giêsu lại nói đến việc phá hủy. Câu chuyện hết sức tế nhị. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem qua hành vi ấy Ngài muốn nói gì với người Do thái đang lắng nghe Ngài? Và với chúng ta hôm nay ?

« Hãy phá hủy đền thờ nầy và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại ». Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ mà Ngài nói, đó là Thân xác của Ngài, nghĩa là toàn thân Ngài. Chúa Giêsu mạnh dạn đem chính mình thay thế đền thờ.

Nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa, đó là đền thờ: Chúa Giêsu là sự hiện diện của Thiên Chúa. Nơi có Lời Thiên Chúa, đó là đền thờ : Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa. Nơi có phụng tự Thiên Chúa, đó là đền thờ: Chúa Giêsu chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Tất cả những điều đó, các môn đệ chỉ có thể hiểu sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Nhưng sứ điệp của Tin mừng ấy vẫn còn vang xa hơn. Để hiểu, chúng ta phải so sánh với một lời nói khác: « Điều gì mà anh làm cho một người bé nhất của Thầy, chính là anh em làm cho Thầy » (Mt 25). Thân mình Đức Kitô, đền thờ của Thiên Chúa, đó là tất cả chúng ta. Như thế, sứ điệp của Đức Kitô đi xa hơn những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Sứ điệp mà Ngài muốn gửi đến chúng ta hôm nay gồm hai điều.  

Điều thứ nhất: đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán. Điều thứ hai: Đừng biến nhà Cha ta vốn là nhà chung cho mọi người, thành nhà dành riêng cho một ít người.

«Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán ». Nói cách khác: « Đừng biến lời cầu nguyện thành dịch vụ buôn bán ». Giống như: « Lạy Chúa, con dâng Chúa lễ vật nầy để xin cho con thành công trong chuyện mần ăn của con ». Nhiều người tin rằng họ càng dâng nhiều, Thiên Chúa càng ban cho họ nhiều. Nhiều người tưởng rằng Thiên Chúa đòi chúng ta dâng tiến hương thơm và hi tế để can thiệp. Ngài không phải là đấng chờ đợi những lời khẩn cầu không ngừng của chúng ta và những hi sinh khắc khổ của chúng ta để động lòng. Chúa Giêsu không muốn người ta bóp méo hình ảnh của Thiên Chúa đích thật. Ngài muốn rằng nhà Cha Ngài mở ra với lời cầu nguyện tin yêu của con cái.

Người ta không cầu nguyện để cho Ngài biết nhu cầu của mình, nhưng bởi vì Ngài đã biết những gì mà chúng ta cần. Người ta không cầu ngyện để Ngài hành động nhưng bởi vì người ta biết rằng Ngài hành động để mang lại điều tốt nhất. Người ta không cầu nguyện để được Ngài yêu thương nhưng bởi vì người ta biết rằng người ta được Ngài yêu thương. Người ta không cầu nguyện để Ngài ở với chúng ta trong những ngày vui hay buồn, nhưng bởi vì Ngài ở với chúng ta. Không phải con người hành động trên Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa muốn hành động nơi tâm hồn con người. Cũng giống như mỗi sáng chúng ta mở cửa nhà để đón ánh sáng: không phải chúng ta làm cho mặt trời mọc lên, nhưng chúng ta cho phép ánh nắng mặt trời roi chiếu vào nhà và soi sáng trong nhà. Cầu nguyện cũng giống như thế: không phải chúng ta nhắc Thiên Chúa nhớ Ngài phải soi sáng cho chúng ta, nhưng chính chúng ta để Ngài soi sáng chúng ta. Cầu nguyện là mở cửa tâm hồn chúng ta để đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện như thế không phải là một cuộc mặc cả buôn bán với Thiên Chúa. Nó là sự tiếp nhận tình yêu nhưng không của Ngài.

Lời trách cứ thứ hai của Chúa Giê su: « Anh em biến nhà Cha Ta, nhà của tất cả mọi người, thành nhà dành riêng cho một số ít người ». Ngài rất phẫn nộ chống lại các thầy tư tế Do thái giáo vì đã theo một thứ tôn giáo dựa trên sự loại trừ. Họ thiết đặt một loạt các rào cản và lưới chắn: bên ngoài là tiền đường dành cho dân ngoại; người ngoại chỉ được vào đến đó. Kế đến là khu vực dành cho các phụ nữ. Rồi đến người Do thái. Và sau cùng là khu vực thánh dành cho Thầy Thượng tế. Một trong những nền tảng của Do thái giáo đó là sự phân biệt giữa tinh sạch và ô uế. Thế mà Chúa Giêsu đến công bố rằng đối với Thiên Chúa không còn loại trừ nào nữa. Ngài đến loan báo một Thiên Chúa thể hiện tình yêu cho tất cả mọi người không loại trừ ai.

Giáo Hội ngày nay phải là nơi trong đó con người cảm thấy ấm cúng vì được nhìn nhận, được tha thứ và được yêu thương. Giáo hội phải niềm nở đón tiếp tất cả mọi người, cả những người bị thất bại trong cuộc sống, trong tình yêu và trong hôn nhân, hay luân lí. Điều kiện duy nhất là mỗi người phải có ước muốn và hi vọng một ngày nào đó được chữa lành. Nhiều người thấy rằng mình không xứng đáng vì cuộc đời bê bối và phải đương đầu với đủ mọi thứ thất bại, để rồi cuối cùng bỏ đạo. Nhưng họ vẫn có một chỗ trong trái tim của Thiên Chúa. Chúng ta phải đem lại cho họ hình ảnh một Giáo hội niềm nở với hết mọi người. Chúng ta phải làm sao để không ai có thể trách móc chúng ta: « Anh em đã biến nhà Cha Ta, nhà của tất cả mọi người, thành nhà dành riêng cho một ít người ».

Phục vụ Lời , Đại Chủng viện Xuân Lộc.

Comments are closed.