Ở Đây Có Một Em Bé – Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm B

Chủ nhật nầy chúng ta nghe những bài đọc mời gọi và thúc đẩy chúng ta vươn tới trước. Trước tiên, là bài đọc Sách các Vua quyển thứ nhất. Nó đưa chúng ta trở về thời kì đất nước bị nạn đói hoành hành. Một người đến dâng cho tiên tri Ê li sê 20 chiếc bánh lúa mạch và một bao bột mì. Nhưng vị tiên tri không giữ lại cho mình mà truyền dạy: “Hãy mang cho tất cả những người ấy để họ ăn”. Vâng, nhưng làm sao có thể nuôi hơn một trăm người với ít thức ăn như thế?

Ngày hôm nay, vấn đề không còn là nuôi vài trăm người thậm chí một đám đông, nhưng là cả một vùng rộng lớn gồm nhiều dân tộc đang là nạn nhân của chiến tranh, nạn diệt chủng và nạn đói khát triền miên. Không còn là con số hai trăm ngày lương để nuôi sống họ. Nhu cầu là hằng trăm tấn lương thực, hằng triệu lít nước, hằng tấn thuốc men. Đó là một sự khẩn cấp tuyệt đối vì hằng triệu người đang chết đói. Trước thảm cảnh đó, thỉnh thoảng chúng ta nghe có người trách Thiên Chúa: Ngài đang ở đâu, đang làm gì? Tại sao Ngài lại để quá nhiều người trong một hoàn cảnh khốn cùng như thế?

Chính vì thế mà chúng ta phải trở lại trang tin mừng chủ nhật hôm nay. Nó cho chúng ta thấy cái nhìn của Chúa Giêsu trên đám đông đang đói khát. Ngài nhìn thấy họ mệt lả, kiệt sức. Họ cần mọi sự nhưng trước tiên họ cần bánh ăn. Đứng trước nỗi khốn khổ ấy, Ngài chạnh lòng thương và quảng đại ra tay cứu vớt. Ngài sẽ phục vụ họ một bữa ăn bánh cá no nê và thừa mứa. Sẽ có đủ thức ăn cho tất cả mọi người, thậm chí còn dư mười hai thúng cho các đám đông khác. Người Ki tô hữu muốn làm tông đồ cho anh em mình không được quên những nhu cầu thiết yếu ấy của con người. Đức Giáo Hoàng Piô XI nói rằng cần phải có một mức sống tối thiểu để có thể lắng nghe lời Thiên Chúa. Trong lịch sử Giáo Hội, người ta thấy có những vị thánh bắt đầu hành động bằng cách tấn công vào sự đói nghèo vật chất. Nhiều cộng đoàn đã dành ưu tiên cho những người nghèo nhất. Đối với một người Kitô hữu, đó là cách gắn bó với lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những người nghèo khổ nhất. Dĩ nhiên, vấn đề không phải là dụ người ta theo đạo. Cứu giúp người khác không phải để chiêu dụ họ trở thành Kitô hữu và lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng chỉ vì yêu thương họ như Thiên Chúa đã thương xót tất cả mọi người và muốn cứu thoát họ ra khỏi cảnh nghèo đói.

Trong bài tin mừng, chúng ta để ý vai trò quan trọng của một em bé. Em có ý kiến hay là đóng góp phần ăn của mình, năm chíếc bánh và hai con cá. Tin mừng không nói cho chúng ta biết em đã phản ứng như thế nào khi người ta đề nghị em chia sẻ. Dù sao thì Chúa Giêsu sắp dùng phần đóng góp khởi đầu nhỏ bé ấy. Ngài muốn tỏ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không làm gì mà không có chúng ta. Người đòi chúng ta một cử chỉ nhỏ để Người sẽ đáp lại bằng một hành động vĩ đại. Nếu chúng ta chấp nhận chia sẻ phần dư thừa, hoặc cả cái cần thiết của mình nữa, thì Thiên Chúa sẽ nhân lên gấp bội ơn ban của Người.

Đứng trước sự dữ trên thế gian, Thiên Chúa không bất lực khoanh tay ngồi nhìn. Ngài ban cho chúng ta một hành tinh với nhiều khả năng và tài nguyên bao la. Người đã ban cho chúng ta một trí khôn để nhân lên khối tài nguyên ấy. Vấn đề lớn đó là con người không biết sống chung với nhau như anh em. Thay vì chia sẻ, họ đã phung phí, đánh nhau, phá hủy của cải có thể cứu sống nhiều triệu người khác.

Hai bài đọc muốn chất vấn chúng ta về vị trí mà chúng ta dành cho tất cả những người bị loại khỏi xã hội và thế giới chúng ta. Ngang qua họ, chính Đức Ki tô đang hiện diện và rất thường, chúng ta không nhận ra Ngài. Một ngày nọ, Ngài đã nói: “Ta đói, nhưng các ngươi đã cho (hoặc không cho)  ta ăn. Cứ mỗi lần các ngươi cho một người bé nhỏ nhất là các ngươi làm cho chính ta” (Mt 25). Đức Kitô đứng về phía những người đang đau khổ vì bệnh tật, chiến tranh và đói khát, chúng ta có nhận ra Ngài không?

Chúng ta hãy đón nhận những bài đọc nầy như một lời mời gọi thay đổi cái nhìn chúng ta về thế giới, và có một cái nhìn giống như Đức Kitô. Vấn đề là chúng ta phải liên kết với Ngài trong chương trình cứu giúp tất cả mọi người và mang đến điều tốt nhất của chúng ta. Ngài ở với chúng ta gần hơn là chúng ta tưởng. Không những Ngài ban cho chúng ta khả năng nuôi sống chính mình Nhưng khi tự hiến thành lương thực, Ngài muốn làm dịu cơn đói khát của nhân loại. Điều kiện duy nhất là tất cả mọi người cộng tác vào công cuộc yêu thương của Ngài.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.