Ngài Giảng Dạy Như Một Đấng Có Thẩm Quyền – Chúa Nhật 4 Thường Niên – Năm B

Bài Tin mừng chủ nhật hôm nay đưa chúng ta về đầu đời sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Ngài đến kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên nơi bờ hồ Tibêriat, rồi cùng với họ, Ngài đến Capharnaum để công bố Tin mừng. Capharnaum lúc ấy nổi tiếng là một thành phố nhiều tai tiếng, nên việc Ngài bắt đầu sứ vụ cứu thế từ nơi ấy cho thấy rằng Ngài đến trần gian là để tìm và cứu vớt những người đã hư mất.

Cũng chính Ngài đến Capharnaum của chúng ta ngày nay. Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới đau khổ vì nhiều thứ mất trật tự. Hãy nghĩ đến tất cả những bất công càng lúc càng to lớn mà chúng ta đang chứng kiến và lắm khi là đồng lõa. Tham nhũng, bạo lực, loại trừ đang hoành hành khắp nơi càng lúc càng công khai. Khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng lúc càng gia tăng. Thế lực sự dữ vẫn thắng thế và luôn sẵn sàng vô nhân hóa xã hội chúng ta.

Nhưng chính đó là nơi mà Chúa Giêsu gặp gỡ chúng ta. Sứ điệp của Ngài không phải là một bài học luân lí. Lời Ngài dạy không giống với lời của các kí lục và Pharisêu. Họ huênh hoang đủ thứ để rồi cuối cùng ru ngủ người nghe phải chịu đựng họ vì họ chỉ lặp lại những gì mà chính họ đã học được.

Thế rồi một ngày kia, người ta nghe một lời nói đầy uy lực lay động thức tỉnh khiến họ ngạc nhiên. Họ thấy mình đứng trước một người nói năng không như những người khác. Ngài nói những lời mà họ chưa bao giờ nghe; nhưng họ hiểu và họ quan tâm đến điều Ngài nói. Ngài nói như một người biết rõ con người là ai và cho thấy rõ vương quyền của Thiên Chúa là gì. Lời Ngài là lời mang đến tin mừng giải thoát. Cái nhìn của Ngài chạm đến tận nơi sâu kín trong tâm khảm con người. Ngài đọc được những khúc mắc ưu tư đang dằn vặt tâm hồn con người. Ngài hiện diện trong mỗi người, không phải để làm cho họ âu lo, nhưng để giúp họ an tâm, cứu chữa họ, giải thoát họ khỏi tất cả những gì có thể tha hóa họ. Ngài đến để khơi gợi lên trong mỗi người ước muốn hòa bình và chân lí.

Bài Tin mừng hôm nay không kể cho chúng ta nghe những gì Chúa Giêsu đã nói, nhưng nhấn mạnh sự kiện là Ngài nói một cách đầy uy quyền. Không những lời ấy khiến mọi người phải ngạc nhiên nhưng nó còn giải thoát một người bị ma quỉ ám. Do vậy, đó là một lời làm cho sống.

Người ta kể rằng một nhà vua kia muốn làm một cuộc thử nghiệm để biết xem đâu là ngôn ngữ cổ nhất mà con người xử dụng. Nhà vua truyền đem một đứa bé giam vào trong một gian phòng kín, không thiếu một sự chăm sóc nào, nhưng cấm hẳn mọi âm thanh và lời nói. Và chờ xem nó sẽ nói ngôn ngữ nào khi lớn khôn. Điều đã xảy ra là đứa bé đã chết sau một vài tháng.

Câu chuyện đó muốn nói với chúng ta rằng không ai trong chúng ta có thể sống nếu không có lời yêu thương của cha mẹ ngay từ lúc sinh ra và trong suốt những ngày tháng sau đó. Đó là cái mà chúng ta gọi là một lời tạo dựng hoặc một lời tái tạo. Trong cuộc sống vợ chồng cũng giống như thế. Một tình yêu không lời nói, đó là điều không thể có. Lời tình yêu làm cho sống, đem lại cho đời một ý nghĩa. Lời sáng tạo sự sống.

Những gì xảy ra cho người bị quỉ ám mà Tin mừng hôm nay kể lại nói với chúng ta nhiều điều. Một lời quyền năng của Đức Kitô là đủ tái tạo người ấy trong sự tự do của con người. Lời Ngài xua đuổi ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám. Tin mừng của Thiên Chúa được Chúa Giêsu công bố chính là sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta. Sự hiện diện ấy hãy còn kín nhiệm nhưng tiếp tục dạy dỗ và chữa lành khỏi mọi nguy khốn. Chúa Giêsu đã không gặp người bị quỉ ám trên đường hay nơi công trường, nhưng trong hội đường, ở giữa cộng đoàn họp nhau cầu nguyện. Ngay trong chính các cộng đoàn của chúng ta, có thể vẫn có những đồng loã với sự xấu. Cả chúng ta cũng có thể là nô lệ cho các đam mê của mình, tiền bạc và nhiều điều khác nữa. Thế mà chỉ cần một lời nói là có thể giải thoát chúng ta, nhưng với điều kiện là không đồng loã với sự dữ trong chúng ta. Rất thường chúng ta để mình bị lôi cuốn theo thế giới tuyên truyền bằng những lời vô bổ, và ngăn cản chúng ta tiếp nhận Lời giải thoát trong thinh lặng.

Vậy chúng ta hãy để cho Lời ấy thấm nhập và tra vấn chúng ta, để biến chúng ta thành những con người mới, những con người tự do. Như thế lời của chúng ta cũng sẽ có thể là lời giải thoát. Lời chúng ta nói, cách hành động của chúng ta sẽ mang lại niềm tin; nó sẽ giúp chúng ta muốn đứng lên, và hành động như những tiên tri cho con người thời nay.

Qua bí tích Thánh Thể, chính Chúa Giêsu đến gặp chúng ta đang qui tụ trong danh của Ngài. Trước mặt Ngài, chúng ta là một dân tội lỗi, nhưng được Ngài giải thoát và cứu chữa, để làm nẩy sinh một dân tộc mới, một thế giới mới.

Phục vụ Lời, Đại Chủng viện Xuân Lộc

Comments are closed.