Nhà thần học Joseph Ratzinger, nay là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong lời tựa cho tác phẩm của mình có tựa đề Đức Tin Kitô Giáo, hôm qua và hôm nay, đã bắt đầu với một nhận định như sau: “Những ai theo dõi biến chuyển thần học trong mấy chục năm qua, và nếu họ không thuộc hàng những người đãng trí chỉ biết nhắm mắt coi tất cả những gì tiến bộ đều là tốt cả, thì câu chuyện Chú Bờm Hạnh Phúc sẽ rất có ý nghĩa cho họ.
Câu chuyện cổ tích kể như sau: Sau bao năm tháng làm việc mệt nhọc, chủ trả công cho Bờm một thỏi vàng nặng. Và Bờm khệ nệ vác vàng về nhà, trên một quảng đường thật dài. Thỏi vàng quá nặng, lại thêm trời nắng gắt. Khát. Mỏi. Mệt. Thế là vì nhu cầu trước mắt, để được thoải mái, Bờm đã tuần tự đổi vàng để lấy ngựa, bò, ngỗng và cuối cùng là một phiến đá mài. Phiến đá rốt cuộc cũng bị Bờm quẳng luôn xuống nước, để được – như Bờm lý luận – tự do khỏi bị thứ gì ràng buộc cả trên đường về. Cơn mơ của Bờm kéo dài bao lâu và hậu quả đen tối nào đã xảy ra khi Bờm hết mê, câu chuyện không kể tiếp, dành để cho trí tưởng tượng của người đọc”. Và tác giả quyển sách nhận định tiếp: “Người nặng lòng theo Chúa hôm nay cũng không khỏi canh cánh với câu hỏi: Phải chăng thần học trong những năm qua cũng đi theo con đường của Bờm? Phải chăng cũng vì cảm thấy đức tin là gánh nặng nên thần học đã từng bước, mỗi đợt một ít, lược bỏ bớt đi cho nhẹ gánh? […] Và rồi như chú Bờm tội nghiệp – người tín hữu theo Chúa -, sau những khoản đổi này đến lối giải thích khác, cuối cùng thay vì vàng chỉ còn lại phiến đá mài, để rồi lại được thiên hạ khuyên nên vất đi luôn cho khoẻ![1]”.
Hẳn nhiên, khuynh hướng phổ biến muốn đổi vàng lấy đá mà Đức Thánh Cha đề cập ở đây trước tiên nhắm đến việc suy tư thần học trong Giáo Hội, nhưng điều này một cách nào đó cũng đúng cho thái độ sống đạo của các cộng đoàn Kitô giáo nữa, nhất là trong lãnh vực loan báo Tin Mừng.
Nếu áp dụng nhận định này của Đức Thánh Cha cho sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta không dám nói là bấy lâu nay cách sống đạo của ta cũng theo kiểu đổi vàng lấy đá. Nhưng có một thực tế, một trăn trở mà linh mục Nguyễn Ngọc Sơn, trong bài thuyết trình của mình, với tựa đề Muốn xuất phát lại từ Đức Kitô trước hết cần trở lại với Người, tại Đại Hội Truyền Giáo Á Châu, 18-22/10-2006, Chang Mai, Thái Lan, đã đặt vấn đề như sau: “Khi nêu lên nhận xét công cuộc truyền giáo tại nước tôi hình như không mấy hiệu quả từ vài chục năm nay, nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như một số anh em linh mục, nam nữ tu sĩ không bằng lòng với nhận xét này […] Tôi không có ý coi nhẹ hoạt động tông đồ của các vị ấy, nhưng những thống kê về số người theo đạo hay bỏ đạo Công giáo ở Việt Nam cũng như ở Á Châu và toàn thế giới khiến ta phải quan tâm và đặt vấn đề cho việc truyền giáo của mình”.
Tại sao công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam từ mấy chục năm nay không mấy hiệu quả? Đâu là vấn đề đặt ra cho sứ vụ loan báo Tin Mừng? Đâu là khủng hoảng của công cuộc loan báo Tin Mừng hiện nay? Phải chăng Tin Mừng mà chúng ta đang loan báo, đang trao tặng cho anh chị em xung quanh chúng ta, thay vì “vàng” lại là “sắt” hay “đá”? Phải chăng thúng bột không lên men được là vì men đã biến chất?
Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, cách riêng là Đại Hội Dân Chúa diễn ra tại Sài gòn, từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 11 năm 2010, là thời gian thuận lợi để chúng ta đi tìm câu trả lời cho những thao thức và thắc mắc trên đây. Qua Tài liệu làm việc của Đại Hội cũng như các bài thuyết trình, các cuộc thảo luận nhóm trong Đại Hội, chúng ta nhận thấy có nhiều giải pháp, nhiều mô hình đã đề xuất cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam trong thời gian tới; chẳng hạn các mô hình mục vụ: “Mục vụ Nhà trẻ”, “Mục vụ Nhà đất”, “Mô hình Giáo Hội Gia đình”, “Mô hình Giáo Hội Tham gia”… Tuy nhiên, không khó để nhận ra, những giải pháp trên đây hầu như chỉ là những câu trả lời cho tình huống và ở vị thế phụ thuộc bởi những thay đổi, xáo trộn của xã hội, chứ chưa thực sự đào sâu căn nguyên chính của cuộc khủng hoảng, của cách sống đạo theo kiểu “đổi vàng lấy đá”, và chưa đem lại cho dân Chúa một hướng đi căn bản.
May thay, bên cạnh những tầm nhìn mang tính tình huống này, chúng ta nhận thấy một hướng đi khác của Đại Hội mang tính chiến lược và nền tảng hơn, mà phần lớn được khơi lên từ các Đại biểu Giáo dân và trở thành điểm sáng của sứ điệp Đại Hội, đó là việc chính Giáo Hội phải tái Phúc Âm hóa chính mình, Giáo Hội phải xuất lại từ Chúa Kitô.
Khởi đi từ điểm sáng này của Đại Hội, và không muốn Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam qua đi như thể chỉ là một giấc mơ và cuối cùng cũng chỉ còn lại “hòn đá mài” trên tay, chúng ta cần đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nền tảng sau: Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội phải khởi đi từ điều gì? Dựa vào Giáo Huấn của Giáo Hội kể từ Công đồng Vatican II đến nay, chúng ta thử đưa ra ba câu trả lời sau:
– Trước khi là một nhiệm vụ để thực hiện, sứ vụ truyền giáo phải là một tình yêu, một ân ban cần được đón nhận.
– Trước khi được trở nên lời loan báo, sứ vụ truyền giáo phải là một sự hoán cải;
– Trước khi trở thành chương trình hoạt động, sứ vụ truyền giáo phải là một chứng nhân.
1. Sứ vụ truyền giáo trước hết không phải là một công việc nhưng là một ân ban cần được đón nhận
Câu khẳng định trên mới nghe qua cảm thấy nghịch lý. Tại sao truyền giáo không phải là một việc làm? Tuy nhiên, nếu đọc kỹ Công đồng Vatican II, chúng ta sẽ thấy đây là điểm độc sáng của Công đồng về thần học Truyền giáo. Quả thật, Công đồng Vatican II là Công đồng chung đầu tiên tập chú cách đặc biệt về bản chất và sứ vụ của Giáo Hội, được trình bày cách rõ ràng trong Hiến Chế Lumen Gentium, Hiến Chế Gaudium et Spes và Sắc lệnh Ad Gentes. Trong các bản văn này, công việc Tin Mừng hóa xuất hiện như là phạm trù nền tảng của bản chất Giáo Hội và được định hướng đối với tất cả mọi lãnh vực hoạt động của Giáo Hội.
Trong Sắc lệnh Truyền Giáo, số 2, Công đồng khẳng định: “Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Định của Thiên Chúa Cha”. Như vậy, sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội trước hết xuất phát từ chính trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là “suối nguồn Tình Yêu”, Đấng chỉ hiện hữu trong hành động tự trao ban. Vì Giáo Hội đến từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và không ngừng được tạo ra bởi mầu nhiệm ấy (AG, 2 và 4), nên Giáo Hội là công trình của những sứ vụ thần linh, là nơi gặp gỡ của trời và đất, là nơi mà nhờ sáng kiến tình yêu tự do, Thiên Chúa Ba Ngôi bước qua để đi vào lịch sử nhân loại, nhằm thu nhận và biến đổi nhân loại vào trong sự sống thần linh của Ngài. Nói cách khác, sứ vụ Truyền giáo của Giáo Hội không đơn giản chỉ là kết quả của ý muốn con người; sứ vụ ấy đến từ một nhu cầu bên trong của chính Thiên Chúa, Đấng muốn thông ban tình yêu của Ngài cho con người. Bởi vậy, Giáo Hội không có một sứ vụ nào khác ngoài việc làm chứng nhân cho Tình yêu của Ngài, làm biểu lộ Tình yêu ấy cho con người, và trong một nghĩa nào đó, làm cho Tình yêu ấy được hiện tại hóa. Chính trong ý nghĩa này mà sứ vụ truyền giáo còn hơn cả một nhiệm vụ của Giáo Hội, đó là kiểu diễn tả thật sự về chính bản chất của Giáo Hội.
Bởi vì sứ vụ truyền giáo phát sinh từ tình yêu Chúa Ba Ngôi, và lý do hiện hữu của Giáo Hội là để thông tuyền tình yêu ấy, nên sứ vụ truyền giáo trước hết không phải là một việc làm nhưng là một ân ban cần được đón nhận. Trước khi trở nên công trình của chúng ta, sứ vụ truyền giáo là công trình của Thiên Chúa. Trước khi là một nhiệm vụ để thực hiện, sứ vụ truyền giáo phải là một tình yêu được đón nhận; và cần phải được sống trong tư thế cụ thể sẵn sàng với mọi người.
Chính vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, trước khi nêu lên những định hướng căn bản cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tại đây, Ngài đã tha thiết mời gọi chúng ta phải khám phá lại món quà Thiên Chúa gửi tặng Á Châu, một quà tặng bao gồm hết mọi quà tặng, đó là Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người: “Niềm tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là một quà tặng vừa nhận được vừa để chia sẻ; đó chính là món quà lớn nhất mà Giáo Hội có thể trao tặng cho Á Châu[2]”.
Về phần mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khởi đầu quyền giáo huấn của mình trong cương vị Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ bằng việc nhắc lại một sự thật, rất đơn giản và hiển nhiên, cốt lõi và hết sức căn bản của đời sống Kitô giáo: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus Caritas Est). Quả vậy, nếu như Sắc lệnh Ad gentes, Đến với muôn dân, được công bố vào trước ngày bế mạc Công đồng, trình bày mô hình cuối cùng về Giáo hội học của Vatican II, qua đó cho thấy sứ mệnh truyền giáo như là nền tảng thống nhất các Hiến chế, Sắc lệnh và Tuyên ngôn của Công đồng, thì Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” được coi như phần kết luận của Giáo huấn Giáo Hội về sứ vụ Truyền giáo đã được phát động từ thời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và tiếp tục được chăm chút, qua đó Đức Bênêđictô XVI đã đặt làm hoạt động mục vụ và truyền giáo của mình.
Thông điệp một lần nữa muốn dẫn đưa chúng ta tới điểm duy nhất, ngay trung tâm đức tin của chúng ta và nền tảng thần học của sứ vụ loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa là Tình yêu. Quả thật, theo Đức Thánh Cha, “khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát[3]”. Biến cố ấy, chính là Con Người Đức Giêsu-Kitô, Đấng mà qua đời sống, cái chết và phục sinh của Ngài bày tỏ cho chúng ta biết đâu là yếu tính của tình yêu và của hiện sinh nói chúng. Ngài là Tình Yêu trọn hảo đích thực. Mọi hoạt động tông đồ phải kín múc từ mẫu gương ấy, để đến lượt mình trở nên nguồn mạch cho tình yêu.
Cầu nguyện, chiêm ngắm và noi theo Chúa Kitô là điều kiện sine qua non không thể thiếu của mọi hoạt động tông đồ, chỉ có những điều kiện này mới cho phép người tông đồ tắm mình trong “nguồn mạch đầu tiên và nguyên thuỷ là Đức Giêsu Kitô, mà từ cạnh sườn được khai mở của Người, tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn trào[4]”. Những điều kiện này không phải là một sự chọn lựa, nhưng chính là linh hồn của tông đồ. Giáo huấn của Giáo Hội luôn mời gọi cách khẩn thiết đối với các nhà truyền giáo cần có đời sống thánh thiện (x. RM 90). Nếu như mọi hoạt động tông đồ không xuất phát từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô, lúc đó Giáo Hội chỉ loan báo về chính mình mà thôi. Đành rằng sứ vụ truyền giáo được định nghĩa như là việc loan báo Tin Mừng, nhưng trước hết Giáo Hội phải để cho Tin Mừng biến đổi chính mình trở thành người mang Tin Mừng trước đã. Bởi vì chính sự hiệp nhất với Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa là nguyên lý để có sự hiệp nhất với anh em đồng lại với nhau.
Vì thế, nếu như chúng ta muốn có một Giáo Hội tại Việt Nam được làm mới lại, vững chắc hôm nay và ngày mai, một Giáo Hội thực sự là muối men và ánh sáng cho con người, chúng ta cần ưu tiên bồi dưỡng cho các Kitô hữu học biết về Chúa Kitô và Giáo Hội. Hay nói theo Đức Hồng y Ival Dias, Đặc sứ của Đức Thánh Cha, trong bài giảng thánh lễ bế mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại thánh địa La Vang ngày 6-1-2011, rằng để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng tại đây, Giáo Hội Việt Nam cần phải “bắt đầu lại từ Chúa Kitô”. Không có điều kiện tiên quyết này, thì những đòi hỏi luân lý đạo đức, mục vụ bí tích và các mô hình Giáo Hội nhằm thực thi sứ vụ truyền giáo sẽ trở nên khó khăn, và có thể nói là vô nghĩa nữa.
Yêu cầu nền tảng này của sứ vụ loan báo Tin Mừng đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn đối với Giáo Hội Việt Nam: tại sao sau hơn 350 năm Giáo Hội hiện diện trên mảnh đất Việt Nam, nhưng hiện nay chỉ có 6% người theo đạo Công giáo? Tuy con số này không diễn tả hết được thực chất công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, nhưng cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ, nhất là giúp chúng ta nhìn lại chính mình, nhìn lại cách sống đạo của mình. Vì “thúng bột” không dậy men, không phải do bột nhưng chắc chắn là do “men” không tốt, không đủ tiêu chuẩn. Phải chăng đã có một số thái độ sống đạo nào đó của chúng ta bỏ mất đi điều Cốt Yếu?
Nhà thần học người Đức, Hans Urs Von Balthasar, đã từng ví von về Giáo Hội như sau: “Theo tôi, Giáo Hội có vẻ như một bình tưới bị lủng. Khi người làm vườn đến gần bồn hoa anh muốn tưới, cái bình đã trống trơn. Bởi vì Giáo Hội suy niệm quá ít về kho tàng ẩn dấu trong thửa ruộng. Giáo Hội đã bán đi rất nhiều… Giáo Hội có vẫn còn là thành phố trên núi không?[5]”. Nhận định này rất đáng cho chúng ta suy nghĩ, để từ đó tìm kiếm câu trả lời thích đáng và căn bản cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Việt Nam.
Quả thật, từ thái độ sống đạo theo kiểu “đổi vàng lấy đá” này sẽ đưa tới một thái độ sống đạo khác nữa không mấy hợp với tinh thần Tin Mừng, đó là sự huênh hoang, tự nâng mình lên như một hội đoàn riêng với quyền lực riêng. Vì thế, không ít người đã hết sức sai lầm khi đồng hóa sứ vụ loan báo Tin Mừng với việc lo toan xây dựng tổ chức hữu hình của mình cho “hoành tráng”, để tìm cách lấy lòng người đời hơn là lấy lòng Thiên Chúa (Gl, 1,10). Và như thế, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhận định về điều này như sau: “Giáo Hội trong một quốc gia có thể rất mạnh về tổ chức, nhưng nếu đức tin gẫy đổ, sức mạnh tổ chức kia trước sau rồi cũng sớm đổ theo[6]”.
2. Trước khi được trở nên lời loan báo, sứ vụ truyền giáo phải là một sự hoán cải
Chúng ta nhớ lại khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II, ngài đã muốn minh định cho Giáo Hội phải “cập nhất hóa”. Nghĩa là muốn Giáo Hội loại bỏ đi những lớp tro bụi qua các thế kỷ, nhằm để ánh sáng Tin Mừng có thể được chiếu sáng lên trong thế giới hiện nay. Vậy để Giáo Hội làm trọn sứ vụ của mình là chiếu toả Tin Mừng cứu độ cho nhân loại, trước hết Giáo Hội cần phải “cập nhật hóa”, tức là Giáo Hội phải làm mới lại chính mình, phải hoán cải.
Là người Công giáo Việt Nam, ai trong chúng ta cũng đều mong muốn rằng sau biến cố Năm Thánh 2010, chúng ta có một Giáo Hội Việt Nam được canh tân, một Giáo Hội luôn mang tính Tin Mừng nhiều hơn, có sức chiếu sáng hơn cho con người và Đất nước Việt Nam hôm nay, một đất nước đang mang trong mình quá nhiều thương tích và đau khổ. Nhưng để có một Giáo Hội Việt Nam thực sự là khí cụ làm cho Nước Thiên Chúa được trở thành hiện thực, đòi hỏi Giáo Hội phải sám hối bằng hành động, chứ không chỉ dừng lại trên nghi thức. Chúng ta thực sự làm cho người khác biến đổi trong mức độ mà chúng ta đã được biến đổi. Vì người mù không thể dẫn dắt người mù được.
Bởi vậy, trong kế hoạch và chương trình hoạt động tông đồ của mình, một câu hỏi luôn đặt ra cho Giáo Hội: Này Giáo Hội, đâu là đường đi mà ngươi đang theo? Đường đi của ngươi hay là đường đi của Chúa Kitô? Quả thật, trong tiến trình canh tân không ngừng này, Giáo Hội phải huỷ mình ra không và chết đi như Thầy của mình (xem; Phl 2,7). Giáo Hội chỉ có thể trở thành khí cụ và dấu chỉ của Nước Trời, khi Giáo Hội bước theo con đường của Chúa Kitô. Vì sự tồn tại và hoạt động của Giáo Hội chỉ phát sinh cách trực tiếp từ Chúa Kitô.
Đường đi của Chúa Kitô
Quả thật, Chúa Kitô đến trần gian để loan báo Triều đại Thiên Chúa đang đến. Để quy tụ con người đi vào trong Triều đại này, Ngài đã mời gọi mọi người phải sám hối trở về với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Ngài đã muốn trở nên giống như mọi người. Để không một ai bị loại ra khỏi Nước Trời, Ngài đã muốn mặc lấy thân nô lệ. Hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự.
“Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà Ngài đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trúc bỏ vinh quang mặc lấy thân tôi đòi, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Thánh ca Kitô học này của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi nhận biết và chứa đựng mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm của tình yêu tự hạ. Thiên Chúa đã làm người, bước xuống tận nơi sâu thẳm nhân loại, và sau khi đã rao giảng và thực hành tính mới mẽ của Nước Thiên Chúa, Ngài đã không tìm thấy được một dấu chỉ nào khác hơn để chứng tỏ về tình yêu ấy là dấu chỉ của thập giá, ở trên đó Lời không còn diễn tả được nữa, trên đó Lời trở thành câm nín, chịu đóng đinh, chết tất tưởi. Lời đã trở thành một thân xác bị đâm thâu mà qua đó mọi người đứng ngắm nhìn. “Khi nào treo Ta lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta”. Vì thế:
Khiêm hạ: đường đi đầu tiên của Giáo Hội
Sự khiêm hạ không tồn tại tuỳ thuộc vào một chiến lược tông đồ đầy hiệu quả, nhưng nó là con đường duy nhất để Giáo Hội có được cái “là” và cái “làm”. Để Giáo Hội thực sự là cộng đoàn đức tin làm chứng nhân và loan báo cho con người về tình thương của Thiên Chúa, một cộng đoàn bước theo Chúa Giêsu-Kitô, thì Giáo Hội đừng quên rằng mình hiện hữu là để phục vụ cho xã hội, cho các cá nhân cũng như cho những nhóm người, và ngay cả cho các đối thủ của mình nữa, một sự phục vụ trung thực và không vụ lợi; nếu không Giáo Hội sẽ đánh mất lý do hiện hữu chính mình, đánh mất sứ vụ của mình, bởi vì Giáo Hội không bước theo Chúa của mình.
Giáo Hội được mời gọi để phục vụ nhân loại, trong phong cách của vị Thiên Chúa – người: một vị Thiên Chúa không những đảm nhận lấy bản tính nhân loại, trở nên người phàm, mà còn trở nên tôi tớ Thiên Chúa và tôi tớ của con người nữa. Là tôi tớ Thiên Chúa, trong mức độ mà Giáo Hội chỉ sống dựa vào sức mạnh của Lời Chúa, Lời đem lại năng lực ơn cứu độ, Lời của tình yêu trao ban trong những người hèn mọn, ngay cả Lời hiện diện trong những người nghèo và bé mọn. Người tôi tớ đau khổ của Giavê là kiểu mẫu hoàn hảo của sự tự hạ, Chúa Kitô trên thập giá là sự thể hiện cách đầy đủ tình yêu của Thiên Chúa.
Vì vậy, bổn phận trước tiên mà Giáo Hội cần thực hiện là chăm chú chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô, Đức Chúa của Giáo Hội; bởi vì Giáo Hội không thể nhận ra Người sau đó trong khuôn mặt các anh chị em mình. Một sứ vụ chân thực của tình yêu và phục vụ không thể có nếu không có sự chiêm ngắm ấy. Chính điều này mà Giáo Hội phải biết trở về lại với Trung Tâm của đời sống mình để nhận ra cách đầy đủ chiều kích của chính mình và để tìm thấy đường đi chính thực của sứ vụ truyền giáo. Đây là phương pháp công tác tông đồ hàng đầu và nền tảng. “Anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận Lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban. Như vậy, anh em đã nên gương cho mọi tín hữu (…)” (1Tx 1,6-8). Quả vậy, việc loan báo Chúa Kitô mà Giáo Hội thực hiện cho thế giới trước hết phải được xác định trong cách thức mà Giáo Hội sống và hành động.
Giáo Hội tự biểu lộ cho họ như một dấu chỉ chứng tỏ tình yêu phổ quát của Thiên Chúa, bằng cách tự đặt mình vào vị thế người phục vụ họ, bằng cách cùng với họ đấu tranh chống lại mọi thế lực của sự ác mà chúng đang gây nên đau khổ, bằng cách xoa dịu nỗi đau thương cho họ, bằng cách trao ban cho họ những dấu chỉ của sự giải thoát mang tính cứu độ.
Chọn chỗ rốt hết
Giáo Hội chỉ nhận ra khuôn mặt của Chúa nếu như Giáo Hội chọn cho mình chỗ rốt hết của nhân loại, của những người nghèo. Vì Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập nên không phải là một tổ chức mang tính xã hội. Con đường của Giáo Hội hoàn toàn thuộc về một chiều kích khác. Phục vụ người nghèo tất yếu bao hàm rằng chính cộng đoàn Kitô hữu phải trở nên nghèo, như Chúa Kitô đã trở nên người nghèo của Thiên Chúa, như Đức Maria đã trở nên người nghèo của Thiên Chúa. Về vấn đề này thì không thể có một thoả hiệp hay cắt tỉa nào hết. Chính vì thế mà người ta đã nói rằng Tin Mừng không thể lan toả được nếu như hoạt động tông đồ dừng lại trên những chỗ dựa của tiền bạc, của quyền lực.
Nếu như sức mạnh của Giáo Hội cậy dựa vào nơi sức mạnh của thế gian, Giáo Hội sẽ đánh mất chính mình khi tiếp xúc với thế giới. Nhưng nếu sức mạnh của Giáo Hội ở nơi Thập giá của Đấng Phục sinh, lúc đó sự nghèo hèn lại là sức mạnh của Giáo Hội và Giáo Hội có thể tiến bước trên con đường của mình mà không sợ đánh mất căn tính đích thức của mình. Vì chính Chúa Giêsu Kitô đã hứa với Giáo Hội rằng: khi Giáo Hội cho đi sự sống của mình, chính là khi Giáo Hội nhận lại được nó; khi Giáo Hội hạ mình xuống là lúc Giáo Hội được nâng lên. Câu chuyện Chúa chịu Phép Rửa tại sông Gióc-đan…
Để kết thúc phần suy tư này, chúng ta xin nhắc lại nhận định của của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong Bản Trả Lời cho Lineamenta tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu năm 1998, như một viễn cảnh đối với công cuộc canh tân của Giáo Hội Việt Nam: “Chúng tôi cho rằng chỉ một Giáo Hội nghèo mới có thể dấn thân vào đại dương những người nghèo. Một Giáo Hội khiêm tốn và bé nhỏ sẽ dễ dàng hơn để hòa mình với đa số người nghèo ở Á Châu. Một Giáo Hội không có quyền lực sẽ dễ dàng gần gũi với đa số những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm […] Cách thức loan báo Tin Mừng mà chúng tôi lựa chọn… là đi đến với mọi người (x. Mt 29,19) làm người với mọi người (x. Ga 1,14), trong tư cách là nhân chứng của Chúa Kitô, hiện thân của tình yêu của Cha trên trời[7]”. Chúng ta hy vọng những nhận định này của Hội Đồng Giám Mục thực sự đi vào đời sống cụ thể đối với Giáo Hội Việt Nam.
3. Trước khi trở thành chương trình, sứ vụ truyền giáo phải là một chứng nhân
Chứng nhân số một của Giáo Hội: họa ảnh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
“Nếu chúng con hết lòng yêu thương nhau, thì mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Thầy”
Vì được sinh ra từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nên Giáo Hội cũng được lập nên theo hình ảnh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: mầu nhiệm hiệp thông. Bởi thế, Giáo Hội vốn được mời gọi để sống và để thể hiện mình trong sự hiệp thông này. Mối tương quan hiệp thông với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là phương thế hữu hiệu nhất để Giáo Hội khám phá ra căn tính sâu xa của mình, khám phá ra sức sống của mình, khám phá ra điều Giáo Hội cần phải hoán cải, khám phá ra hành trình và sứ vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho mình.
Giáo Hội trước hết không phải được lập nên từ các cơ cấu, nhưng từ những con người hợp nhất với nhau trong đức tin và trong tình yêu huynh đệ. Sự hiệp thông đặt ra như một yếu tố mang tính thiết lập nên bản chất và đời sống của Giáo Hội. Hiến chế Lumen gentium trình bày Giáo Hội dưới dấu chỉ của sự hiệp thông, trong khi nhấn mạnh tới hai chiều kích của sự hiệp thông này: hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhân loại. “Giáo Hội trong Chúa Kitô như là bí tích hoặc dấu chỉ và là khí cụ của sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG, 1). Chính từ góc độ này mà sự hiệp thông Giáo Hội cho thấy tính độc sáng triệt để của mình: Chính sự hiệp nhất với Thiên Chúa là nguyên lý để có sự hiệp nhất với anh em đồng loại với nhau. Cùng đích của sự hiệp thông này sẽ vươn ra bên kia Lịch sử, cho đến lúc “Thiên Chúa sẽ trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 15,28).
Chính khi thực thi sứ vụ hiệp thông này mà cộng đoàn Kitô hữu có thể trở nên trường dạy và là ngôi nhà chung cho mọi người. Cộng đoàn Kitô hữu sống sự hiệp thông để trở nên dấu chỉ hữu hiệu của tình hiệp thông với tất cả những ai chưa liên kết với mình. Giáo Hội tự biểu lộ cho họ như một dấu chỉ chứng tỏ tình yêu phổ quát của Thiên Chúa, bằng cách tự đặt mình vào vị thế người phục vụ họ, bằng cách cùng với họ đấu tranh chống lại mọi thế lực của sự ác mà chúng đang gây nên đau khổ, bằng cách xoa dịu nỗi đau thương cho họ, bằng cách trao ban cho họ những dấu chỉ của sự giải thoát mang tính cứu độ.
Nhất là trong bối cảnh văn hóa Á Châu của Việt Nam chúng ta, vốn con người ở đây rất đề cao sự hòa hợp, thì việc cộng đoàn Kitô hữu sống sứ vụ hiệp thông, sứ vụ hòa giải và khiêm nhường chia sẻ trong đời sống thường nhật, sẽ là cung cách tốt nhất để chúng ta loan báo Tin Mừng.
Giáo Hội loan báo Tin Mừng trong Đức ái
“Anh sáng của anh em phải chiếu toả trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Công đồng Vatican II đã khẳng định rằng mục đích của truyền giáo không dừng lại ở việc “cứu các linh hồn”, nhưng đúng hơn là sống đời sống của một Kitô hữu, sống theo Tin Mừng và dấn thân làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà chung: “Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các nhóm người phải được sống động bằng chính tình bác ái mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và muốn chúng ta cũng yêu thương nhau bằng tình bác ái đó. Bác ái Kitô giáo thực sự lan tràn tới mọi người không phân biệt chủng tộc, hoàn cảnh xã hội hay tôn giáo” (AG 12).
Đúng thế, tình yêu thương hướng về người thân cận tạo nên dấu chỉ để phân biệt, dấu chỉ đặc trưng, cho phép nhận ra Giáo Hội một cách ngay lập tức như là bí tích của sự hiệp nhất con người với Thiên Chúa và hiệp nhất giữa con người với nhau. Bởi vì Giáo Hội là sự diễn tả cách cụ thể tình yêu Thiên Chúa, và sự phục vụ bác ái đối với người thân cận là một trong những cấu trúc căn bản của sự diễn tả đó.
Dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu (x. Lc 10, 25-37) mang đến cho chúng ta tiêu chuẩn để đo lường lòng bác ái. Tiêu chuẩn duy nhất đó là bất cứ ai cần đến tôi và tôi có thể giúp họ, đều là người thân cận của tôi. Đây chính là thước đo tình yêu của người kitô hữu. Giới răn yêu thương phải vượt qua những ranh giới địa lý vùng miền, để mở rộng ra cho tất cả những ai cần đến sự trợ giúp của chúng ta. Vì “trong Chúa Kitô, tất cả mọi người đều là một” (Gl 3,28). Chính khi đi theo con đường này mà cộng đoàn Kitô hữu có thể trở nên trường dạy và là ngôi nhà chung cho mọi người. Chính khi thực thi đức ái mà Giáo Hội nói cho mọi người biết thế giới phải thật sự là một ngôi làng chung ở đó người ta trở nên người bà con, người hàng xóm với nhau và ở đó người ta cảm nhận được rằng mình đang làm thành một phần của chính gia đình nhân loại, với gia đình này người ta chia sẻ với nhau những niềm vui và những đau khổ, những hy vọng và thử thách. Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đã khẳng định sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội chính là việc các cộng đoàn Kitô hữu sống đức ái Tin Mừng để chuyển hóa và đổi mới nhân loại từ bên trong. Vì con người ngày hôm nay cần chứng tá hơn là thầy dạy.
Dietrich Bonheoffer cho rằng “con người nên đánh bại kẻ thù của họ bằng cách yêu thương chúng”. Đúng vậy, chỉ có tình bác ái yêu thương là thực tại nền tảng có khả năng tạo lập nên sự đồng tồn tại nhân loại, tạo lập nên sự hòa hợp, công bình, sự hiệp thông giữa con người với con người, giữa các chủng tộc và các dân tộc. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, khi bàn về sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, đã nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải trở nên kiểu diễn tả cụ thể về tình yêu của Thiên Chúa hướng đến tất cả mọi người và cho từng người. Đó chính là căn tính đích thực của Giáo Hội. Giáo Hội là cộng đoàn chỉ có một nền tảng duy nhất đó là tình yêu, tình yêu là nội dung và là phương thức về sự hiện diện và sứ vụ của Giáo Hội. “Thiên Chúa là tình yêu. Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó, có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Kitô hữu tìm được con đường để sống và để yêu[8]”. Và ngài cho rằng: “Việc bảo vệ Thiên Chúa và con người cách tốt nhất nằm ngay trong tình yêu[9]”.
Như vậy, sứ vụ truyền giáo một cách căn bản là sự phục vụ cho tình yêu và khở đi từ tình yêu. “Mọi hoạt động của Giáo Hội đều là sự biểu lộ một tình yêu muốn tìm sự hoàn thiện toàn vẹn cho con người: Giáo Hội nỗ lực Phúc Âm hóa con người qua Lời và qua các Bí tích – một công việc thường rất anh hùng khi thực hiện trong lịch sử – và tìm cách phát triển con người trong những lãnh vực khác nhau của cuộc sống và sinh hoạt nhân văn. Như thế tình yêu trở thành việc phục vụ mà Giáo Hội thực hiện[10]”. Nói cách khác, mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội phải khởi đi từ đức ái; bởi vì đức ái, theo thánh Phaolô, là một điều gì đó còn lớn lao hơn là một hoạt động: “Giả như tôi có đem hết tài sản mà bố thí, hay nộp thân thể tôi để chịu thiêu đốt, mà không có lòng mến, thì cũng không ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Vâng, điều xác định phẩm chất công việc của chúng ta không phải là những gì chúng ta làm cho bằng chủ đích của chúng ta khi làm.
Thay lời kết
“Ai làm sự thật thì đến với sự sáng” (Ga 3,21).
Từ những suy tư trên đây, chúng ta có thể nói được rằng thách đố lớn lao nhất đối với Giáo Hội Việt Nam trong sứ vụ loan báo Tin Mừng ngày hôm nay không đến từ các yếu tố bên ngoài, cho bằng từ chính đời sống của Giáo Hội, đó chính là thách đố về tính khả tín, uy thế của Giáo Hội. Những đòi hỏi nền tảng cho sứ vụ Giáo Hội mà chúng ta cùng nhau suy tư ở đây không phải là điều gì đó quá đòi hỏi. Cộng đoàn Kitô giáo không được để cái đòi hỏi cao cả đó chìm đi trong những cách sống thoả hiệp, chạy theo những biến chuyển của xã hội, rồi dần dần làm nó biến mất.
Để Giáo Hội Việt Nam thực sự là cộng đoàn đức tin làm chứng nhân và loan báo cho con người về tình thương của Thiên Chúa, một cộng đoàn bước theo Chúa Giêsu-Kitô, thì Giáo Hội đừng quên rằng mình hiện hữu là để trở nên điểm tựa bất di bất dịch cho con người về chân lý tối hậu, mình hiện hữu là để phục vụ cho xã hội, cho các cá nhân cũng như cho những nhóm người, và ngay cả cho các đối thủ của mình nữa, một sự phục vụ trung thực và không vụ lợi; nếu không Giáo Hội sẽ đánh mất lý do hiện hữu chính mình, đánh mất sứ vụ của mình, bởi vì Giáo Hội không bước theo Chúa của mình.
Đành rằng mối tương quan giữa lý thuyết và hành động quả thực không đơn giản như người ta nghĩ. Không phải cứ có một lý thuyết đúng rồi chỉ cần đem ra áp dụng. Vẫn biết rằng có sự phân biệt giữa lý thuyết và thực hành, thế nhưng trong cuộc sống thì không dễ gì tách biệt như thế. Tuy nhiên, chính khi yêu thương, dâng hiến, hy sinh, sống công chính mà người ta hiểu thế nào là tình yêu, thế nào là dâng hiến, thế nào là hy sinh và thế nào là công chính. Nói khác đi, chính khi làm sự thật mà chúng ta có thể hiểu sự thật, đi vào trong ánh sáng của sự thật.
Lễ Truyền Tin, 25-3-2011
Lm. JB. Nguyễn Khắc Bá
Chú thích:
[1] Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2009, trg. 11-12.
[2] Đức Thnh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 10.
[3] Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 1.
[4] Đức Thánh Cha Bênđíctô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 7.
[5] xem; Marcel Neusch và Bruno Chenu, Tham Quan Xứ Sở Thần Học, Lm. Nguyễn Hồng Giáo chuyển ngữ, trang 129.
[6] Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Thiên Chúa và trần thế, Phạm Hồng Lam chuyển dịch.
[7] Bản Trả Lời của HĐGMVN cho Lineamenta tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu năm 1998, trong EGLISES D’ASIE – n°260 – 1er FEVRIER 1998 – DOCUMENT ANNEXE n°2
[8] Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 12.
[9] Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 31.
[10] Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 19.