Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX-TN, 02-6-2021 Mc 12, 18-27 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài mời gọi chúng ta tin vào Thiên Chúa hằng sống…”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

Thứ Tư Tuần IX-TN, 02-6-2021

Mc 12, 18-27

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài mời gọi chúng ta tin vào Thiên Chúa hằng sống…”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”

          Tin Mừng hôm nay (Mc 12, 18-27) giới thiệu với chúng ta về những người Sađusêô không tin có sự sống lại. Họ cố gắng lôi kéo Chúa Giêsu vào một cuộc tranh luận dẫn đến sự vô lý để chứng minh không có sự sống lại của thân xác.

          Trong phản bác thứ nhất chống lại những người Sađusêô mưu mô, Chúa Giêsu, Bậc Thầy thần linh, cũng sử dụng chiến thuật tranh luận dẫn đến sự vô lý. Chúa lập luận rằng trong cuộc sống mai sau, là cuộc sống không có chỗ cho cái chết, thì hôn nhân là vấn đề không thích đáng. Chúa Giêsu bác bỏ tiền đề cơ bản của những người Sađusêô cho rằng cuộc sống của thời sắp tới là sự tiếp nối cuộc sống này, nên cần phải có sự truyền bá nòi giống loài người, nếu không loài người sẽ tàn lụi. Sự phản bác thứ hai của Chúa Giêsu xuất phát từ Sách Luật Môsê (Torah). Vì những người Sađusêô chỉ bám vào Sách Luật Môsê, nên Chúa Giêsu sử dụng nó để củng cố lập luận của Chúa về sự sống lại. Những người chống lại sự phục sinh đã trích dẫn Sách Luật Môsê (Torah) để biện minh cho trường hợp của họ, nhưng Chúa Giêsu cũng trích dẫn Torah (x. Xh 3, 6) để chứng minh rằng cái chết không chấm dứt sự tồn tại của con người. Khi Thiên Chúa nói: “Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacop”, thì có nghĩa là các tổ phụ vẫn đang sống.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Ngày nay, câu nói “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” có ý nghĩa gì?

–      Tôi quan niệm thế nào về sự chết và sự hấp hối chết? Quan niệm này có được soi sáng bởi niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống, nơi Ngài mọi người được sống không?

–      Tôi có tin vào sự phục sinh thân xác không? Câu nói “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy” có ý nghĩa gì đối với tôi?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Chúa Cha yêu thương, Cha là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của người chết. Trong Chúa Giêsu, Con của Cha và là Cứu Chúa của chúng con, chúng con sống và hoạt động. Chúng con yêu mến Cha và người Con duy nhất của Cha, vì Ngài là đường dẫn đến sự sống đời đời. Chúng con tin rằng sự chết là một cánh cửa mở vào vẻ đẹp vô tận và vinh quang kỳ diệu. Chúng con công bố giữa đại công hội và trong cuộc sống phục vụ người nghèo và người thiếu thốn rằng Cha thực sự là nguồn mạch sự sống. Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh mà chúng con cử hành trong mỗi Thánh Lễ làm cho chúng con ngày càng được sống lại và biến đổi hàng ngày. Trong hoạt động của chúng con cho công lý và sự thật trong thế giới bị tổn thương ngày nay, ước gì chúng con luôn mang lại vinh quang và ca ngợi cho chiến thắng của sự sống. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Tôi cầu nguyện cho những người góa vợ, góa chồng đau khổ vì mất người bạn đời.

–      Tôi xin ơn chết lành và ơn có kinh nghiệm sâu sắc hơn về niềm tin vào Chúa Cha toàn năng, Chúa của người sống.

–      Tôi kết hợp những đau khổ và thử thách trong cuộc sống hàng ngày với mầu nhiệm vĩ đại của Kitô giáo là sự vượt qua cái chết dẫn đến sự sống đời đời.

–      Tôi xét xem bằng cách nào tôi có thể giúp các thừa tác viên chức thánh loan báo Tin Mừng và phục vụ cộng đoàn Kitô hữu một cách trung thành.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.