Lời Chúa Thứ Tư LỄ TRO, 17-02-2021 Mt 6, 1-6.16-18  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài hướng dẫn hành trình chay tịnh của chúng ta”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Tư LỄ TRO, 17-02-2021

Mt 6, 1-6.16-18

 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài hướng dẫn hành trình chay tịnh của chúng ta”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em”

          Với Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta bắt đầu mùa Chay. Mùa Chay là một dấu chỉ có tính bí tích về sự hoán cải và sự tham dự của chúng ta vào mầu nhiệm thánh thiêng của Chúa Kitô, Đấng đã ăn chay, chịu cám dỗ và chiến thắng cám dỗ. Hôm nay chúng ta được ghi dấu với tro bụi, biểu tượng của sự ăn năn và chết chóc, cũng như của hy vọng và mong muốn đổi mới của chúng ta trong Chúa Giêsu.

          Mùa Chay thánh được đánh dấu đặc biệt với việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Mt 6, 1-6, 16-18) mời gọi chúng ta thực hành cách chân thực những việc đạo đức truyền thống này và loại bỏ các thực hành đạo đức giả. Chúa Giêsu chỉ trích việc phô trương đạo đức, chứ không chỉ trích những hành vi tôn giáo. Chúa tán thành việc cầu nguyện công khai, chứ không phải việc phô trương đạo đức. Chúa không phản đối việc ăn chay, vì chính Chúa đã ăn chay bốn mươi ngày, nhưng Chúa bài bác thực hành chay tịnh giả mạo để được người khác công nhận.

          Các việc của Mùa Chay, – cầu nguyện, ăn chay và bố thí -, giúp chúng ta tham dự mật thiết hơn vào đời sống của Chúa Kitô, Đấng đã ăn chay, cầu nguyện và tự hiến hoàn toàn cho ý muốn cứu độ của Chúa Cha. Chúng ta thực hành ăn chay cho một khởi đầu mới và để mở chính mình ra cho cái nhìn của Thiên Chúa, ngõ hầu bày tỏ lòng sám hối, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, và để có được sự tự chủ cao hơn. Việc chay tịnh thể lý, dù là một biểu hiện điển hình của thực hành Mùa Chay, không làm cạn kiệt ý nghĩa của nó. Nó bao gồm các hình thức khác của sự kiêng cữ bổ ích trong mọi lĩnh vực, như: chay tịnh không chỉ trích, giảm thiểu sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử, v.v … Cầu nguyện đích thực là sự hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa và là sự “dâng hiến hoàn toàn” chính mình cho Thiên Chúa. Cầu nguyện làm cho chúng ta lắng nghe Thiên Chúa và chuẩn bị chúng ta làm theo ý muốn của Ngài. Ăn chay đích thực và cầu nguyện đích thực dẫn đến bác ái và phục vụ cho việc bố thí. Ăn chay và cầu nguyện không chỉ gợi hứng cho sự bố thí, mà trên hết, gợi hứng cho sự tự hiến cá nhân và hiệp thông cộng đoàn.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Tôi có kinh nghiệm nào về cám dỗ? Tôi làm gì trong những lúc bị cám dỗ? Tôi có nhìn lên Chúa Giêsu là mẫu mực của đức tin và thuận theo lời cứu độ của Thiên Chúa không?

–      Tôi có sẵn sàng chay tịnh và đáp ứng cách ngoan ngoãn trước những thúc giục của Chúa Thánh Thần không?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Cha yêu thương, chúng con cảm tạ Cha về Mùa Chay, dấu chỉ bí tích về sự hoán cải của chúng con. Chúng con ca ngợi Cha đã giải phóng chúng con khỏi cảnh nô lệ và biến chúng con thành dân tộc thánh của Cha. Hợp nhất với Chúa Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng cám dỗ, chúng con xin dâng lên Cha sự thờ phượng đích thật và tuân theo ý muốn cứu rỗi của Cha. Xin giúp chúng con quảng đại đáp ứng nhu cầu của người nghèo và người thiếu thốn, cũng như những người không có khả năng tự vệ và những người đau khổ trong đất nước của chúng con. Chúng con yêu mến và phục vụ Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu quỷ cám dỗ suốt bốn mươi ngày”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

          Bước vào hành trình tâm linh của Mùa Chay chống lại những cám dỗ và những khuynh hướng xấu, tôi chay tịnh khỏi việc sử dụng quá mức và việc lạm dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, và tôi dốc sức vào việc nuôi dưỡng hàng ngày bằng bánh Lời Chúa.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.