Lời Chúa Thứ Năm Tuần X-TN, 10-6-2021 Mt 5, 20-26 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài dạy ta kiềm chế cơn giận dữ”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

Thứ Năm Tuần X-TN, 10-6-2021

Mt 5, 20-26

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài dạy ta kiềm chế cơn giận dữ”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà”

           Giận dữ, thù hận và hòa giải: Theo người Do Thái vào thời Chúa Giêsu, sự ngay thẳng đạo đức được coi như ngang bằng với khả năng của một người tuân giữ luật pháp. Các học giả Kinh Thánh mô tả thái độ của Chúa Giêsu đối với luật pháp. Chúa bác bỏ những giải thích sai lầm về luật pháp trong khi Chúa giữ vững mục đích nguyên thủy của luật pháp, tức là thực hành một sự công chính lớn hơn, đó là tình yêu. Trong Tin Mừng hôm nay (Mt 5, 20-26), Chúa Giêsu dạy một tiêu chuẩn cao hơn về việc tuân thủ luật pháp, nghiêm ngặt hơn điều răn “Ngươi không được giết người; kẻ nào giết người sẽ phải chịu sự phán xét” được Môsê truyền lại.

           Chúa Giêsu tố cáo sự giận dữ và thù hận sát nhân là vô đạo đức. Từ điều này, Giáo Hội dạy rằng, nếu sự giận dữ đi đến mức cố ý muốn giết hoặc làm trọng thương một người hàng xóm, thì đó là hành vi chống lại đức bác ái, mặc dù cũng đáng mừng là có việc áp đặt các hình thức đền tội để sửa chữa thói vô đạo đức và duy trì công lý. Đúng vậy, có một điều (được coi) như là sự tức giận chính đáng khi phải đối mặt với áp bức, tham lam, tham nhũng và các hình thức bất công khác. Nhưng hầu hết mọi người không tức giận chính đáng: phần lớn trường hợp người ta tức giận “một cách tội lỗi”. Chúng ta kinh nghiệm về sự chủ ý căm thù những người khác vì lòng kiêu hãnh bị tổn thương.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Tôi phải làm gì để kiềm chế cơn giận của tôi, và tìm cách chữa lành cho những thái độ tội lỗi dẫn đến bạo lực và hành động tức giận?

–      Xung đột nào xảy ra thường xuyên hơn trong gia đình tôi? Và trong cộng đoàn của tôi? Hòa giải có dễ dàng trong gia đình và cộng đoàn không? Có hay không? Tại sao?

–      Lời khuyên của Chúa Giêsu có thể giúp tôi cải thiện mối quan hệ như thế nào trong phạm vi gia đình và cộng đoàn?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

           Lạy Chúa Giêsu, xin chữa cho chúng con khỏi những thái độ tội lỗi và những cảm xúc không kiềm chế làm xáo trộn sự bình an, hòa thuận và phẩm giá của chúng con. Xin ban cho chúng con ân sủng làm nguôi cơn giận dữ đầy thù hận. Xin để Thánh Thần của Chúa xức dầu bình an cho kẻ bạo lực. Xin ban cho chúng con ơn chọn Chúa và sự sống. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Bằng cách đặt niềm tin lớn hơn vào Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, tôi cố gắng kiềm chế cơn giận bất cứ khi nào cơn giận nổi lên từ trái tim tôi.

–      Tôi là một người kiến tạo hòa bình cho những người xung quanh tôi.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.