Thứ Năm Tuần X Mùa Thường Niên – Ngày 10-06-2021

Lời Chúa: Mt 5,20-26

Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng : chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh đang sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

 


Suy niệm

THA THỨ NHƯ THIÊN CHÚA ĐÃ THỨ THA

“Hãy để của lễ trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,24).

Người xưa thường nói : “Nhân vô thập toàn”. Là con người, ai trong chúng ta lại không có lúc lầm lỗi. Những lầm lỗi gây ra bởi sự vô tình hay hữu ý đều để lại những vết thương đau khó hàn gắn trong tâm hồn. Những vết thương sẽ mãi chẳng lành mà ngày càng lở loét và hằn sâu hơn nếu không được chữa trị. Nhưng phải chữa trị như thế nào ? Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến với Đức Giêsu, Ngài sẽ giúp ta chữa lành tận căn những vết thương sâu, qua việc dạy ta biết sống ‘tha thứ’ và ‘làm hòa’ với nhau.

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết điều kiện trước hết để được vào Nước Trời là phải công chính hơn những Kinh sư và Pharisêu. Vậy, sự công chính mà Chúa nói đến là gì? Để diễn giải, Ngài đưa ra một ví dụ so sánh giữa lề luật với lời dạy của mình. Theo đó, con người dựa trên lề luật để xét xử nhau; còn Thiên Chúa thì xét xử con người dựa trên đức ái. Vì vậy, để khỏi bị Thiên Chúa xét xử, Ngài dạy các ông phải biết ‘tha thứ’ cho nhau : “Thầy không nói là tha bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Ngài còn nói với họ: “Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói tôi hối hận thì hãy tha cho nó” (Lc 17,4). Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc ‘tha thứ’ thì các ông vẫn chưa thể nên công chính được ! Chính vì thế, Ngài mời gọi các ông phải đi xa hơn nữa là loại bỏ cái tôi của mình, bước xuống và đến ‘làm hòa’ với anh em : “Khi anh đang sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Đây là một thử thách rất lớn vì tha thứ tuy không dễ nhưng vẫn còn dễ hơn là ‘tha thứ và làm hòa’ với người khác có lỗi với mình. Thế nhưng, khó không có nghĩa là không thể, vì Chúa không dạy cho các ông một thứ lý thuyết suông vô hồn, mà Ngài đã đi bước trước để nêu gương cho các ông về bài học tha thứ. Tấm gương vị Thầy vẫn còn đó, Người đã tự nguyện lấy chính mình làm của lễ hy sinh cho sự ‘hòa giải’, và rồi trên cậy thập giá, Ngài đã xin Thiên Chúa ‘tha thứ’ tội lỗi cho nhân loại (x. Lc 23,34).

Đức Giêsu, Vị lương y của lòng thương xót. Ngài vẫn luôn ở đó chờ đợi ta, để giúp ta chữa lành những vết thương sâu trong tâm hồn, vết thương mang tên ‘hận thù’. Phần chúng ta, những Kitô hữu có nhận ra mình đang mang bệnh và cần được chữa lành hay không ? Hay chúng ta vẫn cố chấp, để rồi chấp nhận sống chung với những khối u ác tính là sự ghen tỵ, đố kỵ, hận thù?

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta nhận ra ơn Ngài tha thứ, để mỗi người cũng biết mở lòng tha thứ cho anh chị em của mình. Nhờ đó, chúng ta tìm được sự bình an, niềm vui và hạnh phúc trong tâm hồn.


Comments are closed.