CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XI-TN_B, 13-6-2021 CHÚA ƯỚC MƠ NHIỀU CHO DÂN CỦA NGÀI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XI-TN_B, 13-6-2021

CHÚA ƯỚC MƠ NHIỀU CHO DÂN CỦA NGÀI

          Các tiên tri vĩ đại gặp nhau: Êzekiel và Chúa Giêsu ở trên cùng một bước sóng. Êzekiel cho thấy Thiên Chúa muốn nâng cao và làm thỏa mãn dân của Ngài đến mức nào, còn Chúa Giêsu trình bày “vương quốc của Thiên Chúa” như một hạt giống khiêm tốn được kêu gọi để trở thành một cây tuyệt đẹp.

Bài đọc I: Ed 17, 22-24

          Chúng ta biết rõ Thiên Chúa là người trồng nho (Is 5,1-7) và Thiên Chúa là người gieo giống (Tin Mừng hôm nay). Nhưng chúng ta có thực sự biết Thiên Chúa là “chuyên gia trồng cây” không?  Đây chính là hình ảnh, là phép ẩn dụ được Thiên Chúa dùng để nói về Israel, về sự phát triển và về vai trò của nó giữa các quốc gia. Thiên Chúa đã chọn một “chồi non” của một “cây hương bá cao chót vót” để trồng nó “trên núi cao của Israel”. Chồi non “sẽ trở thành một cây hương bá cao to [che chở]cho tất cả các loại chim”, tiêu biểu cho các quốc gia khác nhau. Câu cuối cùng đưa ra chìa khóa cho toàn bộ, với hai lần Thiên Chúa khẳng định “Ta là Đức Chúa”, và “tất cả cây cối ngoài đồng ruộng”, tức là các dân tộc, sẽ nhận biết Thiên Chúa của Israel. Vị Thiên Chúa này thực hiện những kỳ công khi nâng dậy “cây gãy đổ” và làm cho “cây khô héo” xanh tươi trở lại.

Thánh vịnh 91

          Lời tạ ơn trong Kinh Thánh thường được liên kết với một sự can thiệp đúng lúc. Tuy nhiên, tác giả Thánh vịnh coi tạ ơn là điều thú vị trong mọi lúc, cả ngày lẫn đêm, vì lời tạ ơn có đối tượng là danh Đấng Tối Cao, tình yêu và lòng thành tín của Ngài. Hai khổ thơ cuối mang hình ảnh ẩn dụ của lần đọc đầu tiên. Sự phát triển tâm linh của người công chính được so sánh với (sự phát triển) của “cây cọ” hay “cây tùng xứ Li-băng”, và gắn liền với việc thường xuyên đến Đền thờ và các hành lang đền thờ. Ngay cả khi về già, người công chính vẫn “giữ được nhựa sống và sự xanh tươi của mình” và không bao giờ quên loan báo sự công chính của Chúa.

Bài đọc II: 2 Cr 5, 6-10

          Phaolô bị phân vân: ông cảm thấy tính dễ hư hại của thân xác, và muốn “lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa”. Mặt khác, Phaolô không làm mất giá trị cuộc sống hiện tại, là cơ hội để “làm đẹp lòng Chúa”. Phaolô cũng nhận ra rằng cuộc lữ hành trần gian được thực hiện “nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa”. Do đó, Phaolô mời gọi các tín hữu Côrintô sống trong sự tin tưởng và làm mọi điều tốt đẹp trước sự phán xét sẽ được thực hiện “công khai trước tòa án của Đức Kitô”. Sẽ không thể có bất kỳ sự ngạc nhiên khó hiểu nào nếu chúng ta noi theo gương của Đức Kitô và thực hành một điều răn duy nhất: yêu mến Thiên Chúa và yêu người lân cận như chính mình.

Tin Mừng: Mc 4, 26-34

          Trong bộ sưu tập thứ nhất các dụ ngôn, có ba dụ ngôn liên quan đến một hạt giống và sự phát triển của nó, và chúng tượng trưng cho việc truyền bá Lời Chúa và sự lớn mạnh của vương quốc Ngài. Dụ ngôn thứ nhất (Mc 4, 1-20) minh họa những phẩm chất khác nhau của việc tiếp nhận Lời theo người nghe, cũng như những trở ngại cần phải vượt qua. Đúng hơn, hai dụ ngôn liên kết từ câu 26 đến câu 34 nhấn mạnh sự phát triển thầm lặng và bí mật của “vương quốc Thiên Chúa”. Hai dụ ngôn này rất rõ ràng và làm cho yên tâm hơn: trong trường hợp của hạt lúa mì, sự phát triển của nó diễn ra “đêm ngày” và nó sẽ chín vào thời điểm thu hoạch đã định. Còn về hạt cải, sự phát triển của nó là một nghịch lý: nó là “hạt nhỏ nhất trong tất cả các loại hạt”, nhưng lại phát triển đến mức vượt “tất cả các cây rau”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.