LECTIO DIVINA
Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí
Thứ Hai Tuần XXVII-TN, 05-10-2020
Lc 10, 25-37
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài dạy ta trở nên người thân cận”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Ai là người thân cận của tôi?”
Bài Tin Mừng về Người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 25-37), được đặt trong bối cảnh cuộc hành trình vượt qua của Chúa Giêsu tiến tới thập giá, nhấn mạnh một yếu tố quan trọng của việc làm môn đệ Đức Kitô, đó là: yêu thương người thân cận. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu phác họa sự đòi hỏi người tín hữu Kitô phải tích cực phục vụ. Cùng với câu chuyện liên quan đến hai môn đệ ngoan đạo là Martha và Maria (Lc 10, 38-42) về sự ưu tiên cho việc lắng nghe lời Chúa Giêsu, dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu giúp mô tả hình ảnh toàn diện của thánh Luca về việc làm môn đệ, đó là yêu mến Chúa Giêsu hiện diện trong người thân cận của chúng ta (bác ái tích cực) và trong Lời hằng sống của Ngài (cầu nguyện chiêm niệm).
Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu dạy chúng ta rằng khái niệm “người thân cận” không phải là vấn đề ràng buộc huyết thống, quốc tịch hay sự hiệp thông tôn giáo. Không có định nghĩa lý thuyết nào về “người thân cận” hoặc giới hạn thực tế nào đối với những người mà chúng ta có thể coi là “người thân cận”. “Người thân cận” của chúng ta là người mà chúng ta đến gần vì người ấy đang cần chúng ta giúp đỡ và khơi gợi lòng trắc ẩn của chúng ta. Hơn nữa, Harold Buetow còn thấy trong câu chuyện dụ ngôn kích thích tư duy này một định nghĩa mới về “người thân cận”: “Trong Sách Lê-vi, ‘người thân cận’ là một người cần được yêu thương, như một người đồng hương. Định nghĩa mới về “người thân cận” là người biết yêu thương”.
Hơn nữa, dụ ngôn của Luca giúp chúng ta tập trung vào dung nhan Đức Kitô, “người thân cận” tối thượng của chúng ta. Các tác giả của tập sách Những ngày của Chúa, tập. 6, tr. 129, viết: “Đức Kitô là người Samaritanô nhân hậu xuất sắc, vượt trên mọi sự so sánh. Không ai đã từng hoặc sẽ hoàn toàn là “người thân cận” của mỗi người. Đức Kitô không tình cờ gặp người ta trên đường. Ngài tự nguyện đến để tìm kiếm họ. Ngài chính là Lời của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Ngài không chỉ làm mọi thứ cho họ, nhưng Ngài còn giao nộp chính mình cho họ; Ngài đã chết và sống lại để họ có thể có sự sống đời đời”.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Có bao giờ tôi hỏi Vị Thầy thần linh câu hỏi này, “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Nếu có, tôi đã đặt câu hỏi đó với tinh thần hay thái độ nào?
– Tôi có thực sự là “người thân cận” của những người có nhu cầu?
– Tôi có đáp ứng nhu cầu của họ với lòng thương xót không? Tôi có tin rằng Chúa Giêsu là người Samaritanô nhân hậu xuất sắc và là người thân cận đích thực của tôi không?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Thầy Giêsu, chúng con không còn muốn hỏi: “Ai là người thân cận của chúng con?” Nhưng đúng hơn, chúng con kiểm tra trái tim mình và hỏi, “Chúng con có phải là người thân cận của những người đang có nhu cầu không?” Chúa là người Samaritanô nhân hậu, người thân cận tối thượng của chúng con. Có Chúa đang sống trong chúng con và chúng con đang sống trong Chúa, xin cho chúng con thể hiện tình yêu của Chúa và phục vụ những người có nhu cầu. Xin ban cho chúng con ân sủng để nhận thức và sống theo tinh thần thực sự của Tin Mừng mà Chúa đã chia sẻ với chúng con. Chúng con yêu Chúa và tôn thờ Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Cầu nguyện cho tất cả những người thân cận của chúng ta đang cần tình thương và lòng trắc ẩn.
– Bằng những lời nói và việc làm tử tế của bạn, hãy trở thành một người Samaritanô nhân hậu và là một người thân cận thực sự với những người đang có nhu cầu.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.