Vác Thập Giá

VÁC THẬP GIÁ

         Sau ba năm sống ẩn dật tại Nadarét, Chúa Giêsu đã khởi sự thời gian hoạt động công khai kéo dài ba năm.

         Chỉ trong một thời gian ngắn, Chúa đã chọn các môn đệ và đi nhiều nơi để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đồng thời cứu chữa những người yếu đau, bệnh hoạn, tật nguyền hoặc bị quỷ ám…Địa bàn hoạt động đầu tiên là miền Galilê thuộc xứ Palettin, nhưng “tiếng tăm Người đồn ra khắp miền lân cận” (Lc 4,14). “…Tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa đến Người. Người đặt tay lên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: Ông là Con Thiên Chúa! Người quát mắng không cho phép chúng nói, vì chúng Người là Đấng Kitô” (Lc 5,40-41).

         Khi đã có khá đông môn đệ và dân chúng tin theo Người, Chúa đã hé mở cho mọi người biết qua con đường phải theo. Vì vậy, nên nhân dịp thuận tiện, Chúa đã nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23).

THẬP GIÁ VÀ NGUỒN GỐC

         Thập giá hay thập tự là cái giá để treo tù nhân khi bị xử tử. Theo Hán tự, thập có nghĩa là số 10 và nhiều nghĩa khác. Chữ thập được viết với một kẻ sọc và một kẻ ngang giao nhau: (+). Khi nhìn vào chữ thập, có thể hình dung ra cái giá, còn tự tức là chữ. Như vậy, thập tự giá là cái giá có hình chữ thập, được dung để dịch từ Crux của La ngữ. (Pháp: Croix; Anh: Cross).

         Thập giá hay thập tự giá là dụng cụ thời đế quốc Rôma dùng để thi hành án tử hình đối với những tử tội không phải là công dân của họ. Nên đó cũng là dấu hiệu đau khổ, ô nhục, sợ hãi và chết chóc. Nhưng từ khi Đức Kitô hiến thân mình trên đó, thập giá đã trở thành Thánh Giá, nghĩa là biểu trưng của hy vọng và tình yêu; của vâng phục và tận hiến; của sự sống và vinh quang (1Cr 1,17-25).

THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU ĐÃ VÁC

         Khi điệu Chúa Giêsu đi xử tử, quân lính Rôma bắt Chúa phải vác thập giá nặng nề. Chúa tuy sức vóc còn trẻ khỏe, nhưng qua thời gian bị hành hạ nhiều giờ, lại phải đói khát, nên sức hơi cũng chẳng còn được mấy. “Lúc ấy, có một người từ đồng quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simôn, gốc Kyrênê…Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu” (Mc 15,21).

THẬP GIÁ CHÚA MUỐN MỌI NGƯỜI VÁC

         Khi Chúa Giêsu bảo các môn đệ và dân chúng vác thập giá, là thời điểm chưa xảy ra sự việc Chúa vác thập giá, nên xem ra các môn đệ không biết thập giá là gì và vác thập giá là như thế nào; còn dân chúng thì đang mải hào hứng với các điều thiêng dấu lạ Chúa làm; một số chú mục đến cầu xin Chúa cứu chữa các bệnh tật hơn là chăm chú nghe giảng dạy. Mà giả như các môn đệ và dân chúng có biết được việc Chúa vác thập giá đi nữa, thì chẳng thể theo Chúa được, vì thập giá Chúa vác thì nặng, mà sức con người thì yếu, lại còn đủ loại thể trạng: già, trẻ, lớn, bé, yếu đau, bệnh tật, đủ thứ…làm sao vác nổi!

         Thực ra, câu Chúa nói: “…vác thập giá mình hàng ngày…” có ý nghĩa khác. Chúa muốn các môn đệ và mọi người hiểu rằng muốn theo Chúa phải chấp nhận khó khăn gian khổ, phải phấn đấu không ngừng. “Con đường của sự trọn hảo phải đi qua thập giá. Không thể có sự thánh thiện nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng. Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng bao hàm sự khổ chế hy sinh hãm mình, là những điều từng bước dẫn tới việc sống bình an và hoan lạc của các mối phúc” (GLHTCG 2015).

         Ngay trong đời sống con người, sự lao nhọc đã là “thập giá” mà mỗi người tự vác để mưu ích cho cả tâm hồn lẫn thể xác. “Khi chịu đựng những vất cả của lao động trong sự kết hợp với Chúa Giêsu người thợ làng Nazareth và đã chịu đóng đinh vào thập giá trên đồi Calvariô, con người cộng tác một cách nào đó với con Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc của Người. Họ biểu lộ mình là môn đệ của Đức Kitô, khi vác thập giá hằng ngày trong hoạt động mà họ được kêu gọi chu toàn. Lao động có thể là một phương thế thánh hóa và làm sinh động các thực tại trần thế trong Thần Khí của Đức Kitô” (GLHTCG 2427).

         Còn rất nhiều ý tưởng khác, nhưng bằng ấy cũng đủ để làm sáng tỏ ý nghĩa của việc vác thập giá.

VÁC THẬP GIÁ ĐỂ ĐI VỀ QUÊ TRỜI

         Lý tưởng của những người tin Chúa là mong sao sống cuộc sống thật mẫu mực, để khi cuộc đời trần thế kết thúc, được xứng đáng về hưởng quê trời vĩnh phúc. Nhưng để được như vậy, đòi hỏi sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng. Chẳng có ai sống ở đời lười biếng, phè phỡn, không chu toàn bổn phận hằng ngày phải gánh vác…mà được làm thánh cả! Vì vậy, việc Chúa dạy phải vác thập giá của mình, là việc Chúa muốn cho mọi người sống tốt, sống có công nghiệp, để xứng đáng được vào Nước Trời.

         Có vô vàn vị thánh đã thực hiện đúng theo ý Chúa. Ở đây chỉ xin nêu vài vị thánh tiêu biểu.

        Vị thánh mà các tín hữu năng được nghe nhắc tới trong các bài đọc thánh thư, đó là thánh Phaolô Tông đồ, vị thánh còn là kẻ bắt bớ đạo Chúa, nhưng khi được Chúa hoán cải, đã thay đổi một cách lạ thường, trở thành người đam mê thập giá Chúa Kitô một cách cuồng nhiệt, và chấp nhận vác thập giá của mình một cách hết sức tận tình ít có ai sánh kịp. Sự phấn đấu với mọi nỗi khổ đau mà ông Phaolô gặp phải thật là cao quý. Khi tâm sự với giáo đoàn Côrintô, ông Phaolô nói: “…Bất cứ điều gì người ta dám làm, thì tôi cũng dám làm…Họ là người Hipri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Israel ư? Tôi cũng vậy! Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; hai lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh trên biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2Cr 11,21-29).

         Nhờ sự nỗ lực chấp nhận vác thập giá mình mà theo Chúa, cùng nhờ ơn Chúa chở che giúp sức, ông Phaolô đã sống bền đỗ đến cùng và được trờ thành vị thánh Tông Đồ như thánh Phêrô!

         Còn đối với thánh Mônica, là giáo dân, sinh năm 332, mất năm 387, lúc 56 tuôi, là người rất đạo đức, nhưng cuộc đời phải vác hai thập giá nặng nề. Thập giá thứ nhất là người chồng lớn tuổi, khó tính khó nết, lại là người vô đạo. Bà rất khổ tâm, phải chịu đựng các âm thầm từ ngày này sang tháng khác. Bà vẫn tiếp tục sốt sắng cầu nguyện và tìm cách cải hóa chồng. Khi ông Patrixiô chồng bà lâm bệnh gần chết, bà đã kiên nhẫn thuyết phục chồng bà theo đạo Chúa và đã được lãnh nhận các ân huệ sau cùng của Đạo. Thập giá mà bà vác đã đạt tới hiệu quả rất đáng mừng!

         Nhưng bà còn tiếp tục vác thêm thập giá thứ hai, đó là người con trai Augustinô. Cậu tuy học hành thông thái, có bằng cấp, có chức tước, nhưng theo lạc thuyết, sống phóng túng trụy lạc, không nhận Phép Rửa, lại còn chống đạo! Quả thật là thập giá quá nặng đối với bà. Bà vừa than khóc vừa cầu xin, đồng thời kiên trì bám theo con để khuyên lơn, nhắc bảo. Nhờ sự tận tụy của bà, và với ơn Chúa, con trai bà đã trở về nẻo chính. Augustinô đã chấp nhận cải hóa, trở thành linh mục, rồi giám mục, nhà giảng thuyết lừng danh bênh vực Hội Thánh…Và khi cuộc đời kết thúc, đã là vị thánh lớn, một tiến sỹ của Hội Thánh! Thập giá mà bà Mônica vác đã đạt tới kết quả quý giá.

         Quả thật, vác thập giá mình theo Chúa là con đường dẫn tới hạnh phúc thật ở đời này và mai ngày trên thiên quốc!

MT Từ Linh

Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc, số 304, tháng 4, 2020

Comments are closed.