CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 28-TN

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 28-TN

11-10-2020

MỘT BỮA TIỆC CHO TẤT CẢ? Đúng nhưng…

          Isaia và Chúa Giêsu đều nói về một bữa tiệc phổ quát do Thiên Chúa chuẩn bị. Thánh vịnh cũng gợi lên một bữa ăn thịnh soạn, thân mật hơn do Thiên Chúa Mục Tử sắp đặt. Mọi người đều được mời, nhưng chúng ta phải trân trọng những lời mời gọi của Chúa và sống theo những yêu cầu của Nước Ngài.

Bài đọc 1: Isaïe 25, 6-10a

          Những lời sấm của Isaia gắn kết chặt chẽ với thời sự chính trị, nhưng Isaia vượt trên môi trường trong đó ông đã sống – về cơ bản, là Giêrusalem – và ông lao mình vào một tương lai tươi sáng không chỉ cho Israel mà còn cho “tất cả các dân tộc”. Ông thông báo, trong một tương lai vô định, một “bữa tiệc” thịnh soạn và tuyệt diệu, sẽ được phục vụ “trên núi của Chúa”, tại Giêrusalem. Trong ngày đó, Thiên Chúa sẽ “lấy đi sự tủi nhục của dân tộc Ngài” và “làm cho sự chết biến mất vĩnh viễn”. Những người nghe Isaia đều vui mừng trước thông điệp được gửi đến họ: họ đã gặp phải thử thách, nhưng họ biết cách giữ hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng đã nhân rộng những hành động thương xót và cứu rỗi của Ngài đối với họ.

Thánh vịnh 22

          Thánh vịnh này là một trong những Thánh vịnh tươi mát nhất và có sức trấn an nhất trong toàn bộ Thánh vịnh. Viễn cảnh chắc chắn gần gũi hơn viễn cảnh của lời tiên tri Isaia: “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi”. Sự có mặt khắp nơi của chữ ‘tôi’ (trong Thánh vịnh) gợi lên một kinh nghiệm cá nhân. Nhưng nghịch lý thay, bài thánh vịnh này lại tập hợp hết mọi người. Ai không mơ ước được ‘nghỉ ngơi’ trong ‘đồng cỏ xanh tươi’ và gần dòng ‘nước tĩnh lặng’? Hoặc, làm sao không mong muốn sự hiện diện của một người dẫn đường có sức trấn an, khi ta phải vượt qua ‘những thung lũng của tử thần’? Chúa không chỉ là một Mục Tử: Ngài còn là một chủ nhà rộng rãi, Đấng dọn bàn ăn và mang lại “ân sủng và hạnh phúc” hàng ngày cho những ai tin vào Ngài và vui lòng ở lại nơi Ngài.

Bài đọc 2: Ph 4, 12-14. 19-20

          Phaolô đã cống hiến rất nhiều cho tín hữu Philípphê, và những tín hữu này đã biết thể hiện sự liên đới với ngài, khi vị tông đồ gặp phải cảnh túng thiếu. Phaolô đánh giá cao sự giúp đỡ của họ, nhưng ngài cũng biết cách “sống thiếu thốn cũng được” và đối phó với những tình huống túng thiếu. Dù khó khăn và những trở ngại gặp phải có là gì, sức mạnh của Phaolô đều từ trên cao mà đến với Phaolô. Nếu Phaolô có thể trấn an những tín hữu Philípphê bằng cách nói với họ rằng “Thiên Chúa sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của họ theo sự giàu có của Ngài”, thì đó là vì chính Phaolô đã được thỏa mãn, và “thỏa mãn cách tài tình, trong Chúa Giêsu Kitô”. Những lời tâm sự của Phaolô kết thúc bằng một vinh tụng ca mà tín hữu Philípphê có thể dùng lại trong các cử hành phụng vụ của họ.

Tin Mừng: Mt 22, 1-14

          Chúa Giêsu nói về một “bữa tiệc”, mà Ngài so sánh với Nước Trời. Việc từ chối dứt khoát, hoặc được biện minh bởi những lý do dối trá, đều dẫn đến cái chết của những đầy tớ đi chuyển lời mời của vua. Phản ứng của nhà vua, rất mãnh liệt, cho chúng ta một hình ảnh khó tin (gây bối rối) về Thiên Chúa. Nhưng, như Kinh Thánh nói: “Cơn giận của Ngài chỉ tồn tại trong giây lát, lòng nhân từ của Ngài kéo dài cả đời” (Tv 29, 6). Nhà vua tổ chức yến tiệc và sai gia nhân của mình đi mời “kẻ xấu cũng như người tốt”. “Nhiều người được gọi,” nhưng để được ở trong số những người được chọn, người ta phải mặc áo cưới, nghĩa là sống theo giới luật của Đức Kitô. Những người Pharisiêu và các kinh sư không phải là những người dễ bị lừa: chính họ vẫn điếc trước những lời mời gọi mà Đức Kitô ngỏ với họ.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

 

Comments are closed.