Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIX-TN (Lc 12, 13-21) “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là Đấng duy nhất cần thiết”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Hai Tuần XXIX-TN, 19-10-2020

Lc 12, 13-21

 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là Đấng duy nhất cần thiết”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Đọc bài Tin Mừng hôm nay (Lc 12, 13-21), có lẽ chúng ta có cùng cảm giác như của Chúa Giêsu khi có người trong đám đông yêu cầu Ngài: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho lời thỉnh cầu của người ấy, đã cho thấy Ngài là một Vị Thầy khôn ngoan. Từ chối bị lôi vào vụ kiện tụng, Chúa phủ nhận mọi quyền xét xử về việc phân chia tài sản thừa kế: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”. Sau đó, quay sang đám đông, Chúa cảnh báo họ về cái bẫy của tài sản trần gian: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Với tư cách là Bậc thầy Thần linh, Chúa muốn chỉ cho các môn đệ và những người sẽ là tín đồ của mình, cách thức thực sự và hiệu quả để xử lý tài sản trần thế. Chúa làm điều này bằng cách kể một dụ ngôn về kẻ tích trữ cách ngu ngốc. Kẻ này háo hức mong chờ một cuộc sống dư dả và nhàn hạ, mà không biết rằng mình sẽ chết ngay trong đêm hôm đó.

Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong dụ ngôn người giàu có ngu ngốc mang một nét sắc bén và một giọng điệu phán xét: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12, 21). Bản cáo trạng chống lại những người bị ám ảnh bởi của cải vật chất phải khiến chúng ta tập trung vào những gì là thiết yếu. Romano Guardini khẳng định: “Đây là sự phân chia rõ ràng giữa cái thiết yếu và cái không thiết yếu… Tài sản vĩnh cửu hay tài sản tạm thời – cái nào là thiết yếu? Dĩ nhiên, những cái vĩnh cửu là thiết yếu, vì những cái khác sẽ tàn lụi… Người ta càng nhận thức rằng Đức Kitô là Đấng cần thiết, thì họ sẽ càng ít quan tâm đến mọi thứ khác”.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Tôi xử lý của cải vật chất và của cải tạm thời như thế nào? Xử lý một cách ám ảnh, hay với tự do và trí tuệ thực sự?

–      Tôi làm thế nào để trả lời bản cáo trạng của Đức Kitô: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”?

–      Tôi có nhận thức sâu sắc rằng Đức Kitô là Đấng cần thiết không? Nhận thức này ảnh hưởng đến các lựa chọn và hành động hằng ngày của tôi như thế nào?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Cha nhân từ, Cha là nguồn mạch mọi điều tốt lành và giàu lòng thương xót, Cha ban cho chúng con món quà lớn nhất – là Chúa Giêsu Con Cha, Đấng thiết yếu và là điều tốt lành tối thượng. Ngài là Vị Thầy thần linh mời gọi chúng con tin cậy vào sự quan phòng của Cha và xử lý tài sản trần thế một cách khôn ngoan. Xin đổ đầy chúng con sự quan tâm đối với những người nghèo, người đói khát và người thiếu thốn để chúng con biết chia sẻ với họ những phúc lành của Cha. Xin cho chúng con lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu. Trong Ngài, Cha đã tỏ cho chúng con thấy sự giàu có vô biên của ân sủng của Cha. Cha hằng sống và hiển trị mãi mãi. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Tôi cảm ơn Chúa vì những phúc lành đã nhận được từ Ngài.

–      Tôi xin Chúa soi sáng cho tôi biết cách chia sẻ với những người khác, tài sản mà tôi đã nhận được từ Chúa.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.