Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV-TN, 30-01-2023 Mc 5, 1-20  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài bẻ gãy quyền lực sự dữ”

LECTIO DIVINA

Thứ Hai Tuần IV-TN, 30-01-2023

Mc 5, 1-20

 Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài bẻ gãy quyền lực sự dữ

1.LECTIO

Thần ô uế kia, xuất khỏi người này !

Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay (Mc 5, 1-20), ta thấy mô tả khủng khiếp về con quỷ ở Gêrasênê bị Chúa Giêsu trục xuất. Con quỷ liên tục rạch cắt mình mẩy. Nó bẻ gãy xiềng xích và đập tan những thanh sắt ở chân nó để gây hại nhiều hơn cho chính bản thân nó. Quyền lực của sự dữ chiếm hữu nó là một ‘đạo binh’ (nghĩa đen là sáu ngàn bộ binh, cộng với kỵ binh và một số chuyên viên kỹ thuật). Nó vượt quá tầm kiểm soát và bị đánh mất chính mình. Nó tự lái chính mình vào sự tự diệt. Con quỷ sống trong tình trạng chết chóc, trú ngụ giữa những mồ mả, nơi chết chóc và trên sườn đồi hoang vu, biểu tượng của sự hoang vắng, cô đơn và nguy hiểm.

Chúa Giêsu Nagiaret, Đấng vừa khuất phục biển cả, đã gặp gỡ người Gêrasênê tự hủy hoại chính mình. Bằng một hành động thương xót, Chúa giải thoát người ấy khỏi những thế lực sự dữ. Người Gêrasênê được giải phóng, dù không được chọn để thuộc về nhóm Mười Hai, thì vẫn được Chúa Giêsu sai về lại gia đình của anh ta để làm chứng cho họ biết về lòng tốt của Chúa. Người Gêrasênê được chữa lành đã trở thành một nhà truyền giáo cho Vùng Thập Tỉnh (Mười Thành phố), nơi các người ngoại bang cư trú. Người Gêrasênê đó chuẩn bị nơi cho Chúa Giêsu trở lại (x. Mc 7, 31) và chuẩn bị cho tác vụ chữa lành cho những người không phải là người Do Thái. Thật vậy, Tin Mừng có ý nghĩa cho tất cả mọi dân tộc, và quyền năng vĩ đại của Chúa Giêsu là để giải phóng mọi người khỏi quyền lực của tội lỗi và sự dữ.

2.MEDITATIO
Có những khuynh hướng xấu ác nào đang chiếm hữu tôi, và ngăn cản không cho tôi trở nên người mà Thiên Chúa muốn tôi trở nên không ? Những khuynh hướng đó là gì ? Tôi phải xử thế nào với chúng ? Tôi có xin Chúa Giêsu giải phóng tôi khỏi những khuynh hướng xấu ác đó không ?
ĐTC Phanxicô nhận định : Đức tin Công Giáo của nhiều người ngày nay đang bị thách thức bởi sự nở rộ các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan trong khi một số khác đề nghị một linh đạo không có Thiên Chúa. Một mặt, đây là một phản ứng của con người trước một xã hội duy vật, tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa, nhưng mặt khác, đây cũng là một sự khai thác sự yếu đuối của những người sống trong nghèo khổ và bên lề xã hội, những người đang tranh đấu để sinh tồn trong tình trạng đau khổ nặng nề của con người và đang tìm những giải pháp trước mắt cho các nhu cầu của họ. Không thiếu sự sắc sảo, các phong trào tôn giáo này xuất hiện, trong một bối cảnh văn hoá đậm nét cá nhân chủ nghĩa, để lấp đầy khoảng trống do chủ nghĩa duy lý thế tục để lại. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một phần các tín hữu đã rửa tội của chúng ta thiếu ý thức thuộc về Hội Thánh, đó cũng là do một số cơ cấu và một số bầu khí thiếu thân thiện cởi mở tại một số giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, hoặc cũng do tính quan liêu trong cách xử lý các vấn đề đơn sơ hay phức tạp trong đời sống các tín hữu của chúng ta. Tại nhiều nơi, phương thức quản trị lấn lướt phương thức mục vụ, cũng như sự tập trung vào việc ban các bí tích tách rời với các hình thức truyền giáo khác” (Evangelii Gaudium, 63).
3.ORATIO

Lạy Chúa Giêsu, xin giải cứu chúng con khỏi sự dữ. Như Chúa đã giải cứu người Gêrasênê khỏi sức mạnh của ma quỷ, xin Chúa cũng giải phóng chúng con khỏi những khuynh hướng tội lỗi và những cơn nghiện xấu xa dẫn đến tự hủy hoại bản thân. Xin cho máu Chúa đổ ra trên thập giá rửa sạch chúng con. Chớ gì chúng con biết công bố lòng thương xót của Chúa cho mọi dân nước. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Anh ta rao truyền tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh

5.ACTIO

Bằng những hành động thương xót, tôi mang năng lực giải thoát của Chúa Giêsu đến cho những người đang ở trong những hoàn cảnh bị áp bức, ví dụ: những người liên quan đến việc lạm dụng chất kích thích và ma túy, những nạn nhân của bạo lực tình dục, v.v…

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.