Lời Chúa CHÚA NHẬT IV-TN_A, 29-01-2023 Mt 5, 1-12a “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là hiện thân của các Mối Phúc”

LECTIO DIVINA

CHÚA NHẬT IV-TN_A, 29-01-2023

Mt 5, 1-12a

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là hiện thân của các Mối Phúc

1.LECTIO

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó

Trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay, chúng ta được tiếp xúc một lần nữa với Lời hằng sống của Đức Kitô. Trong cuộc họp của các tín hữu, chúng ta lại nghe Chúa Giêsu công bố Các Mối Phúc. Là một phần của diễn từ khai mạc của Chúa được phát biểu trên một trong những ngọn đồi gần Ca-phác-na-um, Các Mối Phúc là một sự mặc khải tinh tế và là “bản tóm tắt” ý nghĩa của việc làm môn đ Đức Kitô. Trong các Mối Phúc, Chúa Giêsu – Môsê mới giảng dạy trên núi mới của sự mặc khải – cung cấp cho chúng ta nền tảng của luật pháp Nước Trời và chỉ cho chúng ta con đường hoàn thiện của Kitô giáo. Theo Aelred Rosser: “Các Mối Phúc là bức chân dung của chính Chúa Giêsu: nghèo khó, hèn mọn, thương xót, trong sạch, hiếu hòa, bị bách hại, sầu khổ, đói khát sự công chính”. Tuy nhiên, các Mối Phúc không chỉ là một mô tả về Đức Kitô, mà còn là một bức chân dung của một Kitô hữu lý tưởng. Để cảm nghiệm trọn vẹn các mối phúc của Thiên Chúa, các môn đệ của Đức Kitô được mời gọi sống mãnh liệt cuộc đời của Chúa Giêsu, là một người nghèo khó, hèn mọn, hay thương xót, trong sạch, hiếu hòa, bị bách hại, sầu khổ, đói khát sự công chính.

Harold Buetow cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc thú vị về các Mối Phúc.

Mối Phúc thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3). Đây là chìa khoá (ý chủ đạo) quan trọng của toàn bộ Bài giảng trên núi. Chúa Giêsu gọi người may mắn không phải là người không có gì dư thừa, mà là người không có gì cả. Anawim là những người thiếu thốn của cải vật chất ; vì họ nghèo, nên họ không có ảnh hưởng ; vì họ không có ảnh hưởng, họ bị người khác chà đạp ; và bởi vì họ không có tài sản trần gian, họ đặt trọn niềm tin cậy nơi Thiên Chúa. Chúa Giêsu không bảo nghèo về vật chất là một điều tốt và Ngài cũng không lên án tham vọng. Điều bị Chúa Giêsu lên án là lòng yêu mến quá mức đối với tài sản, khiến không thể quan tâm cách có ý nghĩa đến những người đau khổ.

Mối Phúc thứ hai: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4). Mối Phúc thứ hai nói về kẻ hiền lành, khiêm nhường trên trái đất, những người noi theo những phẩm tính dịu dàng và nhân từ của Thiên Chúa. Người hiền lành là người tự chủ – hay đúng hơn là được Thiên Chúa điều khiển. Người ta không thể lãnh đạo người khác bao lâu chưa kiểm soát được chính mình. Và như vậy người hiền lành sẽ được thừa kế đất đai.

Mối Phúc thứ ba : “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5, 5). Ở đây Chúa Giêsu nói về nỗi sầu khổ theo nghĩa mạnh nhất: những người đau buồn mãnh liệt vì mất đi người mình yêu thương: vì người đã chết, người không còn nữa, người đã ra đi – hoặc vì tội lỗi của mình. Nỗi sầu khổ làm cho trái tim đau đớn và đôi mắt rướm lệ. Với những ai lầm tưởng rằng những người có đức tin mạnh mẽ sẽ không sầu khổ, Chúa Giêsu nói rằng điều đó là đúng, và rằng những người sầu khổ sẽ được an ủi vì nghịch cảnh cũng có ích lợi của nó. Một câu ngạn ngữ Ả Rập khẳng định: “Toàn bộ ánh nắng mặt trời tạo nên một sa mạc”. Thật vậy, một số loài hoa chỉ sinh ra nhờ mưa ; màu sắc mãnh liệt của những loài hoa khác chỉ có, nhờ không khí lạnh trên núi ; một số sự trưởng thành của con người đòi hỏi sầu khổ như hạt mầm của nó.

Mối Phúc thứ tư: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5, 6). Đây là những người nồng nàn khao khát sự tốt lành giống Thiên Chúa. Khi chúng ta khao khát mãnh liệt sự thánh thiện mà Chúa Giêsu muốn có nơi chúng ta và sẵn sàng trả giá, thì chúng ta có thể sống mãi về mặt thiêng liêng.

Mối Phúc thứ năm: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7). Lòng thương xót không phải là một sự thương hại về tình cảm, cũng không phải là sự thờ ơ với những điều sai trái, mà là khả năng đồng cảm với người khác, sẵn lòng chịu đựng họ và đặt mình vào hoàn cảnh của họ.

Mối Phúc thứ sáu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Tâm hồn trong sạch là người có nội tâm đơn thuần thúc đẩy họ phục vụ Thiên Chúa một cách vui vẻ vì Chúa, chứ không phải vì tư lợi. Họ không ăn ở hai lòng, cũng không pha trộn hay giả mạo. Người có tâm hồn trong sạch nhìn thấy Thiên Chúa và phân định được sự hiện diện của Ngài trong những biến cố nhỏ nhặt và bình thường của đời sống họ.

Mối Phúc thứ bảy: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Những người xây dựng hòa bình thúc đẩy sự hòa hợp trong cộng đồng con người và nỗ lực hòa giải các cuộc cãi vã. Những người cổ võ hòa bình thiết lập các mối quan hệ đúng đắn giữa con người với con người, và làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sống. Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa vì Cha trên trời của chúng ta là Thiên Chúa của hòa bình, và Chúa Giêsu, Anh của chúng ta đã đến mang hòa bình cho thế gian.

Mối Phúc thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 10-12a). Sự trung thành với Chúa Giêsu càng thêm sâu đậm bởi thử thách của sự bắt bớ. Đối với những Kitô hữu đích thật, bị bách hại ở một mức độ nào đó là không thể tránh khỏi. Được gọi là lương tâm của thế giới, họ phải lên tiếng bất cứ khi nào đạo đức bị xâm phạm và phải tuân giữ các giá trị của Đức Kitô.

Chúa Giêsu, trên núi Bát Phúc, thúc giục chúng ta kiểm tra đời sống của mình theo tinh thần của Nước Thiên Chúa. Sự chăm sóc và tình yêu mà Ngài dùng để nuôi dưỡng các môn đệ và đám đông háo hức với bánh là Lời hằng sống của Ngài nhằm gợi ý cho chúng ta yêu thương và chăm sóc dân của Ngài.

2.MEDITATIO  
Tôi có sẵn sàng đón nhận vào trong lòng tôi thử thách của các Mối Phúc và tuân theo sự dạy dỗ triệt để của Đức Kitô về các nguyên tắc của nước Thiên Chúa không ?
Khi mặc khải cho chúng ta các nguyên tắc của các Mối Phúc, tôi có tin rằng Đức Kitô đang kêu gọi tôi đến một trải nghiệm sâu sắc hơn về niềm vui và sự thân mật với Thiên Chúa, là Cha nhân từ của chúng ta không ?
Tôi có tin rằng tôi đang được kêu gọi để có một tình yêu và sự phục vụ đáng kinh ngạc đối với dân của Thiên Chúa không ?
Kinh nghiệm của tôi về niềm vui và khó khăn trong cuộc sống cụ thể thường ngày từ các Mối Phúc là gì ?
3.ORATIO  

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là hiện thân của các Mối Phúc. Xin giúp chúng con có tinh thần nghèo khó, luôn tin tưởng vào sự trợ giúp và sức mạnh thần thiêng của Chúa, để Nước Thiên đàng là của chúng con. Xin giúp chúng con than khóc, khiêm tốn tuân phục thánh ý thiêng liêng của Chúa, để nỗi đau buồn của chúng con được biến đổi thành niềm vui và sự an ủi. Xin giúp chúng con sống hiền lành và khiêm nhường để hòa bình ngự trị trên trái đất. Xin giúp chúng con đói khát sự thánh thiện của Chúa để chúng con được no thoả. Xin giúp chúng con biết thương xót để chúng con được xót thương và lòng trắc ẩn. Xin giúp chúng con sống trong sạch và một lòng một dạ với Chúa để chúng con nhìn thấy Thiên Chúa trong các biến cố thuờng ngày của đời chúng con và được nhận vào Nước đời đời của Ngài. Xin giúp chúng con trở nên những người kiến ​​tạo hòa bình và xây dựng một thế giới hài hòa hơn để chúng con được gọi là con của Thiên Chúa. Xin giúp chúng con đón nhận sự đau khổ, nhạo báng và bách hại vì nước Chúa để chúng con được thưởng lớn lao trên thiên đàng. Lạy Chúa của các kẻ hèn mọn, xin nhân từ nhìn đến chúng con và xin ưu ái với chúng con, cùng làm cho chúng con khao khát sâu sắc các phúc lành vĩnh cửu. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Người mở miệng dạy họ rằng : Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ

5.ACTIO  
Tôi chọn một Mối Phúc làm chương trình sống đạo đức – tâm linh, và cố gắng sống Mối Phúc đó cách mạnh mẽ hơn trong tuần này.
Để kỷ niệm món quà là các Mối Phúc do Chúa Giêsu mặc khải, tôi cố gắng dành những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác

Comments are closed.