LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Thứ Bảy Tuần XII-TN, 26-6-2021
Mt 8, 5-17
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài chữa lành người đầy tớ của Viên đại đội trưởng”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời”.
Tin Mừng hôm nay (Mt 8, 5-17) mô tả một trong những nhân vật đáng yêu nhất trong Tin Mừng, đó là Viên đại đội trưởng La Mã. Ông này đến bên Chúa Giêsu, và nói với Chúa: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Ông ta là một người có lòng thương cảm bao la, vì đã cầu xin cho một người đầy tớ đau đớn. Ông hùng mạnh về sức mạnh quân sự, nhưng khiêm tốn và dịu dàng. Ông là người nước ngoài, nhưng thông cảm với người Do Thái. Ông tôn trọng văn hóa Do Thái vì ông không muốn Chúa Giêsu bị ô uế do việc vào nhà ông là người ngoại giáo. Thật là lớn lao niềm tin của ông ấy vào sức mạnh chữa lành của Chúa Giêsu, khi ông ấy khiêm tốn nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”! Chúa Giêsu bày tỏ sự ngạc nhiên và vui mừng trước yêu cầu của ông. Chúa chữa lành cho người đầy tớ đau khổ của ông và Chúa ca ngợi đức tin lớn lao của ông.
Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng đức tin – được thể hiện trong lòng tốt, lòng thương cảm và sự khiêm nhường – sẽ cho phép chúng ta chia sẻ những lời Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Tôi có biểu lộ đức tin, lòng thương cảm và các đức tính giống như Viên đại đội trưởng La Mã chăm sóc một người đầy tớ đau khổ không?
– Tôi có chú ý đến cách Chúa Giêsu đã không chờ đợi để được cầu xin? Để bắt chước Ngài, tôi có chờ đợi giúp đỡ người khác cho đến khi tôi được yêu cầu không? Tại sao?
– Tin Mừng của Chúa Giêsu, ngay từ đầu, không phải là một giáo lý hay đạo đức, cũng không phải là một nghi thức hay một loạt các quy tắc, nhưng là một kinh nghiệm sâu sắc và xác thực về Thiên Chúa, Đấng đáp ứng những gì trái tim con người khao khát, và chứa đựng trong đó bản tổng kết của hai điều răn lớn nhất. Vậy, làm thế nào để giáo lý, luân lý và chỉ dẫn của Giáo Hội, mang lại cho tôi kinh nghiệm sâu sắc và xác thực về Thiên Chúa? Những thực hành tâm linh nào giúp mang lại trải nghiệm này cho tôi?
– Nhiều người và nhiều tôn giáo tuyên bố sẽ cung cấp một kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa. Đây cũng là một lĩnh vực, trong đó, Satan, kẻ lừa dối, là chuyên gia. Tôi làm thế nào nhận ra kinh nghiệm xác thực từ một người chỉ cảm thấy tốt hay một người chỉ thỏa mãn những ham muốn trần thế của tôi vào lúc này?
– Hai ngàn năm trước, không có Internet, không có trung tâm mua sắm, không có tivi hay phim ảnh, không có máy in, v.v. Tôn giáo làm thoả mãn cuộc sống con người. Liệu kinh nghiệm của Viên đại đội trưởng có thể xuất hiện trong thời nay, là thời có rất nhiều nghi ngờ, lựa chọn thay thế và phiền nhiễu? Tôi hoán cải thế nào để Thiên Chúa trở thành trung tâm cuộc sống của tôi?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm ơn Chúa vì nhân cách rất giá trị của Viên đại đội trưởng La Mã. Ông ta là một hình mẫu đặc biệt về lòng thương cảm, lòng tốt, sự khiêm tốn và niềm tin vào Chúa. Cùng với ông ta, chúng con muốn thưa lên với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Chúng con tôn vinh và khen ngợi Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
Tôi thể hiện lòng thương cảm, sự tôn trọng và tình yêu quan tâm đối với mọi người xung quanh, đặc biệt là đối với người dưới ; và tôi nâng cao phẩm giá của họ.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.